Thư 1Têsalônica, bài 3
Tin Vui Từ Têsalônica
1Têsalônica 3:1–13
Vì bị ngăn trở không thể đến Têsalônica như dự định, sứ đồ Phaolô đành ở lại thành Athen, thủ phủ Hylạp, và phái Timôhtê thay mặt ông đến thăm Hội Thánh ở Têsalônica để “tăng cường và khích lệ đức tin” của họ (1–2). Timôthê là người phụ giúp mà Phaolô rất cần, nhưng ông sẵn lòng để Timôthê đi thăm anh chị em tín hữu ở Têsalônica, còn ông thì ở lại Athen. Phaolô xem ích lợi của tín hữu ở Têsalônica nặng hơn lợi ích riêng của ông. Mặc dù Phaolô xem Timôthê là người con tinh thần của mình, nhưng chỗ nầy ông bày tỏ sự tôn trọng gọi Timôthê là “người anh em chúng tôi,” dù ông là sứ đồ, còn Timôthê chỉ là một môn đồ của ông (2). Gương nầy nhắc nhở những ai đang hầu việc Chúa cần nhớ rằng, dù mình có địa vị cao trọng đến đâu, mình cũng chỉ là những nhân công đồng làm việc với nhiều nhân công khác trong vườn nho của Đức Chúa Trời. Điều đó sẽ giúp mỗi người nhận thức được nhiệm vụ của mình là hỗ trợ các anh chị em khác, thay vì lòng đố kỵ, hiềm khích, ganh ghét nhau.
Phaolô sai Timôthê đi Têsalônica để ‘tăng cường và khích lệ đức tin’ của họ với mục đích là “để không một ai bị nao núng bởi sự hoạn nạn đang xảy ra” (3). Nghĩa là Phaolô sợ rằng đức tin của họ bị suy yếu khi phải phải đối diện với hoạn nạn bắt bớ vì lòng tin vào Đấng Christ. Sự ước mong của Phaolô là không một ai trong vòng các tín hữu tại Têsalônica bị hoạn nạn làm cho nao núng tinh thần mà dời đổi đức tin. Ông xác nhận là “hoạn nạn đang xảy ra, vì chính anh em biết đó là điều chúng ta phải chịu” (3). Sự chống đối của những người Giuđa cuồng nhiệt với Do-thái giáo đối với Tin Lành của Đức Chúa Giêxu Christ, khiến họ không từ bỏ một thủ đoạn độc ác và đê hèn nào chống lại tín đồ của Đức Chúa Giêxu. Vì thế, Phaolô nói rằng “Khi còn ở với anh em chúng tôi đã báo trước là chúng ta đều phải chịu hoạn nạn. Và điều đó đã xảy ra” (4).
Bây giờ khi những người Têsalônica bắt đầu nếm chịu những gì các sứ đồ và các nhà truyền giáo đã gánh chịu trong biết bao nhiêu năm qua, thì Phaolô ngại rằng họ sẽ không chịu nổi sự bắt bớ và tấn công đó mà vấp ngã trong đức tin của họ. Ông bộc bạch “khi đã không nén lòng được nữa, tôi phái Timôthê đến để biết đức tin anh em ra sao” (5). Satan, kẻ thù của mọi tín hữu, một kẻ thù rất tinh ranh và quỷ quyệt, đã được dựng nên từ rất lâu đời, đã đứng trong vinh quang của Đức Chúa Trời. Hắn biết tất cả các nhược điểm trong quá khứ của mỗi người, và cũng biết rõ tâm lý của loài người nữa. Vì biết kẻ thù của mình nguy hiểm ra sao; cho nên Phaolô nói ông “sợ rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em,” Satan là kẻ cám dỗ, sẽ không bỏ lỡ một cơ hội nào dụ dỗ tín hữu lìa bỏ đức tin của họ.
Phaolô sợ hậu quả của sự cám dỗ đó sẽ là “công khó của chúng tôi trở nên vô ích” (5). Nếu kẻ thù đã thành công trong việc lung lạc đức tin của các tân tín hữu, họ sẽ mất tất cả những gì họ đã nhận được, và mọi công khó của đoàn truyền giáo cũng trở nên vô dụng. Công việc và ý định của satan là ngăn trở con dân Chúa rao truyền Tin Mừng. Nếu không ngăn được Lời Chúa và các giáo lý của Ngài, thì nếu có thể được, hắn sẽ ngăn trở, phá phách không cho sự truyền giáo được thành công bằng cách tạo ảnh hưởng và phá hoại các thành quả truyền giáo đã đạt được. Như thế, những nhà truyền giáo chân chính của Đức Chúa Trời luôn luôn lo nghĩ đến thành quả của công lao mình. Không ai muốn công khó, thời gian, và sức lực của mình trở nên vô ích. Để ngăn ngừa việc đức tin của người Têsalônica có thể bị lung lay, Phaolô đã cảnh giác họ trước (4).
Trái với điều sứ đồ Phaolô lo lắng, tin vui do Timôthê đem về từ Têsalônica đã làm cho ông quá đỗi vui mừng: “Timôthê vừa từ nơi anh em về, báo cho chúng tôi tin mừng về đức tin và tình yêu thương của anh em, cũng cho biết anh em luôn luôn nhớ đến chúng tôi với lòng kính mến tha thiết mong gặp lại chúng tôi” (6). Như vậy, chẳng những đức tin họ đã không nao núng, mà lòng yêu thương kính mến vẫn đầy tràn. Tình yêu thương của họ dành cho Phaolô là vì họ yêu mến phúc âm của Đức Chúa Trời; mà Phaolô là sứ giả đã đem phúc âm ấy đến cho họ. Tên của các vị sứ đồ đã trở thành hết sức thân yêu đối với họ. Vì họ thường nghĩ đến các vị sứ đồ mà Chúa đã sai đến, những gì mà họ đã nhận được từ các vị ấy, đã trở thành hết sức quý báu, đến nỗi họ đang “tha thiết mong gặp lại” vị sứ đồ. Tình yêu thương lẫn nhau khiến Phaolô nói “cũng như chúng tôi mong gặp lại anh em.”
Tin mừng từ Têsalônica đem tới sự an ủi và rất hài lòng cho vị sứ đồ kiệt xuất. Ông nói rằng: “Cho nên, thưa anh em, chính nhờ đức tin của anh em, chúng tôi được an ủi trong cơn hoạn nạn khốn khó của chúng tôi. Và hiện nay chúng tôi sống là vì anh em đứng vững vàng trong Chúa”
(7–8). Phaolô cho rằng tin vui nầy về tín hữu ở Têsalônica đã đủ bù đắp cho tất cả các khó khăn và hoạn nạn mà ông phải chịu. Ông sẽ dễ dàng chịu đựng sự khốn khổ, hay bách hại, hoặc tranh đấu với bên ngoài, khi ông thấy thánh vụ của mình thành công mỹ mãn, là những tân tín hữu vẫn vững vàng trong đức tin của họ vào Tin Mừng cứu độ của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu. Nỗi lo sợ về việc ông đã khổ công vô ích nay đã tan biến. Sự kiện ấy đã truyền sinh khí mới vào vị sứ đồ; khiến tinh thần ông hăng hái và càng thêm năng nổ trong công việc Chúa (8).
Tin vui ấy khiến cho lòng biết ơn Đức Chúa Trời trong Phaolô càng gia tăng; trong ông tràn trề sự vui mừng, vang dậy lời ca tụng ngợi khen, và trào dâng lời tạ ơn: “Chúng tôi biết nói gì để cảm tạ Đức Chúa Trời, về tất cả niềm vui mừng anh em đem lại cho chúng tôi trước Đức Chúa Trời chúng ta?” (9). Chúng ta cần học biết sự tạ ơn Chúa mỗi khi lòng mình tràn ngập vui mừng. Phaolô nói rằng ông không biết dùng lời gì để diễn tả nỗi vui mừng của ông, và cũng không biết dùng lời tiếng gì để dâng lên Chúa lời tạ ơn sâu xa vì đức tin vững vàng của tín hữu ở Têsalônica trong lúc ông vắng mặt, mà họ lại bị tấn công, bắt bớ, từ kẻ thù của Đức Chúa Giêxu Christ. Nỗi vui mừng cho sự an lành của tín hữu Têsalônica không lấn át lòng biết ơn Chúa và ước ao dâng vinh quang cho Ngài trong lòng của Phaolô.
Phaolô nói rằng ông cầu nguyện ngày và đêm: “Ngày đêm chúng tôi thiết tha cầu nguyện để được thấy mặt anh em, và để bổ túc những gì đức tin anh em còn thiếu” (10). Một sứ đồ có những sự hiểu biết sâu về các huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, thì nếp sống cầu nguyện của ông cũng rất sâu sắc và nóng cháy. Cầu nguyện thiết tha không phải là lời cầu xin chiếu lệ hay hời hợt, dù vui mừng về tín hữu ở Têsalônica, Phaolô biết rằng đức tin của họ về Chúa và các chương trình của Ngài vẫn còn thiếu. Vì thế ông cầu xin Chúa cho ông có cơ hội trở lại gặp họ để dạy dỗ thêm về các sự thiếu sót đó. Dù người giỏi đến đâu vẫn có những nhu cầu trong đức tin. Đối với người chưa thật trưởng thành trong đức tin, thường có những sự mầu nhiệm về giáo lý mà họ chưa hiểu thấu hay tin tưởng đầy đủ; cho nên, tham dự các buổi học Kinh thánh và giảng dạy là cần thiết.
Phaolô cầu xin chính Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu tạo cơ hội cho ông được gặp lại họ
(11). Trong hoàn cảnh cách xa nhau, thì lòng ước ao mong mỏi mọi điều tốt lành cho anh chị em mình trong Chúa chỉ có thể thực hiện bằng lời cầu nguyện, khẩn xin bằng tất cả lòng chân thành. Phaolô “cầu xin Chúa cho tình anh em yêu thương nhau và yêu thương mọi người càng gia tăng tha thiết, cũng như tình chúng tôi yêu thương anh em vậy” (12). Chẳng phải chỉ yêu thương nhau mà còn phải biết yêu thương mọi người.
Tình yêu thương thanh sạch trên là nhân tố để tín hữu được Chúa “làm cho vững chí, được thánh khiết không chỗ chê trách trước mặt Đức Chúa Trời” (13). Khi chúng ta càng tăng trưởng trong ân điển, đặc biệt là ân điển về tình yêu thương, thì chúng ta càng vững vàng trong đức tin. Thánh khiết là điều kiện căn bản để được vào thiên đàng và thấy mặt Đức Chúa Trời. Việc ấy sẽ diễn ra “khi Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta đến, cùng với tất cả các thánh đồ của Ngài.” Vậy thì, đời sống được đổi mới và trưởng thành bây giờ trong tình yêu thương nhau và yêu người bị hư vong, là điều mà mỗi con cái Chúa phải theo đuổi và thực hiện cho đẹp ý Chúa.
1Tesalonica03.docx Rev. Dr. CTB