Thư 1Têsalônica, bài 4
Nếp Sống Thánh Khiết
1Têsalônica 4:1–12
Trong đoạn nầy, sứ đồ Phaolô đưa ra những lời khuyên giục chân thành về nếp sống thánh khiết ngày càng hơn của mỗi Cơ-đốc-nhân, lời dặn dò là phải thận trọng không sống đời ô uế, kèm theo các lý do phải làm như vậy, những bổn phận của tình yêu thương huynh đệ, và những điều cần phải làm để khiến người chưa tin phải cảm phục gương mẫu sống của con cái Chúa là thể nào. Khi Phaolô nói rằng ông “nhân danh Đức Chúa Giêxu yêu cầu và khuyến khích anh em hãy cứ tấn tới hơn nữa” (1), thì đó là một lời khuyên giục rất nghiêm túc, mặc dù ông yêu thương họ bằng tình anh em trong Chúa. Sự tấn tới mà họ cần là “phải sống thế nào cho đẹp lòng Đức Chúa Trời,” vì ông đã dạy dỗ họ điều đó. Nghĩa là bổn phận phải sống ra sao để được Đức Chúa Trời đẹp lòng đã được chỉ dẫn đầy đủ qua gương mẫu của vị sứ đồ. Không phải chúng ta chỉ giữ đức tin của Phúc-âm, mà còn phải tăng trưởng và thực hiện công việc của đức tin ấy nữa.
Việc thực hiện các hành động để bày tỏ hay thực hành đức tin thì Phaolô “đã cậy uy quyền Đức Chúa Giêxu, truyền cho anh em những chỉ thị nào, anh em biết rồi” (2). Kế hoạch của Phúc âm là dạy cho loài người không phải chỉ là những gì họ phải tin, mà còn là họ phải sống như thế nào nữa. Vị sứ đồ đã dạy cho tín hữu ở Têsalônica phải thực hành cách sống ra sao; ông không dạy họ chỉ nói mà không làm. Nói giỏi mà không sống giỏi thì chẳng bao giờ có thể đưa chúng ta về thiên đàng. Vấn đề nầy rất quan trọng; cho nên, sứ đồ Phaolô phải viện tới uy quyền của Đức Chúa Giêxu để truyền lệnh. Lãnh vực thực hành cách sống theo sự dạy dỗ của Phúc-âm là lãnh vực mà tín hữu thường xem nhẹ, không mấy quan tâm, vì cho rằng mình sẽ vâng lời hay không vâng lời cũng chẳng sao, vì đó là sự quyết định trong tâm trí mình, chẳng ai biết được.
Người nào suy nghĩ như vậy là rất sai lầm trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Vì chúng ta không thể giấu giếm điều gì trong lòng mình mà Đức Chúa Trời không biết. Kế đến là sự thưởng phạt chắc chắn sẽ xảy ra, vì Đức Chúa Trời không phải là một vị thần mơ hồ, giống như các thứ thần thánh tưởng tượng khác chẳng có quyền lực gì. Ngài cho biết rõ ràng về cách chúng ta phải sống: “Đây là ý muốn của Đức Chúa Trời: anh em phải nên thánh, nghĩa là tránh gian dâm, mỗi người phải biết tiết chế bản thân, giữ cho thánh sạch và đáng tôn trọng” (3–4). Trong thư thứ nhì viết cho tín hữu ở Têsalônica, sứ đồ Phaolô giải thích: “Từ ban đầu Đức Chúa Trời đã chọn anh em, để cứu rỗi anh em nhờ Đức Thánh Linh thánh hoá và nhờ niềm tin đặt vào chân lý” (2Têsalôni -ca 2:13b), sở dĩ chúng ta phải sống thánh khiết vì “Đấng kêu gọi chúng ta là thánh” và Chúa cũng kêu gọi: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (1Phierơ 1:15, 16).
Hầu như tất cả những rắc rối và tội ác xảy ra trong xã hội xưa nay đều bắt nguồn từ sự tham lam tiền bạc và dâm dục. Xã hội càng văn minh giàu có chừng nào, các tội lỗi về gian dâm càng thêm nhiều chừng đó. Tình trạng xã hội ngày xưa cũng không khác ngày nay là mấy. Vì lý do đó, sứ đồ Phaolô dặn tín hữu ở Têsalônica “không đam mê dục vọng như dân ngoại, là người không biết Đức Chúa Trời” (5). Những người chưa tin Chúa, không biết chút nào về đức thánh khiết và công nghĩa của Ngài, cũng không biết hình phạt sẽ giáng xuống trên mình, nên cuộc sống của họ chìm đắm trong sự đam mê dục vọng, phạm sự gian dâm không biết chán, không có một ý niệm nào về một đời sống thánh sạch và đáng tôn trọng.
“Về vấn đề nầy, không ai được xúc phạm hay lừa gạt anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt những người làm điều ấy, như chúng tôi đã bảo trước, đã nghiêm nghị cảnh cáo” (6). Những tội về sự ô uế, không thánh sạch, vv., không phải chỉ nằm trong các hành động gian dâm của xác thịt mà còn bao gồm cả những hành động lừa đảo, lường gạt hay gian dối. Câu nầy cũng nói đến các hành động áp bức, bất công, cố ý lừa dối người khác. Trong nhiều trường hợp, những hành động nầy bắt nguồn từ thứ tội gian dâm ô uế. Có nhiều sự dối trá, lừa gạt được giữ kín lâu dài, không bị bại lộ đối với loài người; nhưng Đức Chúa Trời là Đấng báo trả cho các điều gian
dối ấy; bởi vì Ngài muốn mọi con dân Ngài phải sống thánh khiết để xứng đáng được vào hưởng
nước trời.
Cộng với lý do là Chúa sẽ trừng phạt những người nào là tín hữu mà phạm những tội vừa nói trên, còn thêm một lý do nữa là: “Vì Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta vào một nếp sống ô uế, nhưng thánh khiết” (7). Loại tội lỗi ô uế là nghịch lại với bản chất và kế hoạch của Chúa kêu gọi chúng ta. Luật lệ của Đức Chúa Trời cấm ngặt tất cả những gì không thanh sạch, và Tin Lành còn đòi hỏi chúng ta vào sự thanh sạch cao hơn nữa, vì Tin Lành ấy gọi chúng ta từ chỗ ô uế vào sự thánh khiết. Sự xem thường luật của Đức Chúa Trời và Tin-lành của Ngài tức là khinh thường chính Ngài. Vì vậy, Phaolô nói rằng: “Vậy, ai khước từ chỉ thị nầy, không phải khước từ người ta nhưng khước từ Đức Chúa Trời” (8). Mọi tư tưởng ô uế chất chứa trong lòng thành hành động bề ngoài đều làm buồn lòng Đức Thánh Linh, vì trái ngược với bản tính thánh khiết của Ngài, khiến Ngài phải lìa bỏ tấm lòng ô uế đó; làm buồn lòng Đức Thánh Linh là từ khước Đức Chúa Trời. Trong nếp sống thanh sạch và đáng tôn trọng thì có một số bổn phận mà tín hữu phải giữ gìn như những đức tính đương nhiên phải có, phát xuất từ tình yêu thương nhau trong một gia đình, đó là tình yêu thương huynh đệ: “Về tình huynh đệ, không cần ai viết gì cho anh em cả, vì chính
mình anh em đã được Đức Chúa Trời dạy phải thương yêu nhau” (9). Ai thực hiện bổn phận ấy, chứng tỏ mình đã nhận được sự dạy dỗ từ Đức Chúa Trời. Sự biểu lộ tình thương yêu ấy cũng sẽ đem vinh quang đến cho Ngài nữa; vì tình yêu thương huynh đệ là sự sống của gia đình Chúa. Sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh siêu việt hơn mọi sự dạy dỗ từ loài người. Và người Têsalônica bày tỏ bằng chứng tốt là họ đã được Chúa ban cho sự dạy dỗ siêu việt ấy, vì họ “đang thể hiện tình huynh đệ cho toàn thể anh em trong cả miền Maxêđoan” (10). Bước đường trưởng thành và tiến lên cao ngày càng hơn của con cái Chúa không cho phép ý tưởng hài lòng về tình trạng hiện tại của mình, dù có được tiếng tốt đến đâu đi nữa. Vì thế Phaolô nói rằng “Nhưng chúng tôi khuyên anh em hãy cứ tấn tới hơn nữa” (10b). Khi chúng ta nẩy sinh ý tưởng hài lòng về tình trạng hiện tại của mình, thì sẽ không còn ý chí tiến lên. Khi chúng ta đứng lại trên thiên trình, không tiến tới nữa, chúng ta sẽ không thể đạt đến đích. Điều tai hại kế tiếp là việc tự mình đánh giá mình không bao giờ chính xác cả. Hãy để Chúa đánh giá con dân Ngài. “Hãy mong ước một cuộc sống trầm lặng, tự tay làm lụng, chăm lo công việc mình”(11). Đây không phải là lời khuyên về nếp sống ẩn dật không màng tới thế sự, nhưng là sống bằng tính tình trầm tĩnh, hoà nhã, và hành xử cách trầm lặng. Chúng ta phải biết tập luyện một cách sống trầm lặng trong trí não, vì người trầm lặng là người sáng suốt hơn người bận rộn ồn ào. Người biết giữ yên lặng cũng dễ thành công trong công việc mình, vì ít bị chi phối, phân tâm. “Tự tay làm lụng, chăm lo công việc mình” là không bon chen vào chuyện người khác, đua đòi tìm kiếm danh vọng hão huyền. Theo Chúa không có nghĩa là được giải toả khỏi công việc và bổn phận đã được giao cho mình, nhưng cuộc sống ấy dạy chúng ta phải biết siêng năng hoàn thành bổn phận. Có hai lý do mà chúng ta phải sống như vậy: Một là “nếp sống của anh em sẽ được người ngoài cảm phục” (12), nghĩa là có uy tín đối với người chung quanh, vì chúng ta sống cách ngay thẳng liêm chính vượt hẳn người đời. Đó sẽ là một cách sống bày tỏ được Phúc-âm của Chúa cho người chưa biết về Ngài. Mọi người chung quanh, kể cả những người thù ghét Chúa, cũng không có cớ nào để bêu xấu chúng ta. Lý do thứ hai là “anh em sẽ không thiếu thốn gì cả” (12b). Những người sống cách lười biếng là tự làm cho mình nghèo, tự giới hạn sự cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho bản thân và gia đình; sẽ bị thiếu thốn triền miên. Trong khi người chăm chỉ làm lụng sẽ không thiếu thốn gì cả, mà sống một cách thoải mái, không trở thành gánh nặng cho người khác. Người như vậy không có gì phải âu lo hay khổ sở.
1Tesalonica04.docx Rev. Dr. CTB