Thư 1Têsalônica, bài 5
Chúa Tái Lâm
1Têsalônica 4:13–18
Trong phần nầy, vị sứ đồ an ủi những người có thân nhân hay bạn hữu đã tin Chúa mà nay qua đời, để giúp họ giải toả sự ưu phiền quá độ. Khi đọc những lời trình bày các sự kiện sẽ diễn ra khi Đức Chúa Giêxu trở lại thế gian, chúng ta sẽ có được sự an ủi đặc biệt khi người thân của chúng ta qua đời trong Chúa. Nếu chúng ta có những sự đau buồn quá độ, thì tình trạng ấy khiến cho chúng ta bị xem như những người không có chút hi vọng gì. Vì thế Phaolô nói rằng: “Chúng tôi không muốn anh em chẳng hay biết gì về những người đã qua đời, để anh em khỏi phải buồn rầu như những người khác, là những người không có niềm hi vọng” (13). Những người không có Đức Chúa Giêxu trong đời sống sẽ chẳng có chút hi vọng nào về một sự sống tốt hơn, quý hơn ở đời sau. Nhưng chúng ta thì có một hi vọng vững chắc về sự sống vĩnh cửu mình sẽ được hưởng sau khi lìa khỏi đời nầy. Chúng ta biết điều nầy: “Điều gì Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền thực hiện” (Rôma 4:21). “Và đây là điều chính Ngài đã hứa ban cho chúng ta: Sự sống vĩnh cửu” (1Giăng 2:25). Hi vọng nầy là quá đủ để quân bình nỗi đau buồn khi mình bị mất người thân.
Cho đến bây giờ, chưa ai dám nói mình đã biết rõ về cái chết. Sự chết vẫn là một điều chưa ai biết, vì chưa ai trở về từ cõi chết để giải thích, trình bày rõ ràng cho người sống hiểu. Chúng ta chỉ thật sự biết về sự chết khi chúng ta chết, nhưng sau đó thì không ai có cơ hội trở lại cõi sống ở trần gian để nói cho người sống biết rõ tình trạng chết và tình trạng sau khi chết là như thế nào. Tín hữu thời Hội Thánh sơ lập thì dùng nhóm chữ “ngủ trong Đấng Christ” để nói về tín hữu đã qua đời (14) (1Côrinhtô 15:18). Đối với con cái Chúa thì sự chết không phải là bị huỷ diệt mà chỉ là một giấc ngủ, một sự yên nghỉ không bị ai quấy rầy; “họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn khó nhọc nữa” (Khải 14:13b). Như vậy, tín hữu nào nghỉ yên trong Chúa là những người hạnh phúc, vì được Ngài đem đi khỏi thế gian đầy nhọc nhằn khổ đau, để vào một thế giới tốt hơn. Tuy nhiên, đây là một tình trạng chờ đợi thời điểm cuối cùng của thế giới loài người sẽ diễn ra khi Chúa trở lại.
Thế thì, hi vọng của chúng ta là những người qua đời trong Chúa sẽ được sống lại vào ngày Chúa tái lâm: “Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Giêxu đã chết và sống lại, chúng ta cũng tin Đức Chúa Trời sẽ đem những người đã qua đời trong Đức Chúa Giêxu đến với Ngài” (14). Giáo lý về sự sống lại sau nầy của những người tin nhận Đức Chúa Giêxu trước khi họ qua đời, và giáo lý về sự tái lâm của Ngài là các liều thuốc giải độc chữa trị nỗi sợ hãi về sự chết cũng như niềm đau khổ quá độ của tín hữu nào có người thân cũng là tín hữu qua đời. Giáo lý nầy giúp chúng ta có được một sự bảo đảm chắn chắn, vì việc Đức Chúa Giêxu đã chịu chết và đã sống lại là nền tảng niềm tin của Cơ-đốc-giáo. Giáo lý ấy cũng cho chúng ta hi vọng về một sự sống lại đầy vui vẻ: “Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại, Ngài là Người đầu tiên của những người chết sống lại”
(1Côrinhtô 15:20).
Những sự kiện mà Phaolô cho biết sẽ diễn ra vào ngày Đức Chúa Giêxu tái lâm, vốn là điều mà Phaolô học được từ chính Chúa: “Chúng tôi xin tỏ cho anh em lời Chúa dạy” (15a). Vì thế, đó là các chi tiết không thể nghi ngờ rằng: “Chúng ta là những người đang sống, những người còn ở lại cho tới ngày Chúa đến, sẽ không đi trước những người đã qua đời” (15b). Câu nầy đưa ra một thắc mắc, cũng là lời giải đáp về nơi tạm ở của tín hữu đã chết chắc rằng không phải ở thiên đàng hoặc nơi cực lạc nào đó. Vì nếu những tín hữu qua đời sẽ về thiên đàng liền, thì đương nhiên họ đã là những người đi trước, còn những người còn sống tới ngày Chúa đến sẽ đi sau. Có lẽ thời ấy đã có sự tin tưởng rằng những người được Chúa rước đi vào ngày Ngài tái lâm sẽ lên thiên đàng trước những người chết cần phải qua một tiến trình sống lại. Phaolô cho biết rằng sự sống lại sẽ diễn ra trước sự kiện mọi tín hữu được cất lên không trung gặp Chúa. Như vậy thì nơi ở của các tín hữu đã qua đời là một nơi bình an trong khi chờ ngày được sống lại. Những sự kiện huy hoàng, vinh quang, ngoạn mục và hân hoan cực độ cho mọi con cái Chúa sẽ diễn ra trong chớp mắt: “Vì sẽ có hiệu lệnh thét lên, tiếng của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời vang dội, chính Chúa từ trời sẽ giáng xuống, và những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết” (16). Để trả lời cho những thắc mắc về chất của thân thể người sống lại: “có người sẽ hỏi, người chết sống lại cách nào? Lấy thể xác nào mà trở lại?”(1Côrinhtô 15:35), sứ đồ Phaolô trình bày huyền nhiệm nầy trong thư thứ nhất gửi cho người Côrinhtô: “Giống anh em gieo chỉ là cái hạt, … chứ anh em không gieo cây, là hình thể về sau mới có. … Sự sống lại của người chết cũng thế. Một thân thể hư nát được gieo ra, nhưng sống lại là một thân thể bất diệt. … ‘Gieo’ một thân thể xương thịt, sống lại một thân thể thần linh. … không phải thể thần linh đến trước, nhưng là thể xương thịt; sau đó thể thần linh mới đến. Người thứ nhất bởi đất mà ra, là bụi đất. Người thứ hai từ trời mà đến. … như chúng ta đã mang hình ảnh của người bụi đất, chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người đến từ trời” (1Côrinhtô 15:37, 42, 44, 46–47, 49). Sứ đồ Phaolô giải thích tiếp về thân thể thần linh; nghĩa là mỗi người sống lại đều mang thân thể thần linh, là hình ảnh của người đến từ trời. Chưa ai biết rõ thân thể ấy hữu hình hay vô hình. Nhưng nếu xem xét những lời mô tả của Phaolô, chúng ta có thể hiểu rằng thân thể thần linh của các con cái Chúa có khả năng hiện ra hữu hình hoặc biến thành vô hình: “Tôi xin tỏ cho anh em một lẽ huyền nhiệm: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi, trong khoảnh khắc, trong chớp mắt, khi tiếng kèn cuối cùng trổi lên. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, thân thể không còn hư nát, và chúng ta sẽ được biến đổi. Thân thể hư nát nầy sẽ mặc
lấy sự bất diệt, thân thể chết chóc nầy sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Côrinhtô 15:51–53). Như thế, thân thể của người sống lại không phải là mờ ảo như sương khói không có hình thể nhất định. Tuy chúng ta chưa biết một cách rõ ràng tất cả những bí ẩn hay huyền nhiệm của sự sống lại và thân thể của người sẽ sống lại, nhưng điều chúng ta biết và nắm chắc ấy là những người chết trong Chúa sẽ có sự sống lại đầy vinh quang. Nhờ đó, chúng ta sẽ không quá đau buồn khi phải tạm biệt. Về phần những người còn sống lúc Đức Chúa Giêxu tái lâm thì Phaolô cho biết: “Chúng ta là những người đang sống, những người còn ở lại, sẽ được cất lên trong đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung. Như vậy chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi” (17). Chúng ta sẽ được cất lên trong tình trạng thân thể nào? Sứ đồ Phaolô cho biết : “Thưa anh em, tôi xin xác nhận: thân thể bằng thịt bằng máu không thể thừa hưởng nước Đức Chúa Trời, những gì hư nát cũng không thể hưởng sự sống bất diệt” (1Côrinhtô 15:50). Như vậy, chúng ta phải được biến hoá trong nháy mắt trở thành người có thân thể bất diệt và bất tử của thần linh, mới có thể được đem lên không trung nghênh đón Đức Chúa Giêxu trở lại tiếp đón con dân Ngài. Đến đây chúng ta có thể hiểu tại sao chúng ta phải được Đức Thánh Linh sinh ra bên trong chúng ta một tâm linh mới phù hợp với thân thể thần linh sẽ được biến hoá sau nầy. Như lời Đức Chúa Giêxu giải thích thắc mắc của ông Nicôđem: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt. Hễ chi sinh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều Ta nói với ngươi: Các ngươi phải sinh lại” (Giăng 3:6). Một tâm linh đầy tính xác thịt sẽ không thể ở trong một thân thể thần linh. Sự hiểu biết lẽ huyền nhiệm quan trọng về sự sống lại của các thánh đồ qua đời, sẽ giúp cho chúng ta có một lòng tin vững chắc và rất yên tâm về tương lai huy hoàng của mình và của thân nhân đã tin Chúa. Để trong trường hợp phải chia lìa vì sự chết, thì chúng ta không quá đau đớn như người trần gian, là những người không có hi vọng vững chắc về hạnh phúc đời sau. Khi phải lâm vào hoàn cảnh buồn đau như vậy, thì lời cuối của đoạn nầy khuyên rằng: “Vậy, anh em hãy dùng các lời ấy để an ủi nhau” (18). Chúng ta thật hạnh phúc vì chúng ta có niềm tin vào bằng cớ chắc chắn để an ủi anh chị em của mình trong đức tin, lúc họ bị tang chế. Về phần mình thì cũng thấy được an ủi vì biết chắc lúc mình bước vào cõi vinh quang sẽ lại gặp người thân đã tạm biệt.
1Tesalonica05.docx Rev. Dr. CTB