Chúa Nhật, July 28th, 2013
Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 11
Châm Ngôn 6:6–11
Loài cá và côn trùng thì nhiều vô số. Tuy vậy số chiêm bao có liên quan tới cá và côn trùng thì rất hiếm khi được nghe kể lại. Ý nghĩa của các loại cá thì không rõ ràng. Như chúng ta đã đề cập trước đây, Đức Chúa Trời dùng chiêm bao truyền đạt thông điệp của Ngài theo cách người nhận thông điệp đó có thể hiểu được. Nghĩa là những hình ảnh mà Ngài cho chúng ta thấy trong chiêm bao thường phù hợp với những thứ mà chúng ta đã từng thấy trong đời sống; những người sống với nghề cá mới biết hình dạng và thói quen của các loại cá. Những người ít tiếp xúc với cá chỉ có thể biết qua phim ảnh các loại cá lớn như cá mập, cá voi, cá heo, vv., ít khi biết về thứ cá mà họ chưa từng thấy qua. Vì vậy, số chiêm bao thấy các loại cá thì hiếm.
Kinh-thánh Cựu-ước chỉ đề cập đến loài cá cách tổng quát; ngoại trừ luật nghiêm cấm không được ăn các loại sinh vật sống dưới nước không có vây và không có vảy (Lê-vi-ký 11:9–12); và câu truyện tiên tri Giô-na bị cá lớn nuốt rồi mửa ra trên bãi biển (Giôna 2:1, 10). Đức Chúa Giêxu thì ví việc đánh cá là đi truyền giáo cứu người (Mathiơ 4:19). Các sách Phúc-âm đều kể chuyện Chúa hoá bánh và cá ra nhiều cho vài ngàn người ăn một lúc (Mác 6:41), nhưng không nói rõ đó là cá gì, lớn hay nhỏ. Còn các chuyện kể về đánh cá, câu cá của các sứ đồ, thì cũng không mô tả là loại cá gì. Như vậy, nếu ai chiêm bao thấy cá có chi tiết rõ ràng, thì ý nghĩa của nó sẽ liên quan các chi tiết của con cá và môi trường nó xuất hiện. Vì thời nay có nhiều loại cá kiểng được nuôi trong các bể chứa đặt trong nhà, hoặc nuôi làm cảnh trong các hồ nhỏ ngoài vườn; cho nên, nếu thấy cá kiểng và hồ nuôi nó trong giấc chiêm bao thì ý nghĩa của giấc mơ ấy sẽ liên quan đến con cá và cả môi trường nuôi nó nữa.
Nếu chỉ thấy những con cá có tính cách tổng quát, hay một đàn cá trong một giấc chiêm bao tiên tri, thì đó là thông điệp về nhiệm vụ cứu người đang hư vong trong biển đời. Tuỳ theo những tình tiết của giấc mơ, chúng ta suy gẫm sẽ hiểu ý nghĩa của biểu tượng bầy cá mình thấy. Nếu đó là cá nhỏ hay trung bình loại có vây và có vảy hoặc không vây không vảy, thì ý nghĩa của chúng tương phản nhau. Loại cá không sạch nói về những người đang lặn ngụp trong tội lỗi đáng kinh tởm nhưng vẫn cần sự cứu rỗi. Còn cá sạch là quần chúng bình thường cần được nghe tin mừng của Đức Chúa Trời. Nếu chiêm bao thấy cá lớn như cá voi, thì sẽ suy gẫm theo chuyện tích tiên tri Giô-na; hoặc cá lớn và dữ như cá mập, thì đó là biểu tượng của thế lực tối tăm trong thế gian.
Con cua là biểu tượng của người khó gần gũi, người cứng cỏi bề ngoài, hay thứ người ngang ngạnh trong lời nói. Con rùa là biểu tượng của sự chậm chạp, ù lì. Sò, ốc có vỏ cứng nói về sự cô lập, bảo thủ ý kiến riêng, không nhắm tới lợi ích chung. Tôm và tép di chuyển thụt lùi; cho nên ý nghĩa của chúng khá rõ ràng khi thấy hình ảnh của chúng trong chiêm bao tiên tri. Các loại lươn, cá trạch, cá chình chưa bao giờ được xem là loại cá sạch. Chúng tượng trưng cho sự dơ bẩn, thức ăn của chúng là cặn bã ở đáy nước. Khó có thể tìm thấy ý nghĩa tốt đẹp nào cho loại sinh vật nầy ngoài tài luồn lách trơn tuột. Nếu trong chiêm bao thấy loài sinh vật ấy là sự báo động phải cảnh giác, cẩn thận về loại người làm ăn lươn lẹo mà chúng ta có thể phải đối phó.
Mathiơ 17:24–27 kể về chuyện Đức Chúa Giêxu bảo Phierơ đi câu cá và lấy đồng tiền trong miệng con cá mắc câu đầu tiên để đóng thuế đền thờ cho cả hai Thầy trò. Vậy, nếu ai nằm chiêm bao thấy mình đi câu cá thì có thể có ý nghĩa tương tự như chuyện tích trên; hoặc là sự thông báo hay nhắc nhở việc truyền giáo cứu người đang hư vong. Nếu chưa từng biết câu cá mà chiêm bao thấy đi câu được cá và khi thức dậy vẫn nhớ rõ ràng màu sắc của con cá mình câu được, thì đó là chiêm bao tiên tri hoặc là liên quan đến đề tài truyền giáo hay là sẽ nhận được lợi tức chi đó, hay sẽ phải đương đầu hoặc đối phó với người lươn lẹo, nếu thấy câu trúng con lươn thay vì cá.
Các loại côn trùng thông thường mà chúng ta thấy mỗi ngày thì không nhiều lắm, và hầu hết đều có ý nghĩa dễ hiểu nếu thấy chúng xuất hiện trong giấc mơ có ý nghĩa tiên tri. Con kiến đem đến ý nghĩa hoặc tốt hoặc xấu. Hình ảnh một bầy kiến miệt mài tha mồi về tổ là lời nhắc nhở hãy siêng năng làm việc chuẩn bị cho lúc khó khăn. Nhiều con kiến hợp lực khuân một món mồi lớn là sự nhắc nhở phải biết cộng tác làm việc chung với nhiều anh chị em khác trong những việc mà không ai có thể làm một mình; đồng thời cũng có ý nghĩa rõ ràng về việc phải đoàn kết cho công việc chung được tiến triển, Hội-thánh được ích lợi. Nhưng kiến bò lên thức ăn, thân thể, quần áo là biểu tượng về sự quấy rầy, phiền toái, bực mình khó chịu sẽ xảy ra.
Cảnh các con ong thợ tất bật, chuyên cần bay đi bay lại hút mật hoa, sáp hoa đem về tổ, thì ý nghĩa của nó rõ ràng là về sự siêng năng cần cù làm việc không chút than phiền. Bị ong chích thì có nghĩa là những lời nói châm chọc, tấn công độc địa. Nếu chiêm bao thấy ong vò vẽ, ong lỗ, thì không có ý nghĩa tốt lành. Vì các loại ong nầy chẳng khi nào sản xuất mật, mà chỉ chực tấn công bất cứ động vật nào chạm đến tổ của chúng. Chúng tiêu biểu cho những lời độc ác, công kích, vu khống người lành. Cũng là biểu tượng về quỷ thuật tai hại; tổ ong là hình ảnh cộng đồng hoà hợp nhau. Mật ong là biểu tượng trù phú (Xuất Ai-cập 3:8, 17), sự ngọt ngào của Lời Chúa (Thi-thiên 19:10). Sâu hay giòi bọ không có ý nghĩa tốt (Giô-ên 1:4; Mác 9:48). Con sâu cũng được Chúa dùng hoàn thành ý định của Ngài (Giô-na 4:7). Cào cào, châu chấu nói về sự tàn phá mùa màng, cây cối (Xuất 10:12).
Con muỗi chẳng những tượng trưng cho sự quấy nhiễu mà sự có mặt của nó lúc nào cũng có thể gây tổn hại. Chiêm bao bị muỗi chích và hút máu là lời báo động hãy cẩn thận về sự tấn công lén lút của những người xấu có thể gây tổn hại về lâu về dài. Con ruồi hay hàng đàn ruồi đem tới sự ô nhiễm, làm dơ bẩn mọi thứ, đất đai bị tàn phá (Xuất 8:24), cũng là biểu tượng của lời nói dối. Hình ảnh hàng đàn ruồi xuất hiện trong chiêm bao tiên tri có thể là sự báo trước về nạn đói vì tai hoạ hạn hán sẽ giết chết nhiều người. Nhưng nếu nằm mơ thấy một con ruồi chết, thì ý nghĩa của biểu tượng đó là hãy cẩn thận, đừng để sự xức dầu Chúa ban cho bị hư hỏng (Truyền-đạo 10:1).
Đỉa hay vắt là thứ côn trùng rất thích máu động vật. Khi khám phá ra thì đã bị chúng hút no máu, sau đó vết bị cắn tiếp tục chảy máu không dứt; nếu không biết cách trị, thì sẽ bị ngứa ngáy lâu dài về sau. Cho nên, hình ảnh đó cũng là lời báo động về sự tấn công thầm lén rất tai hại của kẻ ác. Hình ảnh con nhện là biểu tượng của tà thuật, dị giáo có nọc độc không ngờ, nhưng có bề ngoài có vẻ vô hại; mạng nhện tượng trưng cho bẫy lưới hễ vô tình mắc vào là khó gỡ, là sự báo động phải cẩn thận trong cuộc sống, vì nếu sa vào cạm bẫy, có thể bị ma quỷ hút mất sự sống.
Những cánh bướm xuất hiện trong mơ chủ yếu nói về sự biến đổi từ xấu ra tốt đẹp; cũng có nghĩa là tiến trình đang diễn tiến nếu nằm mơ thấy cái kén của con sâu; hình ảnh cánh bướm tung tăng chập chờn đó đây là biểu tượng của sự tự do. Đôi khi ý nghĩa của nó là liên lạc nối kết nhiều người với nhau. Tuy nhiên hình ảnh con bướm lượn lờ từ bụi hoa nầy sang đậu đoá hoa khác, thì ý nghĩa của nó là hãy cẩn thận về những lời tán tỉnh nịnh nọt giả trá, không thật lòng. Con chuồn chuồn là biểu tượng về sự biến đổi thăng tiến một trời một vực. Nếu chúng ta đang ở trong cảnh ngộ bi đát hầu như không hi vọng ngóc đầu lên nổi, thì hình ảnh con chuồn chuồn là lời khích lệ về tương lai biến đổi đầy huy hoàng cho con dân Chúa.
Hình ảnh ếch nhái trong Kinh-thánh có ý nghĩa xấu. Tai hoạ thứ nhì trong mười tai hoạ Đức Chúa Trời giáng xuống nước Ai-cập là ếch nhái tràn vào nhà của dân và cả cung điện của hoàng đế Ai-cập (Xuất Ai-cập 8:5–6). Kinh-thánh cũng mô tả các tà thần có hình dạng giống như ếch nhái đi ra từ miệng con rồng, miệng con thú và miệng tiên tri giả (Khải-huyền 16:13–14). Điều nầy khiến chúng ta lưu ý tới hình tượng con cóc mà người theo ngoại giáo đông phương đang quý trọng và tôn kính (họ gọi là thiềm thừ); nhất là những người làm nghề kinh doanh bị ảnh hưởng bởi sự mê tín của người Trung hoa. Vì vậy, khi thấy ếch nhái trong chiêm bao tiên tri, thì chúng là biểu tượng của tà linh.
TimHieuGiaiMongTienTri11.docx
Rev. Dr. CTB