Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 16
Đa-ni-ên 4:4–27
Chúng ta đã xem xét nhiều vấn đề, nhiều mặt về ý nghĩa của các giấc mơ có tính cách tiên tri qua nhiều bài học. Nhưng nếu ai tìm cách thu thập hết các chi tiết để hiểu ý nghĩa của giấc chiêm bao, thì sẽ bị rối trí bởi quá nhiều chi tiết. Vì có quá nhiều chi tiết mà không biết áp dụng nó cách thực tiễn thì chẳng ích lợi gì cho việc giải thích ý nghĩa chính của chiêm bao ấy. Ai mong muốn nắm vững khả năng hiểu biết các giấc mơ, người ấy phải thực tập và nghiên cứu chiêm bao, mặc dù chưa biết mình có thể giải nghĩa đúng hay không, thì vẫn phải thường xuyên tập luyện. Để giải nghĩa chiêm bao thì phải biết chú ý tới những điểm chính của giấc mơ. Một khi đã biết các điểm chính cần phải chú ý, thì ý nghĩa của chiêm bao hầu như sẽ phơi bày rõ ràng. Lẽ dĩ nhiên là chúng ta vẫn cần đến sự khải thị của Chúa để biết ý muốn của Ngài qua chiêm bao ấy.
Trước hết hãy tập trung chú ý vào các thành phần quan trọng của giấc mơ. Điều đó giúp cho sự giải nghĩa dễ dàng hơn. Có bốn điều cần phải chú ý, cũng gọi là bốn câu hỏi phải đặt ra để tìm các chi tiết chính; làm như vậy, chúng ta mới thấy những điều gì là quan trọng chính yếu và loại bỏ bớt các chi tiết không cần thiết:
1) Câu Hỏi Thứ Nhất: Chiêm bao nầy nói về ai hay về việc gì? Đây là câu hỏi đầu tiên phải đặt ra. Có phải mình là nhân vật chính, hay là mình có liên quan, tham dự vào, hay là người quan sát ngoại cuộc? Nếu mình là nhân vật chính, thì giấc mơ chủ yếu là về việc của mình. Nếu mình có liên quan hay tham dự, thì giấc mơ là về mình và về việc chi đó hay liên quan tới một ai khác. Nếu mình là người quan sát một tình huống nào đó trong mơ thì chắc không phải về mình, ngoại trừ mình quan sát chính mình trong mơ; trong trường hợp đó, giấc mơ là nói về người nằm mơ. Những giấc chiêm bao quan sát thường là về người nào đó hay việc chi khác. Những người tính tình dễ động lòng thương xót và hay chăm sóc người khác, là người thường chiêm bao quan sát hoặc chứng kiến sự việc xảy ra. Nhất là những người có ơn cầu thay.
Chiêm bao nầy nói về lãnh vực nào trong đời sống của ta? Thường thì chiêm bao về chính mình sẽ có những người khác hay nơi chốn liên quan tới gia đình, sở làm hay Hội-thánh, vv. Thông thường, các điểm nầy là manh mối của nội dung giấc chiêm bao. Nếu thấy chỉ một mình không có ai khác, hoặc ở chỗ mà mình không nhận ra, thì chiêm bao đó đa phần là về chính người nằm mơ hay khía cạnh nào đó của đời sống người ấy. Xem xét bối cảnh của đời sống mình là quan trọng. Nếu chỉ thấy mình hoặc với gia đình mình, thì chiêm bao ấy là về mình và có liên quan chi đó tới gia đình của mình. Nếu thấy mình với những người ở chỗ làm việc hay trường học, thì nó liên quan tới công việc hoặc lãnh vực đó của đời sống mình. Nếu thấy mình ở với người trong Hội-thánh hay tổ chức mình có dính líu, thì giấc chiêm bao đa phần liên quan tới lãnh vực đó của đời sống chúng ta.
2) Câu Hỏi Thứ Nhì: Điều kế tiếp phải nhận ra là chiêm bao ấy tốt hay xấu, màu sắc trong ấy tươi sáng hay ảm đạm? Điều nầy sẽ cho ta biết giấc mơ từ nguồn nào đến. Như trong bài nói về ánh sáng và màu sắc, hễ các giấc mơ tốt hoặc từ Chúa đến thì thường là tươi sáng và có màu sắc sinh động. Nhưng không phải giấc mơ tiêu cực là xấu như ta tưởng, vì chúng có thể bộc lộ những việc trong đời sống chúng ta cần phải thay đổi. Nếu thấy chiêm bao xấu thì cần phải suy nghĩ tới mặt tích cực xem Chúa đang muốn chỉ cho ta thấy điều gì đó. Chiêm bao u tối và có màu sắc ảm đạm thì thường không phải là thực tế nhưng muốn bày tỏ cho ta thấy những việc cần được thay đổi trong đời sống. Gặp các giấc mơ như vậy, hãy xem có phải là các kế hoạch của thế giới tối tăm chống lại chúng ta, hoặc có thể là nỗi sợ nào đó mà không phải là thực tế.
Những giấc mơ tăm tối và ảm đạm phần nhiều là lời cảnh báo. Chúng là các giấc mơ chỉ cho chúng ta biết phải cầu nguyện cho việc gì, hoặc biết cách chuẩn bị và lập kế hoạch. Trong một số trường hợp, chúng ta phải chuyển ý nghĩa từ tiêu cực sang tích cực để tìm kết quả tốt. Đừng nghĩ rằng tất cả các giấc mơ có màu sắc là từ Chúa đến, còn các giấc mơ đen trắng là xấu và từ ma quỉ đem tới. Nhưng chúng ta cần phải lưu ý xem giấc chiêm bao đó là tích cực hay tiêu cực. Việc đó sẽ giúp ta biết cách giải nghĩa và lập các sự áp dụng thực tiễn cho đời sống mình.
3) Câu Hỏi Thứ Ba: Chủ đề có lặp lại, hay chỉ là giấc mơ thường gặp? Chủ đề lặp lại nghĩa là một việc thấy xảy ra hai lần hoặc nhiều hơn để khiến ta phải chú ý. Ví dụ như thấy trái bóng bị xẹp rồi ra xe thấy cũng xẹp bánh. Không khí có thể là biểu tượng các khía cạnh của đời sống tâm linh. Nếu chiêm bao thấy chủ đề xẹp, mất hơi lặp lại nhiều lần, thì điều đó có nghĩa cần phải gia tăng mối liên hệ tâm linh của mình. Chủ đề lặp lại có thể là thấy trong nhiều giấc mơ khác nhau vào một khoảng thời gian nào đó. Kế đến, hãy xem chủ đề đó có phải là giấc mơ thường gặp hay không? Vì các loại chiêm bao thường gặp có ý nghĩa chung (như đã xem xét trước đây).
4) Câu Hỏi Thứ Tư: Ba tới bốn điểm chính của giấc mơ là gì? Nếu phải thu gọn giấc chiêm bao thành ba hay bốn điểm chính mà thôi, thì chúng là những gì? Bởi vì chúng là các thành phần chính của giấc mơ. Mặc dù một giấc chiêm bao có thể có rất nhiều chi tiết, chúng ta phải nhận ra ba hoặc bốn điểm chính nổi bật trong giấc mơ. Sở dĩ phải thấy các điểm chính nầy, bởi vì chúng sẽ giúp ta nhanh chóng nhận ra ý nghĩa chính của giấc mơ. Bộ óc của chúng ta thường sắp xếp sự kiện theo cách tóm tắt. Ví dụ, nếu có ai hỏi trong tuần qua bạn làm những gì? Thì nhiều người sẽ nói ra ba bốn việc chính, chứ không nói tới các chi tiết của những sự việc đó. Chúng ta cũng tóm tắt khi kể lại chuyện mình đã làm trong quá khứ. Khi Đức Chúa Giêxu dạy bằng các ẩn dụ, Ngài đưa ra những lời giải nghĩa rất đơn giản. Chiêm bao cũng giống như các chuyện ngụ ngôn trong ban đêm. Nếu chúng ta quá chú trọng tới các chi tiết nhỏ, thì sẽ làm mất nhiều ý nghĩa của nó.
Những ai mới tập tành giải nghĩa chiêm bao mà dựa vào quá nhiều chi tiết lặt vặt để tìm thấy ý nghĩa đầy đủ nhất thì sẽ bị bối rối. Nói như vậy không có nghĩa là các chi tiết ấy không mang ý nghĩa gì hay không đáng kể; nhưng chúng ta cần phải nhận ra ba tới bốn điểm chính của giấc mơ để xác định được ý nghĩa thật của nó; sau đó, kiểm soát lại mọi chi tiết đã ghi ra để biết sự ứng dụng và mục đích của giấc chiêm bao là gì. Một khi đã biết một giấc mơ nói về điều gì và cần tập trung chú ý vào chỗ nào, thì lời giải nghĩa chiêm bao ấy thật dễ hiểu chỉ ngắn gọn từ ba tới năm câu là cùng. Bởi vì lời giải nghĩa chiêm bao chứa quá nhiều chi tiết thì lại khiến cho người nghe bối rối, hiểu lầm hoặc chẳng hiểu gì cả.
Lời giải nghĩa chiêm bao giỏi sẽ nói ra ý nghĩa rõ ràng của giấc mơ mà không cần giải thích các biểu tượng. Nếu người giải nghĩa chiêm bao giải thích ý nghĩa của biểu tượng trong lúc đang giải nghĩa giấc mơ, thì người nghe có thể sẽ không đồng ý với các ý nghĩa đó; bởi vì mỗi cá nhân đều có sẵn một ý niệm nào đó về ý nghĩa của các biểu tượng theo văn hoá, phong tục, tín ngưỡng hay môi trường mà họ được dưỡng dục. Cho nên, nếu nghĩa của biểu tượng không trùng với điều họ nghĩ, thì ý nghĩa giấc mơ mà ta đang giải thích trở nên vô giá trị đối với người nghe. Tốt nhất là giúp người nghe hiểu ý nghĩa của giấc chiêm bao trước đã, rồi sau đó, nếu cần, sẽ thảo luận về ý nghĩa chi tiết của các biểu tượng. Hãy tập tành lập lời giải nghĩa bằng vài câu đơn giản, tập đặt câu văn gãy gọn, rành mạch, dễ hiểu khi giải nghĩa chiêm bao cho người khác.
Tóm lại, có bốn câu hỏi chính cần phải đặt ra khi tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ. Trước nhất, hãy xét giấc mơ là về ai hay về cái gì, và nó liên quan tới lãnh vực nào trong đời sống của người nằm mơ. Thứ nhì, giấc mơ ấy là tốt hay xấu, để ý tới màu sắc, chúng tươi sáng hay ảm đạm. Thứ ba, có chủ đề nào lặp lại nhiều lần không, hoặc nó có phải là loại chiêm bao thường thấy? Thứ tư là ba tới bốn điểm chính của giấc mơ là những gì? Nghĩa là nếu chia giấc mơ ấy ra thành ba hoặc bốn phần chính, thì những phần ấy là gì, mỗi phần có ý nghĩa gì? Những câu trả lời cho bốn câu hỏi trên sẽ đưa ra ý nghĩa tổng quát của giấc chiêm bao tiên tri; sau đó sẽ áp dụng ý nghĩa của nó vào đời sống, tuỳ theo thông điệp ấy là gì. Chúa sẽ giúp cho ai tìm kiếm ý muốn Ngài.
TimHieuGiaiMongTienTri16.docx (Sách tham khảo: Understand Your Dreams Now, của Doug Addison)
Rev. Dr. CTB