Chúa Nhật, October 25th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 25

1Côrinhtô 1:26–31

Nhiều người cho rằng những lời chép trong Kinh-thánh là khó hiểu. Họ ngạc nhiên khi nghe người khác nói là dễ hiểu.

Đã đành rằng khi đọc sách, người có học thức cao hiểu biết nhiều hơn người có học thức thấp; nhưng Kinh-thánh không phải là một quyển sách bình thường như nhiều sách khác, vì Kinh-thánh là thông điệp của Đức Chúa Trời gửi cho loài người.

Mục đích của Lời Chúa là loài người có thể hiểu dễ dàng những điều Ngài muốn dạy dỗ họ làm theo lẽ phải, tránh xa tội lỗi và những hành động sai trật.

Ngoại trừ những phần chép các lời tiên tri sẽ ứng nghiệm lâu ngày về sau thường rất khó hiểu, phần lớn sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu là dễ hiểu, nếu tín hữu có sự sống của Chúa phục sinh trong lòng và chịu vâng lời làm theo.

Trong chuyện tích Đức Chúa Giêxu hóa hình trên núi trước mặt ba môn đồ của Ngài ở sách Mác, có một chi tiết vừa thú vị vừa hơi khó hiểu đối với người đọc:

Khi xuống núi, Ngài dặn ba môn đồ đừng thuật lại với ai điều họ vừa thấy, cho đến chừng nào Con Người sống lại từ cõi chết” (Mác 9:9).

Tại sao Chúa lại dặn họ như vậy? Có thể vì một số lý do; thứ nhất là người nghe sẽ không tin lời họ nói và không hiểu sự việc có ý nghĩa gì. Thứ hai là dù mắt họ thấy nhưng tâm trí họ ở thời điểm đó chưa thật sự hiểu mục đích của sự hóa hình là gì.

Lâu ngày về sau khi sứ đồ Giăng viết thư cho Hội-thánh chung, ông giải nghĩa điều ông thấy trước kia mà Chúa dặn đừng tiết lộ cho đến sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, thì bây giờ ông mới hiểu:

Luận về Lời Sự Sống: Ngài chính là Đấng có từ ban đầu. Chúng tôi đã được thấy Ngài tận mắt, đã được nghe Ngài dạy, và tay chúng tôi đã chạm đến Ngài” (1Giăng 1:1).

Ông mô tả: “Ngôi Lời đã trở nên con người, ở giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm nhìn vinh quang của Ngài, là vinh quang Con Một của Đức Chúa Cha, đầy ân điển và chân lý” (Giăng 1:14).

Sự sống của Đấng Christ phục sinh đã ngự trị trong lòng sứ đồ Giăng sau khi ông nhận được phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, khiến ông thật sự hiểu những điều Đức Chúa Giêxu đã dạy các môn đồ khi Ngài còn trên đất, rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời đã xuống trần gian trong thân thể xác thịt. Ngài phải tạm lìa bỏ vinh quang thiên đàng để đem ân điển và chân lý đến bày tỏ cho loài người.

Chúng ta ngày nay cũng thế; lúc đời sống tâm linh tăng trưởng và con người bề trong phát triển sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài đối với đời sống từng tín hữu, khi Ngài đem chúng ta vào gia đình của Ngài, thì những lời Đức Chúa Giêxu phán trong Kinh-thánh trở nên rõ ràng, dễ hiểu, mà trước đây chúng ta chẳng hiểu gì hết, hoặc hiểu cách mơ hồ.

Thật ra, trước kia chúng ta chưa thể hiểu lời phán của Chúa, cho đến khi tiếp nhận sự sống phục sinh của Ngài thì tâm linh mới thiết lập được điều kiện thích đáng để tiêu hóa những lời phán ấy của Ngài.

Thậm chí Đức Chúa Giêxu chưa thể nói cho các môn đồ đã ở bên cạnh Ngài hơn ba năm biết một số điều quan trọng: “Ta còn nhiều điều để nói với các con, nhưng hiện giờ các con không thể hiểu nổi” (Giăng 16:12).

Đức Chúa Trời không thể bày tỏ điều gì cho tín hữu nào không nhận được Đức Thánh Linh của Ngài. Những tư tưởng cố chấp và sự bất tuân của chúng ta sẽ ngăn trở không cho Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta.

Đây cũng là lý do chính khiến cho nhiều người chứng đạo không hiệu quả. Rất ít người chờ tới khi có sự sống phục sinh Đức Chúa Giêxu tràn ngập trong lòng, tức là thực sự kinh nghiệm ơn cứu chuộc, mới nói về Ngài cho người khác.

Người ta không thể tin lời họ vì không thấy mối liên hệ giữa những gì họ nói với cách họ sống. Đời sống của họ không chứng tỏ được, vì Chúa chưa phục sinh trong lòng các tín hữu nầy.

Dấu hiệu gì chứng minh Con Đức Chúa Trời đã phục sinh trong lòng ta? Ấy là khi ta đọc lời Kinh-thánh mà thấy dễ hiểu, nghe được tiếng Đức Thánh Linh dạy dỗ, biết cách áp dụng và vâng theo các lời dạy ấy không khó khăn gì. Nghĩa là sự sống của Chúa giúp ta hiểu Lời Ngài.

Được bước trên tiến trình thánh hóa tức là đã tiếp nhận được sự sống của Đấng Christ phục sinh vào lòng.

Đừng hỏi là Đức Chúa Trời có muốn thánh hóa tôi hay không, mà phải hỏi là tôi có muốn được Đức Chúa Trời thực hiện trong tôi mọi điều mà thập tự giá của Đức Chúa Giêxu đã hoàn thành, hay không. Tôi có sẵn lòng để sự sống của Đức Chúa Giêxu trở nên sự thánh hóa cho tôi, và tôi sẽ để cho Ngài biểu lộ sự sống ấy qua thân thể xác thịt của tôi hay không.

Anh chị em cần ôn lại để hiểu cặn kẽ ý nghĩa của việc được Đấng Christ ở trong đời sống mình cũng như việc mình được ở trong Đấng Christ có nghĩa là gì.

Sứ đồ Phaolô giải thích việc đó như sau: “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Giêxu, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (1Côrinhtô 1:30).

Ở trong Đức Chúa Giêxu nghĩa là chúng ta được thừa hưởng hoặc được ở trong sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết, và cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua lòng tin và tiếp nhận sự chết của Đức Chúa Giêxu chuộc tội cho mình.

Mọi điều mơ tưởng không bao giờ đến nếu không chịu bắt tay vào việc thực hiện. Nếu ai nhận thấy nhu cầu được thánh hóa của mình, thì hãy dùng đức tin không nao núng, quyết tâm tiếp nhận Đức Chúa Giêxu là sự thánh hóa của mình, thì phép lạ vĩ đại về ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu sẽ trở nên thực hữu cho ta.

Được ở trong Đức Chúa Giêxu và được thánh hóa là hai điều không thể tách rời nhau; vì nếu được thì phải được cả hai, bằng không thì chẳng có cả hai.

Bởi vì sự thánh khiết ban trên người có lòng ăn năn đau đớn, lòng xấu hổ về bản chất đồi bại không lột tả được, khi người có tội ý thức được tình yêu thương diệu kỳ của Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho chúng ta, trong lúc ta chẳng có chút quan tâm nào về Ngài, thì Ngài vui lòng hoàn thành mọi việc cho chúng ta được cứu rỗi và thánh hóa (Rôma 5:8).

Cho nên, khi chúng ta thật lòng tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì ơn thánh hóa cũng được ban luôn với ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu. Ai biết rõ sự không xứng đáng của mình đối với ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì người đó mới biết ơn Ngài vô hạn, hết sức tôn sùng Ngài, điều đó chính là động lực tiếp nhận ơn thánh hóa.

Lời Chúa trong Kinh-thánh sẽ trở nên dễ hiểu khi ơn thánh hóa làm cho chúng ta được hiệp nhất với Đức Chúa Giêxu, và khi được ở trong Ngài thì cũng được hiệp nhất với Đức Chúa Trời. Tất cả các điều nầy đều được hoàn thành qua ơn hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu.

Cho nên, ơn hi sinh chuộc tội của Ngài là cái nhân hay là nguồn gốc sinh ra những kết quả trong đời sống của người tin, như sự vâng lời, phục vụ và tôn thờ Ngài.

Lầm lẫn lớn nhất của rất nhiều người là lấy quả làm nguyên nhân. Nghĩa là người ta qua nhiều thế hệ vẫn dùng nỗ lực của ý chí xác thịt, cố gắng sống đời thiện hảo, hi sinh bản thân để phục vụ, hoặc dùng các hình thức thờ kính, cúng kiến để mong đạt được một tâm hồn thánh hóa. Những người đó thú nhận rằng, họ càng tu hành nhiều chừng nào, thì càng không thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống họ nữa.

Chẳng ai nhờ tài giỏi mà được Đức Chúa Trời chọn. Vì “Đức Chúa Trời đã chọn những gì thấp kém, bị khinh chê ở thế gian, ngay cả những gì không có, để làm cho những gì đã có ra hư không, để không một người nào có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô 1:28–29).

Khi chúng ta hiểu được bí quyết tiếp nhận sự thánh hóa là chân thành ăn năn tội lỗi rồi tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu, và áp dụng sự hiểu biết ấy vào nếp sống thờ kính Chúa của mình, thì sự sống phục sinh của Đấng Christ sẽ thành hình trong lòng ta, và chúng ta có thể hiểu lời Kinh-thánh dễ dàng và rõ ràng hơn.

Anh chị em hãy chờ cho sự sống của Đấng Christ phục sinh thật sự đến trong lòng, trước khi anh chị em mở miệng chia sẻ Tin Mừng cứu độ của Đức Chúa Trời cho người chưa biết rõ ơn ấy của Ngài. Kết quả sẽ khác hẳn với cách người ta thường làm mà không hiệu quả.

Làm sao để tiếp nhận sự sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu? Đó là hãy nhận ra bản ngã đáng ghê tởm của mình rồi thật lòng ăn năn, quyết tâm sửa đổi để được tha tội, sự sống của Chúa phục sinh sẽ thành hình trong lòng anh chị em.

TroVeNenTang25.docx

Rev. Dr. CTB