Chúa Nhật, November 1st, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 26
Giăng 14:1–11
Qua những lời đối đáp giữa Đức Chúa Giêxu với các môn đồ thân cận với Ngài, có lẽ chỉ có ít người đọc Kinh-thánh nhận ra lòng buồn bã và tổn thương của Đức Chúa Giêxu khi Ngài hỏi Phi-líp:
“Phi-líp ơi, Ta ở với các con đã lâu rồi, mà các con chưa biết Ta sao? Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Tại sao con lại nói: ‘Xin chỉ Cha cho chúng con?’ Có phải con không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta chăng?” (9–10).
Phi-líp mong được biết một sự khải thị về sự mầu nhiệm lớn lao của thời tương lai, tức là được thấy Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Giêxu vẫn gọi là Đức Chúa Cha. Ông không biết Đúc Chúa Cha ở trong Đức Chúa Giêxu, và Đức Chúa Giêxu chính là Đức Chúa Trời, một Người vẫn ở bên cạnh ông lâu nay, mà ông tưởng ông đã biết rõ.
Chúng ta ngày nay không khá gì hơn Phi-líp khi xưa. Mỗi người đều có quan niệm riêng về Đức Chúa Trời theo cách mình tưởng tượng. Chính các quan niệm riêng đó khiến mỗi người rất chậm hiểu về Chúa của mình.
Ý của Chúa muốn Phi-líp hãy trở lại sự quan sát giản dị của những ngày đầu khi ông mới theo Ngài. Sự mầu nhiệm về Đức Chúa Trời không phải là những gì thuộc thời tương lai, mà là hiện tại.
Khi mới biết Đức Chúa Giêxu, Phi-líp vui mừng nói với Na-tha-na-ên: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà sách luật Môi-se và các tiên tri đã nói đến. Ngài là Đức Chúa Giêxu ở Na-xa-rét” (Giăng 1:45).
Bây giờ, Phi-líp đã quên mất sự quan sát giản dị để mong thấy Đức Chúa Cha bằng ý niệm phức tạp. Đức Chúa Giêxu phải nhắc nhở: “Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta thì hãy tin Ta; bằng không, hãy tin qua chính các công việc Ta làm” (11).
Sự khó khăn, hay trở ngại, mà chúng ta gặp phải khi muốn nhận ra sự hiện diện của Chúa và nghe được tiếng nói dạy dỗ, khuyên bảo, an ủi, hay quở trách của Ngài, là chúng ta trông đợi hay chờ những dấu hiệu siêu nhiên, huy hoàng, hoặc trong các biến cố kinh khủng, bất thường sẽ xảy ra giữa buổi nhóm, hoặc sau lời cầu xin thiết tha.
Mặc dù các biến cố trong tương lai khi Chúa tái lâm sẽ diễn ra giống như Kinh-thánh đã mô tả, nhưng sự hiện diện của Chúa giữa Hội-thánh hiện nay, hoặc giữa đời sống con dân Ngài thì không phải như cách chúng ta vẫn tưởng.
Sự trông chờ như vậy chẳng khác nào chúng ta nói với Đức Chúa Giêxu là ‘xin Chúa chỉ Cha cho chúng con!’ Cách suy nghĩ ấy làm cho lòng của Đức Chúa Giêxu bị tổn thương vô cùng.
Sở dĩ Chúa của chúng ta bị đau lòng vì nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ Ngài qua các biểu hiện siêu nhiên CHO con cái Ngài thấy. Anh chị em cần phải từ bỏ cách suy nghĩ ấy để hiểu biết rằng: Đức Chúa Trời chỉ bày tỏ chính Ngài TRONG và QUA con cái Ngài mà thôi.
Bởi vậy cho nên, trong khi người ngoại cuộc có thể thấy Chúa qua con cái Ngài, còn tín đồ của Ngài thì không thấy. Nói cách khác, chúng ta trông đợi Đức Chúa Trời bày tỏ quyền phép vinh quang của Ngài cho chúng ta thấy như một Đấng TỪ BÊN NGOÀI đến. Nhưng Chúa chỉ bày tỏ chính Ngài từ bên trong, vì Ngài đang ngự trong lòng chúng ta.
Vì thế, tín hữu chờ đợi mãi mà chẳng thấy bằng chứng bên ngoài nào xác nhận Chúa đang hiện diện. Tâm lý nầy là môi trường thuận lợi cho mấy tay tôn giáo lưu manh lừa gạt nhiều người bằng các dấu hiệu tưởng tượng.
Trở lại câu nói của Đức Chúa Giêxu: “Khi Ta nói Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta thì hãy tin Ta; bằng không, hãy tin qua chính các công việc Ta làm” (11), chúng ta thường áp dụng những điều tin tưởng, hay suy nghĩ của mình, về cách Chúa phải biểu lộ để mình có thể tin.
Phái không tin rằng Chúa vẫn còn làm phép lạ ngày nay thì đã hết thuốc chữa; bởi vì dù cho bất cứ việc lạ nào xảy ra trước mắt, họ vẫn không tin. Cũng có trường phái khác đòi hỏi phải có những dấu lạ hiển nhiên xảy ra, thì họ mới tin rằng việc ấy đến từ Chúa.
Thế nhưng, lời Đức Chúa Giêxu dạy là chúng ta hãy tin mọi lời Ngài xưng nhận rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Nếu không thấy những việc siêu nhiên, thì hãy quan sát việc Ngài đã biến đổi bản ngã bên trong con người chúng ta, để thấy việc Ngải đã làm và tin chắc Ngài là Đức Chúa Trời.
Động lực khiến nhiều người có tâm lý mong chờ Chúa bày tỏ Ngài ra bằng các dấu hiệu bên ngoài thường xuất phát từ lòng chân thật yêu mến Chúa nhưng thiếu hiểu biết. Động lực ấy tự nó không phải là xấu; nhưng kẻ thù, là ma qủy, và tâm tính xác thịt trong bản ngã chúng ta lợi dụng sự thiếu hiểu biết ấy để ngăn trở không cho con dân Chúa có tâm linh trưởng thành.
Nhiều người muốn biết rõ những việc Chúa thực hiện trong lòng họ đang diễn ra như thế nào, nhưng chúng ta không thể vừa biết, hay có ý thức, rõ ràng về những việc Chúa đang hành động trong lòng mình, vừa giữ được một sự quân bình về những điều mình muốn Chúa ban cho mình; tức là những kinh nghiệm đặc biệt hơn người. Vì các ước muốn như vậy sẽ cản trở sự trưởng thành của tâm linh; nó cũng khiến cho người trở nên kiêu căng về sự ‘biết’ của mình.
Những người có các ước muốn như thế sẽ chỉ chú trọng vào những kinh nghiệm từ các biến cố đặc biệt. Mà những biến cố đặc biệt thì không dành cho mọi người, cũng không tiếp diễn mãi.
Và khi những hiện tượng siêu nhiên không còn xảy ra, đời sống đức tin của nhiều tín hữu bắt đầu suy yếu, vì họ sống trong sự luyến tiếc quá khứ; đồng thời, vì đặt sai mục tiêu, tìm kiếm bề ngoài, nên sẽ nài nỉ Chúa: “Xin chỉ Đức Chúa Cha cho chúng con là chúng con mãn nguyện” (8), giống như sứ đồ Phi-líp khi xưa, là sự cầu xin làm Đức Chúa Giêxu bị tổn thương nhiều nhất.
Bởi vì đó là lời cầu xin của người con không nhận ra Cha vẫn đang ngự trong mình, cho nên không nhận ra những ý muốn và sự dẫn dắt mà Ngài vẫn thường xuyên bày tỏ từ bên trong.
Hãy xem lại lời dạy của Đức Chúa Giêxu ví dụ về Nước Đức Chúa Trời trong lòng người ta giống như hạt lúa nảy mầm:
“Nước Đức Chúa Trời ví như người kia vãi giống xuống đất. Người ngủ hay dậy, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm chồi mọc lên, người ấy không biết thế nào” (Mác 4:26–27).
Cũng như hạt giống được gieo chỗ đất có đủ điều kiện thuận lợi cho nó, thì nó mọc lên và tăng trưởng theo mực độ Chúa đã định cho nó. Ai có sự hiểu biết nầy sẽ an tâm sống đời bình lặng, vâng lời chỉ dạy của Đức Thánh Linh thúc giục trong lòng.
Những người như vậy sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa bày tỏ Ngài qua đời sống các con cái khác của Chúa; cũng sẽ không bị lừa bịp bởi những lời nói dối, vì họ biết Chúa từ trong lòng chỉ dẫn con cái Ngài như thế nào.
Vì có nhiều lúc chúng ta nghe những lời tuyên bố chắc nịch rằng: “Chúa phán với tôi thế nọ, thế kia, … vv.” Hoặc “tôi thấy Chúa đang vận hành ở góc nầy, góc nọ,” nhưng tâm linh ta cảm nhận có cái gì đó không ổn.
Những lúc nghe như thế, chúng ta có thể kiểm chứng được thật hay giả. Bởi vì Đức Chúa Trời không thiên vị một ai; Ngài dùng một người để phán dạy về một vấn đề đặc biệt nào đó, thì Ngài cũng dùng người khác để chứng thực lời dạy, và chứng minh rằng mệnh lệnh ấy đến từ một nguồn.
Nếu ai biết và tin rằng mình đã tiếp nhận Đức Thánh Linh, có mối tương giao thông suốt với Ngài, biết Ngài hành động trong lòng mình ra sao, thì biết Ngài cũng hành động trong lòng người khác như thế. Chúa chẳng khi nào dùng người con nầy để triệt hạ người con nọ. Vì vậy, chúng ta rất yên tâm không đòi thấy các biểu hiện siêu nhiên bên ngoài.
Trong đêm từ biệt các môn đồ, Đức Chúa Giêxu dặn dò họ hai lần: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa” (Giăng 14:1); và “Ta ban cho các con sự bình an chẳng phải sự bình an của trần gian. Lòng các con đừng xao xuyến, sợ hãi” (Giăng 14:27).
Xao xuyến, lo lắng và sợ hãi là tình trạng của người không tin rằng Chúa đang ở trong để chăm lo cho sự lành mạnh tâm linh và đời sống thể chất của con dân Ngài. Người nào có tâm trạng như vậy là người chưa thật lòng tin, hoặc có đức tin quá nhỏ bé, bạc nhược.
Chúng ta hãy tin cậy lời hứa sắt đinh của Đức Chúa Giêxu. Hãy loại trừ thứ đức tin bạc nhược, là thứ khiến cho tâm trí xác thịt lo lắng, sợ hãi một cách vô lý và không chính đáng.
Hãy nhận biết Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời đáng được tôn thờ và chúc tụng. Ngài vẫn luôn ở trong những ai tin và tiếp nhận ơn hi sinh cứu chuộc của Ngài.
Cho đến mãi mãi Ngài vẫn là Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Cha Đời Đời và Chúa Bình An, Đấng vẫn ngự trị trong lòng để hướng dẫn, dạy dỗ và cứu giúp mọi con cái nào đã thật nhận biết Ngài là Chúa của mình.
TroVeNenTang26.docx
Rev. Dr. CTB