Chúa Nhật, November 22nd, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 29
2Phi-e-rơ 1:5–11
Niềm tin và mọi cách thực hành đức tin của Cơ-đốc-giáo đều hướng về Đức Chúa Trời, tức là Thần Linh tối cao, Đấng ban sự sống cho linh hồn và thể xác.
Ngài cai trị trên cả trần giới và linh giới. Vì loài người không thể thấy Ngài bằng mắt trần tục, nên mọi việc thờ phượng và cầu nguyện đều phải dùng các phương tiện của tâm trí trong thể xác ở cõi trần để hướng về cõi thần linh.
Nhưng, nan đề của vô số người tin theo Chúa, dù là thừa hưởng từ truyền thống gia đình hay tự tìm hiểu rồi tin, là không biết làm cách nào mình có thể chạm đến linh giới bằng những phương tiện thuộc cõi trần giới mà mình thực hiện được.
Vì không biết cách; cho nên, sự lầm lẫn lớn nhất của nhiều người là nghĩ rằng mình chỉ cần thời gian ở lâu trong đạo, thì các vấn đề tâm linh sẽ tự động trưởng thành.
Vì nghĩ như vậy nên rất nhiều tín đồ Cơ-đốc-giáo mang quan điểm thụ động, hoặc phản ứng rất chậm trước các vấn đề thuộc lãnh vực niềm tin.
Trong bài học trước ở các câu 2 tới 4, chúng ta khám phá ra rằng một khi chúng ta thực sự hiểu biết Đức Chúa Giêxu chính là Đức Chúa Trời, Đấng lấy quyền năng và đức hạnh siêu việt kêu gọi chúng ta đến tiếp nhận ơn cứu độ và tha tội của Ngài, thì ân sủng và bình an cứ gia tăng cho chúng ta;
Ngài lại lấy thần quyền ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức; rồi Ngài còn ban cho chúng ta những lời hứa rất cao quý, trọng đại, để chúng ta nhờ đó hưởng được bản tính Ngài, sau khi đã thoát khỏi tình trạng sa đọa hư hỏng bởi dục vọng trần gian.
Ơn phước ấy thật vô cùng lớn. Tuy vậy, mặc dù Ngài đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chúng ta, việc nhận lãnh bản tính của Chúa theo các lời hứa cao quý trọng đại của Ngài, vẫn chưa thể hoàn thành đối với những ai chỉ thụ động chờ đợi ơn phước đó xảy đến cho mình.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói rõ rằng: “Chính vì lý do đó, anh em phải hết lòng, sao cho đức tin được tăng cường bằng đức hạnh, đức hạnh được tăng cường bằng sự hiểu biết, sự hiểu biết bằng sự tự chủ, sự tự chủ bằng sự nhẫn nại, sự nhẫn nại bằng lòng tin kính, lòng tin kính bằng tình huynh đệ, tình huynh đệ bằng tình yêu thương. Nếu anh em có thừa các đức tính đó, anh em sẽ không trở nên người vô dụng, nhưng được lợi ích trong sự hiểu biết Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta” (5–8).
Theo sự tiết lộ của sứ đồ Phi-e-rơ, người từng được Đức Chúa Giêxu chọn lựa và chạm đến, thì bí quyết đạt tới mục tiêu được hưởng bản tính của Chúa, một vấn đề thuộc linh giới, là tín hữu phải có đủ ý chí và quyết tâm để rèn luyện cho tâm tánh mình được trang bị các mỹ đức của người đã hiểu biết các lời hứa nhưng chưa hưởng được bản tính của Chúa.
Mặc dù những mỹ đức nói trên đều thuộc về lãnh vực tinh thần và tâm trí, nhưng tất cả đều đòi hỏi sự cộng tác của nỗ lực riêng trong thể chất của mỗi người.
Nỗ lực trước tiên là sự hết lòng, tức là quyết tâm siêng năng luyện tập tâm tánh mình. Đời người thì quá ngắn, thời gian là kho tàng vô giá không ai mua được. Loại tính nết hay chần chờ, trễ nải, đang có trong nhiều người, làm thì giờ của chúng ta trôi đi một cách phí phạm; vì thời gian đã qua mất rồi thì chẳng ai có thể níu kéo hay lấy lại được.
Kế đến là phải tăng cường đức hạnh vào đức tin. Đức tin là điều Chúa ban cho; chẳng người nào có thể tạo được đức tin. Nhưng đức hạnh, tức là các tính tốt đáng quý trọng trong thái độ của mình đối với thế giới quanh mình, thì là lãnh vực đạt tới được nhờ học hỏi, quan sát và luyện tập.
Cũng cần phải làm sáng tỏ ở đây là, vị sứ đồ không có ý cho rằng các mỹ đức sẽ đến theo thứ tự ông trình bày. Nhưng ngụ ý là độc giả thư của ông sẽ phấn đấu để đạt tới và biểu lộ tất cả các mỹ đức cần phải có. Bởi vì chúng ta không được phép thoả mãn về một ân sủng đơn lẻ nào, mà phải trau giồi tất cả các mỹ đức.
Sở dĩ điều nầy phải nhắc đến là vì nếu không biết, sẽ có một số người tự mãn về trình độ thuộc linh, hoặc cho rằng mình thuộc một đẳng cấp đạo đức cao hơn kẻ khác.
Mọi tín hữu đều cứ phải thêm vào cho mình tất cả các mỹ đức; cho tới chừng đã sở hữu hết thảy. Đức tin được nhắc tới trước tiên và nó là nền tảng của mọi thứ mỹ đức khác.
Nhưng chúng ta phải thêm các mỹ đức vào đức tin mình, vì nguy cơ sẽ có người cho rằng mình chỉ cần đức tin để được cứu là đủ, không cần làm gì thêm, nên sẽ sống một cách ích kỷ và làm Danh Chúa bị nói phạm bởi cách sống như vậy.
Đức tin được tăng cường bởi đức hạnh còn có nghĩa là gia tăng sự can đảm để công nhận các lỗi lầm hay thiếu sót của mình, can đảm đối diện với trở lực, hoạn nạn hay khó khăn.
Vì có can đảm mới đủ sức khống chế kẻ thù và mọi sự chống đối, khiến tín hữu có thể đứng vững trong thời khổ nạn mà chiến đấu một cách hữu hiệu. Người có tinh thần can đảm mới đủ quyết tâm và ý chí thực hiện nếp sống đạo đức thanh sạch, tức là những việc đức hạnh.
Đức hạnh cần phải được tăng cường bằng sự hiểu biết, hay là tri thức, học vấn, vv. Người có nhiều hiểu biết thì khôn ngoan hơn người không chịu học.
Sự hiểu biết nói ở đây gồm cả tri thức tổng quát về những giáo lý, giáo luật và những lời hứa của Tin-mừng; những hiểu biết về cách tổ chức và cấu tạo của Cơ-đốc-giáo; cũng biết rành rẽ những bằng chứng chủ yếu về chân lý và tính chất quan trọng của những bằng chứng đó.
Ví dụ như khi được hỏi rằng tại sao chúng ta tin Kinh thánh, thì sự hiểu biết mình thu thập được qua các buổi học giải nghĩa Kinh-thánh sẽ giúp cho sự giải thích của mình vừa hấp dẫn vừa có sức thuyết phục người chưa tin Chúa.
Trái lại, thiếu hiểu biết sẽ làm chúng ta thiếu can đảm trong ngày hoạn nạn; tệ hơn nữa là không dám làm chứng nhân cho Chúa vì không biết phải nói những gì.
Tự chủ (6) còn gọi là tiết độ hay tiết chế, có nghĩa là làm chủ, kềm chế, trấn áp được mọi loại ý định và thèm muốn xấu; không để cho bất cứ điều gì thuộc những điều mình biết là xấu hổ, độc ác, hiểm trá, gian tham, vv., cai trị mình.
Tiết chế là giữ mọi hành động, lời nói và sự ham muốn của mình trong những giới hạn thích đáng; không cho phép bản chất xác thịt tiềm ẩn trong mình chiều theo bất cứ thói hư tật xấu nào vốn cai trị mình trước kia.
Tự chủ hay tiết chế đòi hỏi chúng ta phải biết nhẫn nại, tức là phải biết chịu đựng mà không buồn phiền hay bực tức; xua tan tất cả ý nghĩ trả đũa nào khi bị xúc phạm; đức nhẫn nại cũng giúp ta thắng được những thèm muốn xấu một cách dễ dàng và lâu dài.
Nhẫn nại sinh ra từ lòng tin kính, là mỹ đức hữu hiệu giúp cho ta có thể nhẫn nại chịu đựng trong tất cả các hoàn cảnh khó khăn nhất.
Đức hạnh tin kính còn dẫn tới tình cảm thánh thiện đối với các anh chị em tín hữu khác cách chân thành (7). Chúng ta kể những người đồng đức tin là anh chị em vì tất cả có cùng một Vị Cha cao qúy trên trời, cùng phục vụ một Chủ, thành viên cùng một gia đình, bạn đồng hành trên thiên trình, và đồng thừa hưởng một tài sản qúy báu nhất.
Tình huynh đệ chân thành dẫn đến đức nhân ái, là mục tiêu mỗi chúng ta đều phải đạt tới để được Đức Chúa Trời kể là con dân thật của Ngài.
Tất cả các đức tính đó đều vô cùng ích lợi (8). Cho nên Phi-e-rơ nói: “Chính vì lý do đó, anh em phải hết lòng ….” (5) để lúc đạt được các mỹ đức trên “anh em sẽ không trở nên người vô dụng, nhưng được lợi ích trong sự hiểu biết Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta” (8).
Đã vậy, người thiếu “các đức tính đó là cận thị, mù lòa, và quên bẵng việc Chúa tẩy sạch tội mình đã phạm” (9).
Có lẽ sứ đồ Phi-e-rơ viết thư nầy lúc ông đã cao tuổi, hoặc đã được Đức Thánh Linh cho biết sắp tới ngày về gặp Chúa của mình; cho nên, ông nhắc nhở điều rất quan trọng trong đời mỗi con dân Chúa là “hết lòng cố gắng xác định việc Chúa kêu gọi và chọn lựa mình” bởi vì “làm như thế anh em sẽ không bao giờ vấp ngã” (10).
Đức Chúa Trời đã dùng Lời Ngài, Đức Thánh Linh cung ứng các nhu cầu để kêu gọi chúng ta biết ăn năn tội, nhận đức tin và biết vâng phục. Chúng ta đã trở nên một dân được Đức Chúa Trời kêu gọi và chọn lựa.
Việc cố gắng xác định sự kêu gọi và lựa chọn ấy có nghĩa là hăng hái, không trễ nải tăng cường các mỹ đức mà Phi-e-rơ đã trình bày. Bởi vì ai ân cần thực hiện các bí quyết đã nêu thì sẽ không bao giờ vấp ngã.
Kết quả mà chúng ta sẽ nhận được là “đường vào nước vĩnh cửu của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta, là Chúa và Đấng Cứu-rỗi, sẽ mở rộng thênh thang cho anh em” (11).
TroVeNenTang29.docx
Rev. Dr. CTB