Chúa Nhật, April 6th, 2014
Các Vấn Đề Quan Trọng, 26
Giăng 16:1–15
Đã biết các nguyên tắc căn bản về việc lời Chúa đến với lòng chúng ta đặt trên nền tảng mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài, nghĩa là có sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong lòng, thì việc nghe tiếng Chúa không còn là điều khó khăn nữa. Tuy vậy, chúng ta cũng cần hiểu vững vàng về nền tảng mà trên đó chúng ta có thể duy trì mối tương giao nồng thắm, gắn bó và bền chặt với Chúa của chúng ta.
Thiếu yếu tố nầy, việc nghe rhema rất khó xảy ra. Bởi vì nếu rhema do Thánh Linh phán từ trong lòng chúng ta để trí não phân tích, rồi chuyển vào tâm linh tạo nên đức tin cần thiết cho ta lập quyết định, thì môi trường thông suốt của đời sống được thánh hoá là phải có sẵn, để Đức Thánh Linh không bị tâm trí ô nhiễm tội lỗi của chúng ta cản trở.
Điều mà mỗi chúng ta cần hiểu là không ai có khả năng tự thánh hoá mình; bởi vì không một ai có thể tự chuộc tội cho bản thân, đừng nói gì tới chuộc tội cho thế gian. Cũng chẳng một người nào có thể làm cho cái sai trở thành đúng, hoặc làm thanh sạch những điều ô uế, hay làm cho loại hành vi tội lỗi được kể là thánh thiện.
Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền năng biến đổi lòng người mà thôi. Và Ngài đã thực hiện những việc bất khả nầy qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu trên thập tự giá cho toàn thể nhân loại.
Tâm lý chung của những người nhiệt thành với tôn giáo, và cách suy nghĩ của những người chưa thật được biến đổi bởi quyền phép thiên đàng, đều chú trọng vào các bổn phận họ phải làm, hay vất vả tìm phương pháp hoặc bí quyết để đạt tới sự thành công.
Nguyên tắc của thiên đàng là rất khác với cách suy nghĩ trên; vì Chúa chỉ đòi hỏi lòng chúng ta tin cậy vào những điều Ngài đã thực hiện cho chúng ta rồi. Cho nên, ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ không phải là một kinh nghiệm mà chúng ta chỉ cần từng trải là đủ. Nó là ơn cứu độ vĩ đại mà Đức Chúa Trời thực hiện qua Đức Chúa Giêxu, còn phần của chúng ta là xây dựng đức tin mình trên nền tảng ơn ấy.
Sở dĩ chúng ta phải hiểu rõ ràng về điều nầy là vì nếu không biết, lòng nhiệt thành do bị thúc giục bởi sự hiểu biết sai trật sẽ tạo nên trong lòng tín hữu một tâm lý nỗ lực đạt tới sự thánh khiết riêng qua đức tin dựa vào kinh nghiệm tâm linh mà mình đã trải qua.
Tâm lý đó sẽ khiến tín hữu có một đời sống không phù hợp với Kinh-thánh, một đời sống hoàn toàn tách rời với người khác, chỉ chú trọng vào sự thánh khiết riêng của mình. Sự thánh sạch mà nhiều người có thể đang hãnh diện ấy không đặt nền tảng trên ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu thì chẳng có chút giá trị gì, và vô dụng đối với Đức Chúa Trời. Những ai hành xử kiểu dốt nát ấy chỉ làm người khác khó chịu.
Bất cứ việc nào chúng ta làm mà không đặt nền tảng trên ơn chuộc tội của thập tự giá Đấng Christ thì Đức Chúa Trời không đẹp lòng. Bởi vì việc được kể là công chính và thiện hảo nhất của loài người đều bị Đức Chúa Trời xem như “miếng giẻ bẩn thỉu” (Ê-sai 64:6). Cho nên, để đạt được sự công chính trong mắt của Đức Chúa Trời, cũng gọi là được kể là vô tội, loài người phải nhận lãnh sự tha tội qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ đã thực hiện trên thập tự giá. Không có lối nào khác.
Và sự thánh khiết mà chúng ta nhận sau khi được Đức Thánh Linh sanh lại và biến đổi, phải được thể hiện qua nếp sống thực tế mỗi ngày một cách thành thật, không giả trá, bằng cách vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh trong từng việc lớn nhỏ.
Nếu Đức Chúa Trời bắt chúng ta phải nỗ lực để tìm kiếm sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh thì tất cả chúng ta đều sẽ tuyệt vọng; bởi vì dùng nỗ lực của loài người để đạt đến sự hiểu biết thuộc về thượng giới chỉ là chuyện ‘đội đá vá trời,’ phí thì giờ và hoàn toàn không đạt tới được.
Nhưng Ngài đã chuẩn bị mọi điều cần thiết mà chúng ta cần để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Chương trình cứu chuộc toàn hảo của Đức Chúa Trời được thực hiện qua Đức Chúa Giêxu là để tạo điều kiện cho mọi con dân Ngài nhận mọi sự chỉ dẫn họ cần cho bước đường thánh hoá.
Đức Chúa Giêxu biết các môn đồ rất buồn và thất vọng khi được cho biết Ngài sẽ không còn ở bên cạnh họ nữa (16:5,6). Những điều Chúa nói trước đó khiến họ rất hoang mang vì chưa hiểu ý nghĩa những lời Ngài nói rằng Ngài sẽ rời họ và Đức Chúa Cha sẽ sai Đấng An Ủi đến để ở với họ đời đời. Ngài cũng nói họ có biết Đấng An Ủi ấy vì Đấng ấy đang ở với họ (14:16,17), trong khi họ chưa được nhận lãnh Đức Thánh Linh.
Rồi Ngài lại hứa: “Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con” (14:18). Ngài giải thích: “Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con” (14:26).
Nhiều người rất thắc mắc về những lời Chúa phán ở các chỗ nầy. Vì Chúa hứa là sau khi rời các môn đồ và sửa soạn xong chỗ ở cho họ rồi, Ngài sẽ trở lại đem họ đi với Ngài; rồi Chúa cũng hứa ban Đấng An Ủi đến thay chỗ Ngài và ở với họ vĩnh viễn.
Sau đó Ngài lại phán: “Ta nói thật với các con: Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến” (16:7).
Khi chưa hiểu về việc Đức Chúa Trời biểu lộ chính Ngài cho thế gian qua ba thân vị khác nhau, thì trí hiểu biết, cách lý luận phân tích của chúng ta dễ kết luận sai lầm và thấy những lời Đức Chúa Giêxu phán thật là khó hiểu và vô lý. Bởi vì tại sao phải cần Đức Thánh Linh đến nếu Ngài sẽ trở lại đem các môn đồ đi với Ngài?
Cứ mỗi năm khi mùa Phục-sinh đến, con dân Chúa khắp nơi đều được nhắc nhở về ngày dân Do-thái tưng bừng đón Đức Chúa Giêxu yêu quý của chúng ta vào thành Giê-ru-sa-lem; khổ nạn mà Ngài phải trải qua; cũng nhắc nhở nhau về lời dặn dò phải giảng rao sự chết của Ngài cho thế gian chung quanh; rồi hân hoan ca mừng sự phục sinh khải hoàn của Chúa.
Sau ngày lễ, chúng ta đối mặt với cuộc sống bận rộn mưu sinh, chẳng bao người còn suy gẫm về các ý nghĩa sâu nhiệm trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối với mỗi cá nhân tín hữu và Hội-thánh Ngài qua những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu cho các môn đồ mình.
Nếu chúng ta suy gẫm những lời phán có vẻ mâu thuẫn của Đức Chúa Giêxu vừa được trích ở trên, theo sự hiểu biết về mối liên quan giữa ‘logos’ với ‘rhema,’ sẽ thấy nhiều điều rất quan trọng.
Đức Chúa Giêxu là ‘Logos’ của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1). ‘Rhema’ là tiếng nói của Đức Thánh Linh làm cho ‘Logos’ trở thành sống động trong tâm linh chúng ta để tạo nên đức tin của Đức Chúa Trời.
Mục đích của Đức Chúa Giêxu đến thế gian là để chịu chết đền tội cho nhân loại (Giăng 12:27); cho nên, thân thể nhân loại của Ngài phải chịu bị giết. Khi Ngài sống lại dù bằng một thân thể đã biến hoá và không bị vật chất giới hạn, nhưng vẫn còn xương thịt (Luca 24:39–43).
Vì vậy Đức Chúa Giêxu không ngự vào lòng mọi người bằng hình thức ấy. Đức Chúa Giêxu phải chịu chết để Đức Thánh Linh có thể đến ngự trong lòng mọi người tin, vì Đức Thánh Linh ngự xuống trong thể Thần-Linh. Con Người Giêxu chỉ phán rhema cho một người hay nhóm người nào đó ở một thời điểm. Nhưng chẳng con số nào có thể giới hạn lời rhema của Đức Thánh Linh cho toàn thể con cái Ngài trên khắp thế giới trong cùng một thời điểm.
Mặc dù Đức Chúa Giêxu, Logos của Đức Chúa Trời, có tất cả thuộc tính của Đức Chúa Cha, Ngài vẫn bị hạn chế bởi không gian và thời gian khi ở trong thể xác loài người.
Ngoài sự hi sinh thân xác cao quý nhất trời đất để chuộc tội nhân loại, sự chết của Ngài còn là cách để mở đường cho Đức Thánh Linh đến để chúng ta có thể nhận lãnh rhema. Nhưng Đức Thánh Linh chỉ ban rhema cho người nào bằng lòng cộng tác với Ngài trong tiến trình thánh hoá đời sống của người ấy.
Sự thánh hoá theo ý muốn của Đức Thánh Linh sẽ làm thay đổi nếp sống cố hữu của từng người một. Đừng ai tự lừa dối mình trong việc nầy; bởi vì một cách sống lộn xộn, bừa bãi, không ngăn nắp bên ngoài là bằng cớ của một nếp sống tâm linh chưa siêng năng đủ để loại trừ những hỗn độn trong lòng.
Trong mùa kỷ niệm Phục-sinh và Thương-khó năm nay, chúng ta hãy thức tỉnh những gì lâu nay đang bị mê muội vì sự lo lắng ở đời, sự thiếu hiểu biết, hay nếp sống tâm linh biếng nhác tạo ra trong lòng chúng ta.
Hãy suy gẫm về hạnh phúc vô biên mà sự chết hi sinh của Chúa chúng ta đã mang tới cho con cái Ngài. Ngài đã chết, đã sống lại, đã về trời, rồi ban Đức Thánh Linh sống trong lòng chúng ta, giúp chúng ta được thánh hoá và phán lời rhema để chúng ta nhận được đức tin của Đức Chúa Trời.
VanDeQuanTrong26.docx
Rev. Dr. CTB