Chúa Nhật, January 6th, 2012

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 16

Mục Đích Của Ơn Tiên Tri

1Côrinhtô 14:3

Theo các lời khuyên của sứ đồ Phaolô cho Hội-thánh Côrinhtô thì bất cứ tín hữu nào cũng có thể nhận được ơn tiên tri, tức là được mặc khải về việc gì hay vấn đề nào đó. Nhưng hiện thời ít thấy các Hội-thánh người Việt thuộc phái ân tứ có những hoạt động nói tiên tri; nói chi tới việc tín hữu bình thường được tự do nói tiên tri trong Hội-thánh. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng lý do chính là vì chúng ta chưa biết cách làm thế nào vận dụng ơn tiên tri với sự tôn kính và khôn ngoan kỉnh kiền; cũng chưa thật sự biết rõ về ơn tiên tri hoặc hết lòng khao khát ơn tiên tri ban xuống cho Hội-thánh. Nguyên nhân của sự thiếu sót nầy là do nhiều giáo phẩm chưa lưu tâm rèn luyện; từ đó chưa biết cách huấn luyện cho tín hữu vận hành trong ơn nầy.

Trong khi đó một số tín hữu chưa biết vấn đề tới nơi tới chốn đã vội vàng áp dụng cách sai trật; cũng không thiếu những người quá khích mang tinh thần vô kỷ luật. Không một người chăn bầy chân chính nào dám để cho những tân tín hữu chưa trưởng thành về mặt tâm linh công khai cố ý nhân danh Chúa quở trách người khác; cũng không thể cho những tín hữu mới tập tành ơn tiên tri đưa ra những lời tiên tri có tính cách sửa sai hay chỉ dẫn. Căn bản đầu tiên của ơn tiên tri là gây dựng, khích lệ và an ủi. Bất cứ ai có lòng muốn xây dựng Hội-thánh của Chúa đều được khuyến khích tập luyện vận hành trong ơn tiên tri. Nhưng vì tâm tánh xác thịt lẫn tinh thần kiêu căng; cho nên, một số người vừa nhận được ân tứ đã nhầm lẫn tinh thần chỉ trích của nhân linh và tưởng rằng đó là sự mặc khải của Đức Thánh Linh, nên hăng hái công kích người khác cách cẩu thả và không vâng lời người đã dạy dỗ mình, gây ra biết bao thiệt hại khó hàn gắn.

Việc Đức Thánh Linh ban ơn tiên tri cho con dân Ngài không dựa trên thời gian thâm niên của tín hữu, nhưng căn cứ vào lòng sẵn sàng của người nhận. Nguyên tắc nầy được nhận thấy cả thời Cựu lẫn Tân-ước (Dân-số-ký 11:26–29; Công-vụ 19:1–6). Nghĩa là trong Vương-quốc Đức Chúa Trời, cả chiên lẫn người chăn, người trưởng thành lẫn người non nớt, người có học thức cao lẫn người ít học, đều có thể được Chúa ban cho ơn tiên tri và vận hành trong ơn ấy, miễn là người ấy sẵn sàng để được Chúa dùng cho các mục đích và công việc của Ngài.

Trong lời tuyên bố của Đức Chúa Trời qua tiên tri Giô-ên, Ngài cho biết vào thời cuối cùng, Ngài sẽ dùng các con trai, con gái, tức là tuổi trẻ, để nói tiên tri (Giô-ên 2:28). Việc đó đang xảy ra khắp nơi vào thời đại chúng ta đang sống (Thạch, Christa, Roland). Trong số các trẻ em nói tiên tri, thì những đứa có trí hiểu ý thức điều mình nói, các trẻ thơ thì do được Đức Thánh Linh thúc giục nên nói trong tinh thần ngây thơ trong trắng về những việc ít quan trọng. Hội-thánh thời nay cần phải chú ý khi nào các đứa trẻ trong các gia đình tín đồ nói những lời có tính cách tiên tri. Vì rất có thể là Đức Thánh Linh đang sử dụng chúng để thông báo cho con dân Ngài những việc sẽ xảy ra, hầu cho chúng ta có đủ thời gian chuẩn bị hay đề phòng. Chúng ta cũng cần phải hiểu là ơn tiên tri thường được truyền chuyển qua sự đặt tay; khác với kiến thức Kinh-thánh phải được dạy dỗ có hệ thống và kỹ lưỡng; cho nên, khi trẻ nhỏ tiếp xúc với ơn tiên tri thì chúng dễ tiếp nhận.

Tuy nhiên, điều căn bản mà chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ là: Sở hữu một ân tứ mà không có mục đích là phí phạm ân tứ được ban cho. Nhận được ơn tiên tri là một việc, còn biết sử dụng ơn tiên tri để nói tiên tri đúng vào mục đích là một việc khác. Tựa như giòng sông cần có bờ hai bên để dẫn giòng chảy, việc sử dụng ơn tiên tri cần có các sự chỉ dẫn rõ ràng và chính xác để giữ đúng hướng sức mạnh rất lớn của nó. Nguyên tắc đầu tiên của ơn tiên tri là phải biết tập trung vào vấn đề và có mục đích. Sở dĩ tín hữu phải biết và nắm vững nguyên tắc nầy là vì phần nhiều Hội-thánh ân tứ đang vận hành ơn tiên tri chỉ nói tiên tri lông bông không mục đích, chẳng tập trung vào vấn đề gì cả. Khi chúng ta nhớ lại định nghĩa của sự nói tiên tri là Đức Chúa Trời dùng con người để nói ra lời, bày tỏ ý muốn hoặc sự chỉ dẫn của Ngài cho con dân Ngài, thì người nói lời tiên tri phải biết nói cách chính xác, rõ ràng và phù hợp Kinh-thánh.

Vào thời phôi thai, khi ân tứ tiên tri được phục hồi cho Hội-thánh chung; để tránh những lỗi lầm sơ đẳng, vài luật lệ đơn giản được áp dụng như: Tránh nói những lời bí hiểm, những lời không đi thẳng vào vấn đề và không rõ ràng; không được nói tiên tri đi ngược lại tinh thần của buổi nhóm, hoặc ngắt lời, làm gián đoạn những người đang giảng lời Chúa; tránh nói tiên tri cho phụ nữ nếu người chồng không có mặt ở đó; không được làm nhục người khác bằng cách nêu tội lỗi kín đáo của họ, và không bao giờ dùng ân tứ tiên tri để làm Hội-thánh ngã lòng. Sau một thời gian, khi ân tứ tiên tri phát triển hơn thì vài sự hướng dẫn cụ thể khác được thêm vào để ơn tiên tri được tinh luyện: Không bao giờ được dùng lời tiên tri để quở trách một trưởng lão; tránh nói tiên tri ghép đôi trai gái, nghĩa là ra lệnh về hôn nhân; tránh không nói tiên tri về sự giàu có cho tín hữu chưa vững vàng, và đừng bao giờ tỏ ra thiên vị khi nói ra Lời của Chúa.

Thời ấy, rõ ràng là các Hội-thánh chú trọng vào những điều không nên làm, chứ chưa chú ý vào những điều nên làm. Nghĩa là chú ý ngăn cản những điều tiêu cực thay vì nhắm vào các điều tích cực. Nỗ lực của thời ấy là làm sao cho việc nói tiên tri được lịch sự và trong sáng; nhưng sự nói tiên tri thời ấy không phải lúc nào cũng phù hợp với lời Chúa trong Kinh Thánh. Điều đó làm nẩy sinh sự bối rối và tranh cãi. Cuối cùng thì họ đi đến kết luận về lời giải đáp được chấp nhận là: Nếu, ơn tiên tri là một ân tứ trong Kinh-thánh, thì những sự chỉ dẫn rõ ràng để ơn ấy hoạt động cũng nằm trong Kinh-thánh. Những vấn đề nầy đã được trình bày rõ trong Tân-ước, đặc biệt là trong thư của sứ đồ Phaolô gửi cho Hội-thánh Côrinhtô: “… ai nói tiên tri là nói với người, nhằm mục đích xây dựng, khích lệ và an ủi” (1Côrinhtô 14:3).

Như vậy theo ánh sáng chỉ dẫn của Kinh-thánh, mục đích đầu tiên khi Chúa sử dụng ơn tiên tri từ lúc khởi đầu thời Tân-ước cho tới ngày nay là để GÂY DỰNG Hội-thánh (Công vụ 9:10–18; 1Côrinhtô 14:12; 1Timôthê 1:18–19; Hêbơrơ 3:13). Nếu con dân Chúa trong Hội-thánh thời nay muốn sử dụng ơn tiên tri thì phải ghi nhớ mục đích của ơn nầy là nhằm gây dựng Hội-thánh chứ không vì mục đích nào khác. Sự gây dựng ngoài ý nghĩa là xây dựng còn là xác định, thiết lập và cải thiện nữa. Cho nên, vì nhu cầu gây dựng thân thể của Chúa, là Hội-thánh, nếu chúng ta thật sự ước ao được Đức Thánh Linh sử dụng vận hành trong ơn tiên tri, thì hãy tập trung vận dụng ân tứ nầy để điều hành thánh vụ gây dựng cho nhau và xây dựng Hội-thánh.

Thánh vụ gây dựng là thánh vụ lớn và cao quý nhất mà chúng ta có thể sở hữu. Vì trong một thế giới thiếu hi vọng, người ta cần thấy tình yêu thương của Chúa được xác định qua quyết tâm của Hội-thánh gây dựng cho nhau. Mặc dù các dấu kỳ, phép lạ, ơn chữa bệnh và sự dạy dỗ đều là quan trọng, nhưng chỉ là thứ yếu so với mệnh lệnh gây dựng và khuyến khích nhau. Trong thánh vụ của Ngài, Đức Chúa Giêxu luôn luôn khuyến khích và gây dựng; vì vậy điều ấy cũng phải trở thành ưu tiên cho tất cả chúng ta. Một đầy tớ Chúa có ơn tiên tri đã nhận được lời Chúa khuyên: “Khi nói tiên tri hãy chúc phước thay vì nguyền rủa, cố gắng xây dựng lại những gì người khác đã phá đổ, và luôn luôn sử dụng ân tứ của mình dành cho công tác gây dựng người khác.”

Những lời trên phải trở nên phương châm cho cách chúng ta hoạt động trong sự thờ phượng và hầu việc Chúa. Hãy luyện tập lòng mình biết chống lại những lời nói tiêu cực không cần thiết. Nếu có được Chúa ban cho ơn tiên tri, hãy chọn những lời tiên tri tích cực có tính cách xây dựng. Hãy thử tưởng tượng người đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, nhờ lời nói gây dựng mà có niềm vui của người được phục hồi là tuyệt vời biết bao! Hoặc các tín hữu đang ở bờ vực của sự chán chường sắp lìa bỏ đức tin, nay nhờ những lời gây dựng, khuyến khích của chúng ta mà phục hồi niềm tin thì quý báu biết chừng nào. Chẳng những chúng ta đem ích lợi cho anh chị em mình mà còn được Đức Chúa Trời ghi công nữa.

HieuBietOnTienTri16.docx

Rev. Dr. CTB