Thử Nghiệm Đức Tin, bài 19

Rôma 10:9-10

Giới thiệu Vương quốc Đức Chúa Trời cho người chưa tin là đem Vương quốc ấy đến cho họ thấy thay vì dẫn họ tới Vương quốc. Muốn giới thiệu Vương-quốc cho người chưa biết, thì người giới thiệu phải biết thật rõ về Vương quốc ấy.

Người biết rõ một nơi nào hay vấn đề gì là người đã có kinh nghiệm về nơi chốn hay vấn đề đó; cho nên, sự giới thiệu Vương quốc không thể lờ mờ qua loa được.

Nói cách khác, người chứng đạo phải là người đã từng nhận lãnh tình yêu thương Đức Chúa Trời vào đời sống mình, có thể kể lại rõ ràng sự nhận lãnh ấy diễn ra như thế nào, gồm có những gì, điều kiện ra sao; ơn ấy đã cống hiến các lợi ích nào cho công dân nơi đó.

Sở dĩ phải biết rõ vì có biết rõ thì mới biết cách nói thế nào cho người nghe ưa thích và sẵn sàng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời như mình đã tiếp nhận và vui hưởng.

Hãy quan sát cách nhìn vấn đề của giới truyền giáo Tây phương khác với Á-đông như thế nào. Nếu chúng ta nhắm mắt áp dụng cách sắp xếp thứ tự theo tín hữu Âu Mỹ thì có thể bị lầm lẫn.

Xã hội Âu Mỹ quen thuộc với Cơ-đốc-giáo qua nhiều thế kỷ; người Tây phương không xa lạ với ý niệm về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus.

Trong khi đó người Á-đông thì quen thuộc với truyền thống suy nghĩ của các tôn giáo Đông phương. Vì vậy quan niệm của người Tây phương và người Á đông về Đấng Tạo Hoá, vũ trụ, linh giới, đời sau, tội lỗi, đạo đức, và cách giải quyết các vấn đề tâm linh khác nhau rất sâu đậm.

Người Á-đông vẫn tưởng lầm ông Trời có nguồn gốc từ loài người, hay phật với trời là một; họ cũng chẳng quan tâm tìm hiểu Đấng Tạo Hoá là ai.

Vì thế phải giúp người nghe đồng ý với mình điều căn bản rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá.

Người Việt Nam chưa tin Chúa lại càng không có một ý niệm gì về Kinh Thánh chứa đựng ý muốn, chương trình và lời phán của Đức Chúa Trời.

Đối với người Việt, kinh có nghĩa là các bài tụng niệm của nghi thức tôn giáo; cho nên, khi nghe mô tả Kinh Thánh là lời truyền dạy của Đức Chúa Trời cho loài người, lịch sử thời cổ, lời tiên báo về tương lai, chương trình cứu độ dành cho nhân loại, và sự thưởng phạt ở đời sau, không phải là các bài tụng niệm hàng ngày, thì rất ngạc nhiên và khó hiểu sự định nghĩa của quyển sách Thánh.

Vì vậy, con cái Chúa cần phải nắm vững nguyên tắc chứng đạo là giới thiệu Vương quốc Đức Chúa Trời cho người chưa tin, truyền đạt các sự hiểu biết sơ khởi về các điểm cốt lõi mà mình sẽ nói, để người nghe không bị bỡ ngỡ vì quá mới mẻ đối với họ.

Vì thế, thảo luận điều căn bản về Đấng Tạo Hoá trước đã (Thi-thiên 19:1-4).

Mặc dù cách hiểu về ông Trời của người Việt không hoàn toàn giống nhau, nhưng khái niệm ông Trời là Đấng phù hộ, ban ơn, thưởng hay phạt, thì hầu như mọi người đều đồng ý. Vì thế vấn đề trình bày Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Ông Trời của tổ tiên người Việt xưa nay để người nghe đồng ý công nhận là điều căn bản trước nhất.

Khi người ta công nhận Đức Chúa Trời không phải là thần tượng mà họ đang thờ kính, thì đã giải quyết được một nửa trở ngại trong việc truyền rao phúc âm. Bởi vì rất có thể họ đã nhận ra sự sai lầm trong tín ngưỡng của họ khi chưa biết thờ Trời.

Thêm vào đó, khi chúng ta giới thiệu Kinh Thánh là lời truyền dạy của Đức Chúa Trời qua các nhà tiên tri, thì người ta sẽ tò mò muốn nghe biết lời ấy nói gì. Cho nên, sự thực hữu của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh là sách từ Ngài truyền, phải được trình bày trước khi nói tới Tin Mừng.

Vấn đề tiếp theo là trình bày bản thể yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài không phải là một ông thần chực chờ để trừng phạt người có tội, tuy rằng khái niệm đó cũng giúp cho người ta biết Ngài là Đấng công chính không chấp nhận tội lỗi, để nhắc người ta nhớ rằng Ngài là Đấng thánh khiết, và họ dễ chấp nhận bản thể đó của Ngài.

Nhưng Đấng Thánh thay vì tiêu diệt người phạm tội thì Ngài dùng tình yêu thương để giải quyết tội lỗi, tiêu trừ quyền lực của nó trên người nào bằng lòng chấp nhận biện pháp giải cứu của Ngài

Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rôma 5:8);

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Hãy giúp thân hữu thấy lý do các tôn giáo thất bại là vì mọi tôn giáo trần gian đều không đạt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

Quan niệm của người ta về tội lỗi cũng khác nhau. Ai cũng biết tham lam là tính xấu, nhưng ít người Á đông nào lượm được của rơi mà tìm cách trả lại; họ thường nghĩ đó là điềm may mắn.

Vì thế, người chứng đạo phải trình bày chân tướng của tội lỗi; để người nghe sẽ thấy ai trong loài người cũng đã từng phạm tội: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23).

Nếu đã biết nhiều về người mình thân thiện, hãy xoáy vào loại tội mà người ấy thường phạm; giúp người đó hiểu tình trạng vô vọng của họ “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23).

Dùng thực tế chứng minh không một việc lành hoặc sự tu hành nào cứu được người đã phạm tội, dù thực hành tôn giáo, sống nhân đức, vv.; bởi vì vực thẳm ngăn cách giữa Đức Chúa Trời với tội nhân quá bao la, không đáy; cho nên, không người nào có thể vượt qua được.

Lúc ấy sự trình bày Tin Mừng, tức là giải pháp mà Đức Chúa Trời dùng để cứu độ người tin, là thuận lợi nhất.

Hãy nắm vững vai trò Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời* để thân hữu hiểu Ngài là Đức Chúa Trời phải giáng sinh làm một người, phải là người vô tội mới đủ điều kiện thế chỗ cho mọi người trong nhân loại, mà chịu hình phạt án chết vì tội lỗi của tất cả loài người.

Hãy thực tập tóm tắt những điểm quan trọng để không bị dài dòng mà không hiệu quả. Chúng ta sẽ nhấn mạnh tính độc đáo, có thật và đúng của Phúc Âm, khác hẳn mọi giải pháp mà loài người tưởng tượng, ấy là: Xưa nay, chỉ một mình Đức Chúa Jesus là Đấng vô tội, đã chịu chết đền tội cho loài người và đã phục sinh; những người khác, mà người ta tôn làm giáo chủ hoặc người cứu nhân, độ thế, không làm được gì và đều đã chết luôn, không thể tự cứu, cũng chẳng thể cứu ai cả.

Hãy dùng lời Kinh Thánh xác nhận sự khẳng định ấy: “Chẳng có sự cứu độ trong Đấng nào khác, vì ở dưới gầm trời nầy chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ” (Công vụ 4:12).

Điểm độc đáo thứ nhì là: trái với giải pháp theo cách suy luận của tất cả các tôn giáo trần gian, dùng nỗ lực của công lao loài người và tư tưởng suy diễn của người trần, để tìm cho ra con đường giải thoát, tức là người đi tìm trời, nên luôn luôn thất bại; còn Tin Mừng của Đức Chúa Trời là Con Trời đến thế gian gặp loài người để cứu vớt họ.

Ngài thi thố biện pháp đó cách dễ dàng, vì chỉ một mình Đức Chúa Jesus là Đấng từ thiên đàng đến thế gian làm người, nên Ngài biết các điều kiện đòi hỏi của cõi trời là như thế nào.

Cho nên “Đức Chúa Jesus phán: Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng qua Ta, không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Có thể một số người hiểu rằng ơn cứu rỗi cho loài người đến từ trên cao, nhưng về phần của con người thì họ không biết phải làm gì; cho nên, hãy dùng sự chỉ dẫn của Kinh Thánh để khích lệ người đang tìm ơn cứu rỗi là, sự chấp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban xuống cho nhân loại thì rất dễ dàng; bởi vì chỉ cần lòng tin thành thật biểu lộ qua sự xưng nhận bằng miệng:

Nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jesus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi” (Rôma 10:9-10).

Cũng hãy giải thích rõ sự “xưng Đức Chúa Jesus là Chúa” có nghĩa công nhận lời Ngài tuyên xưng là thật. Bởi vì Ngài thật là đường đi, chân lý và sự sống. Ngài chính là con đường dẫn đến Đức Chúa Trời mà thế gian tìm kiếm.

Sứ đồ Giăng, người đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa, nói: “Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12).

Lời xác định của Kinh Thánh, cùng với lời chứng của chúng ta, sẽ giúp cho thân hữu hiểu rằng họ đang nghe một sự thật, không phải là những lời hứa hão, mơ hồ mà không có chứng cớ gì hết. Thế thì, sự chia sẻ phúc âm phải có đủ bốn phần chính mới đem lại hiệu quả.

Hãy cầu xin Chúa ban cho quý anh chị em sự khôn ngoan, trí nhớ và sự bạo dạn để trình bày thông suốt.

* Xin xem bài số 03 “Ngôi Lời” trong loạt bài giải nghĩa sách Phúc Âm Giăng, của MS CTB

ThuNghiemDucTin19.docx

Rev. Dr. CTB