Thử Nghiệm Đức Tin, bài 18

Luca 10:5–9

Cầu thay là gì? Chúng ta quen với sự cầu nguyện nhưng chưa hiểu biết bao nhiêu về sự cầu thay. Khi Đức Chúa Jesus còn trên đất, Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhưng không phải Ngài cầu xin những nhu cầu cho mình mà cầu thay cho các môn đồ. Hầu hết thì giờ cầu nguyện của Đức Chúa Jesus là trò chuyện tương giao với Đức Chúa Cha và cầu thay cho các môn đồ của Ngài.

Sẽ có người thắc mắc tại sao quyền phép của Đức Chúa Jesus thì có thừa, Ngài lại là Đức Chúa Con, mà Ngài vẫn phải cầu thay cho môn đồ, thay vì chỉ cần ra tay cứu giúp họ là đủ? Câu trả lời là khi còn ở thế gian thì Đức Chúa Jesus là người, Ngài không làm công việc của Đức Thánh Linh hành động trong lòng người; cho nên, Ngài chỉ cầu thay cho các môn đồ của Ngài.

Vậy, cầu thay là thay mặt cho người có nhu cầu để dâng lên Đức Chúa Trời lời khẩn cầu đặc biệt cho người ấy.

Công việc cầu thay của chúng ta là dùng mối tương giao thân mật giữa mình với Đức Chúa Trời để trình dâng linh hồn những người thân quen với mình, khẩn cầu Chúa dẫn họ đến sự cứu rỗi. Áp dụng sự hiểu biết về vai trò thầy tế lễ, chính là công việc của người cầu thay, vì người mà đến trước mặt Đức Chúa Trời.

Sở dĩ tín hữu có thể thực hiện vai trò của thầy tế lễ, vì chúng ta có quyền bước vào sự hiện diện của Ngài nhờ huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus đã mở đường cho con cái Ngài bước vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời (Hêbơrơ 10:19).

Người chưa tin không biết gì về nơi nầy, cũng không thể héo lánh tới được, bởi vì chỉ những người đã được tha tội mới có quyền vào nơi ấy.

Một lý do nữa khiến chúng ta phải cầu thay là vì người đang bị hư vong sẽ không sẵn sàng tiếp nhận Đức Chúa Trời Thánh cho đến khi nào lòng người ấy được thúc giục.

Trước khi chúng ta có thể giới thiệu Đức Chúa Trời cho người cần phải được cứu rỗi, thì phải trình dâng linh hồn người đó lên Đức Chúa Trời trước đã. Sự trình dâng ấy là hành động cầu thay.

Thân hữu của chúng ta đang bị ma quỷ trói buộc, bịt mắt không thể thấy ánh vinh quang chói lọi của phúc âm Đấng Christ (2Côrinhtô 4:3-4). Người bị làm cho mù lòng thì không thể thấy ánh sáng Tin Mừng cho tới khi đồ bịt mắt bị tháo bỏ.

Tín hữu nào đã nhìn thấy vinh quang của phúc âm đều có bổn phận giúp những người thân quen còn bị mù lòng cũng được thấy rõ như mình đang thấy (Công vụ 26:17,18); cũng vậy, người đang bị xiềng xích trói buộc thì không thể tự mình tháo cùm, mở trói được, phải có người đang được tự do tới cứu. Cầu thay là một biện pháp rất hữu hiệu để giải thoát người thân của mình đang bị ma quỷ cầm tù trong sự mê muội của tâm linh mù loà.

Thế thì, sự cầu thay có huỷ bỏ vai trò tín hữu là người của hoàng gia hay không? Cầu thay là khẩn xin Đức Chúa Trời thực hiện những việc mà chúng ta không thể làm được. Vai trò người của hoàng gia vẫn tiếp tục được vận dụng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù ở linh giới.

Hai việc nầy khác nhau vì cầu thay là thực hiện vai trò thầy tế lễ, còn ra lệnh cho ma quỷ trong linh giới là vai trò người của hoàng gia.

Cho nên, trong sự cầu thay cho thân hữu, chúng ta sẽ không cầu xin Chúa đánh trận thay cho mình, nhưng trình dâng người ấy cho Chúa để Ngài sắp xếp các cơ hội cho người ấy có thể ăn năn, lập quyết định tiếp nhận vinh quang chói lọi của Tin Lành, mà họ đã nhìn thấy sau khi được mở mắt. Sự cầu thay nhằm giúp đưa thân hữu đến vị thế thuận lợi nhất để tiếp nhận ơn cứu rỗi.

Bởi vì sự cáo trách lòng người về tội lỗi của họ là công việc chỉ Đức Thánh Linh mới có thể làm, chúng ta không thể dùng lời kết án của mình khiến người ta ăn năn được.

Cầu thay là đặt mình ở vị trí của người đang hư mất mà cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời ban cho người ấy cơ hội được thoát khỏi nhà tù phong tục tập quán của truyền thống dân tộc và dòng họ gia đình do mặc cảm tự tôn của các dân tộc Á-đông.

Người cầu thay phải hiểu nhược điểm và tâm tính của dân tộc mình. Những thứ đó do thế giới tối tăm gieo vào tâm lý của tiền nhân được hun đúc qua rất nhiều thế hệ, nên đã trở thành tâm tính mà con cháu hãnh diện sở hữu, trở thành niềm tự hào dân tộc rất khó gỡ bỏ, nếu không nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời can thiệp vào.

Sự cầu thay trong trường hợp nầy là biện pháp hiệu quả nhất, vì người cầu thay sẽ đứng ở vị trí của thân hữu mà ăn năn tội, trình dâng người đó lên cho Chúa để xin Ngài vì người ấy mà hành động trong lòng, tạo cơ hội cho người đó thấy sự thật rồi ăn năn trở lại với Chúa.

Tuy nhiên để sự cầu thay chóng đem đến hiệu quả, chúng ta phải biết áp dụng nguyên tắc do Đức Chúa Jesus truyền cho các môn đồ phải áp dụng khi tiếp xúc với thân hữu (Luca 10:5-9). Phải biết cách áp dụng nguyên tắc bốn bước nầy thì mới dễ đem người ta đến với Chúa:

1) Chúc bình an (5-6). Tín hữu nào đã được Đức Chúa Trời ban cho sự bình an của Ngài thì có thể chúc bình an cho người khác. Làm thế nào chúng ta có sự bình an của Chúa và Chúa bình an ở với chúng ta? (Philip 4:4-9).

Sự bình an của Đức Chúa Trời không phải là một khái niệm trừu tượng; nó rất cụ thể, bởi vì khi ta chúc bình an cho ai, tức là ta muốn chia sẻ sự bình an mình đang có, thì sự bình an của Chúa từ trong ta phát ra truyền tới người đó; nếu người ấy không đáng nhận được sự bình an, ví dụ người kịch liệt chống cự Đức Chúa Trời, thù nghịch với phúc âm, thì sự bình an đó trở lại với người chúc bình an, không mất đi đâu hết, còn người quá tệ mạt sẽ không được nhận.

2) Kết thân với thân hữu. Sau khi hơi ấm của sự bình an Chúa đã làm tan chảy lớp băng giá trong lòng thân hữu đối với chúng ta, đừng vội vàng chia sẻ phúc âm; hãy thiết lập tình thân với người ấy để vừa tạo mối thân tình, vừa tạo lòng tin cậy và vừa giúp người ấy có cơ hội quan sát và nhận xét về các giá trị tốt đẹp của một con cái Chúa là thế nào.

Thái độ của những người nghĩ rằng mình thánh thiện không thể gần gũi người vẫn thường xuyên phạm tội và thờ hình tượng là một thái độ sai trật, cũng không ích lợi gì cho bất cứ ai.

Chấp nhận giao thiệp với thân hữu trong thực trạng của họ (7-8), là làm theo gương Đức Chúa Jesus (Luca 15:1-2, 10). Người thợ câu vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi mỗi lần buông câu.

Sự kết thân là phương cách hiệu quả nhất cho ta biết nhiều điều tiềm ẩn trong thân hữu, như sự hiểu sai về niềm tin và các nhu cầu khẩn thiết của họ.

3) Đáp ứng nhu cầu của thân hữu (9a). Ai cũng có các nhu cầu, có khi là khẩn thiết, có khi là kín đáo mà chỉ có tình thân mới bày tỏ ra. Để đáp ứng các nhu cầu, chúng ta phải áp dụng vai trò tiên tringười của hoàng gia vào giai đoạn nầy.

Ai có ơn mặc khải sẽ được Đức Thánh Linh tỏ cho biết điều cần phải làm. Uy quyền người của hoàng gia sẽ nhân danh Đức Chúa Jesus ra lệnh cho bệnh hoạn phải lìa khỏi thân hữu hoặc người thân trong gia đình của họ.

Ai đã tập luyện khả năng giải mộng tiên tri sẽ có cơ hội giúp cho tình thân càng bền chặt hơn. Mục tiêu chính yếu và quan trọng nhất ở giai đoạn nầy là xây dựng lòng tin cậy qua tình yêu thương chân thành đối với thân hữu của mình.

Nếu cầu nguyện và chữa bệnh không hiệu quả thì sao? Hãy nhớ rằng chúng ta không có quyền đáp ứng lời cầu nguyện. Thân hữu sẽ rất cảm kích khi thấy người bạn của họ thật lòng quan tâm tới nhu cầu khẩn thiết của họ, mặc dù chưa thấy lời cầu nguyện được nhậm.

4) Chia sẻ phúc âm (9b). “Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần các người.” Hãy nhớ rằng chúng ta không đem thân hữu đến với Vương quốc Đức Chúa Trời, mà giới thiệu Vương quốc của Ngài cho họ.

Bất cứ ai đang mệt nhọc và khát khô vì đường dài trong hoang mạc nắng cháy, không bao giờ từ chối khi được mời lên chiếc xe có máy điều hoà không khí và nước ướp lạnh sẵn sàng.

Sự tha tội và ơn cứu độ của Đức Chúa Trời đối với những người khát khao đi tìm chân lý mà đã thất vọng với đủ thứ tín ngưỡng sai trật, giống như chiếc xe buýt có máy điều hoà cùng với nước giải khát ướp lạnh đậu lại mời người đang đi bộ mệt lả trong hoang mạc lên nghỉ ngơi và giải khát. Chiếc xe như vậy là thiên đàng đối với người đang khát khô trên đường thiên lý.

Hãy tập luyện sự cầu thay cho người mình đang muốn giới thiệu ơn cứu độ của Chúa cho họ và cũng hãy theo đuổi các ân tứ thiêng liêng (1Côrinhtô 14:1) để quen thuộc với sự mặc khải thiêng liêng từ Đức Thánh Linh.

Nếu ai cũng biết vâng lời Chúa qua các bài huấn luyện và chịu khó ôn tập những điều mình đã được trang bị, thì viễn cảnh Hội thánh sẽ sáng sủa hơn nhiều.

ThuNghiemDucTin18.docx

Rev. Dr. CTB