Chúa Nhật, September 04, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 27

Mục Đích Của Sự Cầu Nguyện

Luca 11:1

Cầu nguyện không phải là một sinh hoạt bình thường trong bản chất con người thiên nhiên.  Nếu không được dạy cầu nguyện, hoặc không biết cầu nguyện với ai, một người với tất cả những tính cách bình thường của mình sẽ không khi nào cầu nguyện với một đấng nào hết.  Việc cầu nguyện không nằm trong sinh hoạt bình thường của con người.  Vì thế, khi một người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa và gia nhập Hội Thánh của Ngài, thì cầu nguyện là một sinh hoạt khó ứng dụng vào thói quen cuộc sống hàng ngày của người đó nhất. Những tín hữu bình thường sẽ hết sức tha thiết cầu nguyện khi gặp hoạn nạn, để mong được Đức Chúa Trời cứu thoát ra khỏi hoạn nạn ấy. Nhưng sau khi được đáp lời, nếp sống cầu nguyện trở lại thưa thớt, lơ là như trước.  Hiện tượng nào, hay việc gì cũng có nguyên nhân của nó.

Tâm linh của một người chưa tin Chúa không có sự sống thiên thượng.  Nó không cần được nuôi nấng chăm sóc bởi cái gì hết. Chỉ cái gì sống mới cần được cung cấp lương thực để tiếp tục sống; vì đã chết nên nó không cần lương thực để sống.  Nhưng sau khi một người thật lòng tin nhận Chúa thì một sự sống mới được sinh ra trong lòng người tin, đó là sự sống của Con Đức Chúa Trời. Người ấy có thể hoặc là bỏ đói sự sống đó hoặc nuôi dưỡng nó bằng sự tương giao cầu nguyện; bởi vì cầu nguyện là cách để nuôi dưỡng sự sống của Con Đức Chúa Trời trong lòng tín hữu. Người chưa tin Chúa không có nhu cầu về cầu nguyện, vì họ không có sự sống ấy trong lòng họ.  Một nguồn lương thực cần thiết nữa cho sự sống ấy là Lời Chúa (Mathiơ 4:4).  Từ sự thật nầy, chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân không cầu nguyện, không đọc Lời Chúa của một số tín hữu mà chúng ta quen biết.

Đừng tưởng rằng nếu chúng ta không cầu nguyện thì đời sống chúng ta sẽ gặp khó khăn trục trặc, khổ sở.  Vì điều phải chịu đựng sự khốn khổ khi một tín hữu không cầu nguyện là sự sống của Con Đức Chúa Trời trong lòng người ấy.  Quan niệm của hầu hết tín hữu về sự cầu nguyện, thật ra không có trong Kinh Tân Ước.  Người ta xem sự cầu nguyện như một phương tiện để đạt được nhu cầu của họ.  Kinh Thánh không trình bày mục đích của sự cầu nguyện theo cách ấy, mà cho biết mục đích chúng ta cầu nguyện là để chúng ta có thêm cơ hội hiểu biết chính Đức Chúa Trời là thể nào: “… Hãy cầu xin đi, các con sẽ được, để sự vui mừng của các con được trọn vẹn” (Giăng 16:24).  Cha trên trời của chúng ta luôn luôn muốn ban mọi điều tốt nhất cho con cái Ngài, để bày tỏ lòng yêu thương của Ngài dành cho những đứa con thật vẫn thường xuyên quấn quýt bên Ngài bằng sự cầu nguyện và trò chuyện tương giao.  Sở dĩ người cầu xin thường không nhận được điều mình khẩn cầu, bởi vì thiếu mối tương giao thân mật với Đấng mình cầu xin.

Đức Chúa Giêxu dạy: “… nếu các con không thay đổi và trở nên như đứa trẻ thơ, các con sẽ không được vào nước Trời” (Mathiơ 18:3).  Trẻ thơ chẳng bao giờ sợ hãi khi hỏi xin cha mẹ chúng điều mà chúng muốn. Đặc điểm của trẻ thơ là quấn quýt gắn bó với cha mẹ, không chút nghi ngờ gì về lòng thiện hảo và tình thương của cha mẹ đối với nó.  Lòng tin cậy bởi tình yêu nồng nàn đó thể hiện qua sự bạo dạn hỏi xin cha mẹ bất cứ điều gì đứa trẻ cần với lòng tin tưởng tuyệt đối.  Chúng ta đối với Chúa không giống như vậy. Thường thì Chúa là đối tượng để chúng ta trút đổ sự than van nỗi sầu khổ của mình, trong khi đó rất thờ ơ với tấm lòng của Ngài, các điều Ngài quan tâm ưa thích.  Sự thật là chúng ta xin Ngài rất ít việc, không đủ thân mật để bạo dạn xin Ngài mọi thứ mình cần.  “Hãy cầu xin đi, các con sẽ được.” Hãy cầu xin thì Đức Chúa Trời sẽ đáp lời.  Hãy tạo cơ hội và mở rộng lòng cho Đức Chúa Giêxu hành động trên đời sống chúng ta.

Nếp sống cầu nguyện và lòng dạn dĩ cầu xin của một tín hữu bày tỏ một thực tế về mối liên hệ gắn bó giữa người ấy với Đức Chúa Giêxu; như ví dụ Ngài dùng về nhánh nho phải dính liền với gốc nho (Giăng 15:4–11). Mối liên hệ mật thiết đó của một người thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Giêxu sẽ mở ra một cánh cửa rộng dẫn vào vô số kho tàng của Đức Chúa Trời.  Người biết cầu nguyện sẽ được ban cho vô số ơn phước mà người thiếu cầu nguyện không bao giờ nhận được (Giăng 15:16b). Giống như đứa trẻ mở miệng xin cha mẹ điều mà nó muốn hoặc cần, cái đích mà sự cầu nguyện nhắm đến cũng là muốn nhận được điều mình xin. Ý nghĩa nầy sẽ trừ bỏ mọi hình thức lễ nghi tôn giáo ra khỏi sinh hoạt cầu nguyện.  Vì khi một đứa trẻ cần điều chi đó mà nó bất lực không làm hoặc lấy được, thì nó đâu cần hình thức lễ nghi khi phải xin cha mẹ cho hay giúp nó?  Cũng vậy, cầu nguyện không khi nào nên là một hành động do lễ nghi tôn giáo thúc đẩy.  Loại cầu nguyện ấy sẽ chẳng nhận được sự đáp lời nào hết.  Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài cầu nguyện để Ngài có cơ hội bày tỏ cho họ biết rõ Ngài nhiều hơn.

“Nan đề của các con cái Chúa trong việc cầu nguyện là chỉ chọn giải pháp cầu nguyện khi đã bí lối, cùng đường, không còn biết cách giải quyết nào bằng trí khôn mình.  Khi một người đã bị bó tay rồi, thì đối với người đó sự cầu nguyện không còn là hành vi hèn kém của một người tầm thường.  Thật ra, đó là cách duy nhất mà người ấy có thể tiếp xúc với chân lý và thực tế của Đức Chúa Trời.” Oswald Chambers, Viện Trưởng một trường thần học ở Tô Cách Lan từ cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, đã phát biểu như thế (My Utmost For His Highest 8/29). Phát biểu đó rất đúng, vì hễ ngày nào chúng ta tin rằng mình có thể tự lo được, thì không khi nào cầu xin Chúa điều chi cả. Nghĩa là nếp sống cầu nguyện không phải là sinh hoạt bình thường và cần thiết trong đời sống hàng ngày của chúng ta.  Chúng ta chỉ chạy đến cầu cứu sự giúp đỡ của Chúa khi không còn cách giải quyết nào khác mà mình có thể làm. Thái độ ấy của lòng chúng ta hoàn toàn không có lợi ích gì cho tâm linh mình.  Hãy đến trình lên Chúa những nỗi khó khăn của mình, trình cho Ngài chính nguyên nhân nào đã làm cho mình bị bó tay.

Cũng có quan điểm dạy rằng: “Hãy cầu nguyện với Chúa, vì sự cầu nguyện làm thay đổi các hoàn cảnh!”  Xem xét kỹ thì sự thật không phải như thế.  Vì sự cầu nguyện thay đổi chúng ta rồi chúng ta làm thay đổi các sự việc, chứ không phải chính sự cầu nguyện làm thay đổi hoàn cảnh bên ngoài.  Đức Chúa Trời đã thiết lập mọi điều để sự cầu nguyện của một người trên căn bản đã được cứu chuộc, thay đổi quan điểm của người cầu nguyện đối với sự việc hoặc vấn đề.  Nghĩa là sự cầu nguyện sẽ thực hiện phép lạ thay đổi bản chất bên trong của con người thiên nhiên, để người đó nhìn mọi sự việc bằng một quan điểm khác hẳn người trần tục.  Nhờ cách nhìn mới đó, tín hữu mới có thể tin quyền phép của Đức Chúa Trời có khả năng can thiệp vào và thay đổi tình hình hay hoàn cảnh.  Chính đức tin ấy đã cho phép người cầu nguyện chạm vào các ơn phước đã có sẵn cho mình trong cõi linh, rồi đem nó về trở thành hiện thực trong cõi vật chất của mình.

Mục đích của bất cứ sự cầu nguyện nào cũng là trông chờ kết quả của sự cầu nguyện ấy đến.  Kết quả có đến hay không là do sự hiểu biết của chúng ta về Đấng đáp lời cầu nguyện nhiều tới mức nào.  Nếu cầu nguyện mà không trông mong một sự đáp lời nào hết thì cầu nguyện làm chi?  Vì mục đích của sự cầu xin là để nhận được điều mình xin.  Giá trị của lời cầu nguyện không dựa trên số lần cầu nguyện hay nó kéo dài được bao lâu, mà dựa trên mối tương giao giữa người cầu nguyện với Đấng mình cầu xin.  Vì mối tương giao thân mật tạo lòng tin cậy vào sự tốt lành của Chúa đối với mỗi con dân Ngài.  Sự tin cậy không làm cho lo lắng hay sợ hãi, như Kinh Thánh dạy: “Đừng lo lắng gì cả; nhưng trong mọi sự hãy cầu nguyện, nài xin và cảm tạ, trình dâng các lời thỉnh cầu của anh em lên cho Đức Chúa Trời” (Philíp 4:6).

Hãy tập luyện cho sự cầu nguyện trở nên một sinh hoạt không thể thiếu trong nếp sống tâm linh, để nuôi dưỡng sự sống của Con Đức Chúa Trời đã được đặt trong lòng chúng ta.  Hãy luyện tập sự cầu nguyện của mình với lòng dạn dĩ như tình yêu và thái độ của đứa con nhỏ đối với cha mẹ, hầu cho Đức Chúa Trời có cơ hội bày tỏ tấm lòng thương yêu tuyệt vời của Ngài đối với mọi con cái Ngài; và chúng ta càng ngày càng biết rõ Chúa của mình nhiều hơn.

QuyenNangThuocLinh27.docx

Rev. Dr. CTB