Chúa Nhật, March 1st, 2015

Trở Về Nền Tảng (1)

2 Các Vua 17:5–18

Nước Việt Nam đã bị người Trung-hoa đô hộ khoảng một ngàn năm. Mặc dù người Việt vẫn giữ được bản sắc dân tộc của mình, nhưng về phương diện văn hoá và phong tục, thì hầu hết các phong tục của người Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm các tục lệ của người Trung-hoa.

Chữ Tết mà người Việt dùng cho các dịp lễ hội là từ chữ ‘Tiết’ của tiếng Hán. Nếu ai chịu khó nghiên cứu, sưu tầm thì thấy các lễ hội mừng các ‘Tiết’ đều phát sinh từ nền văn hoá nông nghiệp theo thời tiết bên Tàu. Một số lễ hội khác có nguồn gốc tín ngưỡng hoặc tôn giáo.

Các nhà nghiên cứu cách hành xử của con người nhận thấy rằng, người ta hành xử theo văn hoá mà họ bị ảnh hưởng; văn hoá lại thành hình do tín ngưỡng hay tôn giáo hun đúc lâu ngày.

Như vậy, phong tục của một dân tộc thành hình từ thứ tín ngưỡng có ảnh hưởng mạnh trong xã hội của dân tộc đó.

Khoảng hơn 2000 năm trước, Giao-châu chưa trở thành một vương quốc, thì các bộ tộc trong xứ đều thờ đa thần. Người ta thờ thần núi, thần sông và đủ thứ thần khác.

Sau khi bị người Trung hoa triều đại nhà Hán sang chinh phục và đô hộ lâu dài, thì phong tục của người Giao-chỉ và các sắc tộc thiểu số giáp giới với Trung-hoa, đều chịu ảnh hưởng văn hoá và phong tục của người Trung-hoa.

Người Việt ở các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần thì chịu ảnh hưởng của Khổng-giáo và Lão-giáo; từ đời nhà Lý trở về sau thì Phật-giáo mật tông, tức là tam-giáo-đồng-nguyên có ảnh hưởng mạnh hơn trên xã hội Việt Nam. Các sắc tộc thiểu số thì vẫn thờ đa thần. Những điều vừa nói đều là các sự kiện lịch sử.

Do đó, những tập quán của người Việt mừng dịp đầu năm âm lịch xuất phát từ tục lệ mừng Tết nguyên đán của người Trung-hoa áp dụng từ hàng ngàn năm qua.

Mặc dù người Việt vẫn hay Việt hoá những cái gì ngoại lai, nhưng về các tục lệ ngày Tết thì bị ảnh hưởng rất nhiều từ tục lệ của người Tàu. Trải qua nhiều thế kỷ, những tục lệ ấy được xem như Việt hoá; cho nên, chẳng ai thắc mắc hay quan tâm tìm hiểu xem nó từ đâu ra.

Ví dụ như, có cành hoa đào hay hoa mai vàng chưng trong nhà thì mới ra không khí Tết, nhiều người đã bấm bụng mua những chậu hoa rất đắt tiền về chưng ba ngày tết, dù biết rằng mình bị con buôn lợi dụng cơ hội tăng giá. Nhưng không có nhiều người biết gốc tích tục lệ chưng cành đào của người Trung-hoa là một thứ bùa yểm trừ ma đuổi quỷ từ rất lâu đời về trước, gọi là “đào phù” (sách Phong Tục Thông).

Hoặc đèn lồng hình cá chép là bùa trừ yêu quái có từ đời vua Tống Nhân Tông bên Tàu. Hay kiềng vàng, dây chuyền có hình chữ Vạn, chữ Phúc cũng là thứ bùa để phụ nữ đeo lấy hên.

Hoặc liễn đỏ, tức là hai câu đối viết trên giấy màu đỏ dán trong nhà vào dịp Tết, thì có nguồn gốc thần chú của tôn giáo. Hay những cái phong linh treo cho gió thổi chạm nhau kêu leng keng cũng là một thứ bùa từ chùa phật giáo mà ra.

Như vậy, bùa chú hay phù chú là một phần của phong tục Việt Nam bị tiêm nhiễm từ văn hoá Trung-hoa. Mà truy nguyên phù chú thì biết nó là sản phẩm của hai nguồn tôn giáo lớn trong xã hội Á-đông ngày xưa, là Lão giáo và Phật giáo.

Phù hay bùa được người mê tín tin là vật tốt lành, vật giữ lấy hên, lấy phước, hay là món đeo hoặc mang trong người để được phù hộ. Chú nghĩa là lời nguyền rủa, hoặc câu thần chú, hay lời chúc nguyện của phật giáo; mà người mê tín thì tin rằng những lời ấy có quyền lực vô hình trong câu chú thốt ra.

Rất ít người biết câu nói ‘Úm-ba-la’ mà người ta thường nói để đùa giỡn, thì gốc gác từ ‘Úm-bát-nhã’ của phật giáo. Úm tức là Om của tiếng Phạn, phiên âm ra chữ Hán, rồi tiếng Hán-Việt đọc là ‘Án’ trong câu chú ‘Án ma ni bát di hồng’ từ tiếng Phạn ‘Om mani pad me hum’ của phật giáo dùng để đuổi ma quỷ (Phù Thuật Việt Nam – Lê Văn Lân).

Con cái Chúa cần phải hiểu biết rõ ràng về các phong tục mà mình thừa hưởng từ tổ tiên bao đời truyền lại, để biết ý nghĩa và sự áp dụng của các phong tục ấy nhằm mục đích gì.

Sở dĩ chúng ta phải hết sức cẩn thận, vì bối cảnh tổ tiên, dân tộc và văn hoá của người Việt có nhiều điều trái ngược với luật thánh của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta đã không chịu tìm hiểu, lại còn nhắm mắt làm theo các thói tục bị Đức Chúa Trời ghê tởm, thì tương lai linh hồn và thậm chí thể xác chúng ta trong hiện tại không tươi sáng chút nào.

Như dân Israel bị Chúa trừng phạt mất nước và lưu đày, vì phạm tội nghịch lại Chúa “là Đấng đã đem họ ra khỏi Ai-cập. … Họ đã thờ lạy các thần khác, sống theo thói tục của các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi dân Israel” (7–8).

Khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Giêxu vào làm Chủ tâm linh và đời sống mình, thì đã được giải thoát khỏi sự chết tâm linh vì những vi phạm và tội lỗi mình; bởi vì trước khi tin Chúa, tất cả chúng ta đều “sống theo cách của thế gian, thuận theo kẻ cầm quyền chốn không trung, là thần hiện đang hành động trong những con cái không vâng phục. Tất cả chúng ta đều ở trong số nầy, đã có lần sống theo những dục vọng của xác thịt, theo đuổi các đam mê của xác thịt và tâm trí. Như vậy, theo bản chất tự nhiên, chúng ta là con của sự thịnh nộ như mọi người khác” (Êphêsô 2:2–3).

Nếu chúng ta áp dụng các thói tục văn hoá có nguồn gốc mê tín, hoặc do ma quỷ bày đặt, mà không có chút hiểu biết nào, thì có nghĩa là mình vẫn làm theo các thói tục mà Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích của sự tăm tối ấy.

Không phải phong tục tập quán nào của dân tộc Việt Nam cũng là tốt đẹp. Một khi chúng ta đã biết chân lý, được nhận ơn cứu rỗi, được dạy cho biết phân biệt giữa điều gì là thánh với điều gì là ô uế; đã được cứu thoát khỏi quá khứ bối cảnh đen tối, thì đừng làm những điều Chúa chẳng bao giờ cho phép.

Dân Israel đã “đốt hương như các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi họ, làm những việc gian ác để chọc giận Đức Giê-hô-va. Họ thờ phượng những hình tượng mà Đức Giê-hô-va đã phán với họ: ‘Các ngươi không được thờ lạy chúng.’ … Họ bắt chước các dân tộc chung quanh, là những dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã truyền họ không được làm theo chúng” (11 –12, 15b). –

Hãy nghĩ xem, có bao nhiêu tục lệ ngày tết mà chúng ta thừa hưởng từ phong tục Tết mê tín của người Trung-hoa? Vấn đề không phải là thức ăn, nhưng là ý nghĩa phía sau tục lệ ấy.

Tử vi Trung-hoa đã đặt ra mười hai địa-chi tương ứng với mười thiên-can để đặt tên cho năm âm lịch. Người ta lấy tên con thú đã được đặt vào năm sinh của mình làm năm tuổi; vì thế người ta nhận mình là cầm tinh con thú nầy con thú nọ, quên mất mình là con người.

Người Việt Nam vẫn thường hỏi nhau: “Anh [hay Chị] tuổi con gì?” Ý thức ấy đã ngấm sâu vào tư tưởng của biết bao tín hữu, khiến họ không nhận ra mình đang áp dụng tục lệ của ngoại giáo trong niềm tin tâm linh họ.

Số con cái Chúa người Việt hiểu biết về vấn đề nầy thì không nhiều. Chẳng phải chỉ tín hữu mà thôi, nhiều mục sư Việt Nam cũng mù tịt chẳng biết mối hiểm nguy của tà đạo ảnh hưởng trên họ, khi chính miệng họ tự xưng hay tuyên bố con thú cầm tinh của mình.

Trong mười hai địa chi của tử vi Trung-hoa, thì con rồng là một con vật thần thoại, được quý chuộng hơn các con khác. Chưa ai thấy mặt mũi con rồng ấy ra sao; người ta chỉ tưởng tượng rồi thêm thắt đủ thứ vào. Vì con rồng đời nhà Lý có hình giống như rắn hay lươn. Con rồng hiện nay ở Á-đông là do người Trung-hoa sáng chế.

Kinh-thánh nói rằng: “Con rồng lớn bị ném xuống tức là con rắn xưa, được gọi là ma quỷ hay Sa-tan, kẻ lừa dối cả nhân loại” (Khải-huyền 12:9; 20:2).

Vì hình ảnh con rồng, dù dưới hình thức nào, là biểu tượng của ma quỷ và Sa-tan, liệu con cái Chúa có nên chứa nó trong nhà mình không?

Thế mà rất nhiều tín hữu quý chuộng hình ảnh nó, trọng vọng nó, chịu bỏ tiền mua những bức sơn mài hình rồng, hoặc những bộ bàn, ghế, tủ gỗ có chạm khắc hình con rồng, để trưng bày một cách trang trọng trong phòng khách nhà mình. Tai họa xảy đến cho những người ấy, mà họ cứ đổ thừa cho các nguyên nhân khác.

Mỗi lần tết âm lịch đến là lúc mà nhiều điều trái với luật pháp Chúa từ phong tục của dân tộc diễn ra nhiều nhất, tất cả con cái Chúa cần phải biết rõ những điều mình học từ tập quán của quê hương mà mình sinh ra và trưởng thành, xem nó có đi ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời cho linh hồn của mình hay không; để chúng ta có thể vui hưởng ơn phước Ngài trong suốt năm mới.

TroVeNenTang01.docx

Rev. Dr. CTB