Chúa Nhật, December 20th, 2015
Trở Về Nền Tảng 32 (Giáng Sinh 15b)
Mathiơ 2:1–12
Chuyện tích về các nhà thông thái Đông-phương đến thăm Đức Chúa Giêxu tại Bết-lê-hem là một trong các chuyện tích Giáng-sinh được kể lại nhiều nhất, nhưng cũng là chuyện bị biết sai nhiều nhất.
Trong vô số hình ảnh được các họa sĩ mường tượng, rồi vẽ để mô tả sự kiện nầy, luôn luôn có ba vị vua cỡi ba con lạc đà kèm theo một ngôi sao sáng rực chiếu vào hài nhi nằm trong máng cỏ.
Rất nhiều người đã được nghe qua khoa chiêm tinh thì tin rằng số mạng của một người có liên quan đến một ngôi sao nào đó trên trời. Nghĩa là họ tin rằng khi một người được sinh ra đời, thì trên trời sẽ xuất hiện một ngôi sao mới.
Nhưng ngày nay mọi người đều biết rằng tất cả các vì tinh tú trên trời chiếu sáng hàng đêm, mà mắt thường của người ta thấy được, thì đã được Đức Chúa Trời dựng nên từ thuở Ngài làm thành hình vũ trụ. Cho nên các nhà chiêm tinh và xem tử vi ngày càng mất khách.
Người ta tin rằng ngôi sao lạ mà các nhà thông thái Đông phương đã thấy rồi theo sự dẫn lối của nó, vì họ tin đó là điềm thông báo cho nhân gian biết có một bậc đế vương mới ra đời, là một ngôi sao chổi đặc biệt.
Sự lầm lẫn của người thời nay đều xoay quanh thời điểm các nhà thông thái đến gặp Đức Chúa Giêxu. Khoảng 99% số người được hỏi đều trả lời rằng họ đến đúng đêm Chúa giáng sinh, hoặc sau đó vài ngày.
Nhưng nếu đọc kỹ phân đoạn Kinh-thánh Ma-thi-ơ 2:1–12, thì người đọc phải hiểu rằng khi các nhà thông thái tìm ra chỗ Đức Chúa Giêxu và mẹ Ngài cư ngụ, thì lúc đó Đức Chúa Giêxu đã được khoảng trên dưới một tuổi.
Đó là lý do mà tất cả bé trai ở Bết lê-hem từ hai tuổi trở xuống đều bị giết theo lệnh của ông vua Hê-rốt độc ác (Mathiơ 2:16).
Từ sự hiểu biết sai về thời điểm nói trên, không có bao nhiêu người dành thì giờ suy gẫm về các món quà mà họ đem đến. Vì Kinh-thánh ghi chép có ba loại quà, nên người ta suy diễn rằng đã có ba vị thông thái đến gặp Đức Chúa Giêxu để thờ lạy Ngài.
Các bức họa đều vẽ hình của ba người cỡi ba con lạc đà đi dưới ánh sao lạ. Ngày nay chúng ta biết rằng những người giàu có thời ấy đi đâu cũng phải có một đoàn tùy tùng đi theo để phục vụ và bảo vệ họ.
Hôm nay chúng ta sẽ không mất thì giờ tìm hiểu có bao nhiêu vị thông thái đã đến, vì không thể nào tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi ấy, mà chỉ suy gẫm về ba loại quà họ đã mang đến dâng cho Đức Chúa Giêxu thôi.
Món quà đầu tiên được Kinh-thánh nói đến là vàng, một thứ kim loại vì hiếm nên rất quý, có giá trị cao so với các thứ kim loại khác, bởi vì nó không bị rỉ sét do tác động của khí hậu và thời tiết. Nơi có các món đồ trang trí bằng vàng thì đẹp rực rỡ và sang trọng.
Vào thời Cựu-ước, Rương giao ước, bàn thờ xông hương, chân đèn, các vách của Đền Tạm, và tất cả dụng cụ dùng trong nơi thánh và chí thánh, mà Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môi-se chế tác, đều phải bọc vàng hay làm bằng vàng ròng. Như thế vàng là biểu tượng của sự thiêng liêng và thánh khiết.
Vàng còn tượng trưng cho vương quyền nữa. Vì vậy, món quà bằng vàng tượng trưng cho Vương quyền và thần tánh của Đức Chúa Giêxu. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã dùng các nhà thông thái Đông phương đem quà đến dâng cho Chúa để người cha nuôi và mẹ phần xác của Ngài có phương tiện nuôi dưỡng Đức Chúa Giêxu trong những năm tha hương tại Ai-cập.
Đối với con dân Chúa ngày nay thì ý nghĩa của vàng không phải chỉ là của cải vật chất, nhưng là những điều mình xem là quý báu.
Kỷ niệm Chúa giáng sinh, chúng ta sẽ dâng cho Chúa món quà gì? Khi nói đến hiến dâng hay quà tặng, thì món hay lãnh vực quý giá ấy phải cụ thể. Không phải ai cũng có thể dâng hiến nhiều tiền bạc, nhưng mọi người đều có thể dùng sức lực và thì giờ tặng cho Chúa.
Món quà mà chúng ta muốn dâng lên Chúa sẽ là bằng chứng cụ thể nhất về lòng mình để ở đâu. Như Đức Chúa Giêxu đã dạy rõ: “Vì của cải con ở đâu, lòng dạ con cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21).
Hãy dành thì giờ cho Chúa mỗi ngày qua việc đọc Kinh-thánh hay cầu nguyện tương giao với Ngài. Đừng dành nhiều thời gian cho các việc trần tục vô ích. Hãy chứng tỏ lòng anh chị em yêu mến Chúa đến mức nào. Mùa Giáng Sinh năm nay hãy sống cách nào được Chúa đẹp lòng.
Ai keo kiệt với Chúa về tiền bạc cũng sẽ keo kiệt trong các việc bác ái. Không phải do món dâng nhiều hay ít, nhưng do lòng yêu kính Chúa được bao nhiêu. Hai đồng tiền đáng giá một xu của bà goá nghèo được Chúa khen ngợi hơn các món tiền lớn của người giàu (Mác 12:41–44).
Cũng vậy, người vất vả làm lụng kiếm sống và thì giờ eo hẹp nhưng sẵn lòng dành riêng thời gian phục vụ và thờ phượng Chúa, thì quý hơn người ăn không ngồi rồi, không bận chuyện gì, thỉnh thoảng mới hụ hợ một chút công sức.
Sự dâng hiến tiền bạc, đóng góp thì giờ, sức lực cho công việc nhà Chúa chỉ vì bổn phận, thì đối với Chúa sẽ chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu đó là một món quà yêu thương dành cho Ngài, thì dù nhỏ đến đâu cũng quý hơn món quà bằng vàng khối.
Các nhà thông thái từ xa đem đến dâng Chúa loại quà quý thứ nhì là nhũ hương. Nhũ hương là chất liệu rất hiếm nên có giá trị rất cao.
Ngoài một ít công dụng dược liệu và mỹ phẩm, người thời xưa dùng nhũ hương trong việc thờ phượng. Vì thế, nhũ hương là biểu tượng vai trò Thầy-tế -lễ Thượng-phẩm của Đức Chúa Giêxu.
Nhũ hương cũng tượng trưng cho sự thánh khiết và công chính. Món quà nhũ hương của nhà bác học dâng cho Đức Chúa Giêxu là biểu tượng tiên tri về sự sẵn lòng của Ngài trở nên một Sinh-tế, hiến dâng mình một cách trọn vẹn, giống như một tế lễ thiêu dâng lên cho Đức Chúa Trời.
Đối với chúng ta, món quà dâng lên có mùi thơm ngào ngạt trước mặt Đức Chúa Trời là lòng chân thành biết ơn Ngài. Lòng chúng ta càng biết ơn sự cứu độ của Đức Chúa Trời chừng nào, thì càng biết ơn dòng huyết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu chừng nấy.
Mùa Giáng Sinh nầy, anh chị em sẽ dâng lên Chúa lòng biết ơn ra sao? Không gì khiến Chúa đẹp lòng hơn là con dân Ngài vì lòng yêu mến và biết ơn Ngài, đã nỗ lực ngăn chận được nhiều linh hồn khỏi sa xuống hỏa ngục, qua tinh thần rao truyền Tin Mừng của Đức Chúa Trời.
Người thật lòng biết ơn Chúa sẽ kiên nhẫn theo đuổi và giới thiệu Tin Mừng cứu độ cho những người chưa tin Chúa mà mình quen biết. Bởi vì việc làm ấy mới chứng tỏ được tình yêu thương chân thật, như Chúa của mình đã thật lòng yêu thương người có tội.
Làm sao chúng ta có thể nói mình yêu mến Chúa mà không cảm thông chút nào về nỗi khổ đau của Ngài, khi vô số người quen biết hay người thân yêu của chúng ta bị ma quỉ cám dỗ rồi bị đùa xuống hỏa ngục?
Bởi vì chúng ta không chịu nói, hoặc không dám nói cho họ biết về ơn cứu độ chuộc tội miễn phí và tuyệt đối hiệu quả của Đức Chúa Giêxu.
Món quà thứ ba cũng là biểu tượng thuộc linh đặc biệt về thánh vụ của Đức Chúa Giêxu do các nhà thông thái đem đến.
Mộc dược là một trong các hương liệu để pha chế dầu thánh (Xuất 30: 23-26); nó cũng là một thuốc thơm dùng trong sự thanh tẩy và trau giồi sắc đẹp của phụ nữ (Ê-xơ-tê 2: 12); là loại dược liệu chính để tẩm liệm xác chết, giữ xác không bị hư hoại trong thời gian dài.
Vì thế, mộc dược là biểu tượng về sự thống khổ và sự chết mà Đức Chúa Giêxu sẽ phải chịu để cứu vớt nhân loại khỏi chốn trầm luân.
Sự chịu khổ và bị bắt bớ là điều Đức Chúa Giêxu đã phải chịu từ khi khởi đầu cuộc đời Ngài trên đất; từ việc phải lánh sang Ai-cập lúc còn là một trẻ thơ, Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo chống đối dữ dội, và bị đóng đinh treo trên thập tự giá một cách oan ức.
Theo gót các nhà thông thái khi xưa, chúng ta cũng muốn dâng lên Chúa món quà mộc dược của mình. Ý nghĩa và công dụng của mộc dược thì quá rõ ràng.
Có ai trong chúng ta vì Tin-mừng của Đấng Christ mà phải chịu khổ chăng? Hay vì đức tin vào Ngài mà bị bắt bớ, nhục mạ qua lời nói hay thái độ, cử chỉ của những người chưa tin Chúa quanh mình? Có khi nào vì yêu kính Chúa mà anh chị em phải đau đớn từ bỏ điều mình rất ưa thích chăng, hay phải cắt đứt một tình yêu do người kia chống đối đức tin của anh chị em?
Mộc dược càng bị giã nát chừng nào càng dậy mùi thơm ngào ngạt chừng đó. Hãy nhớ rằng sự chịu khổ, hoạn nạn, thử thách, và bách hại là phần tự nhiên của cuộc đời trên đất. “Thật, tất cả những người muốn sống nhân đức trong Đấng Christ Giêxu đều sẽ bị bắt bớ” (2Timôthê 3:12). Vậy, hãy dâng món quà mộc dược của mình cho Chúa.
Nếu ai có đủ ba loại quà dâng cho Chúa trong mùa Giáng Sinh nầy thì sẽ hưởng phước lành của các nhà thông thái năm xưa. Dù không đủ, mỗi món quà chân thật đều được Chúa vui nhận.
TroVeNenTang32.docx (GiangSinh15b)
Rev. Dr. CTB