Chúa Nhật, September 6th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 19

1Phi-e-rơ 1:13–16

So với những người ở các thế hệ trước, sự ham muốn của lòng người thời nay vượt xa hơn nhiều. Vô số tín hữu ở các Hội-thánh bây giờ cũng không thoát khỏi những sự ham muốn giống người thế gian chung quanh mình.

Bởi vì khi người ta sống trong xác thịt với tất cả các tiện nghi của xã hội văn minh, thì lâu dần tiện nghi ấy trở thành nhu cầu.

Xã hội mới đã làm mất hẳn nếp sống bình lặng thanh thản của nhiều thế hệ lớn lên tại những vùng thôn làng, đồng quê. Suy đi, tính lại, người thời nay đã hoang phí biết bao nhiêu tài nguyên và nỗ lực cho những thứ họ chưa hoặc không cần.

Nghệ thuật và các kỹ xảo quảng cáo siêu đẳng của nền kinh tế thị trường khiến người tiêu dùng ham muốn và mua những món hàng họ không cần đến. Người khôn ngoan trong việc mua sắm chỉ mua những món gì mình cần, không phải thứ mình thích mà chưa cần.

Chúng ta phải biết tự nhắc nhở mình về mục đích của đời sống theo quan điểm của Chúa đối với con dân Ngài là gì.

Ai sống trên đời cũng đều muốn sống sung sướng và hạnh phúc. Chẳng ai muốn sống đời vất vả, cực khổ, nghèo túng và đầy âu lo cả.

Tâm lý của đa số người cho rằng, hạnh phúc gắn liền với giàu sang phú quý. Nhưng trong lãnh vực nầy, một số người không muốn bị bon chen về tiền bạc, danh vọng hay quyền thế. Ngược lại, ai cũng mong muốn có thân thể khoẻ mạnh không bị bệnh tật dày vò.

Những điều loài người mong muốn và ao ước thì không phải mọi thứ đều xấu. Có thể trong số những điều người ta mong muốn, thì có nhiều việc là đúng, cao cả, hợp lý, và tốt nữa. Nhưng tính cách ưu tiên của chúng có thể là chưa cần ngay lập tức.

Đối với Đức Chúa Trời thì điều quan trọng nhất mà chúng ta, những con dân của Ngài, cần phải có, hoặc thực hiện, là chấp nhận Ngài, Đấng sẽ thánh hóa chúng ta.

Nghĩa là, bằng mọi giá, chúng ta phải thiết lập và gìn giữ mối tương giao thông suốt với Ngài. Vì Kinh thánh chép Chúa phán rằng: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:16).

Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là mọi con dân Ngài phải có đời sống được thánh hoá. Nhưng lòng chúng ta chấp nhận mệnh lệnh ấy tới mức nào, mới là điều đáng bàn.

Vì thế, người tin Chúa cần phải tự hỏi: Tôi có tin rằng mình cần phải thánh hóa không? Tôi có tin rằng Đức Chúa Trời có thể vào trong lòng tôi và thánh hóa đời sống tôi không?

Tại sao nhiều người tín đồ xưng là muốn được thánh hóa nhưng sợ nghe những lời chân thật của Ngài về hậu quả của tâm tính, thái độ cùng hành động sai trật của họ?

Nếu có ai trong những người đang thường xuyên đi nhà thờ, nhưng bất mãn khi nghe các lời Kinh-thánh động chạm tới con người thật của mình, thì hãy biết rằng đoạn đường đi tới nếp sống thánh hóa của người ấy còn xa vời lắm.

Lời Kinh-thánh rao truyền Phúc-âm của Đức Chúa Trời vẫn thường làm dấy lên sự bất mãn cao độ trong lòng các giáo đồ có đời sống tâm linh yếu đuối.

Bởi vì mục đích của sự rao truyền Tin Mừng là phơi trần tội lỗi ô uế trong lòng người, đồng thời khuấy động sự mong mỏi, ước ao của người biết mình có tội muốn được Chúa tha thứ và cứu giúp thoát khỏi tình cảnh bất năng, bất lực trước sức mạnh của những sự ham muốn xấu xa trong lòng mình.

Sở dĩ Đức Chúa Trời đã soạn thảo chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài bằng thứ phúc âm khuấy động lòng người như vậy, là vì Ngài muốn người ta hướng tới thiên mệnh duy nhất của họ là sự thánh khiết.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người thì Ngài không định cho người trở nên những thân vị xấu ác hay quỷ quái. Ngài muốn tất cả đều ăn năn, được cứu và trở nên các thánh đồ hữu ích cho Nước Trời.

Mọi con cái Chúa phải hiểu và biết rõ ý muốn của Ngài cứu vớt họ là khiến mọi con dân Ngài trở thành thánh nhân, chứ không phải là những cái túi chứa đựng của cải hay ơn phước từ trời.

Cho nên, nếu tín hữu xem Ngài là cái máy vĩnh viễn cung cấp ơn phước thì họ đã hiểu rất sai về Chúa cao cả trên trời.

Những người luôn mang tâm lý cầu phước và các sự hiểu biết sai lầm như thế, sẽ dễ bị loại thầy giảng bất lương hay giáo hội gian xảo lừa bịp, rồi đưa tới chỗ hư vong.

Các bài học nầy được soạn thảo không nhằm mục đích nói về tội lỗi hay những sự yếu đuối của người ta, nhưng để trình bày chân lý không bị pha trộn bởi ý tưởng của thế gian.

Chúa không cứu vớt chúng ta vì Ngài thương hại loài người. Ngài đến thế gian cứu chúng ta vì khi Ngài sáng tạo loài người, hà hơi sống thánh khiết của Ngài vào lỗ mũi của nhúm bụi đất mà Ngài đã nắn để người trở thành một loài sanh linh, thì mục tiêu của Ngài là tạo vật ấy phải được thánh hóa.

Giáo hội nào cho rằng Đức Chúa Trời cứu loài người vì Ngài thương hại tạo vật do Ngài tạo dựng, thì giáo hội ấy chỉ sản sinh ra vô số giáo đồ tới nhà thờ để cầu phước. Còn vài giáo phẩm bất lương cũng lợi dụng lòng mong mỏi cầu phước của số tín đồ mê tín, nên cố tạo hình ảnh mình là người thánh, và tạo ra một tâm lý khiến những tín đồ ấy lệ thuộc vào ơn mình được ban.

Sự chuộc tội bởi thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ có nghĩa là Đức Chúa Trời có quyền đặt mọi người tin Ngài vào sự hợp nhất toàn hảo với Ngài qua sự chết của Đức Chúa Giêxu, giữa Ngài và những người đó không có một chút dấu vết tội lỗi nào xen vào.

Bởi vì Ngài đã thánh hóa họ bằng huyết cực thánh của Đức Chúa Giêxu và quyền phép toàn năng của Đức Thánh Linh.

Vì thế, mọi con cái Chúa phải rất cẩn thận, đừng để mình bị hoen ố bởi những thói tục nào, dù được thực hành bởi những người có tiếng tăm, nhưng không phù hợp với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ rằng, mọi người nào tin nhận Đức Chúa Giêxu đều nhận được sự tha tội, sự tái sinh, sự thánh hóa, và các ân tứ của Đức Thánh Linh giống nhau. Cho nên, đừng để bị ai lừa gạt bằng những lời rỗng tuếch không có nền tảng Kinh-thánh vững vàng.

Chẳng phải vì lòng chúng ta chân thành mong muốn được Chúa ban ơn thì Ngài sẽ dựa trên lòng mong muốn đó mà ban cho chúng ta những điều mình muốn.

Đức Chúa Giêxu truyên bố rất rõ ràng về điều kiện để được làm môn đổ thật của Ngài: “Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta thì không xứng đáng với Ta; ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không xứng đáng với Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta thì chẳng xứng đáng với Ta” (Ma-thi-ơ 10:37–38).

Lời ấy có nghĩa là tín hữu có nhận được ơn ban từ Chúa hay không, nhận được nhiều hay ít, đều căn cứ vào mức độ người đó vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời ra sao. Chẳng phải nhờ sự đặt tay của vị mục sư được ơn, mà tín hữu sẽ nhận được các ơn đặc biệt.

Mặc dù Đức Chúa Trời muốn mọi con dân Ngài đều có ơn đặc biệt để phục vụ người khác, nhưng Ngài chỉ ban cho người chịu thánh hóa. Lòng nhiệt thành với thập tự giá của Đấng Christ, đời sống quyết tâm thánh hoá chỉ tìm thấy trong lòng người biết vâng lời Đức Chúa Trời.

Nếu tình trạng hầu việc Chúa ngày nay của chúng ta nảy ra từ bản chất con người xác thịt chưa được rèn luyện trong kỷ luật, hoặc cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta vừa thiếu quyền năng, vừa không hiệu quả, thì nguyên nhân là đã không “bắt hết các ý tưởng phải vâng phục Đấng Christ” (2Cô-rinh-tô 10:5).

Đừng để bị thúc đẩy bởi bản chất ham muốn danh vọng và địa vị. Nhiều người thường quên mất rằng không những chúng ta phải quyết tâm tin nhận Đức Chúa Giêxu để được cứu rỗi, mà còn “phải biến hoá theo sự đổi mới của tâm trí” mình để trở nên giống như Đức Chúa Giêxu nữa (Rôma 12:2).

Suy gẫm về mệnh lệnh: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” sẽ giúp chúng ta hiểu sự thánh khiết theo ý nghĩa của Chúa khác với cách chúng ta thường hiểu theo ý riêng của mình.

Thánh khiết có nghĩa là hoàn toàn trong sạch trong cách sống đạo trước mặt Chúa; từ mọi lời nói do miệng mình nói ra cũng như mọi tư tưởng mình suy gẫm trong tâm trí mình nữa.

Vì vậy, hãy phơi trải tâm địa mình ra dưới ánh sáng soi xét của chính Đức Chúa Trời. Ngài sẽ chỉ ra điều gì là thanh sạch đáng khen, điều chi là xấu xa ô uế phải bị trừ bỏ; rồi vâng lời làm theo những sự chỉ dẫn ấy của Ngài.

Tiến trình đi tới của một đời sống đang được thánh hóa không phải chỉ đơn giản là những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, nhưng là những gì chúng ta đã nhận được từ Chúa bây giờ biểu lộ ra trong đời sống thường ngày của mỗi con cái Ngài.

Từ nếp suy nghĩ của tâm trí, lời nói của môi miệng đến cách phản ứng và hành xử, đều là thánh thiện mà ta không cần phải cố gắng.

Ấy là mục đích của Đức Chúa Trời đối với mọi con dân Ngài: Mọi tín hữu phải được thánh hóa.

TroVeNenTang19.docx

Rev. Dr. CTB