Chúa Nhật, November 8th, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 27
Rôma 5:1–8
Tình yêu thương trong nhân loại đã có từ thời Đức Chúa Trời tạo thành hai người đầu tiên ở thế gian. Mặc dù là một lãnh vực xưa cũ từ thời cổ đại, nhưng tình yêu giữa nam và nữ vẫn được loài người bàn tán, khám phá, ca tụng như một điều mới mẻ trong sự hiểu biết của con người.
Có nhiều loại tình yêu khác nhau: Cha mẹ yêu con cái, anh chị em thương yêu nhau, bạn bè quý mến nhau, tình yêu giữa vợ chồng, vv. Tất cả các loại tình yêu giữa người nầy đối với người khác đều là tự phát. Chẳng có thứ yêu thương nào do tính toán trước rồi mới nẩy ra tình yêu. Bởi vì không có trường hợp nào tình yêu thương sinh ra do sự tính toán hay cố gắng của lòng người. Tính cách đặc biệt của tình yêu là tự phát.
Trong bản mô tả tình yêu thương của Phao-lô viết (1Côrinhtô 13:4–7), không tính chất nào trong đó do người ta suy tính trước rồi lập quyết định thực hiện cả.
Có nhiều lãnh vực, do được phân tích chính xác, chúng ta mới hiểu chúng cách rõ ràng, như tình yêu thương trong lãnh vực cảm xúc của con người.
Tình yêu đam mê giữa nam với nữ là thứ tình cảm nẩy sinh bộc phát từ sự hấp dẫn của người nầy đối với người kia. Đến nỗi thi nhân phải than thở: “Mấy ai định nghĩa được tình yêu!”
Nhưng sau khi xem xét vô số cuộc hôn nhân là kết quả của tình yêu, thì gần một nửa bị đổ vỡ không phương hàn gắn, đa số còn lại thì tình yêu lạnh nhạt dần theo thời gian. Nghĩa là đại đa số người trong mộng không đáng yêu hay tuyệt diệu như nhiều người vẫn tưởng.
Thật ra, sở dĩ trong lịch sử nhân loại có các mối tình bất tử là vì những đôi tình nhân ấy không lấy được nhau, hay phải chia lìa, do các hoàn cảnh éo le nào đó.
Đối với chúng ta là tín đồ của Đức Chúa Giêxu, thì ngoài tình yêu nam nữ theo bản năng của loài người, có một số lãnh vực yêu thương khác cần phải được chúng ta nghiên cứu cẩn thận. Bởi vì nếu không biết, tín hữu có thể bỏ ra nhiều nỗ lực mà không đạt đến mục đích.
Khi nói đến bản chất của tình yêu thương, người ta phải biết về nguồn tình yêu vĩ đại nhất đã đi vào thế giới loài người.
Khi chúng ta là những người tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ và được thế gian gọi là Cơ-đốc-nhân, thì từ lúc ban đầu của đời sống tín đồ, chẳng ai trong số con cái Chúa tự động đem các lời tuyên bố của Đức Chúa Giêxu đặt trước mặt mình làm những tiêu chuẩn của đời sống; nhưng khi Đức Thánh Linh của Ngài chiếm hữu tâm hồn chúng ta rồi, thì chúng ta bắt đầu sống theo những tiêu chuẩn của Ngài một cách tự nhiên, dễ dàng mà chẳng có chút ý thức nào về việc đó.
Giống như tình yêu giữa hai người thắm thiết yêu nhau, họ thấy rằng các ý nghĩ và sở thích của nhau là rất dễ chấp nhận.
Những tín hữu thật lòng yêu mến Chúa sẽ rất ngạc nhiên khi xét lại những ngày đã qua trong đời sống bước đi theo Chúa của mình, họ chẳng quan tâm chút nào về sự nhận xét hay phản ứng của người chung quanh đối với những hành động bày tỏ lòng yêu kính Đức Chúa Trời một cách hăng say của họ.
Thái độ ấy là dấu hiệu rõ ràng của tình yêu tự phát từ một tâm linh biết ơn Đấng đã cứu mình bằng tình yêu thương vĩ đại nhất. Chúng ta chỉ có thể nhận ra bản chất của mọi điều có liên quan đến sự sống của Đức Chúa Trời, khi mình đã trải qua kinh nghiệm về sự sống ấy.
Nghĩa là sự sống của Chúa ban vào tâm hồn ta không còn là lời hứa sẽ nhận được trong tương lai, mà chúng ta đã sở hữu lợi ích của sự sống ấy rồi.
Tình yêu của chúng ta đối với Chúa đã tự bộc phát, mặc dù chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Ngài hiện ra cho mình. Việc đó sẽ diễn ra trong nơi sâu thẳm của tâm linh khi chúng ta nhận thấy và thấu hiểu tình yêu vô bờ của Chúa đối với phận hèn mọn con người hư vong của mình.
Vì vậy ông Phaolô dạy rằng: “Đức Thánh Linh, Đấng Chúa đã ban cho chúng ta, đem tình yêu của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta” (Rôma 5:5).
Thế thì, điều kiện tiên quyết để có tình yêu nồng nàn đối với Đấng Thánh tuyệt vời là nhận lãnh Đức Thánh Linh của Đức Chúa Giêxu Christ. Mà yếu tố cần phải có để nhận lãnh Đức Thánh Linh là lòng chân thành biết ơn Đấng cứu rỗi mình.
Khi biết rằng những nguồn suối, mà qua đó tình yêu thương tuôn chảy, là ở trong Đức Chúa Trời chứ không phải trong chúng ta, thì đừng ai nghĩ rằng tự bản thân mình có tình yêu nên mình mới biết yêu thương người khác và kính yêu Chúa.
Nếu trong chúng ta ai có lòng yêu thương mà Chúa đòi hỏi, thì chẳng phải nó xuất phát từ trong lòng mình, mà do Đức Thánh Linh đổ tình yêu của Đức Chúa Trời vào lòng chúng ta. Nếu ai thật lòng kính yêu Chúa, thì tình yêu thương ấy tự bộc phát do bản thể của Đức Chúa Trời đang tuôn trào trong lòng ta. Vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương (1Giăng 4:8).
Một dấu hiệu chứng tỏ người nào không thật lòng yêu kính Chúa là người đó cố gắng tỏ ra cho người khác thấy mình yêu mến Ngài, nhưng thường không vâng lời Chúa.
Sứ đồ Giăng phát biểu: “Ai vâng lời Chúa, tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện hoàn toàn trong người đó. Nhờ vậy, chúng ta biết mình thực sự ở trong Ngài” (1Giăng 2:5).
Lời dạy của sứ đồ Giăng, một người có kinh nghiệm sâu đậm về tình yêu thương của Đức Chúa Giêxu, sau khi tiếp nhận sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì lời dạy ấy mở mắt cho chúng ta nhận ra bí quyết để được ở trong Đức Chúa Giêxu là vâng lời Ngài.
Theo lời dạy của ông thì sự liên quan giữa ba điều: Vâng lời Chúa, thể hiện tình yêu của Đức Chúa Trời, và được ở trong Đức Chúa Giêxu, thì chúng đan buộc chặt chẽ với nhau.
Nhưng phải hiểu rằng chúng ta không thể nào do sự cố gắng mà có thể yêu kính Đức Chúa Trời được; cho nên, tình yêu đối với Ngài phải sinh ra từ lòng biết ơn và kính phục Ngài, rồi mới vâng lời Ngài và được ở trong Ngài.
Sau khi phân tích kỹ càng sự liên quan và các mối liên hệ giữa lòng yêu kính Đức Chúa Trời với đời sống vâng lời Chúa và vị trí được ở trong Đức Chúa Giêxu, Kinh-thánh cho biết mọi điều đó đều do Đức Thánh Linh làm thành trong lòng con dân Ngài.
So sánh hai câu “Đức Thánh Linh, Đấng Chúa đã ban cho chúng ta, đem tình yêu của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta” (Rôma 5:5), với “Ai vâng lời Chúa, tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện hoàn toàn trong người đó. Nhờ vậy, chúng ta biết mình thực sự ở trong Ngài” (1Giăng 2:5), chúng ta thấy vai trò của Đức Thánh Linh quan trọng như thế nào.
Từ chân lý nầy, chúng ta nhận ra rằng bất cứ lý thuyết nào cố ý bỏ qua công tác của Đức Thánh Linh trong lòng người tin, hay ai có thái độ ác cảm với Đức Thánh Linh, thì dù lời nói có hay đẹp hoặc công việc họ làm có vĩ đại đến đâu đi nữa, thì chẳng giấu được sự thật phũ phàng là tổ chức ấy, hoặc những người đó chưa bao giờ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm Đấng dẫn dắt họ cả. Hậu quả là, họ chưa khi nào nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời đổ đầy trong lòng.
Hệ quả ấy dẫn tới các hệ quả kế tiếp là không thể nào có tình yêu thương chân thật trong nội bộ của những tổ chức nầy, đừng nói gì tới tình yêu thương đối với những người xa lạ.
Khi những người lãnh đạo tập cho tín hữu có thói quen không vâng lời Chúa, hoặc vì khinh thường hay xem các mệnh lệnh của Chúa truyền là chẳng có gì quan trọng, thì lẽ dĩ nhiên là đời sống đức tin của các thành viên trung thành với những tổ chức tự xưng là hội-thánh đó, sẽ chẳng có một chút kết quả nào cho Chúa hết.
Bởi một lý do rất đơn giản là vì không chịu ở trong Đức Chúa Giêxu, nên không được Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Và vì không có Đức Thánh Linh nên không có tình yêu của Đức Chúa Trời đổ đầy tâm linh, hậu quả là thờ ơ với số phận hư vong của người khác.
Mỗi năm khi mùa Tạ Ơn lại về, và các tín hữu chuẩn bị các lời chứng tạ ơn Chúa, phần đông nhắm vào các ơn phước của đời sống thể chất hơn là sự biết ơn sâu đậm của đời sống tâm linh đã được biến đổi.
Năm nay, chúng ta hãy cùng nhau mở đầu một cuộc thay đổi sâu sắc về lòng tạ ơn của những con dân chân thật của Chúa đối với Ngài.
Hãy suy nghĩ đến các biến cố trọng đại diễn ra trong tâm linh ta sau khi tiếp nhận ơn chuộc tội từ Đức Chúa Giêxu trong ơn cứu rỗi tuyệt vời của Đức Chúa Trời:
Đó là sự biến đổi từ tâm tánh thô bỉ của con người xác thịt cũ thành tính nết thánh khiết của tâm linh được Đức Thánh Linh dựng nên mới. Nhờ đó chúng ta có được tình yêu thương kính mến chân thành đối với Chúa và tình thương vô-vị-lợi đối với người quanh mình.
Hãy tạ ơn Chúa vì động lực khiến chúng ta biết yêu thương không do mình nghĩ ra, nhưng là đến từ Đức Chúa Trời. Vì Ngài là nguồn gốc của tình yêu thương, và vì “Đức Thánh Linh, Đấng Chúa đã ban cho chúng ta, đem tình yêu của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta” (Rôma 5:5).
TroVeNenTang27.docx
Rev. Dr. CTB