Chúa Nhật, September 20th, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 21
Rôma 7:1–25
Sứ-đồ Phaolô được Đức Thánh Linh dùng để viết những lời giáo huấn kỹ lưỡng, đầy đủ và quan trọng về sự thánh hóa. Vì thế, sự cần thiết phải được thánh hóa của đời sống tín hữu được ông trình bày ở đoạn 6 và sáu câu tiếp theo trong đoạn 7 của thư tín Rôma.
Để có thể hiểu tường tận vấn đề nầy, chúng ta sẽ lược qua những lý luận của đoạn 6 để biết nó liên quan với đoạn 7 ra sao.
Trước đó, Phaolô chứng minh rằng người ta được xưng công nghĩa nhờ đức tin chứ không phải bởi những việc công đức họ làm (1:17; 3:22; 4:24; 5:1), ông nói tiếp về biểu hiện cần thiết thực tế nhất của sự xưng công nghĩa để thoả mãn đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, khi Ngài ban món quà cứu độ cho loài người, thì Ngài còn ban thêm sự thánh hoá nữa.
Qua thư Rôma, chúng ta được hiểu rằng sự xưng nghĩa, hoặc xưng công chính, là công việc của Đức Chúa Trời giải thoát người ta ra khỏi hình phạt về tội lỗi. Còn sự thánh hóa là công việc của Đức Chúa Trời giải thoát con cái Ngài ra khỏi quyền lực của tội lỗi.
Sự xưng nghĩa ban sự công chính của Đức Chúa Trời cho người. Sự thánh hóa truyền đức công chính của Đức Chúa Trời vào người.
Sự thánh hóa có ba phương diện: a) Thánh hóa nhờ địa vị là tình trạng thánh khiết được đặt trên chúng ta khi ta tiếp nhận Đấng Christ; b) sự thánh hóa tiếp diễn là tiến trình được biến đổi theo hình ảnh của Đấng Christ trong cuộc sống thường ngày, và c) sự thánh hóa hoàn toàn sẽ được hoàn thành khi chúng ta lên thiên đàng gặp mặt Đức Chúa Trời.
Vì thế, điểm vô cùng quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu trong lời dạy của Phaolô là sự xưng công nghĩa chỉ giải quyết hình phạt của tội lỗi chứ không giúp Cơ-đốc-nhân thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.
Nghĩa là sự tin vào ơn cứu chuộc của Chúa chưa giúp chúng ta hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Sự xưng công nghĩa không phải là sự loại trừ tội lỗi.
Người ta vẫn tìm cách giải thích Kinh Thánh làm sao để biện minh cho tội lỗi của họ. Có người bẻ cong lời Kinh Thánh để biện minh cho cách sống tội lỗi của người ấy. Đó là những người giả dối, lạm dụng ân điển của Đức Chúa Trời để sống theo cách khiến cho Danh Ngài bị người chưa tin Chúa nói phạm.
Trong những câu Rôma 6:1–14, Phaolô dạy rằng việc tiếp tục sống trong tội lỗi là trái ngược với những gì mà sự xưng công nghĩa muốn hoàn thành.
Sự cứu chuộc được hoàn tất khi Đức Thánh Linh báp têm người tin vào thân vị và công tác của Đấng Christ (6:3). Nhờ sự báp-têm nầy chúng ta được hợp nhất với Đấng Christ trong sự chết, chôn, và sống lại của Ngài. Không phải chỗ nầy nói về hành động của phép báp-têm bằng nước.
Phép báp-têm bằng nước là hành động quyết tâm bề ngoài của ta công nhận những gì phải diễn ra bên trong lòng ta. Sự hợp nhất với Đấng Christ khiến chúng ta không thể tiếp tục sống trong tội lỗi, mà xem như mình đã chết đối với tội lỗi, để tội lỗi không còn quyền cai trị trên ta nữa.
Rôma 6:15–23 dùng hình ảnh người nô lệ làm luận cứ chống lại những lý luận nhân danh tự do bênh vực cách sống tội lỗi. Phaolô nói rằng bất cứ ai cũng bị làm nô lệ cho một thứ gì đó. Người chưa tin Chúa không có sự lựa chọn nào khác hơn là làm nô lệ cho tội lỗi, dù họ nghĩ rằng họ được tự do.
Người ta có thể lựa chọn làm nô lệ cách có ý thức hoặc vô ý thức. Làm nô lệ cho tội lỗi giống như người thử hút ma tuý và tin rằng họ có thể kềm chế được sự nghiện ngập, cho tới chừng bị ma tuý điều khiển hoàn toàn. Vậy thì chúng ta phải ý thức sự lựa chọn của mình, nô lệ cho tội lỗi để dẫn đến sự hư vong, hay nô lệ Đức Chúa Trời để được sự sống vĩnh cửu.
Qua Rôma 7:1–6 thì sứ đồ Phaolô dùng mối liên quan giữa hôn nhân với luật pháp để minh giải cho luận chứng của ông ở đoạn 6.
Hôn nhân là một sự kết hợp giữa hai người bị chi phối bởi luật pháp; theo đó thì một người đàn bà đang có chồng còn sống không được tự do lấy chồng khác. Nhưng nếu chồng chết thì người vợ được tự do.
Cách phân tích nầy không hoàn toàn ăn khớp với việc Cơ-đốc-nhân chết đối với luật pháp, nó chỉ nói lên thực tế là khi chúng ta hợp nhất với Đấng Christ để chết đối với tội lỗi và sự đòi hỏi không thể thực hiện nổi của luật pháp, là phía kết án chúng ta phải chết, thì chúng ta, người đã chết, được thoát khỏi sự trói buộc của luật pháp.
Sau khi hợp nhất với Đấng Christ để sống lại trong con người mới, thì luật pháp không còn thẩm quyền gì trên người tin.
Chúng ta có quyền hầu việc Chúa theo cách mới của Thánh Linh, không theo cách cũ của văn bản luật pháp. Nếu ai trở lại làm nô lệ cho luật pháp thì người ấy dại dột biết bao!
Vì luật pháp chỉ là dụng cụ phơi bày tội lỗi tiềm ẩn bên trong để chúng ta nhờ huyết của Đức Chúa Giêxu Christ đối phó với chúng. Nó không phải là nguyên nhân hay thủ phạm của nan đề.
Nó giống như quang tuyến X phơi bày mầm bệnh đang phát triển trong thân thể mà mắt người ta không thể thấy. Người ta không biết tánh tham lam là xấu, cho đến khi có một luật lên án tánh tham ấy (7:7).
Khi người ta biết ý thức điều luật pháp lên án, tội lỗi lợi dụng luật pháp khiến vô số ham muốn xấu xa sống dậy trong lòng người, “nếu không có luật pháp tội lỗi đã chết” (8).
Không có nghĩa là tội lỗi không có mặt, nhưng nó chỉ nằm thụ động cho đến khi bị kích hoạt bởi luật pháp. Nghĩa là luật pháp làm bộc lộ tội lỗi.
Các câu 7–11 cho thấy có 3 mối liên hệ giữa tội lỗi và luật pháp: a) Luật pháp định nghĩa tội lỗi; b) luật pháp lên án tội lỗi; c) luật pháp khơi tội lỗi dậy. Vì luật pháp phơi bày tội lỗi nên luật pháp “là thánh, đúng, và tốt” (12).
Như thế kẻ nào là thủ phạm? “…tội lỗi khi dùng điều tốt để đem đến sự chết cho tôi, đã để lộ chân tướng của nó. Lợi dụng điều răn, tội lỗi trở nên cực ác” (13).
Lợi dụng điều tốt để phục vụ việc ác, như có người lợi dụng tri thức về tâm lý mà mình đã học được để huấn luyện các tên cướp sao cho hiệu quả, thì chẳng phải tâm lý học là xấu, nhưng nó bộc lộ một con người có tâm tánh nguy hại đối với xã hội.
Tiến trình thánh hóa là sự biểu hiện đức công nghĩa của Đức Chúa Trời trên đời sống của tín hữu.
Khi chúng ta bị trục trặc trong tiến trình thánh hóa của mình, thì cái gốc của nan đề nằm trong tánh xác thịt của chúng ta, những sự ham muốn nguỵ trang dưới nhiều hình thức.
Nan đề thánh hóa của chúng ta là chính cái tôi ở trong ta (14–15). Tâm linh mới muốn phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng thất vọng trước con người xác thịt cũ bị tội lỗi cai trị.
Cho nên, ta không làm được điều tốt mình muốn làm, lại làm điều xấu mình không muốn (16–24).
Phaolô viết phân đoạn Rôma 7:14–25 để diễn tả thực trạng của những người ở dưới luật pháp, chưa bao giờ kinh nghiệm được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, vẫn còn bị bản ngã xác thịt cai trị.
Nghĩa là ông nói về tình trạng của ông khi chưa tiếp nhận Đấng Christ, không phải nói về tâm trạng của người đã ở dưới giao ước mới mà phải đối phó với quyền lực của tội lỗi.
Anh chị em đừng lầm lẫn khi đọc phân đoạn Kinh Thánh nầy. Vì nó diễn tả cuộc xung đột trong nội tâm của người sống dưới ách của luật pháp, chưa được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
Nghĩa là những người nghĩ rằng theo đạo là có nhiệm vụ giữ một mớ luật lệ, điều răn, để nhờ đó đạt được ơn cứu rỗi; hoặc những người thường xuyên thất bại trước tội lỗi, bởi vì chưa chịu dứt khoát đối phó với bản ngã đầy tham vọng của mình. Đó là những điều ngăn trở tiến trình thánh hóa.
Phân đoạn Rôma 7:14–24 mô tả cuộc tranh chấp căng thẳng trong lòng của người chưa chịu đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
Trong lòng người đó vẫn có sự xung đột triền miên khi đứng trước các sự lựa chọn về đạo đức; bởi vì người ấy vẫn bị sự lôi kéo mạnh mẽ của tâm tánh xác thịt.
Cho nên, anh chị em hãy thường xuyên tự nhắc nhở mình rằng, những điều ngăn trở sự thánh hóa của chúng ta trên đường về thiên quốc thì không phải là các nguyên nhân diễn ra bên ngoài, cũng chẳng phải là vì luật lệ của đạo Chúa là gắt gao hay khó khăn; mà thủ phạm chính là tâm tánh con người xác thịt bên trong vẫn chưa chịu hợp nhất với Đấng Christ trong sự chết của Ngài.
Những người như thế chưa thể kinh nghiệm sức sống phục sinh của Đức Chúa Giêxu.
Biết mà không áp dụng sự biết của mình vào các lãnh vực thiêng liêng của đời sống tâm linh thì thái độ ấy chính là nguyên nhân ngăn trở tiến trình thánh hóa của chúng ta.
Đồng thời ma quỷ vẫn tiếp tục cố thủ trong các thành lũy do ta xây dựng và bảo vệ, khiến đời sống ta cứ tiếp tục bị khốn khổ. Dù nhiều anh chị em khác vẫn thường xuyên cầu thay cho ta, hay ta có ra lệnh trục xuất chúng, chúng không vâng lời; Bởi vì chính ta nuôi và bảo vệ chúng.
TroVeNenTang21.docx
Rev. Dr. CTB