Chúa Nhật, March 22nd, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 03
Công Vụ 26:17–18
Các nhà truyền giáo thường kêu gọi người ta theo đạo: “Hãy tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu Christ, thì quý vị sẽ được sự sống vĩnh cửu, không còn bị trừng phạt ở hoả ngục.” Những lời ấy tuy đúng nhưng chưa đủ và cũng chưa chính xác.
Chúng ta cần phải hiểu thật rõ về con đường mình đang đi, đạo mình đang theo, những điều mình tin là chân lý; để chúng ta có thể giải thích niềm tin của mình một cách rõ ràng, hoàn toàn chính xác và không mù mờ.
Có rất nhiều điều quan trọng mà tín hữu thường hiểu biết rất lờ mờ. tình trạng đó dẫn tới những sự thất vọng không đáng có. Ví dụ như nhiều người tin rằng mọi điều mình cầu xin cách chính đáng sẽ được Chúa làm cho thành theo ý muốn; nhưng cầu xin mãi vẫn chưa thấy xảy ra nên ngã lòng, mà chưa biết rằng mấu chốt nằm trong việc có mối tương giao với Chúa hay không.
Vì thế, chúng ta sẽ trở lại nền tảng của Phúc-âm, của đời sống Cơ-đốc-nhân và của những sự việc phải diễn ra trên thiên trình. Để từ đó, chúng ta có thể tiến bước một cách vững vàng, có khả năng giải thích cho người chưa tin và biết cách dẫn người đó đến với Chúa.
Những sự hiểu biết ấy còn giúp cho con người thuộc linh của chúng ta ngày càng trưởng thành, đức tin mạnh mẽ và càng hiểu sâu hơn về linh giới; chẳng những để được gần gũi với Chúa hơn, lại còn được Ngài sử dụng trong những việc lớn và dẫn dắt vào những cuộc phiêu lưu ngoạn mục đầy hào hứng trong thế giới quyền năng và phép lạ của Ngài, mà chưa người trần gian nào dám nghĩ tới.
Theo lời Đức Chúa Giêxu phán với Phao-lô, thì để người ta có thể được đồng hưởng ân sủng Ngài ban cho các thánh đồ, người tin phải nhận được sự tha tội trước đã (18b).
Dù sự tha tội diễn ra trong cõi siêu nhiên, nhưng người nhận ơn tha thứ từ Chúa phải cảm nhận rõ trong tâm hồn mình, chứ không phải là một điều tưởng tượng. Nghĩa là sự biết tội lỗi mình được tha phải trở thành một kinh nghiệm.
Bởi vì trong thực tế, không một người nào bị truy tố bởi luật pháp, nhưng được tha bổng, mà lại không có một cảm nhận hoặc không biết gì về việc đó. Người được tha sẽ chẳng bao giờ quên cảm xúc thảnh thơi khi gánh nặng ngàn cân được trút bỏ khỏi tấm lòng nặng trĩu vì lo lắng của mình. Kinh nghiệm được tha tội là một việc sẽ ghi nhớ suốt đời.
Để nhận được ơn tha tội thì người ta phải có đức tin vào Đức Chúa Giêxu (18b). Nhưng để có đức tin nơi Đức Chúa Giêxu, thì người ấy phải được mở mắt để thấy thực trạng của mình đang bị trói buộc bởi sự tăm tối của quyền lực tội lỗi và sự lừa dối của thế lực ma quỷ, trong truyền thống văn hoá, tập quán, phong tục, tín ngưỡng, và các trào lưu xã hội mình đang sống.
Rồi người ấy phải chịu được “chuyển từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực của quỷ Sa-tan trở về cùng Đức Chúa Trời” (18a).
Cho nên, sự theo đạo mà không biết mình được giải thoát khỏi cái gì, thì chỉ là niềm tin mê tín, hoặc bị dụ dỗ, thuyết phục mà không có sự hiểu biết rõ ràng làm nền tảng cho đức tin.
Vậy thì, đức tin nơi Đức Chúa Giêxu có nghĩa gì? Người tin chẳng những phải hiểu biết Đức Chúa Giêxu phải chịu chết cách đau đớn nhục nhã để gánh hết tội lỗi của nhân loại, mà còn phải biết rõ ràng rằng: Để có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời phải chịu nỗi đau tan nát lòng, ngoảnh mặt đi chỗ khác, không nhìn Con Ngài đang bị những tên tội đồ đóng đinh trên thập tự giá.
Phép lạ vĩ đại của Đức Chúa Trời công chính và thánh khiết là: Ngài có thể tha thứ tội lỗi cho loài người cực ác. Chúng ta phải hiểu nỗi đau đớn trong lòng Ngài khi phải thực hiện sự tha tội nhân loại qua cái chết khổ nhục của Đức Chúa Giêxu.
Chỉ có sự chết thay của Đấng Christ, Thần Nhân vô tội, để chuộc tội cho chúng ta, mới có thể làm cho Đức Chúa Trời vẫn giữ vẹn bản thể công chính, thánh khiết và yêu thương của Ngài, khi Ngài tha tội cho loài người.
Tin rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương là niềm tin đúng và chính xác (1Giăng 4:8, 16). Nhưng tình yêu thương của Ngài có nghĩa là huyết Con Ngài phải đổ ra! Không phải là điều gì khác! Bản thể yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Trời chỉ có thể được phô bày trên thập tự giá của Đức Chúa Giêxu.
Căn bản duy nhất để Ngài có thể dựa vào đó tha tội cho chúng ta ấy là, huyết vô tội của Đấng Christ phải đổ ra trên thập tự giá. Nơi đó, bản thể công chính, thánh khiết, và yêu thương của Ngài được thoả mãn.
Hãy xem lại lời trình bày của sứ đồ Giăng về tình yêu của Đức Chúa Trời:
“Tình Đức Chúa Trời yêu chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài xuống thế gian, để nhờ Con Ngài, chúng ta được sống. Đây là tình yêu: Không phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài đến làm sinh tế chuộc tội chúng ta” (1Giăng 4:9–10).
Được tha tội không có nghĩa là đã sẵn sàng để về thiên đàng và tránh khỏi hoả ngục. Tha tội có nghĩa là chúng ta được tha thứ để bước vào một mối liên hệ mới vừa được thiết lập. Trong mối liên hệ đó, chúng ta được hợp nhất với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ.
Việc ấy được thực hiện như thế nào? Nó được thực hiện như sau: Qua phép lạ cứu chuộc, Đức Chúa Trời biến hoá tôi, một con người ô uế, vào tiêu chuẩn của Đấng Thánh, là chính Ngài, bằng cách đặt vào trong tôi một bản thể mới, là bản thể trong trắng vô tội của chính Đức Chúa Giêxu Christ.
Tuy nhiên, không có nghĩa là việc đó sẽ đương nhiên hoàn thành khi ai đó theo đạo. Nhiều người đã quan niệm sai lầm về Đức Chúa Trời rằng: ‘Đức Chúa Trời rất nhân từ và đầy yêu thương, nên Ngài sẽ tha thứ cho loài người vì Ngài biết chúng ta phạm tội do bản chất yếu đuối.’ Ý tưởng đó chỉ suy diễn từ cảm tính chứ không dựa trên sự hiểu biết đúng.
Nền tảng và lý do duy nhất mà Đức Chúa Trời có thể dùng để tha tội và đem chúng ta trở về phục hoà với Ngài là Thập Tự Giá Đấng Christ.
Ai cho rằng Ngài có thể tha thứ cho chúng ta trên căn bản nào khác ngoài thập tự giá của Đấng Christ, là do dốt nát, chẳng hiểu gì về Ngài, vì chưa bao giờ nhận được Thánh Linh của Ngài.
Chúng ta đừng bao giờ dùng thứ đức tin dốt nát, dại dột, tưởng rằng mình sẽ tiếp nhận sự tha thứ tội lỗi, sự ban cho Đức Thánh Linh, và sự thánh hoá, nhưng lại hoàn toàn xa lạ và dốt nát về cái giá cao khủng khiếp mà Đức Chúa Trời phải trả vì tất cả chúng ta.
Để có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta, mà vẫn giữ được bản thể Đức Chúa Trời chí thánh, cái giá Ngài phải trả là thập tự giá của Đấng Christ. Ngài đã khải thị cho nhân gian biết rằng, Đấng công chính và thánh khiết sẽ không thể tha thứ nếu không có sự chuộc tội (Hêbơrơ 9:12–15, 22).
Lý do chúng ta phải biết ơn Chúa là: Con đường duy nhất để chúng ta có thể được tha tội và được đem trở về với Đức Chúa Trời, là qua sự chuộc tội của Đức Chúa Giêxu đã thực hiện trên thập tự giá.
Chúa thực hiện ơn tha thứ của Ngài bằng biện pháp siêu nhiên. Tha tội là một phép lạ thiên thượng của ân điển Đức Chúa Trời. Không có sự tha tội, chúng ta không thể nhận được sự tái sinh, tức là đổi mới trong lòng, và sự thánh hoá, vì thế, kinh nghiệm về ơn tha tội thì lớn hơn kinh nghiệm được tái sinh và thánh hoá.
Sự tái sinh và thánh hoá chỉ đơn giản là bằng chứng hay sự biểu lộ rõ ràng của việc tội lỗi trong đời sống con người đã được tha thứ. Nhưng điều khơi dậy lòng biết ơn sâu xa trong chúng ta ấy là Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của chúng ta.
Tín hữu nào biết ý thức và hiểu được cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả để có thể tha tội cho mình, thì người ấy sẽ có lòng biết ơn vô tận, suốt đời, về tình yêu vô biên của Đấng Chúa Tể vũ trụ. Người đó sẽ không bao giờ phản bội Đấng đã yêu mình đến thế.
Sự hiểu biết nầy là nền tảng căn bản đầu tiên trên hành trình đức tin. Bởi vì, khi chúng ta bình tâm tự xem xét tính tình, tâm địa và những hành vi của chính mình và của nhiều người xấu xa; rồi, nếu có một đấng nào không cần xét xử gì hết, cứ xí xoá hết những sự quá phạm, và ban cho một cuộc đời sung sướng hạnh phúc, thì từ trong thâm tâm ta nhận thấy đấng đó là không công chính, cũng không thánh thiện.
Người ta có thể yêu thích một đấng hay một người tử tế với mình, nhưng không ai thật lòng tôn kính một ông thần hay một người hay thiên vị, không công bằng.
Sau khi hiểu biết những chân lý trên, điều kiện cuối cùng để người ta có thể được tha tội là phải thật lòng ăn năn về mọi tội lỗi mà mình đã từng phạm trong đời, quyết định không tái phạm, và tiếp nhận sự tha thứ của Chúa.
Phải ăn năn tội lỗi thì mới được tha tội, và phải hân hoan tiếp nhận sự tha thứ ấy thì mới sở hữu được sự tha thứ ấy. Nó là món quà miễn phí tuyệt vời từ Đấng Nhân Từ và yêu thương, tức là Đức Chúa Trời vinh quang đáng chúc tụng đời đời, mãi mãi. A-men.
TroVeNenTang03.docx
Rev. Dr. CTB