Chúa Nhật, September 13th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 20


2Côrinhtô 10:3–5

Thông thường thì những vấn đề thuộc cõi tâm linh khác hẳn các vấn đề thuộc cõi thể chất. Khi ta lập quyết định về các vấn đề vật chất, nếu đúng và khôn ngoan thì sẽ nhận lấy kết quả tốt; ngược lại, phải bị nhận hậu quả xấu nếu lập quyết định yếu kém hay sai lầm.

Tuy vậy, cũng có lúc chúng ta cứu vãn được vài điều, trong vài trường hợp, để giảm bớt sự thiệt hại hay ảnh hưởng xấu của quyết định lầm lẫn mà mình đã lập.

Khác với cõi vật chất, mỗi quyết định mà chúng ta lập trong linh giới, gọi là lãnh vực tâm linh, đều dẫn tới các kết quả có tính cách vĩnh viễn mà chúng ta không thể thay đổi gì được. Chỉ Đức Chúa Trời Toàn Năng mới có thể thay đổi các hệ quả của những việc thuộc linh giới mà thôi.

Tất cả con cái thật của Chúa đều phải đối diện với những điều ngăn trở, các cuộc tấn công vô cùng tàn bạo và ác độc của ma quỷ; một kẻ thù luôn luôn tìm cách hãm hại linh hồn loài người, nhất là linh hồn tín đồ của Đức Chúa Giêxu.

Khi phải đối phó với kẻ thù của linh hồn chúng ta, có những cảnh ngộ mà chúng ta không cần phải cự cãi, đánh chác gì hết, chỉ yên lặng nhìn xem sự giải cứu của Đức Chúa Trời (Xuất Ai-cập 14:13–14).

Nhưng cũng có nhiều điều mà chính chúng ta phải nhờ uy quyền của Đức Chúa Giêxu, rồi sử dụng vũ khí toàn năng của Ngài để đối phó và đánh đổ chúng (2Côrinhtô 10:4).

Đây là đề tài mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm hôm nay.

Chúng ta cần ôn lại vài điều trong chân lý cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được trình bày qua Kinh-thánh, để chúng ta hiểu và biết phân biệt sự khác nhau giữa việc được giải thoát khỏi tội lỗi với việc được giải thoát khỏi bản ngã của con người xác thịt.

Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho người qua công tác chuộc tội của Đức Chúa Giêxu đã giải thoát tất cả những người tin Ngài ra khỏi tội lỗi. Nhưng ơn giải thoát khỏi tội lỗi khác hẳn với sự giải thoát người tin ra khỏi bản chất xác thịt của họ.

Đối với bản chất xác thịt của chúng ta, thì có một số điều mình không cần phải để ý đến nó, chỉ cần không thèm quan tâm, thì dần dần nó sẽ biến mất. Ví dụ như các loại thành kiến hay ý nghĩ của mình về vấn đề gì đó hoặc thiên kiến về loại người nào đó.

Nhưng đối với nhiều việc khác thì chúng ta phải sử dụng vũ khí tâm linh mà triệt hạ chúng; nghĩa là dùng sức toàn năng của Đức Chúa Trời đã truyền vào tâm linh chúng ta qua Đức Thánh Linh để đương cự với chúng.

Ví dụ như “các ý tưởng chống nghịch sự hiểu biết Đức Chúa Trời” là những việc vẫn thường thấy trong những người tìm cách tự giải thoát qua sự ăn chay tu hành, tầm đạo, các lý thuyết duy vật, vô thần, các giả thuyết bác bỏ sự hiện hữu và quyền phép sáng tạo của Đức Chúa Trời, hay lý tưởng bảo vệ môi trường, thuyết nhân bản tự do phóng túng.

Tranh luận với các lý thuyết ấy chỉ là vô ích. Tín hữu chỉ cần vận dụng uy quyền của Đức Chúa Giêxu qua sự cầu nguyện chiến đấu thì sẽ bảo vệ mình khỏi những thứ thuyết độc hại.

Có những thành lũy về văn hóa và sĩ diện mà nhiều người ngày nay cố thủ chống lại tin lành về ơn cứu chuộc bởi Đức Chúa Giêxu. Không phải vì Phúc âm trái ngược với văn hóa, nhưng bởi vì Phúc-âm phơi bày sự thật xấu xa của lòng người.

Nếu tin mừng của Chúa có những cổng riêng để người ta vào dự tiệc chung bàn với giới thượng lưu của thiên đàng mà không cần phải trải qua cánh cổng xưng tội để nhận được sự tha thứ, thì chắc nhiều người sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi.

Chẳng phải tri thức ngăn cản người ta đến với Đức Chúa Trời, nhưng là tính kiêu căng ngạo mạn dẫn đến sự tự cao, tự đắc về sự hiểu biết nông cạn của con người. Đó là thứ đồn luỹ vô cùng kiên cố mà chúng ta phải dùng vũ khí quyền năng của Đức Chúa Trời để triệt hạ.

Không phải hễ ai xưng là Cơ-đốc-nhân thì phải trải qua các trận chiến đấu hết sức cam go ấy đâu. Đối với các tín đồ xác thịt và ấu trĩ trong sự hiểu biết Chúa, thì sẽ chẳng biết gì về việc nầy.

Bởi vì cuộc chiến đấu chỉ diễn ra khi Đức Chúa Trời biến đổi bản chất của chúng ta, để con dân Ngài bước vào những kinh nghiệm của tiến trình thánh hóa.

Anh chị em cần hiểu biết rằng cuộc chiến đấu đang nói ở đây không phải là chống lại tội lỗi. Chúng ta không bao giờ có thể chống lại tội lỗi. Đức Chúa Giêxu đã chiến thắng tội lỗi trong sự cứu chuộc chúng ta.

Cuộc chiến đấu ở đây là chiến đấu để chuyển đời sống con người thiên nhiên của chúng ta thành con người thiêng liêng. Vì vậy, nó không khi nào là dễ dàng. Chúa cũng không định là chúng ta sẽ thắng dễ dàng.

Trong tiến trình thánh hóa, không phải Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta nên thánh bằng cách làm cho tính nết của chúng ta trở nên thánh khiết.

Nhưng Ngài làm cho chúng ta thánh khiết theo ý nghĩa chúng ta được xem là vô tội trước mặt Ngài bởi sự tẩy sạch của huyết Đức Chúa Giêxu.

Từ sự tẩy sạch ấy, chúng ta phải biến sự vô tội của mình thành tính nết thánh khiết qua sự lựa chọn về đạo đức mà chúng ta phải quyết định. Những sự lựa chọn đó luôn luôn chống nghịch với bản tánh tự nhiên ăn sâu vào tính nết vốn có của chúng ta rồi.

Ví dụ như khi bị nghe một việc nào đó trái ngược với điều chúng ta tưởng mình biết lâu nay, chúng ta phải quyết định hoặc là hạ mình tìm hiểu cho rõ sự thật, hoặc là không nghe và gân cổ cãi để bảo vệ sĩ diện của mình.

Trong trường hợp như vậy, thì đồn lũy đó là tánh tự cao muốn bảo vệ sự dốt nát, mà một số người không biết đó là tội lỗi.

Mọi người tin nhận Đức Chúa Giêxu đều nhận được sự tha tội như nhau. Nhưng người chịu bước trên tiến trình thánh hóa là người biết tự xét sự sâu kín trong lòng mình và nhận ra bản chất xấu xa đang kín đáo ẩn nấp trong chỗ sâu thẳm nhất của lòng; người ấy bằng lòng lôi nó ra trước ánh sáng của Chúa và lập một quyết định về đạo đức chống nghịch lại bản tính đó của mình, rồi cầu xin quyền phép Chúa thay đổi tính xấu ấy.

Người đó đã sử dụng vũ khí quyền năng của Chúa mà phá đổ thành lũy chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Sự tẩy sạch cần phải diễn ra trước khi Đức Chúa Giêxu có thể truyền sự thánh khiết của Ngài vào.

Ai đã thắng trong cuộc chiến đấu chống lại bản ngã của chính mình, thì người ấy mới có thể đánh đổ các thành lũy của ma quỷ trong xã hội vẫn thường ngạo nghễ thách thức chúng ta.

Đó là những phong trào mà giới khoa bảng và bọn người chủ trương tự do phóng túng của nhiều xã hội Tây-phương vẫn bịp bợm rêu rao lâu nay.

Đối với nhóm người có lương tâm chai lì, chúng ta không thể dùng nỗ lực của loài người hoặc thoả hiệp với chúng mà thắng được trận chiến. Lời Chúa bảo chúng ta phải mang lấy mọi khí giáp của Đức Chúa Trời để chiến đấu, và sau cuộc chiến đấu vẫn còn đứng vững vàng (Ê-phê-sô 6:13).

Phao-lô cũng nói rằng ông “buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ” (10:5), tức là ép mọi ý nghĩ của mình vào vòng kỷ luật. Có lẽ ngày nay nhiều người phục vụ Chúa theo cảm tính chứ không khép mình vào kỷ luật.

Khi còn sống và hành đạo trên thế gian, Đức Chúa Giêxu chẳng khi nào hành động bằng cảm tính theo ý riêng của Ngài. Trong đời sống của Chúa, mọi kế hoạch đều theo ý muốn của Cha trên trời (Giăng 5:19).

Nếu so sánh công việc của Ngài với những việc chúng ta làm ngày nay, thì hầu hết chúng ta làm công việc Chúa theo cảm hứng của ý tưởng bộc phát hơn là chịu chờ đợi cầu hỏi ý muốn và chương trình của Ngài như thế nào.

Rất ít người chờ Đức Thánh Linh bày tỏ kế hoạch và ý muốn của Ngài cho họ. Đại đa số lập quyết định nông nổi, cho nên gặp rất nhiều trục trặc trong đời sống mà không biết nguyên nhân nào gây ra.

Đức Chúa Trời luôn luôn muốn con dân Ngài bằng lòng cho Ngài biến hóa bản chất xác thịt của họ để dẫn họ vào cõi vinh quang.

Nhưng để nhận điều đó, trước hết chúng ta chịu phá đổ các thành trì vẫn còn cố thủ trong lòng mình bằng cách lập những sự lựa chọn chính xác về đạo đức. Chúng ta phải quyết định đánh bại bản tính xác thịt của mình, không chiều chuộng nó một tí nào.

Kế đó là quyết tâm khép mình vào kỷ luật, mặc dù thực hiện việc đó rất cam go. Bởi vì sự quyết tâm và lòng nóng cháy thật chỉ tìm thấy trong sự vâng lời Đức Chúa Trời, không phải từ khuynh hướng muốn phục vụ Ngài bằng bản chất thiên nhiên của con người chưa được rèn luyện qua kỷ luật thiên đàng.

Tức là từ nay, hãy biết xem xét mọi việc qua nhãn quan của Đức Chúa Giêxu.

TroVeNenTang20.docx

Rev. Dr. CTB