Chúa Nhật, March 8th, 2015

Trở Về Nền Tảng (2)

2Các Vua 17:24–41

Truyền là chuyển, thống là nối tiếp không dứt. Truyền thống là những tư tưởng, việc làm, thói quen, phong tục, văn hoá, và nhiều điều khác nữa, được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác nối tiếp nhau không dứt.

Có các truyền thống tuyệt vời cao đẹp đáng được lưu truyền, như lòng hiếu kính các bậc sinh thành, lá lành đùm lá rách, trung thành với chính nghĩa, can đảm nhận ra sai sót, thành thật liêm chính, dũng cảm bênh vực người cô thế, vv.

Nhưng cũng có nhiều truyền thống vừa hèn kém, vừa sai lạc và vừa tai hại cho các thế hệ con cháu. Ví dụ như ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau thì được xem là khôn ngoan; không dây dưa vào chuyện của người khác dù biết rằng sai; cắn răng chịu thiệt hại, không dám khai báo vì sợ bị trả thù. Có người cho rằng những thói quen đó là đặc tính dân tộc có một nền văn hoá bị hun đúc bởi tín ngưỡng của đa số.

Thế thì, truyền thống bao gồm các tục lệ, tập quán, cách hành xử, cách suy nghĩ, quan điểm hay lập trường, và cả tín ngưỡng nữa. Khi một vấn đề nào đó đã trở thành truyền thống từ các thế hệ đi trước, thì các thế hệ sau thường nhắm mắt làm theo mà không tìm hiểu nó đúng hay sai.

Ví dụ truyền thống đầu năm đốt pháo nổ rầm ran, đì đùng khắp nơi có nguồn gốc từ đời nhà Chu bên Trung-hoa do Đông-phương-sóc đề xướng, có mục đích khiến cho ma quỷ sợ phải chạy trốn. Không có bao nhiêu người thời nay biết nguồn gốc đó. Chỉ nghe pháo nổ vui tai, mùi thuốc pháo nồng nặc và xác pháo vương vãi khắp xóm. Còn đốt pháo trong đám cưới, thì cho tới nay chẳng mấy ai biết nhằm mục đích gì, chỉ quan niệm có pháo nổ đám cưới mới vui.

Tuy nhiều người biết tục múa lân, múa sư tử hay múa rồng, cũng có mục đích trừ tà đuổi quỉ ra khỏi nhà trong dịp đầu năm, nhưng vô số người khác vẫn xem đó là truyền thống văn hoá dân tộc; cho nên, nhiều nhà thờ cứ tổ chức múa lân để thu hút các gia đình ngoại đạo đến dự các sinh hoạt do nhà thờ đó tổ chức, một mánh lới dụ dỗ khách của thế gian.

Truyền thống múa lân cũng là tục lệ người Việt học từ người Trung-hoa; mà hầu hết các sự thờ cúng mê tín của người Trung hoa là từ Lão-giáo. Vào thời Phật-giáo truyền bá rộng rãi ở Trung-hoa từ đời nhà Đường, thì họ du nhập hầu hết các niềm tin thần thánh của Lão-giáo vào Phật-giáo. Hai đạo hoà nhập làm một; cho nên, nhiều người đời sau không biết phân biệt sự khác nhau giữa hai luồng tư tưởng ấy.

Niềm tin vào ‘tứ linh’ long, lân, quy, phụng là từ Lão-giáo mà có; bởi vì Phật-giáo nguyên thuỷ không tin vào thần thánh nào cả. Nhưng ai đã bày cho Lão-giáo hình ảnh tứ linh nầy? Muốn hiểu biết thì chúng ta phải truy tìm thủ phạm dụ dỗ người ta tin tưởng sai lạc.

Sứ đồ Giăng mô tả các Chêrubim, tức là các vị thiên sứ cực thánh ở bên ngai của Đức Chúa Trời trong sách Khải thị bằng hình ảnh bốn sinh vật:“Sinh vật thứ nhất giống sư tử, sinh vật thứ nhì giống như bò đực, sinh vật thứ ba có mặt giống mặt người, và sinh vật thứ tư giống như đại bàng đang bay” (Khải-huyền 4:6–7).

Trước đó khoảng 600 năm, tiên tri Ê-xê-chi-ên được cho thấy khải tượng về bốn sinh vật giống hình người luôn ở bên cạnh Đức Chúa Trời. Ông mô tả rõ ràng: “Về hình dạng mặt của chúng thì bốn con đều có mặt người; bốn con đều có mặt sư tử ở bên phải; bốn con đều có mặt bò ở bên trái và bốn con đều có mặt chim ưng” (Ê-xê-chi-ên 1:10).

Satan, kẻ dẫn dụ loài người phạm tội, vốn là một chêrubim che phủ, nhưng vì có tư tưởng ác và phản loạn nên bị đuổi khỏi thiên đàng (Ê-xê-chi-ên 28:14–17). Hắn đã từng ở thiên đàng nên biết các hình thức ở đó. Vì thế hắn bắt chước bằng cách đặt ra tứ linh: Rồng thay cho người, lân thay cho sư tử, quy, tức là con rùa, thay cho bò đực, và phụng thay cho đại bàng hay chim ưng. Chính hắn đã tạo ra vô số hình ảnh tiên thánh và chuyện thần thoại cho nhiều thế hệ Lão giáo làm thấm sâu vào văn hoá Trung-hoa.

Người Việt lại bị ảnh hưởng văn hoá Trung-hoa rất sâu đậm; cho nên, việc ưa thích, tôn thờ ‘tứ linh’ đã ăn sâu vào xương tuỷ của người Việt rồi. Huyền thoại con rồng, cháu tiên trong lịch sử của người Việt cũng từ đó mà ra.

Thật ra không ai biết huyền thoại nầy được đặt ra từ thời nào, nhưng nó xuất hiện trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, do Ngô Sĩ Liên, đời nhà Hậu Lê biên soạn. Có lẽ lúc ấy con rồng đời nhà Lý đã thay hình đổi dạng theo rồng Tàu rồi. Chứ nếu vẫn có hình con lươn thì chắc người ta phải bịa tích khác.

Nếu biết rằng tứ linh là do satan bày ra để dụ dỗ người ta xa cách Đức Chúa Trời, thì tín hữu phải nghĩ sao về truyền thống ấy?

Tín hữu nào ngày nay vẫn làm theo các truyền thống của phong tục tập quán người Trung-hoa ra từ Lão-giáo và Phật-giáo, thì cũng giống như các giống dân trong sách Các Vua 2 mô tả, vì họ “vừa kính sợ Đức Giê-hô-va, vừa thờ lạy những tượng chạm mà chúng làm ra. Tổ phụ của chúng làm thế nào thì con cái, cháu chắt cũng làm như thế cho đến ngày nay” (41).

Những người đã lún sâu vào sự sai lạc thường dùng các lý luận lừa mị, giả dối để biện hộ cho giáo phái hay giáo hội của họ. Ví dụ như sự thờ lạy hình tượng, dù đã bị nghiêm cấm bởi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời truyền cho dân Do-thái (Xuất Ai-cập 20:4–5; Phục-Truyền 5:8–9).

Nhưng nhiều nơi vẫn ngang nhiên đúc hình, tạc tượng, tôn kính các tượng ấy qua lễ rước kiệu, rồi cung kính quỳ trước tượng mà đọc kinh cầu khấn, nói rằng chỉ kính chứ không thờ, mà quên hẳn Chúa là Đấng cứu độ họ.

Tệ bói toán không phải sau nầy mới có, mà đã có từ xa xưa. Mê tín, dị đoan đều là hệ quả từ bói toán mà ra. Một số người dù tự xưng là con dân Chúa chẳng những tin bói khoa, tử vi mà còn hăng hái thực hành những điều bị Đức Chúa Trời ghê tởm:

Các con không được ăn thịt còn máu. Không được hành nghề bói toán hay ma thuật. …. Các con không được đến với đồng bóng hay thầy bói, không được cầu hỏi chúng mà trở thành ô uế” (Lê-vi-ký 19:26, 31);

và “Giữa anh em không một ai được làm lễ thiêu sống con trai hay con gái mình, không được làm thầy bói, chiêm tinh, phù thuỷ, thầy pháp, dùng bùa ngải, đồng bóng, chiêu hồn” (Phục Truyền 18:10–11).

Người Do thái ngày xưa “bắt chước các dân tộc chung quanh. … Họ dùng tà thuật, tin bói khoa, và tự bán mình để làm điều dữ dưới mắt Đức Giê-hô-va mà chọc giận Ngài” (2Các Vua 17:15, 17).

Bây giờ, anh chị em đã biết những việc đó là sai và phạm tội, thì phải tuyệt đối tránh, không dính líu tới chúng nữa.

Có một tục lệ rất phổ thông giữa một số giáo hội xưng là tín đồ của Đức Chúa Giêxu; đó là dùng hình thập tự giá như một thứ bùa may, bùa hộ mạng vậy; nhiều người tin thánh giá như một linh vật dùng để trừ tà ma, ác quỷ.

Niềm tin ấy từ đâu ra? Nó là truyền thuyết từ thế kỷ 4 A.D. nói rằng người ta khai quật được chính cây thập tự mà Đức Chúa Giêxu chịu bị đóng đinh trên đó. Vì có ba cây thập tự mà không biết Chúa bị đóng đinh trên cây nào, cho nên họ bèn thử bằng cách đặt một xác chết lên từng cây; cây nào làm cho xác chết sống lại, thì cây đó là của Chúa, chuyện thật cỡ nào không ai biết.

Nhưng kể từ đó, nhiều tín đồ xem cây thánh giá như một thứ bùa linh thiêng; nhất là tín đồ Chính-thống-giáo Coptic ở Ai-cập và vùng Bắc Phi.

Ngoại trừ người Do-thái, tất cả các dân tộc khác được biết đến ơn cứu độ của Đức Chúa Trời là nhờ sự khởi đầu truyền giáo từ các môn đồ của Đức Chúa Giêxu. Giáo dân người Á-đông dù tin Chúa nhưng vẫn tiếp tục áp dụng các truyền thống mê tín hay tà đạo của dân tộc mình.

Như đã chép: “Các dân tộc ấy kính sợ Đức Giê-hô-va, nhưng cũng phục vụ các thần riêng của mình theo thói tục vốn có của dân tộc chúng trước khi bị lưu đày….. Như vậy, các dân tộc ấy vừa kính sợ Đức Giê-hô-va, vừa thờ lạy những tượng chạm mà chúng làm ra. Tổ phụ chúng làm thế nào thì con cái, cháu chắt cũng làm như thế cho đến ngày nay” (33, 41).

Những điều sai lạc nầy khó nhận ra, vì nó tiềm ẩn trong cái gọi là truyền thống văn hoá dân tộc. Chỉ khi nào nó bị vạch mặt chỉ tên thì chúng ta mới nhận ra sự nguy hiểm của nó.

Truyền thống hiện đại thì không còn là bùa chú nữa, mà là bắt chước thói dâm dục tởm lợm của bọn người phóng túng Tây-phương, những người không còn biết phân biệt đúng sai. Một thứ truyền thống cũng nguy hiểm không kém sự thờ ma lạy quỷ.

Vì thế, anh chị em hãy hết sức lưu ý cẩn thận về những gì người chưa tin Chúa đang tạo thành một trào lưu. Hãy giữ chặt những chân lý anh chị em đã được dạy dỗ. Cứ sống trong sự thánh khiết thì linh hồn anh chị em sẽ an toàn.

TroVeNenTang02.docx

Rev. Dr. CTB