Chúa Nhật, December 1st, 2013

Các Vấn Đề Quan Trọng, 09

Ga-la-ti 2:20

Việc Đức Chúa Giêxu đến thế gian, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời nhập thể, là sự kiện có một không hai trong vũ trụ chúng ta. Vào các mùa giáng sinh trước, chúng ta đã xét qua nhiều mặt về chương trình chuẩn bị của Đức Chúa Trời cho Ngôi Lời của Ngài sinh ra vào đời thành loài xác thịt. Cũng đã vừa học qua các nền móng căn bản để có đức tin của Con Đức Chúa Trời dùng làm chìa khoá mở các cửa kho chứa đựng mọi sự thịnh vượng cho linh hồn chúng ta. Nhưng chúng ta còn cần phải biết một số điều quan trọng mà Đấng Christ đã đem đến cho chúng ta, những người đã được ở trong Ngài qua ơn cứu chuộc của Ngài. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta nhận ra các lý do vẫn thường cản trở, không cho chúng ta tiến mạnh mẽ trên thiên trình của mình.

Chúng ta đi theo Chúa không phải chỉ để được tha tội, được tái sinh, được cứu là đủ. Mà còn phải có khả năng truyền rao Phúc-âm, vận hành trong các ân tứ siêu nhiên sau khi nhận được báp têm bằng Đức Thánh Linh, rồi làm nhiều việc lớn hơn nữa. Đừng lấy làm lạ khi thấy mình không tiến xa như đáng phải có; bởi vì sau khi nhận được sự tái sinh thì mọi lời chứng của một số người chỉ xoay quanh những gì Đức Chúa Trời đã thực hiện cho họ mà thôi. Nếu thấy hài lòng và chỉ dừng lại ở mức đó, người ta bắt đầu nói về cái tôi và những thành tích mình đã thực hiện từ kết quả của việc Chúa làm cho mình. Cái tôi lớn dần và che mất ân sủng Chúa đã ban. Nhiều người đã dừng lại ở trình độ nầy chứ không chịu tiến xa hơn.

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận lấy quyền năng làm chứng cho Ta” (Công Vụ 1:8). Chúa không nói là chúng ta sẽ làm chứng những gì Ngài có thể làm, nhưng là làm chứng cho Ngài. Nghĩa là chấp nhận mọi điều xảy ra cho mình như là xảy ra cho Ngài, dù là ca tụng hay chê trách, khen thưởng hay bắt bớ; nếu không được thúc giục hay thuyết phục bởi quyền năng oai nghi trong tình yêu của Đức Chúa Giêxu, không ai dám đứng vào vị trí ấy. Điều duy nhất giúp chúng ta kết quả trong nếp sống Cơ-đốc là hoàn toàn đầu phục tình yêu của Đấng Christ. Dấu hiệu chứng minh cho sự đầu phục đó là thể hiện được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và quyền năng Ngài trong đời sống. Người ấy sẽ chẳng bao giờ khoe khoang về sự thánh thiện hay hiệu quả riêng của mình để thu hút sự chú ý hay ngưỡng mộ từ người khác.

Một nguyên nhân nữa khiến đời sống đạo của rất nhiều tín hữu không tăng trưởng như đáng phải có, là vì họ hành xử giống như dân Israel ngày xưa sợ phải tận tai nghe tiếng Chúa. Họ nói với lãnh tụ Môi-se: “Xin chính ông nói thẳng với chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe; nhưng xin Đức Chúa Trời đừng phán với chúng tôi, e chúng tôi chết mất” (Xuất Ai-cập 20:19). Tín hữu có đời sống tâm linh bạc nhược không phải vì cố ý không vâng lời Đức Chúa Trời – họ chỉ không chịu nghe lời Ngài phán. Khi Đức Chúa Trời ra mệnh lệnh, chúng ta không quan tâm tới chẳng phải vì cố ý không vâng lời, nhưng vì chưa thật lòng yêu thương và kính mến Ngài. Điều nầy bộc lộ rõ ràng qua việc nhiều người chỉ thích nghe các mục sư giảng, thay vì trực tiếp nghe tiếng Chúa phán.

Chúng ta thích nghe những lời làm chứng hay những chuyện do mục sư kể trong bài giảng, chứ không dành thì giờ riêng tư soi mình vào Lời Chúa; vì biết rằng khi nghe Chúa phán thì phải hoặc là vâng lời làm theo những điều Ngài bảo, hay là nói với Ngài rằng, con sẽ không làm theo. Nhưng nếu lời dạy hay mệnh lệnh đó do mục sư nói ra, thì chúng ta thấy mình có thể lập sự lựa chọn vâng lời hay không vâng lời; bởi vì nghĩ rằng đó không phải là lệnh truyền phải làm. Người ta có thể phản ứng, “tôi không chối cãi điều đó có thể là chân lý của Chúa, nhưng điều ông giảng chỉ là ý kiến riêng của ông thôi!” TS Oswald Chambers cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến nhiều tín hữu không muốn dành riêng thì giờ một mình đọc Kinh-thánh để nghe được tiếng Chúa phán trực tiếp cho mình, mà chỉ chờ Chúa Nhật tới nhà thờ nghe mục sư giảng Kinh-thánh thôi.

Những con cái thật của Đức Chúa Trời sau khi quy đạo nhiều nhất là ba năm đều có thể biểu lộ sự trưởng thành tâm linh của họ; và trong thời gian đó đã được dạy tương đối đầy đủ mọi điều cần thiết của nếp sống Cơ-đốc-nhân trưởng thành. Có rất nhiều người theo đạo đã lâu năm nhưng không biểu lộ được chút gì về đời sống đã trưởng thành của họ trong Chúa. Vì thế, chẳng hi vọng hay vui mừng chi hết khi nghe nói tới các ơn phước thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho bất cứ ai ở trong Đấng Christ. Lý do có thể là vì chưa được dạy tận tường về những bước mà họ phải thực hiện để được Đức Thánh Linh làm chứng trong lòng họ rằng họ đã thuộc về Đức Chúa Trời. Đó là kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ; nay tôi sống, không phải là tôi sống nữa” (Ga-la-ti 2:20).

Điều nầy có nghĩa là cái tính độc lập và tự hào về khả năng tự tay mình làm ra sự thành công phải bị bẻ gãy và đánh sập, để có thể trao phó đời sống mình cho quyền làm Chủ tối thượng của Đấng Christ. Không ai có thể làm giùm điều đó cho chúng ta, chính chúng ta phải tự quyết định và thực hiện. Có thể rằng mình được Chúa nhắc nhở mỗi ngày từ năm nầy qua năm khác; nhưng Chúa không bắt ai phải thực hiện. Chính chúng ta phải quyết định phá bỏ cái lớp vỏ độc lập cứng cỏi bên ngoài đối với Chúa, để Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi bản chất và cái tôi kiêu căng của mình, rồi chỉ dẫn cho chúng ta hợp nhất với Ngài. Không phải chúng ta làm theo ý tưởng của mình trong việc đó, mà chọn sự tuyệt đối trung thành với Đức Chúa Giêxu. Sẽ không thể có hiểu lầm nào về những việc biểu lộ sự trung thành với Chúa khi đã đạt đến trình độ như vậy.

Sự khó khăn mà rất nhiều người trong chúng ta gặp phải trong quyết định trao phó đời mình cho Chúa là, chúng ta đặt ra điều kiện gì đó, nếu Chúa đáp ứng hoặc ban cho điều mình yêu cầu, thì chúng ta sẽ phá vỡ vỏ cứng của sự tự hào mình, và bước đi theo Ngài. Rất nhiều khi những sự khóc lóc ăn năn tội lỗi, mà tín hữu thường gọi là sự tan vỡ của lòng, chỉ là sự xúc động rất mãnh liệt của lương tâm trước sự chết đau thương, thực hiện ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu; chẳng phải là sự phá vỡ cái vỏ ngoài độc lập của chúng ta. Bởi sự phá vỡ đó là phá vỡ sự hiểu biết riêng về chính con người của mình. Chừng nào chúng ta đạt tới trình độ đó, mình mới thấy nhờm tởm cái tôi vô cùng xấu xa và kiêu căng ở trong mỗi người chúng ta. Vì cái bản ngã quá lớn rất dễ bị tổn thương đó mà người ta bị đụng chạm, tức giận, bất mãn, khi cảm thấy mình bị xem thường.

Nhưng khi sự hiểu biết của chúng ta về chính mình bị vỡ tan trước ánh sáng của Đức Thánh Linh soi vào lòng, thì thực tế về sự hoà hợp siêu nhiên với Đức Chúa Giêxu Christ sẽ diễn ra tức khắc. Chúng ta không còn lầm lẫn chút nào về sự chứng thực của Đức Thánh Linh cho biết rằng chúng ta thực sự thuộc về Đức Chúa Trời vì “đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ.” Không ai có thể trở thành thánh đồ của Đức Chúa Giêxu nếu chưa thấy tởm lợm cái tôi đáng ghét của mình. Chưa tởm lợm nó thì khó bằng lòng cho nó bị đóng đinh với Đức Chúa Giêxu trên cây thập tự. Những thánh nhân từ hàng ngàn năm trước trong lịch sử Hội-thánh, những vị giáo sĩ tiền phong từ Âu-Mỹ đã dám liều mình đi truyền giáo cho các sắc dân xa lạ, đều là những thánh đồ Cơ-đốc bùng cháy cho Đấng Christ, vì họ đã tự từ bỏ chính mình để được hợp nhất với Ngài.

Mỗi một mùa giáng sinh đến rồi qua đi đáng lẽ phải lưu lại trong mỗi tín hữu một mốc thành công mới. Chúng ta xem và nghiên cứu Kinh-thánh, khi thấy những phân đoạn khẳng định về vô số ơn phước thuộc linh trong linh giới, thì phải tự hỏi hay tự xem xét những lý do nào khiến cho mình chưa kinh nghiệm được, hoặc chưa nhận được? Những lời hứa và những lời tuyên bố của Đức Chúa Trời đều sẽ thực hiện trên những ai thuộc về Ngài và kính mến Ngài. “Vì như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở về nơi đó nữa mà tưới nhuần đất đai, làm cho đâm chồi nẩy lộc, để có hạt giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời của Ta cũng vậy, đã ra khỏi miệng Ta sẽ không trở về luống công, nhưng sẽ thực hiện ý Ta muốn, và hoàn thành việc Ta giao” (Ê-sai 55: 10–11). Chúng ta đã hưởng được bao nhiêu ơn phước thuộc linh từ trời?

VanDeQuanTrong09.docx

Rev. Dr. CTB