Phúc Âm Giăng, bài 03

Ngôi Lời

Giăng 1:1–5

WordIsKey

Trong Kinh Tân Ước, Phúc-Âm Giăng là sách nói rõ nhất về thần tánh của Đức Chúa Giêxu Christ. Câu đầu tiên của sách nầy có lẽ là câu duy nhất trong cả Kinh Thánh nói về ‘nguồn gốc’ của Ngài. Trong hai bài trước, chúng ta đã lược qua bối cảnh làm thành Kinh Tân Ước, việc kinh điển bốn sách phúc âm (được xếp vào kinh thánh), sự khác nhau giữa sách nầy với ba sách Phúc Âm đồng quan về cách trình bày và mục đích, ước đoán thời gian sách được viết, và cũng ước đoán rằng có lẽ sách được viết lúc Giăng làm giám mục tại Êphêsô, trước khi bị đày ra đảo Pát-mô. Giăng nói rõ mục đích của ông khi viết sách nầy là để truyền giáo “Chỉ một số việc được ghi lại để anh em tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. Bởi niềm tin đó, anh em hưởng được sự sống nhờ danh Ngài.” (20:31) Nếu hiểu theo những chữ được viết ra trong câu nầy “để anh em tin,” nghĩa là viết cho người chưa tin để họ tin. Cũng có người cho rằng ông có ý nói là “để cho anh em tiếp tục tin,” nghĩa là người đã tin càng tin chắc hơn.

Năm câu đầu tiên của đoạn 1 thoạt xem qua rất khó hiểu. Hãy cùng nhau tìm hiểu chữ Ngôi Lời hoặc Lời. Nói về lời của người có trí hiểu bình thường trước khi miệng phát ra câu nói, thì ý nghĩ, cũng gọi là lời trong tư tưởng phải thành hình trong trí tuệ trước khi thành lời nói ra miệng. Hai loại lời ấy cũng được gọi là lời trí tuệ với lời phát ngôn. Tư tưởng là sản phẩm trực tiếp ra từ tâm linh. Tư tưởng, trí tuệ, hoặc sự khôn ngoan của một người chỉ là một và thể hiện chính người ấy. Cho nên, tư tưởng hoặc trí tuệ, hoặc sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là Lời sinh ra trong lòng Ngài, do đó được gọi là Ngôi Lời. Như tác giả sách Châm Ngôn giải thích trí khôn, sự khôn ngoan là: “Đức Giêhôva đã có Ta từ buổi ban đầu theo cách của Ngài, từ thuở xa xưa, trước mọi công trình của Ngài.” (Châm Ngôn 8:22). Vậy, Ngôi Lời trước nhất là trí khôn hoặc sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đã có từ thuở ban đầu.

Kế đến là lời được nói ra. Lời nói ra là sự thể hiện chủ yếu và tự nhiên của trí tuệ. Vì thế khi Giăng cho biết Đức Chúa Giêxu Christ là Ngôi Lời, thì Ngài là Lời nói ra của Đức Chúa Trời mà qua Ngài, Đức Chúa Trời đã dùng để nói với chúng ta, giúp cho chúng ta hiểu Đức Chúa Trời là thế nào; như có chép: “Nhưng vào những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập để thừa hưởng vạn vật; cũng bởi Con, Ngài đã dựng nên vũ trụ” (Hêbơrơ 1:2). Đức Chúa Trời đã dùng rất nhiều cách biểu lộ về bản thể và bản tính của Ngài để cho nhân loại có thể biết và hiểu ý muốn của Đấng đã dựng nên mình. Bởi vì từ khi tổ tiên loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, không còn được tương giao trò chuyện với Đức Chúa Trời nữa, thì nhiều đời con cháu về sau hiểu biết cách rất mù mờ về Đấng Tạo Hoá. Đức Chúa Giêxu Christ là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời, đã được Ngài sai đến để bày tỏ cho chúng ta biết tư tưởng của Đức Chúa Trời. Ngài là Lời nói từ Đức Chúa Trời gửi đến cho chúng ta.

Cõi đời đời, cũng gọi là cõi vĩnh hằng, thường được mô tả là có trước nền tảng của thế gian vật chất. Tiên tri Môi-se giải thích sự hằng hữu của Đức Chúa Trời: “Trước khi núi non sinh ra, đất và thế gian chưa được dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 90:2). Châm ngôn 8:23 cũng chép “Ta đã được lập nên từ trước vô cùng, từ ban đầu, trước khi có địa cầu.” Câu “Ban đầu có Ngôi Lời” (1) nói về sự hằng hữu của Đức Chúa Giêxu, không phải chỉ là trước khi Ngài vào đời thành xác thịt, nhưng Ngài hằng hữu trước mọi thứ thời gian.  Sự khởi đầu thời gian của chúng ta là lúc mọi thứ tạo vật, mà mắt chúng ta có thể thấy, được làm thành hình và hiện hữu, thì Ngôi Lời đã có sẵn. Trước khi vũ trụ và địa cầu thành hình, Ngôi Lời đã có từ ban đầu trước đó.

Tại sao gọi Đức Chúa Giêxu là hằng hữu hay có từ đời đời? Bởi vì Ngài không có khởi đầu; nói cách khác là Ngài chẳng bao giờ có khởi đầu. Ngài đồng hằng hữu với Đức Chúa Cha bởi vì Ngài là trí khôn, tư tưởng, lời nói của Đức Chúa Cha, và do đó Ngài chính là Đức Chúa Trời. Vì thế Giăng viết: “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (1). Tư tưởng của một người là tinh túy, bản chất của người đó và ở trong người. Lời nói là sự thể hiện, hay sự bày tỏ về chính người ấy. Vì vậy Giăng xác định một lần nữa: “Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời” (2). Có nghĩa là Đức Chúa Giêxu chính là tư tưởng và trí tuệ trong Đức Chúa Trời.

Tác giả thư Hêbơrơ cho biết: “Con là sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (Hêbơrơ 1:3). Nghĩa là Đấng Christ đã có sự vinh quang và hạnh phúc với Đức Chúa Trời trước khi thế gian được dựng nên. Con thật hạnh phúc vô hạn trong lòng Cha và Cha vui thỏa về Con yêu dấu của mình. “… Hằng ngày Ta là sự khoái lạc của Ngài và thường thường vui vẻ trước mặt Ngài.” (Châm ngôn 8:30). Sứ đồ Phaolô tiết lộ rằng Ngài là: “lẽ mầu nhiệm Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vạn vật đã giữ kín qua các thời đại” (Êphêsô 3:9). Chương trình cứu chuộc nhân loại do Cha và Con phối hợp từ cõi vĩnh hằng, và họ hiểu rõ nhau cách toàn vẹn như Đức Chúa Giêxu đã tuyên bố “Cha Ta đã giao hết mọi việc cho Ta; ngoài Cha không ai biết Con; ngoài Con – và những người Con muốn tỏ bày cho – không ai biết Cha.” (Math.11:27).

Ngài đã sáng tạo vạn vật, chẳng một thực thể nào không do Ngài tạo dựng” (3). Tiên tri đời Cựu Ước chép: “Các tầng trời được làm nên bởi Lời Đức Giêhôva, tất cả đạo binh tinh tú do hơi thở của miệng Ngài mà có. 9 Vì Ngài phán thì mọi sự liền có; Ngài truyền lệnh thì muôn vật vững bền” (Thi thiên 33:6, 9). Trong công cuộc sáng tạo, từ vị thiên sứ uy nghiêm đầy quyền lực, cho đến con sâu tầm thường vô nghĩa, đều bởi Lời mà có và luôn luôn có sự hiện diện của Lời. Sự thật ấy chứng tỏ tính cách thượng đẳng tột đỉnh của Đạo Chúa, bởi vì vị giáo chủ của chúng ta là Tác giả và Đấng tạo dựng toàn cõi thế gian vũ trụ. Đức Chúa Giêxu là tác giả sự hiện hữu của chúng ta ở cõi đời nầy. Cũng chính vì tính cách ấy nên chỉ có Đức Chúa Giêxu mới hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện công tác chuộc tội và cứu độ cho nhân loại mà Ngài đã tạo dựng.

Trong Ngài là sự sống, sự sống là Ánh sáng của nhân loại” (4). Đức Chúa Giêxu là nguồn của sự sống và Ánh sáng. Vì Ngài là Đấng ban phát sự sống, do đó không những Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất, mà Ngài còn là Đấng Hằng Sống. Loài người được Chúa dựng nên là tạo vật có tư tưởng, nghĩa là biết suy nghĩ. Tư tưởng ấy chính là sự sáng đến từ Đức Chúa Giêxu. Vì loài người được dựng nên cao cả và khôn ngoan hơn các loại sinh vật, nên khi người trở thành một loài sanh linh, thì sự sống của người là ánh sáng. Ánh sáng là trí tuệ để suy nghĩ, và tất cả sự sống cảm xúc cảm giác đều từ Chúa mà ra và tùy thuộc vào Ngài. Bên cạnh sự sống và trí tuệ thể xác, người ta cần phải để ý tới sự sống và ánh sáng tâm linh, tức là sự sống và sự sáng vĩnh cửu, hai điều lớn lao nhất mà loài người sa ngã cần hơn hết. Nếu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống thiên nhiên từ Con Ngài, mà chúng ta muốn tiếp nhận sự sống vĩnh cửu, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng tiếp nhận sự sống tâm linh từ Con Ngài ban cho.

Ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối, nhưng bóng tối không thu nhận ánh sáng” (5). Ý nghĩa thật của chỗ nầy là ‘tối tăm chẳng hiểu nổi ánh sáng.’ Lòng người từ khi phạm tội đã trở thành tối tăm. Lời hằng sống, là Đức Chúa Trời, soi vào chỗ tối tăm của lương tâm tự nhiên trong con người. Thế giới loài người đã không thấu hiểu ánh sáng thiên nhiên mà họ thấy, lại càng mơ hồ trong sự tưởng tượng của họ về Đấng Tạo Hoá cũng như về Lời Hằng Sống. Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời phán dạy cách nầy hay cách khác, nhưng con người không để ý đến” (Gióp 33:14). Người Do-thái có ánh sáng của Kinh-thánh Cựu ước, nhưng họ không hiểu hình ảnh Đấng Christ trong đó. Vì sự hiểu biết của loài người là tối tăm, nên Đấng Christ, Ngôi Lời, đã phải đến thế gian, vừa để sửa cho đúng những sai lầm của thế giới người ngoại bang, vừa để làm cho rõ những chân lý trong Kinh-Thánh Cựu ước.

Năm câu đầu tiên của sách Phúc Âm Giăng có ý nghĩa sâu nhiệm về sự khôn ngoan vô cùng và quyền phép tối thượng của Đức Chúa Trời. Nếu ai biết Đấng đã gửi Lời từ trí tuệ Ngài phát ra thành Lời sáng tạo, xuống trái đất nhỏ bé vô nghĩa trong vũ trụ bao la để soi sáng cho cõi lòng và tâm linh loài người chúng ta, rồi chịu chết để hoàn thành công tác chuộc tội cho những cuộc đời tối tăm đen kịt nầy, thì chúng ta phải thấy Ngài đáng được tôn thờ và kính mến mãi mãi. A-men.

PhucAmGiang03.docx

Rev. Dr. CTB