Phúc Âm Giăng, bài 35

Giăng 19: 1–42

Tính hèn hạ và bất công của tổng trấn Pilate đối với Đức Chúa Giêxu bộc lộ rõ: Truyền đánh đòn người mà hắn công bố là vô tội (1)! Đức Chúa Giêxu đã bị đánh roi như một tội phạm để xoa dịu thái độ hung hăng của người Giuđa. Lính Lamã đánh roi độc ác hơn luật đánh đòn của người Giuđa chỉ giới hạn tối đa là 40 đòn. Sau đó Pilate lại giao Đức Chúa Giêxu cho bọn lính sỉ nhục Ngài; chúng mặc áo màu đỏ sậm cho Ngài và đặt lên đầu Ngài một cái mão đan bằng gai, rồi chế giễu sỉ nhục Chúa (2–3). Mọi sự đau đớn, nhục nhã mà Đức Chúa Giêxu phải chịu là vì chúng ta, ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Ngài bị đánh đập, roi vọt, sửa phạt, hiếp đáp để chúng ta được bình an và chữa lành bệnh tật (Êsai 53:5; 1Phierơ. 2:4). Toà án đáng lẽ là nơi áp dụng công lý bảo vệ cho người bị oan ức, nhưng Pilate biểu lộ tính mâu thuẫn, hèn nhát trước đám đông (4–6). Người Do-thái nại luật pháp thánh của Đức Chúa Trời (7), nhưng lờ đi sự phạm luật của họ (Rôma 2:23).

Pilate sợ hãi khi nghe tố cáo Đức Chúa Giêxu xưng là Con Đức Chúa Trời vì hai lý do: Thứ nhất, Pilate sợ dân Dothái sẽ bạo loạn nếu có ai xúc phạm Chúa của họ. Thứ nhì, nếu đúng người nầy là Con Đức Chúa Trời như lời tự xưng, thì thật nguy hiểm khi chống lại Con Đức Chúa Trời. Vì vậy, Pilate hỏi: “Người từ đâu đến?” Nghĩa là từ người ra hay từ trời xuống? (8–9). Đức Chúa Giêxu không trả lời vì Ngài vâng phục chương trình của Đức Chúa Cha. Ngài “như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, Ngài chẳng mở miệng” (Êsai 53:7). Đức Chúa Giêxu mắng lời nói cao ngạo của Pilate và cho biết tội trọng của những kẻ nộp Ngài (10–11). Tội của Caiphe càng nặng hơn khi dùng sự nịnh bợ hoàng đế Lamã hỗ trợ lý lẽ của mình để đòi đóng đinh Đức Chúa Giêxu (12).

Đức Chúa Giêxu bị đưa tới toà lát đá, gọi là Gabatha, nơi kết án các tội phạm, vào ngày sắm sửa cho lễ Vượt qua; về thời gian thì sách Giăng ghi là khoảng giờ thứ sáu (13–14), khác với sách là Chúa bị đóng đinh vào giờ thứ ba, tức là 9 giờ sáng (Mác 15:25); còn Mathiơ ghi Chúa bị đóng đinh trước giờ thứ sáu (Mathiơ 27:45). Giăng ghi là Đức Chúa Giêxu bị dẫn tới gặp Pilate lúc sáng sớm (18:28; Mác 15:1). Vì thế, việc Đức Chúa Giêxu bị đóng đinh trước 12 giờ trưa có lẽ chính xác hơn. “Ta đóng đinh Vua các ngươi sao?” (15) là câu hỏi nhử của Pilate, vì ông ta dư hiểu dân Do-thái vẫn khát khao lật đổ ách cai trị của người Lamã trên họ. Caiphe và đồng bọn nịnh hót Caesar (15b) chỉ nhằm mục đích trừ diệt kẻ thù của họ, là Đức Chúa Giêxu Christ.

Đức Chúa Giêxu, biểu tượng Chiên Con làm sinh tế chuộc tội, bị đóng đinh bên ngoài thành Giêrusalem (16-17), đúng với đòi hỏi của lễ nghi chuộc tội theo luật pháp (Hêbơrơ 13:11–12). Chúng ta ngày nay muốn được hưởng vinh quang của Chúa phục sinh, thì phải chịu sỉ nhục mà Ngài đã chịu (Rôma 8:17). Cũng phải ra phía ngoài trại quân, tức là từ bỏ các luật lệ nghi lễ, tội lỗi bản ngã, thế gian, khỏi chính thân thể mình; khi được Chúa kêu gọi ra khỏi mọi điều không đáng để theo đuổi, chẳng đáng để chịu khổ vì chúng. Gôgôtha theo tiếng Hêbơrơ là cái sọ, là nơi người ta ném bỏ xương và sọ của những người bị chém đầu. Đức Chúa Giêxu chịu thống khổ tại một nơi nghi lễ cho là ô uế, Ngài đã bị trở nên tội lỗi vì chúng ta để thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc chết. Có 2 truyền thuyết về nơi nầy: 1/ Ấy là nơi chôn cất Ađam có cái sọ của Ađam nằm tại đó; là chỗ sự chết đã thắng Ađam thứ nhất, nhưng là chỗ Ađam thứ nhì chiến thắng tử thần. 2/ Là núi Môria, nơi Ápraham dâng Ysác, và một con chiên đực đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn thay thế mạng cho Ysác (Sáng Thế 22:1–14).

Có thể là hai tên trộm chưa tới ngày bị xử tử, nhưng Caiphe đã yêu cầu có hai tên tội phạm bị hành hình chung để làm nhục Đức Chúa Giêxu (18), tử thù của giới người giả hình đội lốt tôn giáo. Đức Chúa Giêxu không bị hi sinh ở bàn thờ cùng với các sinh tế, huyết Ngài không lẫn lộn với huyết thú vật, nhưng Ngài bị giết chung với kẻ ác, huyết Ngài lẫn trong huyết những kẻ bị hành hình cho công lý chung. Ý nghĩa nầy rất sâu sắc, vì công ơn hi sinh của Chúa chúng ta đem đến lợi ích chung cho cả nhân loại. Đấng đã trút bỏ hết vinh quang thiên đàng để mặc lấy sự hổ nhục. Đấng vốn được mọi thiên sứ ca tụng ngợi khen phải trở thành điều sỉ nhục của loài người. Đấng vốn là niềm vui và sự ưa thích vĩnh cửu trong lòng Đức Chúa Cha bây giờ chịu lấy sự đau đớn thống khổ tột cùng. Hãy nhìn thấy huyết Ngài, vật vã với cái chết đau đớn trên thập tự giá, để biết ơn Ngài, yêu mến Ngài, sống cho Ngài và suy gẫm những gì mình cần từ bỏ.

Pilate treo tấm bảng “Giêxu, người Naxarét, Vua dân Do-thái” để làm nhục Chúa và hạ nhục dân Dothái. Nhưng tựa đề đó chứng minh sự vô tội của Đức Chúa Giêxu; vì cớ kết án không chút gì là tội ác, nó chứng tỏ rằng Ngài đã không làm điều gì đáng bị tù tội hoặc án chết (19). Nếu nơi đóng đinh cách xa thành Giêrusalem, ít người sẽ đến xem để thấy tấm bảng (20). Bởi sự sắp xếp thần hựu của Đức Chúa Trời, ba ngôn ngữ phổ biến nhất thời đó đều công bố Đức Chúa Giêxu là Vua, để mọi dân tộc đều biết Ngài là Cứu Chúa của mình. Luật pháp Đức Chúa Trời chép bằng tiếng Hêbơrơ, các triết gia học tiếng Hylạp, luật pháp của đế quốc ghi bằng tiếng Latinh. Pilate bực mình và biết rõ Caiphe và bọn Pharisi chỉ lấy danh Caesar để chống Đấng Christ cách xảo trá, chứ trong lòng họ vẫn mơ tưởng một quốc gia độc lập (21–22).

Kinh-thánh đã tiên tri hàng ngàn năm trước việc các tên lính chia nhau áo xống và bắt thăm để lấy áo dài của Đức Chúa Giêxu (23–24;Thi Thiên 22:18), sự việc phải diễn ra y như vậy. Bọn lính không cho ai lại gần lúc chúng đóng đinh Chúa; khi mọi việc đã xong, những người vẫn gần gũi với Đức Chúa Giêxu lại đến bên Ngài. Đức Chúa Giêxu vẫn quan tâm tới người mẹ phần xác của mình đang đau khổ bất lực nhìn Ngài bị đóng đinh (25–27). Trong vai trò Con Đức Chúa Trời hy sinh chuộc tội cho nhân loại, không như vài bản dịch mới suy diễn, Đức Chúa Giêxu không gọi bà Mary bằng mẹ (theo nguyên tác, Ngài gọi là “hỡi bà”). Các môn đồ khác của Chúa đều trốn tránh hoặc đứng xa xa, chỉ những người thật lòng yêu mến Ngài thì luôn tìm cách đến gần, trong đó có Giăng, người được Chúa giao nhiệm vụ phụng dưỡng bà May, mẹ Ngài; và Mary Mađơlen sẽ là người nữ đầu tiên được thấy Chúa sống lại.

Kinh-thánh tiên tri về việc Đức Chúa Giêxu bị cho uống giấm khi Ngài khát (28–30; Thi Thiên 69:21) cũng như Ngài không chịu uống rượu hoà với mật đắng trước khi bị đóng đinh (Mathiơ 27:34). Lời phán “Xong rồi” (hay “Mọi việc đã được trọn“) có nhiều ứng dụng: a) Tất cả những lời tiên tri trong Cựu ước về Đấng Mết -saia phải chịu khổ đều được ứng nghiệm và hoàn thành; b) luật nghi lễ của các điều răn từ nay bị huỷ bỏ (Êphêsô 2:14–15), bức màn chận đường vào nơi chí thánh bị xé làm hai từ trên chí dưới (Mathiơ 27:51); c) tội lỗi bị cất bỏ quyền lực vô hạn của nó, sự công nghĩa vĩnh cửu từ nay đã đến, Chiên Con của Đức Chúa Trời đã gánh hết tội lỗi của cả thế gian; d) công tác cứu độ và chuộc tội loài người đã hoàn tất; e) đời sống Đức Chúa Giêxu trên đất, sự thống khổ nhục hình của thân thể lẫn linh hồn đã đến hồi chấm dứt.

Ngày Sabát của lễ Vượt-qua là trọng thể hơn các ngày sabát khác. Luật Môise cấm thây treo qua đêm trên trụ hành hình (Phục truyền 21:23). Người Dothái bị đô hộ phải phục luật của kẻ cai trị họ trong mọi ngày, nhưng Sabát lễ Vượt-qua thì họ phải giữ mọi thứ bề ngoài sát theo luật pháp (31); nhưng chẳng quan tâm gì về sự giả hình đáng tởm trong lòng. Lời tiên tri về Chúa sẽ không bị gãy một cái xương nào, cũng như Ngài bị đâm (Thi Thiên 34:20; Xachari 12:10) đã ứng nghiệm (32 –37).

Đức Chúa Giêxu được chôn trong cái mộ mới đục của người giàu có, là Giôsép ở Arimathê, như Kinh-thánh đã tiên báo (41; Êsai 53:9). Các môn đồ thầm kín của Đức Chúa Giêxu bây giờ đều đến để chăm lo việc mai táng vị Thầy quý mến của họ (38–42). Ađam thứ nhì đã được chôn trong một cái vườn, và đã phục sinh vinh quang, chiến thắng tử thần tại vườn ấy, đoạt lại quyền quản trị thế giới đã bị Ađam làm mất vào tay satan ở vườn Êđen từ nhiều ngàn năm trước. Lòng chân thật kính mến Đức Chúa Giêxu của Nicôđem, Giôsép Arimathê, Giăng, và vài người đàn bà vẫn theo Ngài được biểu lộ vào thời gian khâm liệm và chôn cất xác Chúa. Họ đã ở cạnh Chúa của mình tận giây phút cuối cùng. Việc ấy có nhắc nhở gì cho chúng ta ngày nay không?

PhucAmGiang35.docx

Rev. Dr. CTB