Phúc Âm Giăng, bài 29
Giăng 15:1–27
Trong phần nầy, Đức Chúa Giêxu đã dùng hình ảnh cây nho rất thông thường vào thời ấy, làm một ví dụ rất dễ hiểu để dạy các môn đồ Ngài về bản chất của mối liên hệ giữa họ với Ngài lúc đó, và chúng ta với Ngài ngày nay. Ngài chẳng mô tả gì về cây nho mà chỉ nói về sự kết quả của các nhánh nho. Có lẽ vì trái nho ngon ngọt nên Đức Chúa Giêxu dùng hình ảnh cây nho và sự kết trái của nó để làm biểu tượng về các đặc điểm của những người có mối liên hệ thân mật với Ngài. Ngài tự xưng: “Ta là cây nho thật” (1). Cây nho thật có sự sống, có nhiều cành và cung cấp nhựa sống cho tất cả các cành của cây nho. Dù gốc cung cấp sự sống cho mọi cành, nhưng việc kết quả là trách nhiệm của từng cành nho. Còn Đức Chúa Trời là Đấng chăm sóc những nhánh nho nào kết quả; vì Đức Chúa Giêxu đã cho biết Đức Chúa Cha là Đấng chăm sóc mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài: “Cha Ta là Người trồng nho” (1).
Trong sự chăm sóc đó thì nhánh nào không kết quả đều bị chặt bỏ, còn các nhánh kết quả sẽ được tỉa sửa để sai trái hơn (2). Chi tiết nầy là dấu hiệu để chúng ta tự xét mình có mối liên hệ sống với Chúa không. Làm thế nào để biết? Người nào giống như cành bị chặt bỏ sẽ bỗng nhiên thấy mình khô hạn; khi khó khăn đến sẽ không thấy sự dẫn dắt, cứu giúp của Chúa như trước kia nữa. Vì bị chặt bỏ là bị cắt đứt khỏi nguồn cung cấp nhựa sống, là Đức Chúa Giêxu. Nguyên do là vì nếp sống đạo của mình không dẫn tới một kết quả nào như Chúa muốn. Ngược lại, những người đang có kết quả mà được tỉa sửa, sẽ đột nhiên thấy mình lâm vào các hoàn cảnh mà mình phải loại trừ những nhược điểm nào ngăn trở mình, nếu muốn đạt kết quả nhiều hơn.
Đức Chúa Giêxu lại nhắc nhở các môn đồ về hiệu quả của Lời họ đã nghe (3). Ngoại trừ Giuđa Íchcariốt, các môn đồ Ngài được tâm linh trong sạch nhờ đi theo và nghe Lời Ngài (Giăng 13:10). Lời Chúa làm cho sạch, tức là thánh hoá, vì Lời Ngài là chân lý (Giăng 17:17). Vậy thì, thường xuyên tra xem Kinh-Thánh để Lời Chúa dạy dỗ mình là cách để được ở trong, tương giao với Ngài, và được thánh hoá. “Hãy tiếp tục ở trong Ta” (4), việc ở trong Chúa hay không là do chúng ta. Nếu ai quyết định tiếp tục ở trong Chúa sẽ dẫn tới kết quả là Ngài “ở trong” người đó. Bí quyết nhận được nhựa sống từ gốc nho là tình cảm thật của chúng ta đối với Lời Ngài. Khi Lời Chúa ở trong chúng ta thì sự sống của Ngài tuôn tràn vào tâm linh chúng ta; nhựa sống ấy đã tuôn vào thì tâm linh chúng ta phải có kết quả; không bao giờ sợ phải bị chặt bỏ.
“Cũng như cành nho không thể tự nó ra trái, trừ phi nó dính liền vào cây nho; cũng vậy, các con không thể kết quả nếu không ở trong Ta” (4). Như nhựa sống của cây nho không ngừng chảy vào các nhánh, thì chúng ta cũng phải có Lời Chúa tuôn không dứt vào tâm linh mình. Việc ấy có xảy ra hay không, tùy thuộc vào tình cảm chúng ta có ưa thích đọc và suy gẫm Lời Chúa hay không. Sự lười biếng đọc Kinh-thánh là nguyên nhân của nếp sống tâm linh bạc nhược, chẳng kết quả. Mặc dù đã hiểu phải ở trong Chúa mới kết quả nhiều (5), nhưng vẫn có người muốn tự làm một cây nho độc lập. Vì thế Chúa cho biết là ngoài Ngài chúng ta chẳng làm chi được. Ở trong Chúa là một tiến trình phải duy trì và vun đắp, vì nguy cơ bị cắt đứt mối liên hệ với Chúa là có thật: “Ai không ở trong Ta sẽ như cành bị vất bỏ, khô héo” (6). Hậu quả cách sống đó là nghiêm trọng, không hi vọng gì được dính trở lại vào gốc nho, vì đã bị ném vào lửa và cháy tiêu rồi: “người ta gom lại, quăng vào lửa, nó bị đốt cháy.”
Một lợi thế và phước hạnh nữa của người được ở trong Chúa và có sự sống của Ngài là xin điều chi cũng được nhậm lời. Bất cứ điều gì Chúa hứa cũng kèm theo một hay vài điều kiện. Lời hứa sẽ nhậm lời bất cứ điều gì chúng ta chúng ta cầu xin có kèm theo hai điều kiện là: “Nếu các con tiếp tục ở trong Ta và lời Ta ở trong các con” (7). Lời cầu xin của chúng ta được nhậm vì mọi điều chúng ta cầu xin đều đẹp ý Chúa. Người ở trong Chúa và có Lời Chúa trong lòng sẽ không xin vì những sự ham muốn riêng mà chỉ cầu xin cho ích lợi của người khác; xin cho sự mở mang Vương quốc thiên đàng, cho sự vững mạnh của Hội-thánh; xin cho những người thân quen đang hư vong được có cơ hội nhận ơn cứu rỗi; xin được ban uy quyền đạp đổ các đồn luỹ của kẻ thù; xin được nhận lãnh quyền năng để đáp ứng vô số nhu cầu của những người đang đau khổ, bệnh tật, thiếu thốn quanh mình; và xin cho mình được kết quả thật nhiều. Những lời xin ấy đẹp lòng Chúa vì chỉ nhắm vào lợi ích của Nước Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Cha có được vinh danh hay không; chúng ta có chứng tỏ mình thật là môn đồ của Đức Chúa Giêxu hay không, đều tuỳ thuộc vào việc chúng ta có kết quả nhiều hay ít (8). Ý nghĩa của sự kết quả nầy nói về nhiều mặt. Trước hết là có một tâm linh được trưởng thành trong Chúa, có đức tin tăng trưởng và một nếp sống truyền giáo hữu hiệu đem đến nhiều kết quả. Người ấy sẽ được tôn trọng trong nước Chúa, vì được làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ. Đối với người nào đang kinh nghiệm tình yêu của Ngài, thì lời dặn dò: “Hãy cứ ở trong tình yêu của Ta” chính là bí quyết để được Ngài thương yêu giống như tình yêu của Đức Chúa Cha yêu Ngài (9). Sự yêu thương đó bảo đảm một tương lai an toàn, tươi sáng và vinh quang ở Nước Trời.
Đức Chúa Giêxu rất chu đáo trong các lời dạy dỗ của Ngài. Bởi vì trạng thái ở trong tình yêu của Chúa là một ý niệm khá trừu tượng, khó thể hiện, nếu không có sự chỉ dẫn rõ ràng phải hành động như thế nào để thực hiện. Cho nên, Ngài giải thích: “Nếu các con vâng giữ điều răn Ta, các con tiếp tục ở trong tình yêu Ta” (10). Nghĩa là phải vâng giữ được điều răn yêu thương nhau mà Ngài đã truyền. Để các môn đồ vững tâm tin cậy hiệu quả của tình yêu thương, Đức Chúa Giêxu dẫn chứng khuôn mẫu mà Ngài đã nhận được “cũng như Ta vâng giữ điều răn của Cha Ta, và ở trong tình yêu Ngài.” (10b). Ở trong sự yêu thương không phải chỉ là được yêu thương và có mối liên hệ mật thiết mà thôi, còn có nghĩa là sẽ mặc lấy quyền năng thiên đàng và uy quyền của con cái Đức Chúa Trời đối với mọi loài thọ tạo. Dấu hiệu Đức Chúa Giêxu luôn được ở trong sự yêu thương của Cha đã biểu lộ qua những quyền phép siêu nhiên mà Ngài đã thực hiện theo những gì Ngài thấy Cha làm (Giăng 5:19). Ngài hứa hễ ai vâng giữ các điều răn của Ngài thì sẽ được quyền phép giốngnhư Ngài vậy, vì sẽ luôn luôn được ở trong tình yêu thương của Ngài.
Đức Chúa Giêxu thổ lộ tình yêu thương cho các môn đồ để đặt sự vui mừng của Ngài trong lòng họ (11). Ngài muốn họ hiểu Ngài là “Đấng đã vì sự vui mừng đặt trước mặt, bền lòng chịu đựng thập tự giá, coi khinh sỉ nhục” (Hêbơrơ 12:2b). Đức Chúa Giêxu vui mừng vì thấy trước hình ảnh vô số linh hồn được vào nước Trời qua sự chết hi sinh của mình. Vì vậy, Ngài dạy các môn đồ về việc giữ gìn điều răn yêu thương do lòng yêu mến Chúa, nhờ đó được nhiều kết quả, đem nhiều người vào nước Trời qua gương mẫu yêu thương và vâng lời của họ. Người hư vong được cứu độ là sự vui mừng của Ngài, là mục đích Ngài xuống trần gian. Nếu các môn đồ hiểu được niềm vui ấy của Chúa thì họ cũng hết sức vui mừng, vì chẳng những họ củng cố mối tương giao nồng thắm với Chúa, mà còn làm cho sự vui mừng của Ngài được thành tựu: “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn” (Ê-sai 53:11).
Đức Chúa Giêxu nói rõ ràng một lần nữa về điều răn của Ngài là phải biết thương yêu nhau, như tình thương của Ngài đã yêu các môn đồ. Chúa biết trước những thứ linh tôn giáo trong loài người sẽ vẽ ra nhiều thứ luật lệ trong các giáo hội để tôn hàng giáo phẩm của họ thành một tầng lớp đặc biệt và ngăn trở người ta đến với nước thiên đàng. Chúa đã nặng lời với giới tăng lữ Do-thái-giáo: “Khốn cho các ngươi là thầy dạy luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự biết, chính mình không vào, mà người khác muốn vào, lại ngăn cấm” (Luca 11:52). Bây giờ Đức Chúa Trời cũng nổi giận với những kẻ ngăn trở con cái Ngài đến thẳng với Ngài, tức là những kẻ “nói rằng: Hãy đứng riêng ra, đừng lại gần ta, vì ta thánh sạch hơn ngươi! Bọn đó là khói nơi lỗ mũi Ta, như lửa cháy cả ngày.” (Êsai 65:4b). Gương mẫu thiên đàng là yêu thương người khó thương.
PhucAmGiang29.docx
Rev. Dr. CTB