Phúc Âm Giăng, bài 33

Giăng 17:1–26

Giăng ghi lại lời Đức Chúa Giêxu cầu nguyện sau khi Ngài tâm sự với các môn đệ mình lần cuối trước khi chịu nhục hình. Bài cầu nguyện nầy có 4 phần: a) Đức Chúa Giêxu cầu xin Cha Ngài vinh danh Ngài (1–5), b) gìn giữ các môn đồ Ngài hiệp nhất và tránh khỏi mọi điều ác (6–16), c) thánh hoá họ bằng lời chân lý (17–19), và d) sự hiệp nhất toàn vẹn của mọi tín hữu và cho họ được dự phần vinh quang của thiên đàng (20–26). Khác với mọi lần Ngài chỉ cầu nguyện một mình, Ngài đã cho các môn đồ nghe nội dung Ngài trò chuyện với Cha trên trời.

Đức Chúa Giêxu xin Đức Chúa Cha vinh danh mình để Ngài có thể tôn vinh Cha (1). Giờ đã đến tức là thời điểm thống khổ của Ngài đã tới; vinh danh là khiến Ngài vinh quang sống lại từ cõi chết rồi cất Ngài về trời. Ngài có uy quyền trên cả nhân loại là do Đức Chúa Cha ban cho; vì vậy, Ngài ban sự sống vĩnh cửu cho người nào Đức Chúa Cha giao cho Ngài (2). Ngài định nghĩa sự sống đời đời là phải tin Đức Chúa Cha là Chân-thần duy nhất và công nhận thần tánh của Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời Nhập Thể (3). Ngài đã tôn vinh Cha qua sự rao giảng Tin Mừng, giữ một đời sống trọn vẹn, thi thố vô số phép lạ, bày tỏ đức nhân từ, công chính, khôn ngoan, chân thật, cùng những thuộc tính khác của Đức Chúa Cha. Dù chưa bị đóng đinh nhưng Đức Chúa Giêxu có thể nói Ngài đã làm xong công việc Cha giao cho làm, vì Ngài chỉ còn sống trong xác thịt vài giờ ngắn ngủi nữa thôi (4). Ngài xin Cha tôn vinh Ngài cùng với Cha bằng vinh quang tột đỉnh nhất sẽ ban cho Ngài khi Ngài thực hiện vai trò Đấng Cứu-chuộc và Đấng Trung-bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người (5).

Bằng lời nói và việc làm, Đức Chúa Giêxu đã trình bày về Đức Chúa Cha cho các môn đồ, những người đã nghe, tin, nhận, và vâng lời Đức Chúa Cha; khác hẳn giới tôn giáo vô tín. Các phép lạ và những lời dạy dỗ đầy quyền năng chứng minh cho môn đồ Ngài tin chắc rằng Ngài đến từ trời (6–8). Đức Chúa Giêxu nói rõ Ngài chỉ cầu thay cho người thuộc về Ngài, không cầu nguyện cho người chưa tin (9). Ngài xưng nhận sự hiệp một giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đấng Christ và Cha Ngài có chung mọi điều, không thân vị nào có điều gì mà thân vị kia không có; hai thân vị là một, luôn luôn đồng ý với nhau (10). Chữ ‘thế gian‘ mà Chúa dùng có nghĩa là nơi cư ngụ (11), không nói về người trần. Vì Ngài chỉ còn ở trần gian một thời gian ngắn trước khi về trời, nhưng các môn đồ Ngài sẽ phải đối diện với nhiều sự khó khăn và cám dỗ; nên Ngài xin Đức Chúa Cha dùng quyền năng gìn giữ họ, là những người đã trao phó cuộc đời cho Chúa mình, để họ được sở hữu Danh Ngài và hợp nhất như Cha và Con luôn hợp nhất.

Trong thời gian sống với các môn đồ do Đức Chúa Cha ban cho, Đức Chúa Giêxu đã truyền Lời của Đức Chúa Cha, là chân lý, cho họ hiểu biết và nắm vững. Ngài cũng không để mất một người nào, ngoại trừ ‘đứa con của sự hư mất,‘ nghĩa là Giuđa Íchcariốt từng làm sứ đồ của Đức Chúa Giêxu, nhưng hắn không phải là quà tặng mà Đức Chúa Cha đã ban như các môn đồ khác, cũng sẽ không được cứu chuộc bởi sự chết Ngài. Lời Ngài tường trình (12–13) giống như Ngài đã hoàn thành sự chịu chết, chôn, và sống lại, mặc dù chưa việc nào xảy ra; bởi vì những sự kiện đó sẽ xảy ra nhanh chóng thình lình. Ngài đã dùng những lời cầu nguyện nầy để các môn đồ Ngài vui mừng dù cho không thấy Ngài hiện diện với họ bằng xương thịt nữa. Lời của Đức Chúa Trời được Đức Chúa Giêxu truyền vào con cái Ngài (khác với lời rao truyền tin mừng chung cho thế gian) làm biến đổi đời sống của những người đã tiếp nhận Lời. Họ không còn có những tâm tánh, ước muốn giống như người thế gian nữa; cho nên thế gian ghét họ (14).

Đức Chúa Giêxu không cầu xin Đức Chúa Cha đem con dân Ngài ra khỏi thế gian tội lỗi và rối rắm nầy, nhưng giữ cho khỏi phạm điều ác (15) để họ có thể làm chứng nhân cho Ngài. Như thế, chúng ta không thể cầu xin Chúa cho mình chết hoặc được hoàn toàn giải thoát khỏi những cảnh ác độc và khốn khổ của thế gian, nhưng là được giải thoát khỏi những sự cám dỗ của tội lỗi khi phải đối diện với các cuộc thử thách và hoạn nạn trong đời. Đức Chúa Giêxu lặp lại cho các môn đồ mình ghi nhớ kỹ trong ký ức họ rằng họ không thuộc về thế gian (16), Ngài nhắc nhở tâm trí họ phải hướng cách sống mình theo sự thật ấy, củng cố tâm linh họ chống lại sự thù ghét và gian xảo của thế gian.

Đức Chúa Giêxu cầu xin cho các môn đồ được thánh hoá lòng và đời sống qua Lời của Cha, tức là qua sự hiểu biết lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và tin mừng do Đức Chúa Giêxu rao truyền (17). Những người không phải là người Do-thái sẽ được thánh hoá bởi đức tin vào chân lý, là Lời của Đức Chúa Trời được rao giảng, như vậy, Chúa “… dùng đức tin (của người ngoại bang) làm cho họ tinh sạch” (Công vụ 15:9). Đức Chúa Giêxu được Cha sai đến thế gian để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại, thì Ngài sai các sứ đồ đi để thực hiện một phần của chương trình ấy, tức là rao giảng về sứ mạng của Thầy mình (18). Được Chúa sai đi là được Ngài bảo vệ, bênh vực và giúp đỡ. “Con vì họ tự thánh hoá” (hiến dâng) (19), nghĩa là tự biệt riêng mình làm một sinh tế được Đức Chúa Trời chấp nhận và đẹp lòng. Đấng Christ đã biệt riêng mình ra vừa làm Thầy Tế-lễ, vừa làm sinh tế cho dân sự Ngài, để họ tiếp nhận chân lý do Ngài đem tới mà được thánh hoá.

Có hai điều rõ ràng: Đức Chúa Giêxu không cầu xin cho những người sẽ lãnh án phạt, cũng như những người sẽ chết mà không tin Ngài. Ngài chỉ cầu xin cho những người sẽ tin Ngài qua các môn đồ Ngài (20). Nghĩa là tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Trung-bảo, vì nếu người nào nhờ ai khác làm đấng trung bảo đến với Đức Chúa Trời thay cho mình, thì không phải là tin Đức Chúa Giêxu. Bởi sự tin đúng ấy, những người tin mới có thể hợp nhất trong đức tin và trong lời nói; vì chỉ một Đức Thánh Linh sẽ điều khiển và chỉ dẫn họ. Sự hợp nhất của đức tin và lời rao giảng sẽ khiến thế gian tin Đức Chúa Giêxu từ trời mà đến (21). Chúa lặp lại nhiều lần lời cầu xin cho sự hợp nhất giữa các môn đồ giống như sự hợp nhất giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (22–23). Đức Chúa Giêxu lấy vinh quang từ Chúa Cha ban cho để ban cho các môn đồ Ngài. Nghĩa là họ được làm sứ giả thiên đàng cùng khả năng thi hành phép lạ, như chính Đức Chúa Giêxu đã làm sứ giả cho Đức Chúa Cha và quyền năng làm dấu kỳ phép lạ của Ngài. Ai cứ hợp nhất với anh chị em trong đức tin, sẽ thực hiện nhiều kỳ tích chứng minh họ được Đức Chúa Trời thương yêu như Ngài đã yêu thương Đức Chúa Giêxu Christ.

Sau khi bị đóng đinh, chết, chôn, rồi sống lại, Đức Chúa Giêxu về nơi ở trước của Ngài, là nơi vinh quang không tả được. Chúa muốn các môn đồ Ngài sẽ cùng Ngài ở đó để ngắm xem vinh quang mà họ chưa từng thấy (24–26). Dù đồng đẳng với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giêxu luôn luôn bày tỏ sự tôn kính của Ngài đối với Cha, và Ngài xác nhận các môn đồ Ngài là những người tin chính Đức Chúa Trời đã sai Ngài đến. Các tín đồ của Chúa cần sự yểm trợ đặc biệt của ân điển mới có thể dẫn người thế gian tới chỗ nhận biết Đấng Tạo Hoá của họ, vì sự tối tăm và ngu dốt của loài người đối với Chúa lan tràn khắp nơi. Đức Chúa Giêxu hứa Ngài sẽ khải thị Cha cho chúng ta, để tình yêu vô giới hạn mà Đức Chúa Cha đã yêu Đức Chúa Giêxu sẽ được Đức Chúa Cha dùng mà yêu thương và ở trong chúng ta; rồi chính Đức Chúa Giêxu cũng ở trong chúng ta nữa (Giăng 14:21, 23). Không lời hứa nào hạnh phúc hơn!

Mọi lời cầu xin của Đức Chúa Giêxu đều đã được Cha nhậm, chỉ còn một điều đến nay vẫn chưa thành, ấy là sự hiệp một giữa các thánh đồ. Thế giới tối tăm đang ra sức hành động để chia rẽ các con cái Chúa bằng sự tự ái, lòng tự cao, cùng những sự hiềm khích nhỏ nhen của tâm tánh xác thịt. Chúng biết rằng ngày nào các con cái Chúa biết vâng lời Chúa mình mà hiệp một trong đức tin, lời nói và việc làm, thì ngày đó Hội Thánh của Chúa là một đội tuyển lý tưởng mà không đối thủ nào có thể đương đầu nổi. Chúng ta hãy suy gẫm về lòng ước mong của Đức Chúa Giêxu muốn các môn đồ Ngài hiệp nhất, cho đến nay vẫn là niềm mong ước chưa thành. Chúng ta nghĩ gì và sẽ làm gì để lời cầu nguyện ấy được thành tựu?

PhucAmGiang33.docx

Rev. Dr. CTB