Phúc Âm Giăng, bài 37
Giăng 21:1–25
Đức Chúa Giêxu hiện ra gặp bảy môn đồ Ngài trong khung cảnh nghề đánh cá cũ của họ vào lúc họ không ngờ (1-2). Phierơ đề xướng, sáu người khác phụ hoạ (3). Bảy người nầy đã trở về xứ Galilê theo lời thiên sứ truyền cho các người đàn bà đi thăm mộ lời nhắn của Đức Chúa Giêxu (Mác 16:7). Có lẽ họ vẫn quây quần với nhau và đi đánh cá trong lúc chờ đợi, vì chưa nhận được chỉ thị nào từ người Thầy mà họ không biết hiện đang ở đâu; và có lẽ họ cũng chẳng muốn ngồi không, làm gánh nặng cho gia đình. Cũng có lẽ họ hổ thẹn với chòm xóm vì trắng tay sau hơn ba năm theo Thầy đầy phép lạ và hứng khởi. Nhưng họ vất vả suốt đêm mà chẳng được gì hết (3).
Đức Chúa Giêxu hiện ra đứng trên bờ, lúc các môn đồ Ngài đang thất vọng vì hoàn toàn thất bại. Họ không nhận ra Ngài; có lẽ vì ánh ban mai chưa đủ sáng, hoặc họ không ngờ Chúa lại hiện ra vào giờ đó (4). Lời hỏi của Chúa thật dịu dàng và quan tâm: “Có cá không các con?” (5). Câu trả lời thì không mấy thân thiện. Đức Chúa Giêxu liền dùng quyền phép bày tỏ chính Ngài (6). Khi con cái Ngài chẳng có gì thì Ngài là Đức Giêhôva Girê; chính dấu hiệu đó đã khiến Giăng, môn đồ giỏi nhận xét, nhớ lại kỷ niệm khó quên (Luca 5:4–6), tức khắc nhận ra Thầy. Phierơ nghe liền hăng hái bày tỏ lòng kính trọng Thầy bằng cách lấy áo dài quấn mình và nhảy xuống nước. Có lẽ Phierơ lội vô bờ và bày tỏ thái độ lúng túng, khắc khoải của ông trước mặt Chúa (7–8).
Đức Chúa Giêxu bày sẵn lửa than đang nướng cá, và bánh cho các môn đồ đang mệt lả, ướt át, và đói, Chúa cung ứng một bữa ăn ngon và đầy đủ cho môn đồ Ngài (9). Đấng Toàn Năng có thể cung cấp mọi thứ chúng ta muốn và biết những gì chúng ta cần. Chúa bảo họ đem tới một số cá mới vừa đánh được, không phải vì Ngài cần cá ấy, nhưng để họ được hưởng thành quả công lao của họ (10). Phierơ bày tỏ tình cảm sâu đậm cho Chúa bằng sự vâng lời (11). Đức Chúa Giêxu nói cách thân mật với các môn đồ: “Các con lại ăn đi.” Họ thì có vẻ còn giữ một khoảng cách, vì nghi nghi là Chúa mà không dám hỏi (12). “Đức Chúa Giêxu đến lấy bánh và cá trao cho họ“(13). Chúa phục sinh không cần phải ăn, nhưng Ngài cùng ăn để chứng tỏ Ngài thật sự có thân thể.
Khi chép: “Từ khi sống lại, đây là lần thứ ba Đức Chúa Giêxu hiện ra với các môn đồ” (14), có lẽ Giăng muốn nói là Chúa hiện ra lần thứ ba cho số đông môn đồ; vì Ngài đã hiện ra cho vài người khác cách riêng rẽ như, Mari Mađơlen, hai môn đồ Emmaus, rồi Giacơ, em Ngài (1Côrinhtô 15:7). Vậy, Ngài đã hiện ra cho số đông vào buổi tối ngày Ngài phục sinh. Tám ngày sau, Ngài lại hiện ra để thuyết phục sứ đồ Thomas. Lần hiện ra thứ ba nầy là cho bảy môn đồ ở bờ hồ Tibêriát.
Mùi của lửa than nồng chắc hẳn gợi trong tâm khảm Phierơ kinh nghiệm đau khổ ở sân nhà thầy cả thượng phẩm trong đêm Chúa bị bắt. Đức Chúa Giêxu chỉ bắt đầu hỏi Phierơ sau khi ăn xong. Ngài không muốn làm bữa ăn mất ngon. Phierơ thì hồi hộp chờ Thầy mở miệng nói với mình, vì mùi lửa than nhắc nhớ nước mắt khóc lóc đắng cay đêm ấy. Bây giờ, câu hỏi của Thầy đã cất khỏi ông sự đau khổ dằn vặt, đem ông trở lại địa vị một sứ đồ. Đức Chúa Giêxu không hỏi Phierơ như cách thẩm vấn một tội đồ, mà như hỏi một người bạn; câu hỏi mang lại sự giải hoà. Phierơ đã tự trách mình, nên Chúa không trách gì ông; lỗi lầm không những chỉ được tha thứ, mà còn được quên hẳn. Chúa cho ông biết rằng ông vẫn hết sức thân yêu đối với Ngài.
Đức Chúa Giêxu lặp lại câu hỏi ba lần, Phierơ trả lời ba lần, và ba lần Ngài đáp lại với chút ít thay đổi trong đó (15–17). Ngài không gọi tên Phierơ hay Sêpha mà Ngài đã đặt cho ông, Ngài gọi Simôn, con Giôna, là tên cha mẹ đặt cho. Ngài không gọi ông là kẻ phản bội dù ông có đáng bị gọi như thế, nhưng là: “Simôn, con của Giôna, con yêu Ta hơn những người nầy không?” Câu hỏi nầy có thể hiểu theo hai cách: 1) Ngươi có yêu Ta hơn là yêu những người nầy chăng? hoặc, 2) Ngươi có yêu Ta hơn tình yêu những người nầy dành cho Ta không? Hãy để ý rằng Chúa không hỏi ‘Ngươi có sợ Ta không?’ hoặc ‘Ngươi có kính trọng Ta, và ngưỡng mộ Ta chăng?’ Điều mà Chúa tìm kiếm trong những người ăn năn là cách họ nhìn xem Chúa qua sự ăn năn của họ. Như Ngài đã phán về người đàn bà bị nhiều tai tiếng “Vì thế, Tôi nói cho ông hay, chị ấy đã được tha nhiều tội, nên yêu thương nhiều. Còn ai được tha ít, yêu thương ít” (Luca 7:47).
Đức Chúa Giêxu có tình yêu dịu dàng đối với bầy chiên, Ngài không thể tin cậy kẻ chăn bầy nào không yêu mến Ngài. Trước khi giao bầy chiên, Ngài phải hỏi ‘Con có yêu Ta không?‘ Lòng biết yêu mến Chúa giữ cho người chăn bầy nhẫn nại chịu đựng mọi khó khăn và thất vọng mà họ phải gặp trong thánh vụ. Lần hỏi thứ hai và thứ ba, Chúa không so sánh tình yêu của Phierơ “hơn những người nầy không,” vì Phierơ đã không dám so sánh ông với anh em mình. Hai lần hỏi đầu Chúa đều dùng chữ agapas me, có nghĩa là “Ngươi có dành lòng nhân ái cho Ta không?” Phierơ dùng chữ cương quyết hơn philõ se, có nghĩa là: “Con thật lòng yêu Chúa.” Lần thứ ba Chúa hỏi thì có nghĩa là: “Có thật là con thật lòng yêu Ta không?“ (17a).
Cả ba lần Phierơ đều trả lời “Vâng, thưa Chúa, Chúa biết con yêu Chúa.” Ông không giả bộ nói rằng mình yêu Chúa hơn các môn đồ khác. Ông nài xin Chúa suy xét cho bằng chứng về tình yêu của ông dành cho Ngài: “Lạy Chúa, Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Chúa” (17b). Phierơ đã chối Chúa ba lần, tự mình từ bỏ mối liên hệ với Chúa. Sau khi ông ăn năn, Đức Chúa Giêxu cũng phải hỏi ba lần để đem ông trở vào mối liên hệ tương giao với Ngài. Sự gợi nhớ nào về tội lỗi đã phạm, dù đã đuợc tha thứ, cũng gây buồn khổ cho người đã ăn năn.
Đức Chúa Giêxu ba lần giao nhiệm vụ chăm sóc bầy chiên cho Phierơ: “Hãy nuôi các chiên con của Ta.” “Hãy chăn bầy chiên non trẻ của Ta.” “Hãy nuôi đàn chiên Ta.” Hội Thánh là bầy chiên của của Đấng Christ, mà Ngài đã dùng huyết mình để chuộc lại (Công vụ 20:28). Phận sự “chăn” mà Chúa giao ở đây là ‘nuôi ăn.‘ Chữ chăn trong 2 câu (15, 17) là ‘boske‘ có nghĩa rất rõ là ‘nuôi ăn,‘ nhưng chữ ‘chăn‘ ở câu (16) là ‘poimaine‘ có nghĩa tổng quát là làm chức vụ của người chăn bầy đối với bầy chiên. Nghĩa là họ phải cho chiên con ăn đúng loại thức ăn, nuôi ăn chiên nhỏ và lớn cũng phải đúng loại đồ ăn thích hợp. Bổn phận của mọi người hầu việc Chúa là ‘nuôi ăn’ chiên con và chiên lớn của Chúa. Chăn chiên nghĩa là dạy dỗ chiên, vì sự hiểu rõ giáo lý của tin mừng là thức ăn thiêng liêng cho chiên. Chăn chiên cũng là dẫn họ đến đồng cỏ xanh tươi, cai quản cuộc nhóm thờ phượng, phục vụ mọi thánh vụ của Hội Thánh.
Đức Chúa Giêxu phán trước về sự tử đạo của Phierơ (18–19), những cái chết của các thánh tử đạo đều làm vinh danh Đức Chúa Trời. Chân lý của Chúa được xác nhận bởi những cái chết hiên ngang anh dũng ấy. Sự chết của các thánh tử đạo không bao giờ vô ích, vì nhờ đó nước Chúa mở rộng và Ngài được vinh danh. Phierơ lại thắc mắc về tương lai của người môn đồ được Chúa yêu thì được Chúa dạy hãy lo hoàn thành sự kêu gọi của ông trước đã: “Phần con, hãy theo Ta!” (20–22). Thời nào cũng có những tiếng đồn do không biết hoặc không nghe rõ sự việc. Giăng cho biết ý nghĩa của lời Đức Chúa Giêxu phán là, ý muốn của Ngài về cuộc đời của một người nào đó tốt hay xấu, thì chẳng liên quan gì đến những người khác, dù là các người ấy là đồng môn với người được Chúa quan tâm (23–24). Nhưng tâm lý con người thường hay so bì với người khác vì ganh tị hoặc vì những lý do cá nhân.
Từ đầu sách, sứ đồ Giăng chẳng khi nào nêu tên mình. Ông chỉ dùng ngôi thứ ba khi nhắc về chính ông. Người đọc thấy rõ là Giăng thấy tên mình không xứng đáng được ghi lại: Một gương khiêm nhượng biết bao! Nếu tất cả con cái Chúa đều học và thực hành gương ấy, thì chắc không có những bất hoà giữa anh chị em với nhau trong Hội-thánh. Không phải Đức Chúa Giêxu chỉ thi thố một số phép lạ được ký thuật trong các sách Phúc-âm. Câu cuối của sách Phúc-âm Giăng ghi là: “Đức Chúa Giêxu còn làm nhiều công việc khác” (25), hàm ý rằng tác giả chỉ ký thuật một số việc và những lời dạy đỗ tiêu biểu, mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện khi thi hành thánh vụ Ngài ở thế gian. Vì “nếu người ta ghi chép từng việc … thì không đủ chỗ chứa hết các sách ấy.“
PhucAmGiang37.docx
Rev. Dr. CTB