Giô-suê, bài 05

Giô-suê 4:1–24

Lời chép Đức Giê-hô-va phán với Giô-suê về việc chọn mười hai người trong dân chúng (1-2), chỉ là sự nhắc lại việc đã nói trong đoạn trước (3:12). Mười hai người ấy chắc chắn phải mạnh mẽ và lực lưỡng lắm mới có thể vác những tảng đá bự nơi chân các thầy tế lễ đứng để đem chúng theo tới nơi mà họ sẽ đóng trại trong đêm đó (3).

Trong đoạn nầy, có nhiều phần là tóm tắt những việc đã xảy ra (8-11); sau đó lại mô tả chi tiết (15-18). Vì thế, nếu không hiểu rõ, người đọc sẽ thấy bố cục của đoạn Kinh thánh có vẻ lộn xộn hoặc không hợp lý. Trong năm sách Ngũ kinh có nhiều chỗ tương tự như vậy, tóm tắt trước rồi mô tả sau. Có lẽ đó là cách các nhà văn ngày xưa ký thuật lại những việc đã diễn ra sao cho đầy đủ, để đời sau ghi nhớ rõ ràng.

Vậy, Đức Giê-hô-va đã truyền lệnh chọn mười hai người để vác những tảng đá kỷ niệm trước khi họ lên đường, chứ không phải Ngài đợi tới lúc dân chúng qua sông hết rồi Ngài mới truyền lệnh cho Giô-suê (2-3).

Sau khi dân chúng đã qua sông hết rồi, Giô-suê truyền lệnh cho mười hai người được chọn trước (4), có lẽ đứng cạnh Giô-suê khi đã qua bên kia sông, thì họ mới nhận lệnh trực tiếp từ Giô-suê trở lại giữa lòng sông:

Hãy đến trước Rương Giao Ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em tại giữa sông Jordan, rồi mỗi người, theo số chi tộc của dân Israel, vác một tảng đá trên vai mình, để điều nầy làm một dấu hiệu giữa anh em” (5-6).

Có vài nhà giải kinh tin rằng Rương Giao Ước không đứng giữa sông, mà các thầy tế lễ đã dừng lại ở ven bờ, nơi chân họ chạm mé nước và nước rẽ ra. Họ căn cứ trên vài nghĩa khác của chữ Hebrew Vthôlc (ở giữa) thì không hẳn là ngay chính giữa. Nhà giải kinh nầy cũng dựa trên câu (9) nói rằng “Giô-suê cũng dựng mười hai tảng đá giữa sông Jordan, nơi chân những thầy tế lễ khiêng Rương Giao Ước đã đứng. Các tảng đá ấy vẫn còn ở đó cho đến ngày nay,” nói rằng đống đá phải ở trên bờ mới thấy được.

Câu nói, “hãy đến trước Rương Giao Ước” nói về mười hai người được chọn, bây giờ được phép đến gần Rương Giao Ước, vì trước đó, ngoài các thầy tế lễ hoặc người Lê-vi thuộc gia tộc Kê-hát, là những người được đến gần và khiêng Rương Giao Ước, thì không một thường dân nào được phép tới gần.

Giô-suê cũng giải thích cho Israel biết lý do phải lấy mười hai tảng đá theo họ tới chỗ đóng trại, để “mai sau, khi con cháu anh em hỏi rằng:‘Những tảng đá nầy có ý nghĩa gì?’ thì anh em hãy trả lời rằng: Nước sông Jordan đã bị cắt ngang trước Rương Giao Ước của Đức Giê-hô-va. Khi Rương Giao Ước vượt qua sông Jordan, thì nước sông cắt ngang, và các hòn đá nầy là vật kỷ niệm đời đời cho con dân Israel” (7).

Vậy, mười hai người đã chọn trong mười hai chi tộc đã xuống giữa sông Jordan, mỗi người vác một tảng đá lên bờ và đem chúng tới chỗ nghỉ qua đêm để đặt tại đó đúng như lời Đức Chúa Trời đã truyền bảo họ (8).

Đoạn nầy được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (1-14) nói chủ đề chính của đoạn là lấy các tảng đá ở giữa sông Jordan để lập “đài kỷ niệm” bằng mười hai tảng đá. Phần thứ nhì (15-24) là phần kết luận của toàn thể sự việc.

Ở phần đầu thì ký thuật mô tả nhiều lần về cùng các diễn tiến, vì ngay câu đầu nói rằng “khi toàn dân đã vượt qua sông Jordan” (1), nhưng phần cuối của câu 10 thì chép: “Rồi dân chúng vội vã qua sông.” Sự mâu thuẫn nầy khiến người đọc sẽ phê bình lối hành văn mô tả toàn thể sự việc.

Ở phần trên, người đọc hiểu rằng sau khi dân Israel đã qua sông hết rồi thì mười hai người mới trở lại giữa sông để lấy mười hai tảng đá. Nhưng tới câu 10 thì lại thấy có vẻ như là mười hai người phải xuống sông lấy mười hai tảng đá trước, xong rồi cả Israel mới vội vã qua sông.

Nhưng sự thật là tất cả dân Israel đều qua sông trước, trong lúc các thầy tế lễ khiêng Rương Giao Ước vẫn đứng giữa sông chờ đến khi họ đã lấy xong mười hai tảng đá.

Sau khi mọi người đã qua sông, mười hai tảng đá đã được vác lên bờ, và mười hai tảng đá khác được Giô-suê dựng giữa sông Jordan, thì các thầy tế lễ khiêng Rương Giao Ước mới rời nơi chân họ đứng để lên bờ phía đồng bằng Jericho (11).

Phần nầy vẫn còn là tóm tắt sự việc, Rương Giao Ước chưa được mô tả là đã chính thức được các thầy tế lễ khiêng lên bờ, mặc dù tác giả đã nói về bốn chục ngàn chiến sĩ của hai chi tộc Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh cầm khí giới tiến lên đi trước anh em Israel của họ để sẵn sàng ra trận (12-13).

Trước kia, dân Israel hết sức tôn kính Môi-se khi họ thấy ông giơ gậy trên Biển Đỏ thì nước rẽ ra, mở đường cho họ vượt qua biển như đi trên mặt đất. Bây giờ, vì Giô-suê đã truyền lại lời Đức Chúa Trời cho biết sông Jordan sẽ rẽ nước ra cho họ qua sông, cho nên khi thấy mọi việc xảy ra, thì họ rất tôn kính Giô-suê (14).

Khi có lệnh của Đức Chúa Trời (15-16), Giô-suê truyền cho các thầy tế lễ khiêng Rương Giao Ước đang đứng giữa sông: “Hãy lên khỏi sông Jordan” (17).

Sự kiện nầy là chủ đề của một phần riêng biệt, được xem như một sự kiện riêng rẽ. Người đọc Kinh thánh có thể xem việc nầy là một ký thuật lịch sử, nhưng sự quan trọng của nó khiến cho chúng ta phải đặc biệt lưu ý; chủ đích của phần nầy là nhắc cho người đọc đừng quên quyền lực đã chận đứng sức chảy của sông Jordan, làm cho nước của nó phải dội ngược trở lên hướng nguồn, và giữ nó đứng yên.

Việc nước sông dừng lại không chảy nữa chẳng phải là vĩnh viễn, mà chỉ là tạm thời. Khi bàn tay quyền phép giữ nước đứng lại rút khỏi, lúc bàn chân của các thầy tế lễ đặt trên đất khô, thì nước sẽ trở lại chảy tràn bờ như trước (18).

Sự kiện nầy cũng nhắc nhở chúng ta rằng, quyền đè nén sự chết trên con người thì sẽ tới thời điểm chấm dứt. Lúc thời kỳ ân điển sẽ qua, thì sẽ không còn sự bảo vệ từ trời nữa.

Ngày mồng mười tháng Giêng năm thứ bốn mươi mốt kể từ ngày ra khỏi Ai-cập, Israel vượt sông Jordan, ranh giới thiên nhiên ngăn cách họ với đất hứa, để chính thức đặt chân vào miền đất đã được Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ram ban cho dòng dõi ông làm sản nghiệp vĩnh viễn bởi một giao ước mà chỉ một mình Ngài lập và thực hiện (Sáng thế 15:7–19).

Họ đóng trại ở chỗ gọi là Gilgal, có nghĩa là vòng tròn, vì có thể nơi đó những hòn đá tạo thành hình tròn, hoặc một bàn thờ hình tròn. Gilgal cách bờ sông Jordan khoảng năm dặm và cách thành Jericho chỉ có hai dặm về phía đông (19).

Giô-suê dùng mười hai tảng đá lấy từ giữa sông Jordan dựng thành một đài kỷ niệm (20) theo lệnh của Đức Chúa Trời. Đài kỷ niệm không phải là một nơi thờ tự hoặc tính cách thiêng liêng phải tôn kính như một địa điểm thánh. Đài kỷ niệm chỉ có ý nghĩa ghi nhớ một biến cố hay sự kiện quan trọng để đừng quên, nhất là dùng để nhắc nhở các thế hệ mai sau (21).

Chúng ta thường không lưu ý ghi chép ngày tháng của các sự kiện quan trọng mà Đức Chúa Trời thực hiện trên đời sống chúng ta. “Anh em sẽ nói cho con cháu mình biết rằng: ‘Israel đã đi qua sông Jordan trên đất khô,’ vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã làm cho sông Jordan khô cạn trước mặt anh em cho đến khi anh em đã đi qua khỏi” (22-23).

Rất nhiều người tưởng rằng trí óc của mình sẽ ghi nhớ lâu dài các ơn phước Chúa ban cho, mà không nghĩ đến sự ghi chép hoặc thiết lập một hình thức kỷ niệm nào đó. Bất cứ dấu kỳ, phép lạ nào mà Đức Chúa Trời khiến xảy ra trên đời sống chúng ta hay trên Hội thánh Ngài, thì Ngài muốn con cái Ngài ghi nhớ lấy để có thể truyền đạt cho các thế hệ mai sau.

Không gì tốt hơn là ghi chép xuống trên giấy để không thể quên; bởi vì không phải ai cũng có trí nhớ tốt để nhớ lâu dài. Đức Chúa Trời biết trước rằng cuộc chinh phục vùng đất hứa sẽ kéo dài lâu ngày, người ta sẽ quên mất phép lạ đã đem họ vào đấy.

Thiết lập một đài kỷ niệm lưu truyền qua nhiều thế kỷ còn có thêm mục đích khác: “Các dân tộc thế gian biết được bàn tay quyền năng của Đức Giê-hô-va, và anh em cũng luôn luôn kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em” (24).

Không bằng chứng nào mạnh mẽ và hữu hiệu hơn quyền phép hiển hiện của Đức Chúa Trời đã thi thố trên con cái Ngài. Chúng ta phải phô bày các quyền phép ấy ra cho mọi người đều thấy; từ sự biến đổi tâm tính, đổi mới đời sống, sự chữa lành bệnh tật, sự giải cứu quyền năng, các ơn phước đầy tràn, và những dấu hiệu siêu nhiên mà Chúa đã thi thố trên Hội thánh và con dân Ngài.

Đừng bao giờ im lặng, cũng đừng xem thường những thứ ơn lành lạ kỳ Chúa đã bày tỏ. Bởi vì Ngài thực hiện để chúng ta, là những người chứng kiến, sẽ làm chứng lại những gì mình đã có may mắn hơn nhiều người là thấy, nghe hoặc được hưởng.

Giosue05.docx

Rev. Dr. CTB