Lê-vi-ký, bài 13

leviticus-21-22

Chức Tế Lễ và Lễ Vật Thánh

Lê-vi-ký 21:1–24

Luật về sự thanh sạch và thánh khiết dành cho mọi người Israel được chép từ đoạn 11 tới hết đoạn 20. Đến đây là luật lệ về sự thanh sạch và thánh khiết mà các thầy tế lễ phải tuân giữ.

Khác với 6 chỗ trong ngũ kinh (Lêviký 1:5, 7, 11; 2:2; 3:2; Dân số 10:8) chépcác con cháu A-rôn là những thầy tế lễ, ở đây ghi những thầy tế lễ là các con trai A-rôn để xác nhận họ được giữ chức tế lễ vì là con của A-rôn, chứ không phải do phẩm cách riêng gì của họ (1).

Vì chức tế lễ là một chức vụ cao trọng để thay mặt dân chúng đến trước Đức Chúa Trời, nên các thầy tế lễ không được để cho họ “bị ô uế vì một người chết trong thân tộc mình,” ngoại trừ người chết là bà con ruột thịt như mẹ, cha, con trai, con gái, anh em hoặc chị em ruột còn độc thân, phải nương dựa thầy tế lễ vì không có chồng” (2–3). Nếu người thân ruột thịt chết, thầy tế lễ được phép tham dự tang lễ.

Các quy định về ô uế vì người chết là, chạm tới xác chết, vào lều của người bị chết trong lều, đụng vào xác người bị giết bằng gươm, hoặc đụng vào một xác chết, hài cốt hay mồ mả (Dân số ký 19:11–16).

Luật nói rằng: Vì là người lãnh đạo dân chúng nên thầy tế lễ không được để cho mình bất khiết và phàm tục” (4). Nghĩa là, vai trò của thầy tế lễ là lãnh đạo dân chúng, họ không thể cư xử như thường dân; vì vậy, họ phải rất cẩn thận về các luật lệ quy định giữ thanh sạch.

Họ không được theo tục lệ của các dân tộc trong vùng để tang cho người chết bằng cách cạo đầu, tỉa râu mép hoăc cắt da thịt mình” (5). Chẳng những các thầy tế lễ không được bắt chước các phong tục của dân ngoại, họ còn phải tự kềm chế không được biểu lộ những sự xúc động quá mạnh nữa.

Vì thầy tế lễ phải được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời để dùng lửa dâng các tế lễ lên cho Ngài. Vào thời ấy, ngoài các tế lễ thiêu, tất cả các thứ tế lễ khác đều gọi là bánh, bởi vì bánh là tiếng thông dụng để nói về thức ăn; cho nên, câu là thức ăn của Đức Chúa Trời mình nói tới các loại tế lễ khác mà thầy tế lễ và người dâng hiến được ăn như luật quy định (6).

Các bản dịch dễ làm cho người đọc hiểu lầm rằng các thứ tế lễ là đồ ăn cho Chúa. Ý nghĩa thật của câu nầy là, vì thầy tế lễ có nhiệm vụ dâng các loại tế lễ lên cho Chúa, nên họ phải giữ gìn sự thánh khiết cho bản thân họ trước, và không được có hành động gì xúc phạm đến Danh Ngài.

Về việc hôn nhân, vì chức vụ tế lễ là người được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời, nên họ “không được kết hôn với gái mãi dâm hay một phụ nữ lăng loàn, hay một người đàn bà ly dị” (7).

Ngoài việc không được chạm tới xác chết, sự sống chung và có liên hệ xác thịt với người mãi dâm hoặc đàn bà lăng loàn sẽ làm cho người chồng, là thầy tế lễ, bị nhiễm quá khứ ô uế, hoặc tai tiếng quá xấu của người vợ, vì hai người sẽ nên một thịt (Sáng-thế 2:24; 1Côrinhtô 6:16).

Về đàn bà bị chồng ly dị, thì hầu hết nguyên nhân không phải do ngoại tình, nhưng do các lý do nhẹ hơn, hoặc do lỗi của người chồng, bởi vì nếu thời ấy người đàn bà được tự do sau khi bị ly dị, thì người nầy đối với luật pháp không có tội gì hết. Nhưng nếu thầy tế lễ cưới người đó, vẫn bị mang tiếng xấu.

Vậy các con hãy xem thầy tế lễ như thánh, vì là người dâng thức ăn lên Đức Chúa Trời của các con. Họ là thánh đối với các con, vì Ta, Đức Giê-hô-va là thánh, là Đấng thánh hoá các con” (8). Câu nầy là lời phán cho cộng đồng dân Israel. Họ có nhiệm vụ gìn giữ, ngăn ngừa không cho thầy tế lễ cưới những người nữ có tai tiếng xấu, và chỉ chấp thuận hôn nhân nào theo đúng luật lệ đã định cho các thầy tế lễ. Theo ý nầy thì các thầy tế lễ được đặt dưới sự giám sát của dân chúng; vì họ phải quan tâm đến thánh chức và sự chuyên cần thi hành bổn phận của các thầy tế lễ.

Theo luật được đặt ra sau nầy vào thời kỳ đền thờ thứ nhì, thì thầy tế lễ nào vi phạm luật hôn nhân đều phải bị hình phạt đánh một số đòn nhất định. Vì thầy tế lễ không những phải giữ gia đình mình không bị tai tiếng, mà còn không được để cho Đức Chúa Trời và tôn giáo họ bị mang tiếng xấu.

Trong xã hội Israel, những người nữ dù đã gả chồng, hứa hôn hay còn độc thân, nếu vi phạm một trong các tội tình dục đều bị án tử hình bằng hình thức ném đá.

Nhưng con gái của thầy tế lễ phạm tội mãi dâm thì hình phạt là phải bị thiêu, mà hình thức thiêu đã mô tả trong phần trước, để răn đe những người khác đừng phạm điều đại ác dường ấy (9).

Những luật lệ dặn dò giữ sự thánh khiết tiếp theo là áp dụng cho thầy tế lễ thượng phẩm, “người đã được rảy dầu thánh trên đầu, được biệt riêng ra thánh để mặc lễ phục” (10), khi chịu tang, dù là cha mẹ mình, thì không được xoã tóc hoặc xé áo, không được đến gần xác chết, không được làm cho mình ra ô uế” (11).

Không phải là người đó phải ở vĩnh viễn trong đền thánh, nhưng là không được rời khỏi công tác của mình ở đền thánh, cũng không được có hình thức tang chế nào xúc phạm tới đền thánh (12).

Hôn nhân của thầy tế lễ thượng phẩm thì khắt khe hơn các thầy tế lễ bình thường, tức là phải kết hôn với một trinh nữ; vào thời ấy, muốn được kể là trinh nữ thì người con gái phải dưới mười ba tuổi.

Thầy tế lễ thượng phẩm chỉ được phép cưới một vợ, dù các thầy tế lễ khác được cưới vài vợ (13). Người cũng không được lấy đàn bà goá, đàn bà ly dị, đàn bà lăng loàn, gái mãi dâm, hay thuộc chi tộc khác (14).

Luật nầy về sau chép rõ hơn: Họ không được lấy đàn bà goá hoặc bị ly dị làm vợ, nhưng phải lấy một trinh nữ thuộc dòng dõi Israel, hay là lấy vợ goá của một thầy tế lễ khác” (Êxêchiên 44:22).

Lý do là như vậy, người ấy sẽ không làm sỉ nhục dòng giống của thân tộc mình, vì Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng thánh hoá người ấy” (15).

Thầy tế lễ thượng phẩm là người thay mặt dân chúng để cầu thay và cử hành đại lễ chuộc tội cho toàn dân; nếu ông ta không giữ sự thánh sạch mà Chúa đòi hỏi thì không thể thay mặt chúng dân mà dâng tế lễ hoặc cử hành lễ chuộc tội được.

Hơn nữa, vì danh dự của chức vụ đòi hỏi một sự tương xứng về thánh khiết cá nhân; cho nên, những luật lệ rất khắt khe áp dụng cho thầy tế lễ thượng phẩm thì thích hợp với phẩm cách của chức vụ.

Những người hầu việc Chúa vào thời Tân ước cũng bị đòi hỏi những phẩm chất hơn người bình thường: Giám mục cần phải không chỗ trách được, chỉ một chồng một vợ, tiết chế, sáng suốt, khả kính, hiếu khách, có tài dạy dỗ, không nghiện rượu, không thô bạo nhưng hoà nhã, không gây gổ và không tham tiền” (1Timôthê 3:2–3).

Những người thuộc dòng dõi các thầy tế lễ mà không bị loại trừ vì huyết thống, thì phải tuân theo các luật lệ sau: Những người có khuyết tật như mù loà, què quặt, dị tướng, dị dạng, người bị gãy chân hay gãy tay, gù lưng, còi cọc, mắt có tật, ghẻ chốc, vảy nấm, hay tinh hoàn bị giập (18–19), thì không được đến gần để dâng tế lễ lên Đức Chúa Trời mình (17).

Dù cho họ là dòng dõi rặt ròng của gia tộc A-rôn trong chi tộc Lê-vi, những người có khuyết tật nhìn thấy rõ ràng bề ngoài thì không được thi hành hay cử hành một công việc dâng tế lễ nào. Họ có thể vẫn được sử dụng trong các công việc lặt vặt phụ nào trong đền thờ mà không dính líu tới việc dâng tế lễ. Lệnh nầy được áp dụng qua mọi thế hệ (16–17). Có nghĩa là không một thế hệ sau nào được phép huỷ bỏ.

Như thầy tế lễ thượng phẩm khi xưa là hình ảnh tiêu biểu tượng trưng cho Đấng Christ thay mặt chúng dân mà cầu thay với Đức Chúa Trời, thì Ngài vừa hoàn hảo trong bản thể mình, giống như thầy tế lễ thượng phẩm thánh khiết, vừa không có một vết hoen ố nào, giống như chiên con là sinh tế không tì vết.

Cho nên, một thầy tế lễ bị khuyết tật, dị tướng, dị dạng, què quặt, vv, thì bề ngoài có phần quái dị đó khơi trong tâm trí những người khác sự khinh thường, tạo cơ hội cho những lời chế giễu, châm chọc, khiến người ta không còn chú ý tới món tế lễ mà phạm tội khinh thường chức vụ thánh và các món tế lễ thánh nữa (20–24).

Đáng lẽ ra ngày nay cũng phải hạn chế những người bị khuyết tật, dị tướng, dị dạng, vv, giữ chức vụ cao trong Hội-thánh và giảng dạy trên toà giảng, tức là phục vụ những điều thánh khiết.

Bởi vì những khiếm khuyết bề ngoài thường tạo cho người khác cảm giác coi thường cá nhân ấy, rồi xem thường cả chức vụ và những lời giảng dạy của người đó nữa.

Vì lý do đó cho tới bây giờ những người bị khuyết tật rõ ràng, dị tướng, dị dạng, thì không nên đặt vào các chức vụ trên toà giảng, ngoại trừ người ấy có các ân tứ và ơn phước đặc biệt át hẳn sự khinh thường khuyết tật bề ngoài của họ.

Hãy xem Đấng Christ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm toàn hảo của chúng ta (Hêb. 7:26).

Leviky13.docx

Rev. Dr. CTB