Xuất Ai-cập, bài 20

Xuất Ai-cập 21:1 – 22:31

Các luật lệ trong đoạn 21 là những luật liên quan đến hai điều răn thứ năm và thứ sáu. Điều răn thứ năm khuyên những người làm con phải biết hiếu kính cha mẹ, và điều răn thứ sáu không cho phép người nào giết chết người khác.

Mặc dù bộ Luật Môi-se khác với thời đại và phong tục ngày nay, chúng ta cũng không còn bị ràng buộc bởi các luật lệ do Môi-se truyền lại từ thời Cựu Ước, nhưng Đức Chúa Trời dùng chúng để giải thích các luật về đạo đức cũng như những luật lệ về lẽ công bằng tự nhiên của thời đại ấy. Vì vậy, có một số điều khác xa cách người thời nay suy nghĩ hay quan niệm.

Tuy thế, những luật đặt ra để dân Israel tuân theo đều dựa trên công lý và sự công bằng và do Đức Chúa Trời, Đấng dùng sự thật để phán xét, giao cho Môi-se truyền lại (1).

Vào thời xã hội cổ đại thì quan niệm về chế độ nô lệ đang rất thịnh hành. Ý niệm về nhân quyền của người thời ấy không giống như quan niệm của chúng ta ngày nay. Có lẽ người thời ấy rất chú trọng về quyền sở hữu và khả năng sở hữu tài sản.

Người Israel nào bị bán làm nô lệ đều vì quá nghèo túng. Hoặc là một người tự bán mình làm nô lệ, hay con cái bị cha mẹ đem bán lấy tiền để giải quyết một nhu cầu cấp thiết nào đó. Cho nên, luật định rằng người nô lệ Hê-bơ-rơ chỉ phục vụ chủ sáu năm mà thôi (2).

Luật cũng định “nếu người đó vào ở một mình thì sẽ ra đi một mình; nếu có vợ thì sẽ ra đi với vợ” (3). Nhưng nếu chủ cưới vợ cho thì vợ và con của người nô lệ thuộc về chủ (4). Trong trường hợp người nô lệ thương yêu vợ và con cái, không muốn trở về đời tự do một mình, thì chủ sẽ xỏ tai người ấy làm dấu hiệu nô lệ trọn đời (5–6).

Cũng vào thời trọng nam, khinh nữ, thì nữ nô lệ không được quyền ra đi sau khi phục vụ sáu năm như nam nô lệ (7).

Có một số người mua nữ nô lệ về làm vợ; luật định nếu người chủ không hài lòng về người nữ nô lệ, thì nữ nô lệ ấy có quyền được chuộc ra; nếu người chủ muốn dành cho con trai mình cưới làm vợ, thì phải cư xử với nữ nô lệ như con gái.

Nếu chủ cưới hầu thiếp khác mà không thực hiện ba nghĩa vụ về cấp thức ăn, quần áo và tình nghĩa vợ chồng, thì nữ nô lệ Hê-bơ-rơ được ra đi tự do (7–11). Nghĩa là nữ nô lệ người Hê-bơ-rơ thì có nhiều lợi thế hơn nữ nô lệ từ dân ngoại.

Sở dĩ những điều trên được cho phép vì người Israel lúc ấy rất cứng lòng. Sau nầy, Chúa truyền cho dân Israel phải phóng thích tất cả nam nữ nô lệ Hê-bơ-rơ (Giê-rê-mi 34:9–10).

Dù điều răn thứ sáu đã cấm không được sát nhân, nhưng điều răn sẽ không có hiệu lực nếu không có hình phạt đối với kẻ phạm tội cố sát (12, 14). Tuy nhiên, có nơi ẩn náu cho người phạm tội ngộ sát (13).

Tội bất hiếu vì nguyền rủa hay đánh cha mẹ đều bị phạt tử hình (15, 17). Cũng áp dụng án tử hình đối với tội bắt cóc người để bán hoặc giam giữ chờ bán (16). Những án tử hình là chính đáng đối với các tội vừa nói. Nếu không có các hình phạt như vậy thì xã hội sẽ vô cùng rối loạn; vì tâm lý con người vốn rất sợ hình phạt.

Trong lúc cãi nhau, đánh và làm bị thương người khác thì chỉ bị đền bù thiệt hại cho tới khi người đó bình phục. Nhưng nếu người kia chết thì phải lãnh án sát nhân (18–19). Khi chủ đánh chết nô lệ vẫn bị kết tội sát nhân, dù là tài sản mình (20–21).

Phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng nếu đả thương và khiến cho phụ nữ bị sẩy thai mà không mất mạng. Nhưng nếu phụ nữ ấy chết thì mạng sẽ đền mạng (22–23).

Luật kế tiếp (24-25) gọi là luật về quyền trả đũa hay trả thù: Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, vv. Luật nầy đã phổ biến trong các xã hội cổ đại trước thời Môi-se; và người thời ấy tin rằng đó là luật công bằng của xã hội loài người.

Nhưng khi Đức Chúa Jêsus đến thế gian, thì Ngài dạy về luật nhường nhịn để đem lại hòa bình (Ma-thi-ơ 5:38–42) khác hẳn luật trả thù của thời Cựu-Ước. Sự dạy dỗ của Ngài đã đem đến một luồng gió mới cho một xã hội khô cứng vì áp dụng luật trả thù từ hàng ngàn năm trước.

Cách sống và cư xử của Cơ-đốc-nhân theo lời dạy của Đức Chúa Jêsus đã khiến cho người trần gian rất ngạc nhiên và thán phục trong lòng; mặc dù họ vẫn tìm cách công kích.

Người nô lệ cũng được luật bảo vệ. Vì không ai có thể thay thế con mắt đã bị hỏng hay cái răng bị gãy do chủ đánh; những người nô lệ đó phải được trả tự do để đền bù thiệt hại (26–27).

Về việc người chết do bị bò húc thì cũng có luật lệ rõ ràng (28–32). Chủ bò sẽ vô can nếu con bò vốn không có tật húc người. Nhưng nếu đã biết nó có tật mà không canh giữ, thì cả chủ lẫn bò đều sẽ bị tử hình; tuy vậy, chủ bò sẽ sống nếu trả đủ tiền theo giá người thân đòi chuộc mạng bằng tiền.

Vì nô lệ bị xem như tài sản, nên chủ bò chỉ phải trả cho chủ nô lệ 30 shekels bạc (12 lượng) về tiền thiệt hại, còn con bò phải bị ném đá chết (32). Các điều khoản kế tiếp về luật bồi thường cũng ghi rõ về trách nhiệm của người gây thiệt hại cho gia súc và việc chia chác ra sao (33–35).

Trong xã hội nào cũng có những người phạm tội trộm cắp; bởi vì lòng tham của người thiếu của cải thúc giục người ấy ăn trộm của người khác.

Luật về tội trộm cắp đưa ra các hình phạt cho những ai phạm các điều răn thứ tám và thứ mười. Luật nầy buộc người ăn cắp gia súc để bán hay giết thịt phải đền bù gấp nhiều lần giá trị của con vật mình đã ăn trộm (22:1).

Nếu kẻ ăn cắp bị bắt gặp quả tang thì có thể bị đánh chết trong đêm tối, nhưng nạn nhân bị trộm không được đánh đến chết kẻ trộm khi trời đã sáng; và tên ăn trộm phải bị bán làm nô lệ nếu không thể bồi thường cho chủ bị trộm. Còn nếu bị bắt trong tay vật đã trộm thì phải bồi thường gấp đôi (22:2–4).

Các luật kế tiếp quy định mức bồi thường do gia súc hay hỏa hoạn gây ra (22:5–6). Các luật về ngăn ngừa những sự gian trá cũng đưa ra đầy đủ chi tiết; vì trong xã hội đương thời, mọi của cải vật chất đều rất là qúy giá.

Nhưng sẽ có các vụ tranh tụng mà không có bằng chứng để xác định phía có lỗi, nên người ta buộc phải thề hứa trước mặt Đức Chúa Trời (22:7–11). Điều kiện ấy phải được đưa ra để tránh sự thề dối.

Bởi vì nếu người ta không thấy sự báo ứng hay trừng phạt trước mắt, thì tâm tính dối trá của con người sẽ xui giục họ khai gian; nhưng vì dân Israel đã thấy Đức Chúa Trời bày tỏ quyền phép lớn và sự hiện diện đáng sợ của Ngài, thì không ai dám thề dối hay khai gian trước mặt Chúa. Luật cũng quy định các điều khoản bồi thường và chia phần (22:12–15).

Bộ luật do Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se thông báo cho dân Israel ở chân núi Si-na-i thì được gọi là bộ luật Môi-se. Bộ luật nầy hơn xa các thứ luật của các dân ngoại vào thời ấy về mọi mặt. Bởi vì luật của Chúa nhắm làm cho con dân Ngài có đời sống thánh khiết, khác xa tất cả các dân tộc quanh họ, nhất là về tâm tính dâm dục của loài người.

Cho nên, các luật về phong tục và tôn giáo của bộ luật Môi-se có những điều khoản rõ ràng về vấn đề dụ dỗ ăn nằm với trinh nữ thì phải cưới hoặc bồi thường (22:16–17); án tử hình đối với nghề phù thủy hoặc giao hợp với thú vật (22:18–19); án tử hình cho người thờ cúng các thần khác (22:20).

Đức Chúa Trời biết tâm tính người ta thường hay cậy đông hiếp đáp người cô thế, nhất là sự bạc đãi dân ngoại kiều cư giữa cộng đồng, áp bức giới cô nhi, quả phụ vẫn luôn luôn xảy ra (22:21–24). Niềm an ủi của những người cô thế là họ có thể kêu khóc với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ nghe và bênh vực họ.

Luật của Chúa cũng ngăn cấm dân Ngài lợi dụng sự túng thiếu của người nghèo mà cho vay lấy lãi, cũng không được giữ vật cầm cố mà người nghèo dùng để che thân (22:25–27), vì Đức Chúa Trời sẽ nghe tiếng kêu nài than thở của họ mà trừng phạt người bất nhân.

Rất nhiều lúc người ta phạm thượng với Đức Chúa Trời mà không biết. Nếu không có những lời nhắc nhở, thì người ta không biết họ đang phạm thượng. Người lãnh đạo dân tộc Israel đều do Đức Chúa Trời sắp xếp và chỉ định; cho nên, nguyền rủa họ là khinh bỉ ý muốn của Chúa (22:28).

Người ta cũng rất thường chậm trễ hoặc không ngay thẳng trong việc thực hiện các nghĩa vụ hiến dâng cho Chúa những điều Ngài đã quy định. Người nào trung tín trong các bổn phận dâng hiến của mình, thì sẽ được Chúa ban phước dồi dào vượt quá điều mình mong ước (22:29–30).

Luật Môi se có những quy định rất kỹ lưỡng về các thứ có thể ăn được. Một điều cấm kỵ là không được ăn thịt của con vật bị thú rừng cắn xé ngoài đồng, vì nó vừa dơ bẩn, vừa khiến người ăn ngang hàng với thú rừng đã cắn xé con vật ấy, do ăn đồ thừa của nó (22:31).

XuatAiCap20.docx

Rev. Dr. CTB