Thứ Sáu, March 25th, 2016

Xuất Ai-Cập, bài 21

Xuất Ai-Cập 23:1–33

Tung tin đồn về chuyện gì đó không có thật để hãm hại người mình ghét là tội nặng hơn nói dối. Hành động loan tin đồn thất thiệt vẫn thường xảy ra bởi tính nết lắm mồm của người ít chịu giữ gìn lời nói. Khi tin đồn tới tai những người kế tiếp thì đã có thêm nhiều chi tiết suy diễn.

Việc loan tin đồn thất thiệt vẫn thường do người vô tâm, vì nghe từ người đưa tin có vẻ uy tín thì tưởng là có thật. Nhưng luật nầy cấm việc tung hoặc loan tin đồn thất thiệt (1), nó phù hợp với điều răn thứ chín; bởi vì luật nầy cũng cấm làm chứng dối tiếp tay kẻ ác.

Thói xấu của người ta vẫn là hùa theo số đông, dù trong thâm tâm biết mình hùa theo việc gian ác (2). Nhất là hùa với số đông để bẻ cong công lý. Thiên vị bị kể chung một tội với làm chứng dối (3), dù cho sự thiên vị là nhằm bênh vực người nghèo mà nói ra những chuyện không thật hay không đúng.

Luật về việc phải dẫn bò hay lừa, của người mình ghét, bị đi lạc, về cho chủ nó, hay phải đỡ con lừa của kẻ ghét mình bị ngã quỵ vì chở nặng, chẳng phải chỉ là không nên cư xử cách ác độc với thú vật, mà còn là bày tỏ ý muốn hòa bình, hay tạo cơ hội giải hòa với người thù nghịch mình khi có cơ hội (4–5).

Những người có thể bẻ cong công lý là các quan án. Thành kiến hay cảm tình dành cho người nghèo, hoặc muốn có tiếng là người dám bênh vực kẻ cô thế, có thể xui khiến lòng của thẩm phán không xét xử một cách công minh (6).

Các thẩm phán phải biết “tránh xa các lời giả dối và chớ giết kẻ vô tội hay người công chính”. Vì chỉ có thẩm phán mới được lên án tử hình người khác.

Khi Đức Chúa Giêxu tới thế gian, Ngài dạy về sự hòa bình và khuyên mọi người hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho người bắt bớ họ (Mathiơ 5:44).

Người có tánh ý bất công sẽ bị Chúa kể là gian ác và không thể nào được Chúa xưng là công chính (7). Và loại thẩm phán đó sẽ vì tham lam, mờ mắt trước tiền bạc mà nhận của hối lộ, xuyên tạc lời nói của người công chính (8).

Một nan đề khác vẫn thường xảy ra là cộng đồng của đa số người địa phương thường hà hiếp ngoại kiều đang sống tha hương, vì các kiều dân nầy bị cô thế. Vì thế, Đức Chúa Trời truyền một luật cấm áp bức những người đang sống tha hương, bởi vì dân Israel đã từng sống cảnh tha hương và bị người Ai-cập hiếp đáp (9).

Ngoài dân Israel ra, không một dân nào khác có ý niệm về ‘năm sa-bát.’ Thể chế về năm sa-bát được Chúa đặt ra nhằm năm (5) lý do:

Thứ nhất là để chỉ cho người Israel biết xứ mà Chúa đem họ vào là trù phú đến mức nào. Nghĩa là dù với số đông người ở một vùng đất nhỏ, không giao thương với bên ngoài, nghỉ ngơi không cần gieo trồng trong năm thứ bảy mà họ vẫn có đồ ăn dư dật.

Thứ nhì, để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ mà tin cậy vào sự chăm sóc và giàu có của Ngài đối với họ. Giống như ngày thứ sáu lượng mana rơi nhiều gấp đôi, thì năm thứ sáu họ cũng sẽ có gấp đôi sản lượng.

Thứ ba, Chúa muốn họ giữ sự vâng lời và nương cậy vào Ngài, để họ và mọi dân tộc quanh họ sẽ thấy bằng cớ hiển nhiên về sự chu cấp hào phóng của Chúa cho họ (10–11).

Lý do thứ tư là bằng việc để cho đất, thú vật và nô lệ nghỉ ngơi trong năm thứ bảy, họ biết rõ rằng Chủ của đất là Đức Chúa Trời, họ chỉ là những người được Ngài cho ở trọ trên đời mà thôi. Và vì được nghỉ khỏi các công việc đồng áng nặng nhọc, họ có thì giờ suy gẫm về các việc Chúa đã làm, thì họ sẽ quen thuộc với ý muốn của Ngài.

Lý do thứ năm là để cho người nghèo trong xứ của họ có lương thực mà ăn. Vì vào năm thứ sáu được mùa bội phần, người ta thường không tận thu sản vật; cho nên, hoa quả và lúa vẫn còn nhiều ở ngoài đồng. Những hoa lợi đó là sự chu cấp của Chúa cho người nghèo khổ.

Luật phải cho đất nghỉ năm sa-bát cũng là để cách ngăn bớt tính hám lợi của con người. Đồng thời tập cho họ quen đối xử nhân đạo với nô lệ và thú vật (12).

Đức Chúa Trời là Đấng kỵ tà! Vì vậy Ngài không muốn con cái Ngài nhắc tới danh hiệu của các thần nào của dân ngoại, “cũng đừng để người ta nghe miệng con thốt ra các danh ấy” (13).

Ý nghĩa của luật nầy là phải khinh thị tên của các ‘thần’ mà người đời thờ kính, không thèm nói tới tên của chúng nữa. Bởi vì thỉnh thoảng vẫn có người nhắc tới tên của các thứ thần mà người đời thờ lạy, dùng tên chúng để thề nguyện.

Vì vậy, Đức Chúa Trời phán rằng: “Hãy cẩn thận về mọi lời Ta phán với con.” Đối với Chúa của cả trời đất, mọi sự không vâng lời đều sẽ bị trừng phạt.

Chúa cũng truyền lệnh về ba kỳ lễ trong năm: “Mỗi năm ba lần con phải giữ lễ kính Ta” (14). Gồm có bảy ngày lễ Bánh Không Men tức là lễ Vượt Qua trong tháng Abiv (15), khi giữ lễ đó thì “Không ai được đi tay không đến trước mặt Ta.

Thứ nhì là lễ Mùa Gặt, tức là lễ dâng hoa quả đầu tiên, thổ sản gặt được từ ngoài đồng.

Thứ ba là lễ Thu Hoạch vào cuối năm (16).

Trong ba kỳ lễ đó thì tất cả những người nam đều phải tới đền tạm hay đền thờ mà ra mắt Chúa (17).

Máu của sinh tế nói chỗ nầy là sinh tế lễ Vượt Qua. Vì thế, không được dâng máu đó chung với bánh có men. Tế lễ dâng trên bàn thờ lễ Vượt Qua là máu và mỡ của con thú làm sinh tế.

Về sau, Môi se được chỉ dẫn rất kỹ lưỡng về việc rảy và rưới máu trên bàn thờ rồi đổ xuống đất. Mỡ thì phải thiêu trọn. Vì thế, “đừng để mỡ sinh tế dâng trong ngày lễ kính Ta đến sáng hôm sau” (18).

Cũng “hãy đem những hoa quả đầu mùa tốt nhất của đất đai con vào đền thờ Giêhôva Đức Chúa Trời. Con chớ nấu dê con trong sữa mẹ nó” (19).

Người ta thường trì hoãn việc dâng hiến. Chúa thì muốn thấy lòng kính mến chân thật ra từ con dân Ngài.

Dân ngoại nấu dê con trong sữa mẹ nó là do một hủ tục mê tín. Họ dùng sữa đã nấu để rảy trên ruộng, vườn, mong cho năm tới trù phú hơn. Chúa không muốn dân Ngài dính líu tới ma thuật, hơn nữa đó là một hành động ác độc: Sữa mẹ để nuôi con lại dùng để huỷ diệt nó, là một điều không được phép làm.

Lời hứa và dặn dò kế tiếp là phước hạnh vô cùng lớn cho dân Israel: Một thiên sứ sẽ đi trước thay cho họ chiến cự với các dân tộc thù địch (20–23). Về mặt thành công trong chiến trận và bảo toàn lực lượng, thì không lời hứa nào bằng lời hứa nầy:

Nầy, Ta sai một thiên sứ đi trước con để gìn giữ con trên đường đi và đưa con vào nơi Ta đã chuẩn bị” (20).

Tuy nhiên, Chúa cũng dặn họ phải biết vâng lời và đừng nổi loạn chống lại vị thiên sứ (22-23). Bởi vì vị thiên sứ ấy sẽ chẳng tha thứ sự phản bội của đoàn dân mà người dẫn dắt.

Lý do trong chi tiết kế tiếp là bài học rất quan trọng để chúng ta suy gẫm: “Vì Danh Ta ở trong người” (21). Danh của Đức Giê-hô-va ở trong thiên sứ thì mọi việc thiên sứ ấy làm đều cậy uy quyền và bản thể của Đức Giê-hô-va mà hành động; chi tiết nầy cũng giúp cho chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của cụm từ ngữ ‘Thiên sứ của Đức Giê-hô-va,’ rồi sau đó Ngài xưng là Đức Chúa Trời, hoặc đứng ở địa vị Đức Chúa Trời mà phán dạy.

Lời khuyên răn, ngăn cấm thờ lạy và phục vụ các tà thần của các dân ngoại, là để dân Israel được phước. Vì khi họ phụng thờ Chúa thì Ngài sẽ ban phước trên bánh họ ăn, nước họ uống, tật bệnh phải lìa xa họ (24–25). Đàn bà giữa vòng họ sẽ không bị sẩy thai hay hiếm muộn, mà họ còn được trường thọ nữa (26).

Sự vâng lời và phụng thờ Đức Chúa Trời còn đem đến ích lợi không ai khác làm được, ấy là:“Ta sẽ gieo kinh hoàng và rối loạn trên bất cứ dân tộc nào mà con sắp đến. Ta sẽ làm cho kẻ thù con quay lưng bỏ chạy trước mặt con” (27).

Để các dân Hê-vít, Ca-na-an và Hê-tít phải bỏ chạy mà Israel không cần đánh trận, Chúa hứa sẽ sai ong lỗ đánh cho họ trốn khỏi đất ấy (28). Nhưng họ sẽ bị đuổi đi dần, để ác thú không sinh sôi nẩy nở lúc đất bỏ hoang (29–30).

Ranh giới lãnh thổ của nước Israel đã được ấn định từ Biển Đỏ tới biển Philistine, tức là Địa Trung Hải, và từ hoang mạc đến Sông Cái, tức là từ sa mạc Arabia tới sông Euphrates của vùng Lưỡng Hà. Chúa cũng hứa rằng Ngài sẽ khiến dân Israel đánh bại tất cả các dân đang ở trong xứ Ca-na-an và đuổi chúng ra khỏi đất ấy.

Lời dặn vô cùng quan trọng nữa là: “Con đừng kết ước với chúng hoặc với các thần của chúng. Chúng sẽ không được cư ngụ trong xứ sở con, vì chúng có thể khiến con phạm tội với Ta mà phục vụ các thần của chúng; điều đó chắc chắn là một cạm bẫy cho con” (31–33).

Việc tín hữu kết hôn với người chưa tin Chúa luôn luôn là một cái bẫy rất tai hại, ảnh hưởng rất lâu dài, và hậu quả thì không lường trước được.

XuatAiCap21.docx
Rev. Dr. CTB