Xuất Ai-cập, bài 04
Xuất Ai-cập Ký 3:13–22
Ở Ai-cập, cũng như ở các nơi thờ đa thần, mỗi một vị thần mà người ta thờ đều có tên riêng. Người Israel chỉ biết Đức Chúa Trời qua danh hiệu: Elohim, Đấng Tối Cao; El Shaddai, Đấng Toàn Năng; hay Jehovah, Đấng Hiện Hữu, vv… Những danh hiệu ấy được dùng với ý niệm về ý nghĩa của từ ngữ, chứ không được dùng như tên riêng.
Môi-se biết rõ ý niệm đó của người Israel, và ông cũng nghĩ rằng sau bốn trăm năm sống với người Ai-cập, dân Israel cũng đã bị ảnh hưởng các ý niệm thần thánh của người Ai-cập; vì thế khi họ hỏi Môi-se tên riêng của Chúa là gì thì ông không biết cách trả lời thế nào để họ tin rằng Ngài sai ông đến với họ (13).
Hơn nữa, Môi se cũng muốn người Israel biết rằng Danh của Đức Chúa Trời khác hẳn các thứ tên thần thánh bịa đặt, để người Israel sẽ đặt lòng tin cậy vào Đấng có quyền năng giải thoát họ khỏi tay người Ai-cập.
“Đức Chúa Trời phán: ‘TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU.’ Ngài lại phán: ‘Hãy nói với dân Israel rằng, ĐẤNG TỰ HỮU đã sai tôi đến với anh em.’ Đức Chúa Trời lại phán với Môi se:‘Con hãy nói với dân Israel thế nầy: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai tôi đến với anh em: ‘Đây là Danh đời đời của Ta, là Danh ghi nhớ qua mọi thế hệ’” (14–15).
Theo thần học gia Matthew Henry, khi xưng tên của Ngài là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU thì trước hết tên ấy giải thích cặn kẽ danh hiệu Đức Giê-hô-va:
1. Ngài tự có, mặc dù loài người không thể hiểu hay mường tượng việc hiện hữu của Ngài diễn ra như thế nào; vì loài người được dựng nên, hiện hữu và sinh hoạt trong môi trường thời gian, nên mọi ý niệm về sự hiện hữu của một thân vị nào cũng bị họ bó buộc trong môi trường có thời gian, không thể hiểu được thế giới khác ở bên ngoài không có thời gian hay không gian.
2. Hằng hữu là vĩnh viễn và không hề thay đổi, mãi mãi là như vậy, dù là quá khứ, hiện tại hay mãi mãi về sau đối với ý niệm thời gian của loài người.
3. Không thể hiểu về Ngài được; người ta không thể nhờ nghiên cứu hay tìm kiếm mà biết Ngài từ đâu mà có; cũng không nhờ bạo dạn tò mò mà tìm ra Ngài.
4. Ngài luôn luôn thành tín và chân thật trong mọi lời Ngài hứa, không hề dời đổi về bản thể và lời phán.
ĐẤNG TỰ HỮU còn có nghĩa là ngoài Ngài chẳng có thần nào khác, và tất cả những thân vị đang có trong linh giới đều hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài.
“Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em …… sai tôi đến với anh em” có nghĩa là người Israel phải phục hồi tín ngưỡng của tổ phụ họ, có lẽ đã phôi pha từ lâu, và những lời hứa đối với các tổ phụ sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Chúa bảo Môi-se hãy nói với dân Israel rằng, Đấng YAHWEH đã sai ông đến với họ. Ấy là Danh đời đời của Ngài, Danh ấy phải được ghi nhớ qua mọi thế hệ (15). Danh Yahweh, hay Jehovah, (dịch sang tiếng Anh là I AM, ĐẤNG TA LÀ, hoặc ĐẤNG TỰ HỮU), là một Danh độc đáo của Đức Chúa Trời, chỉ một mình Ngài mang Danh ấy.
Trong sách Khải-huyền của Kinh-thánh Tân-ước, Đức Chúa Giê-xu phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga. Đấng hiện có, đã có và còn đến, là Đấng Toàn Năng” (1:8).
“Hãy đi triệu tập các trưởng lão Israel lại…” (16a). Vai trò trưởng lão ngoài ý nghĩa lớn tuổi còn có nghĩa khác là những người giữ vai trò lãnh đạo các chi tộc, hay vai trò phân xử các vụ bất đồng hoặc xung đột trong dân Israel, mặc dù tất cả người Israel đều bị xem là nô lệ trong xứ Ai-cập.
Đức Chúa Trời bảo Môi-se trở về Ai-cập và triệu tập những thủ lãnh đứng đầu mười ba chi tộc Israel “và nói với họ rằng: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ các ông, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, đã hiện ra với tôi và phán: ‘Ta đã thật sự quan tâm đến các con và thấy những điều người ta đối xử với các con tại Ai-cập. Ta hứa rằng Ta sẽ đưa các con ra khỏi cảnh khổ đau tại Ai-cập và đem các con vào đất của dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, là vùng đất đượm sữa và mật’” (16–17).
Dân Israel đã chờ đợi hơn ba trăm ba mươi năm kể từ ngày Giô-sép trăng trối về việc dời hài cốt của ông về Ca-na-an, và việc dân Israel sẽ được Đức Chúa Trời của tổ phụ họ thăm viếng (Sáng-thế-ký 50: 24–25). Lời dặn dò ấy và niềm hi vọng về sự thăm viếng của Đức Chúa Trời trên dân Israel đã chắc chắn được lưu truyền từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.
Về phần Môi-se vì lớn lên trong cung điện hoàng gia Ai-cập, cho nên không ai biết ông có được biết về lời dặn dò của Giô-sép, và lời tiên tri, cũng của Giô-sép, về sự viếng thăm của Đức Chúa Trời trên dân Israel, hay không.
Tuy vậy, bây giờ Môi-se nghe tiếng Đức Chúa Trời trực tiếp truyền mệnh lệnh cho ông hãy trở về Ai-cập để triệu tập các trưởng lão Israel và nói lại cho họ biết những gì Ngài đã phán với ông. Trong một ý nghĩa khác, thì Môi-se là người đem tin mừng đến cho dân tộc mình.
Đức Chúa Trời cũng cho Môi-se biết trước là dân Israel sẽ tin lời ông nói: “Họ sẽ vâng theo lời con” (18a). Đối với những người đang ở trong cảnh tù tội, hoặc thân phận nô lệ bị áp bức, thì không tin vui nào lớn và mừng hơn là tin báo mình sẽ được tự do, được giải thoát khỏi cảnh lầm than.
Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong lòng người. Ngài cũng sắp xếp thời điểm cho Môi se trở về Ai-cập. Vì lời nói của một người đã lớn tuổi dễ được người nghe tin cậy và chấp nhận.
Hơn nữa, câu chuyện về vụ Môi-se bị Pha-ra-ôn tìm giết vì đã bênh vực dân tộc mình, nên phải trốn khỏi Ai-cập và sống lưu vong, chắc đã được bàn tán giữa vòng người Israel trong bốn mươi năm qua. Bây giờ khi trở về thì ông đã là một ông già tám mươi tuổi, việc triệu tập sẽ dễ dàng.
“Vậy, con và các trưởng lão Israel hãy đi yết kiến vua Ai-cập và nói rằng:‘Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ, đã hiện ra với chúng tôi. Bây giờ, xin bệ hạ cho chúng tôi đi ba ngày đường vào hoang mạc để dâng sinh tế cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi’” (18).
Chúa cho Môi-se biết trước rằng các trưởng lão Israel sẽ vâng lời ông để theo ông đi yết kiến vua Ai-cập. Pha-ra-ôn hiểu rõ rằng dân Hê-bơ-rơ có Thần riêng của họ, vì họ khác chủng tộc với dân Ai-cập. Nên câu nói “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ đã hiện ra với chúng tôi” làm cho vua Ai-cập hiểu và xem đó là chuyện bình thường.
‘Ba ngày đường’ là khoảng cách cần thiết để người Ai-cập thờ con bò sẽ không phải chứng kiến cảnh người Israel giết bò làm tế lễ. Việc tế lễ phải được thực hiện trong hoang mạc để dân Ai-cập không bị khó chịu. Nên lời đó rất hợp lý.
“Tuy nhiên, Ta biết rằng vua Ai-cập sẽ chẳng bao giờ cho các con đi, nếu không có bàn tay quyền năng can thiệp. Vì vậy, Ta sẽ ra tay trừng phạt Ai-cập bằng các phép lạ mà Ta sẽ làm tại xứ đó, và rồi họ sẽ cho các con đi” (19–20).
Đức Chúa Trời biết rõ lòng người và biết trước mọi việc. Vua Ai-cập sẽ không cho phép người Israel được ra đi, vì ông ta biết chắc là một khi đã ra khỏi Ai-cập, thì chẳng nô lệ nào muốn trở lại cảnh bị đè nén và áp bức; cho nên, phải có bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời can thiệp.
Đến lúc đó, vua Ai-cập không thể cầm giữ dân Israel lâu hơn nữa, vì ông ta lo sợ cho tính mạng mình, và cũng do tiếng kêu khóc thúc giục của người Ai-cập sau khi bị Chúa trừng phạt, họ muốn vua đuổi dân Israel ra khỏi xứ càng nhanh càng tốt.
Đức Chúa Trời cũng cho Môi-se biết trước rằng dân Israel sẽ chẳng đi ra tay không, vì Ngài “sẽ làm cho dân nầy được ơn dưới mắt người Ai-cập, để khi ra đi, các con sẽ chẳng ra đi tay không. Nhưng mỗi phụ nữ sẽ xin người lân cận và người nữ tạm trú trong nhà mình các món đồ bằng vàng, bằng bạc và quần áo, rồi mặc vào cho con trai con gái mình. Như thế, các con sẽ tước đoạt của cải người Ai-cập” (21–22).
Lời báo trước của Chúa cho Môi-se biết rằng người Ai-cập sẽ mong cho dân Israel nhanh chóng ra đi, vì sợ rằng ngày nào vua Ai-cập chưa chịu thả cho dân Israel tự do, thì họ có thể sẽ bị các tai họa nặng nề hơn mười tai họa đã xảy ra; cho nên, họ sẽ cho bất cứ món gì người Israel đòi lấy. Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ không phải là “xin” mà là “mượn” nhưng không có ngày trả lại.
Dân Israel “sẽ tước đoạt của cải người Ai-cập” để bù lại công lao của những năm họ bị bóc lột thậm tệ. Đức Chúa Trời công bằng sẽ làm thành những gì Ngài đã hứa phán.
XuatAiCap04.docx
Rev. Dr. CTB