Xuất Ai-Cập, bài 11


Xuất Ai-cập 12:29–51

Có lẽ người Ai-cập lo lắng đợi chờ tai họa kế tiếp sẽ xảy ra theo lời Môi-se cảnh cáo Pha-ra-ôn (11:4–6). Nhưng lần nầy vài ngày đã trôi qua mà chưa thấy tai họa nào hết, từ vua tới dân Ai-cập cảm thấy yên tâm và nghĩ rằng đó chỉ là lời dọa dẫm của Môi-se thôi.

Bất thình lình trong một đêm không ngờ, tất cả các con đầu lòng của Ai-cập từ người cho tới súc vật đều bị ‘Thiên sứ hủy diệt’ giết chết giữa đêm khuya; đến nỗi “chẳng một nhà nào là không có người chết” (29–30).

Có học giả cho rằng chỉ có trưởng nam bị chết thôi, còn trưởng nữ thì không bị giết chết. Nhưng người khác thì cho rằng hễ là con đầu lòng, thì nam hay nữ, đực hay cái đều bị giết chết cả.

Xem xét việc nầy theo xã hội thời ấy, thì số người và thú vật bị chết ở mỗi nhà là nhiều lắm.

Mỗi chủ gia đình của người thời bấy giờ đều có nhiều vợ hay thê thiếp. Mỗi bà vợ cũng sinh nhiều con. Con trai vẫn còn ở trong nhà lại cũng cưới nhiều vợ và sinh nhiều con; cho nên, lượng người chết ở mỗi nhà có thể lên tới hơn mười người, cộng với số thú vật bị chết nữa.

Đó là lý do  giữa đêm kinh hoàng ấy “có tiếng kêu khóc inh ỏi trong Ai-cập.” Giờ cuối cùng đã đến, người Ai cập bị giáng cho tai họa thứ mười sau khi chín tai họa đã giáng xuống trước đó khiến họ bị nhiều khó khăn.

Vì chưa thấy sự chết đến, nên vua Ai-cập chỉ nao núng vài lần, rồi nhận rằng mình đã phạm tội khi tai họa thứ bảy, là mưa đá, gây nhiều thiệt hại cho mùa màng. Cứ mỗi lần sau khi tai họa đã qua thì vua Ai-cập lại cứng lòng trước mệnh lệnh của Chúa.

Bây giờ, từ thái tử của vua, con cái của quan quân, thứ dân, cho tới con của người tù bị giam trong ngục cũng đều đột ngột lăn ra chết.

Đang đêm, Pha-ra-ôn và quần thần cùng tất cả người Ai-cập đều thức dậy” (30). Nỗi sợ của họ đã lên đến cực độ.

Trong đêm đó, Pha-ra-ôn gọi Môi-se và A-rôn đến và nói: ‘Hai ngươi và dân Israel hãy trỗi dậy, ra khỏi dân ta và đi phục vụ Đức Giê-hô-va như các ngươi đã nói. Cũng hãy dẫn bầy chiên và đàn gia súc đi như lời các ngươi đã nói, và cầu phước cho ta nữa.’ Người Ai-cập thúc giục dân Israel mau ra khỏi bờ cõi vì họ nói: ‘Chúng ta sẽ chết cả thôi!’” (31–33).

Người ta kinh sợ vì nếu còn người Israel nào trong xứ sở họ thì mạng sống họ có thể lâm nguy. Vì vậy, họ mong cho dân Israel ra đi càng sớm càng tốt.

Bấy giờ, dân Israel, vâng theo lời dặn của Môi-se, bóc lột những người xưa nay bóc lột mình, bằng cách “xin người Ai-cập các thứ châu báu bằng bạc, bằng vàng và quần áo. Đức Giê-hô-va làm cho dân chúng được ơn dưới mắt người Ai-cập, nên họ sẵn lòng cho những gì dân Israel xin. Như thế, dân Israel đã tước đoạt của cải người Ai-cập” (34–36).

Thật ra, chữ ‘xin’ chép ở đây có nghĩa là đòi hỏi; bởi vì qua nhiều trăm năm, người Israel bị kềm giữ trong sự nghèo túng cùng khổ.

Họ đã phải làm việc không được trả công vì bị xem là tầng lớp nô lệ. Họ chỉ được thu hoạch mùa màng do họ gieo trồng trên đất tổ phụ họ đã để lại, cũng như hưởng các sản phẩm từ bầy gia súc, và dùng các sản phẩm đã làm ra để tự nuôi sống.

Giờ đây, đến lúc họ vĩnh viễn đi ra khỏi Ai -cập; vì thế, họ vào các nhà người Ai-cập để đòi lại của cải. Vì người Ai-cập cũng mong cho dân Israel sớm ra khỏi xứ sở mình, cho nên dân Israel đòi gì họ cũng chịu cả.

Dân Israel nhanh chóng đi ra khỏi Ai-cập ngay trong đêm. Họ “đi từ Ramse đến Succoth; có khoảng sáu trăm ngàn đàn ông đi bộ, không tính trẻ con (37).

Khi mô tả số đàn ông Israel là đàn ông đi bộ, có nghĩa là những người có khả năng ra chiến trận, tức là nam giới được hai mươi tuổi trở lên. Những người ấy lại có vợ và con. Vì nhiều người có nhiều vợ và nhiều con, nên tổng số dân Israel ra khỏi Ai-cập vào lúc đó ít nhất là hai triệu người.

Cũng có một số đông người ngoại bang cùng đi, mang theo rất nhiều đàn chiên và gia súc. Họ nướng bánh không men bằng bột đã đem theo từ Ai-cập. Bột không có men vì họ bị đuổi khỏi Ai-cập một cách gấp rút nên không kịp chuẩn bị lương thực” (38–39).

Cuộc ra đi nầy tạo nên một cảnh tượng rất huyên náo vì rất gấp rút. Người Ai-cập thì mong dân Israel đi cho khuất mắt, dân Israel thì mong sớm ra khỏi Ai-cập.

Trong số dân Israel ra khỏi Ai-cập cũng có một số dân ngoại bang đi theo họ. Những người ấy, có thể là giới nô lệ có nguồn gốc từ các dân tộc khác, nhân cơ hội được tự do đã tự giải thoát bằng cách đi theo dân Israel.

Hoặc những người đã quá kinh sợ các tai họa mà Chúa đã đổ xuống Ai-cập, nên thấy dân Israel ra đi thì họ vội chạy theo. Có thể một số dân tộc khác đi theo vì kính sợ Đức Giê-hô-va của Israel.

Nghĩa là trong số các dân ngoại bang đi theo dân Israel ra khỏi Ai-cập do nhiều lý do, khác với sự dân Israel vâng lời phán truyền của Chúa.

Điều đó là nghĩa bóng của tình trạng Hội-thánh ngày nay. Vì luôn có nhiều người theo đạo vì các lý do khác nhau chứ không phải để thờ kính và vâng lời dạy của Chúa.

Nếu giữa Israel có nhiều người không phải là Israel, thì giữa Hội-thánh ngày nay cũng có nhiều người không phải là con cái Chúa.

Bốn trăm ba mươi năm là một thời gian khá dài đối với lịch sử một dân tộc mới thành hình. Trong hơn bốn thế kỷ, nhiều thế hệ đã sinh ra.

Đúng vào ngày cuối cùng của bốn trăm ba mươi năm, tất cả các đạo quân của Đức Giê-hô-va ra khỏi Ai-cập. Ấy là đêm Đức Giê-hô-va canh giữ, vì trong đêm đó Ngài đã đem dân Israel ra khỏi Ai-cập. Vì thế, qua mọi thế hệ, dân Israel phải giữ đêm đó để tôn kính Đức Giê-hô-va” (40–42).

Đức Chúa Trời hứa ban cơ nghiệp cho dòng dõi Áp-ra-ham khoảng năm 2066 B.C. Phải mất nhiều thế kỷ lời hứa ấy mới bắt đầu thành tựu vào lễ Vượt Qua đầu tiên khoảng năm 1446 B.C. Tức là hơn sáu thế kỷ về sau.

Những lời hứa của Chúa dù không xảy ra nhanh chóng như người ta thường mong đợi, nhưng khi Ngài đã phán, thì chắc chắn phải xảy ra. Việc lớn lao mà Đức Chúa Trời đã thực hiện, không phải chỉ được ghi nhớ vài ngày, nhưng phải được ghi nhớ qua mọi thế hệ.

Tại Succoth, Đức Giê-hô-va truyền phán cho Môi-se và A-rôn luật lệ về lễ Vượt Qua mà dân Israel phải giữ kể từ ngày đó:

Đây là luật lệ về lễ Vượt Qua: Người ngoại bang không được ăn lễ đó. Còn với nô lệ đã được mua bằng tiền thì chỉ sau khi chịu cắt bì, họ mới được ăn. Khách vãng lai và người làm thuê cũng không được ăn. Lễ đó chỉ được ăn trong nhà; đừng đem thịt ra ngoài và cũng đừng làm gãy một cái xương nào” (43–46).

Có ba điều quan trọng trong mệnh lệnh nầy: Người chưa trải qua phép cắt bì thì không được ăn lễ; nô-lệ ở trong nhà do mua bằng tiền sẽ được ăn lễ sau khi đã chịu cắt bì, nghĩa là bằng lòng giữ các luật lệ của Do-thái-giáo thời sơ khai sau khi ra khỏi Ai-cập; chỉ được ăn lễ trong nhà và không được làm gãy một cái xương nào của con thú hi sinh cho lễ Vượt Qua.

Chưa chịu cắt bì có nghĩa là chưa thuộc về giao ước của Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham; mà lễ Vượt Qua chỉ dành cho dân Israel, một dân tộc được thành hình bởi lời hứa giao ước.

Cũng không được làm gãy một cái xương nào của con vật hi sinh, có nghĩa là phải giữ sự hiệp nhất của dân tộc được Chúa chọn.

Toàn thể hội chúng Israel phải giữ lễ Vượt Qua” (47), nghĩa là người nào đã dự phần hưởng sự nhân từ của Đức Chúa Trời thì phải cùng nhau dự lễ để dâng lên Chúa lòng biết ơn và tinh thần ca tụng ngợi khen Ngài.

Luật về sự cắt bì là rất nghiêm ngặt cho những ngoại kiều muốn cùng dự lễ với người Israel (48). “Đó là một luật chung cho người bản xứ cũng như cho ngoại kiều cư ngụ giữa các con” (49).

Các mệnh lệnh nầy nhằm dạy cho người Israel biết rằng là một dân tộc được hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời, thì họ có quyền được hưởng các đặc ân, chứ không phải vì là dòng dõi của Áp-ra-ham.

Đối với chúng ta ngày nay thì Đấng Christ là Chiên Con lễ Vượt Qua đã hi sinh cho chúng ta; không có sự đổ huyết chuộc tội của Ngài thì không có sự tha tội.

Giữ đức tin vào Ngài và linh hồn trú ẩn trong huyết Ngài thì giống như ăn lễ Vượt Qua trong nhà để không bị hành hại bởi kẻ hủy diệt. Vì vậy, hãy luôn luôn ở gần Chúa và nương dựa vào sự bảo vệ của Ngài.

Toàn dân Israel đều làm như lời Đức Giê-hô-va đã truyền bảo Môi-se và A-rôn. Chính trong ngày đó, Đức Giê-hô-va đem dân Israel ra khỏi Ai-cập theo đội ngũ” (50–51). Tuy ra khỏi Ai-cập cách gấp rút, nhưng dân Israel ra đi có trật tự theo đội ngũ từng chi tộc.

XuatAiCap11.docx

Rev. Dr. CTB