Thứ Sáu, February 26th, 2016

Xuất Ai-Cập, bài 18


Xuất Ai-cập 19:1–25

Có hai cách hiểu về thời điểm của câu: “Vào tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi Ai-cập” (1). Hầu hết các học giả Kinh-thánh cho rằng thời điểm đó là ngày đầu của tháng Sivan tính từ đầu tháng Abiv, tức là tính từ đầu năm.

Cách hiểu thứ hai là dân Israel đã ra khỏi Ai-cập đủ sáu mươi ngày. Tuy nhiên, các học giả đều tính là đầu tháng Sivan, tức là dân Israel đã ra khỏi Ai-cập bốn mươi lăm ngày. “Chính ngày đó dân Israel đến hoang mạc Si-na-i” sau khi đi từ Rephidim, và họ đóng trại đối diện với núi (2).

Ngày hôm sau, Môi-se được Chúa gọi lên núi (3); ngày sau đó, ông đem lời hứa của dân chúng trình lên cho Chúa (8), Đức Chúa Trời cho dân Israel hai ngày để chuẩn bị (10), rồi một ngày sau, tức là ngày thứ năm mươi, Ngài sẽ giáng lâm xuống đỉnh núi Si-na-i (11).

Năm mươi ngày, Ngũ Tuần, tính từ Lễ Vượt Qua, là ngày Đức Chúa Trời thiết lập giao ước với dân Israel, gọi họ là tuyển dân của Ngài (5–6). Một số sử gia tính năm đó là 1491 trước Công-nguyên.

Vậy, Cựu-ước, tức là giao ước cũ giữa Đức Chúa Trời và dân Israel, được thiết lập đúng vào ngày thứ năm mươi kể từ Lễ Vượt Qua đầu tiên (Ngũ Tuần), tại núi Si-na-i, trong hoang mạc Si-na-i.

Ta đã chở các con trên cánh đại bàng” (4), tức là sự chăm sóc hết sức cẩn thận và yêu thương, giống như chim ưng mẹ dùng đôi cánh mạnh mẽ chăm sóc và nâng đỡ các chim ưng con tập bay. Chim cha mẹ bay phía dưới các chim con để đỡ các chim con trên lưng mình khi chim con lao đao bay chưa vững.

Đức Chúa Trời đã đem dân Ngài ra khỏi nhà nô lệ tại Ai-cập, nâng đỡ, cứu giúp khỏi mọi tai họa diễn ra trên đường đi, vì họ là một dân tộc non trẻ mới vừa thành hình, để họ không còn bị ảnh hưởng của thói tục hư hỏng thờ lạy thần tượng của người Ai-cập (Giô-suê 24:14).

Ta … dẫn các con đến với Ta,” không phải chỉ là đem họ tới cảnh đời tự do, nhưng còn đem họ vào một giao ước và hiệp thông với Đức Chúa Trời nữa.

Ngày xưa Ngài dẫn dân Israel, ngày nay Ngài vẫn dùng ân sủng diệu kỳ đem chúng ta đến với Ngài; mặc dù nhiều lúc chúng ta đã nổi loạn. Đến với Ngài nghĩa là được ở trong sự hiện diện, ân huệ và sự tương giao của Ngài, thuộc riêng về Ngài.

Vì “các con sẽ trở thành một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh cho Ta” (6). Con dân Chúa trong Hội-thánh của Chúa ngày nay chỉ thờ phượng một mình Chúa là Vua và Cứu Chúa của cả nhân loại.

Lời phán hứa của Đức Chúa Trời cho dân Israel là giao ước mà Ngài thiết lập với tuyển dân của Ngài, gọi là Cựu-ước. Để cứu toàn thể nhân loại, trước khi chịu khổ hình, Đức Chúa Giêxu phán sẽ dùng huyết Ngài lập giao ước mới với người tin (1Côrinhtô 11:25).

Con dân Chúa ngày nay được xưng là “dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời” (1Phierơ 2:9); cho nên, chúng ta khác hẳn người thế gian ở ngoài Chúa, bởi vì ơn phước và ân huệ của Chúa luôn đi theo con cái Ngài.

Môi se đã thuật lại mọi lời Đức Chúa Trời đã phán cho các trưởng lão. Sau khi nghe, “toàn dân đồng thanh trả lời: ‘Chúng tôi sẽ làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đã truyền phán’” (7–8).

Khi Môi se trình lên Đức Giê-hô-va mọi lời dân chúng hứa nguyện, Ngài phán dặn: “Ta sẽ đến với con trong một đám mây dầy đặc, để khi Ta truyền bảo con thì dân chúng có thể nghe và tin tưởng con suốt đời” (9). Nhưng Ngài dặn dân Israel cần phải chuẩn bị: “Hãy đến với dân chúng, biệt riêng họ ra thánh hôm nay và ngày mai. Bảo họ phải giặt y phục mình, đến ngày thứ ba, họ phải sẵn sàng vì vào ngày đó Đức Giê-hô-va sẽ giáng lâm trước mắt toàn thể dân chúng tại núi Si-na-i” (10–11).

Khi Chúa đến với loài người, Ngài phải dùng mây đen dầy đặc bao quanh; bởi vì không một người nào có thể chịu nổi ánh sáng chói lòa của Ngài (Xuất Ai-cập 33:20; 40:35).

Chúa hiển lộ chính Ngài cho dân Israel nhằm hai mục đích: 1) Khiến họ biết kinh sợ sự hiện diện của Ngài và truyền lại lòng kính sợ ấy cho con cháu mai sau. 2) Làm cho dân Israel biết vâng lời Môi-se và suốt đời tin tưởng ông.

Có hai điều đặc biệt mà dân Israel phải làm trong sự chuẩn bị tiếp đón Chúa: Giặt sạch y phục và hoàn toàn hướng lòng về Chúa. Trong những ngày đó không một ai được mải mê công chuyện riêng tư, vui chơi, giải trí; những ông chồng không được ăn nằm với vợ của họ (15).

Chúa cũng bảo Môi-se vạch giới hạn, không cho một người dân nào leo lên hoặc chạm đến chân núi. Những ai vi phạm, dù là thú vật cũng phải bị xử tử bằng cách bắn tên hay ném đá (12–15).

Không phải Đức Chúa Trời quan tâm đến quần áo mà Ngài buộc dân Israel phải giặt sạch áo quần của họ; vì trong lúc giặt y phục họ phải suy gẫm và hướng tâm hồn về những điều tinh sạch bằng sự ăn năn.

Sự làm sạch bề ngoài gồm có ba điều: Tắm rửa thân thể, giặt sạch y phục, và giữ mình không thoả mãn tình dục. Người ta ăn mặc sạch sẽ khi ra mắt người cao trọng hơn mình. Vì vậy, dân Israel phải giặt sạch y phục đã lấm bụi đường và thấm mồ hôi vì di chuyển trong hoang mạc.

Điều quan trọng khi trình diện Chúa không phải là bề ngoài, mà là bề trong; vì thế, cần phải có lòng trong trắng khi tiếp đón Chúa.

Nhưng Môi se không thể bắt dân Israel tinh sạch bề trong bằng mệnh lệnh. Ông chỉ có thể truyền cho họ phải giữ mình, biệt riêng ra thánh, và sự biệt riêng ra thánh vừa phải bề ngoài lẫn bề trong (14–15).

Ngày thứ ba sau hai ngày phải chuẩn bị, là ngày thứ năm mươi kể từ lễ Vượt Qua, sau nầy là lễ Ngũ Tuần khi dân Israel được ban cho luật pháp.

Vào sáng ngày thứ ba, có sấm chớp và một đám mây dày đặc ở trên núi cùng tiếng kèn vang dội. Tất cả dân chúng ở trong trại đều run sợ. Môi se dẫn dân chúng ra khỏi trại để nghênh đón Đức Chúa Trời. Dân chúng dừng lại dưới chân núi” (16–17).

Tiếng kèn là dấu hiệu báo cho mọi người chú ý về sự loan báo tiếp theo sau. Sự vinh quang (gọi là Shekinah) của Đức Chúa Trời xuất hiện trước mắt mọi người.

Cả núi Si-na-i nghi ngút khói, vì Đức Giê-hô-va ngự trong lửa mà giáng lâm tại đó. Khói bốc lên như khói của một lò lửa hực, và cả hòn núi đều rúng động mãnh liệt. Tiếng kèn càng lúc càng vang dội. Môi-se nói và Đức Chúa Trời đáp lại trong tiếng sấm rền. Đức Giê-hô-va giáng lâm trên đỉnh núi Si-na-i. Đức Giê-hô-va gọi Môi-se lên đỉnh núi và Môi-se đi lên” (18–20).

Núi rúng động mãnh liệt vì đất run rẩy trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tiếng kèn của các thiên sứ càng lúc càng vang dội. Lửa cháy hực, khói bốc mịt mù, núi rúng động mãnh liệt, và tiếng kèn vang dội khiến cho người can đảm nhất cũng phải run sợ.

Bởi vì dù rất nhiều người có trí tò mò muốn nhìn thấy hình dạng Đức Chúa Trời ra sao, nhưng đứng trước cảnh trạng đó cũng chẳng dám xông pha lên núi. Môi-se sau nầy tiết lộ rằng: “Tôi kinh hãi và run rẩy” (Hêbơrơ 12:21).

Đức Chúa Trời bảo Môi-se phải trở xuống “cảnh cáo dân chúng đừng cố vượt giới hạn để nhìn Đức Giê-hô-va; nếu không, nhiều người trong họ phải chết” (21). Mặc dù Đức Chúa Trời đã dặn trước, Môi-se đã vâng lời Chúa đặt giới hạn, nhưng vẫn có một số người tò mò muốn trèo lên núi để tận mắt nhìn thấy Đức Chúa Trời; vì đối với họ, đây là cơ hội không thể có lần thứ nhì.

Vào lúc ấy, chức vụ tế lễ của chi tộc Lê-vi chưa được chính thức chỉ định, nhưng giống như các dân tộc cổ đại, mỗi dân tộc đều có chức vụ tế lễ được thiết lập trên nguyên tắc nào đó. Ở đây có lẽ một số tộc trưởng Israel đã thi hành các công việc tế lễ cho dòng tộc của họ (22).

Môi-se thưa với Đức Giê-hô-va: ‘Dân chúng không thể lên núi Si-na-i được, vì Ngài đã cảnh cáo chúng con rằng Hãy phân định giới hạn chung quanh núi và biệc riêng núi ấy ra thánh.”Đức Giê-hô-va phán với ông: ‘Hãy đi xuống và đưa A-rôn cùng lên với con. Nhưng những thầy tế lễ và dân chúng thì chớ vượt giới hạn để đến gần Đức Giê-hô-va, nếu không Ngài sẽ đánh phạt họ.’ Vậy, Môi-se trở xuống với dân chúng và căn dặn họ (23–25).

Có lẽ Môi-se mới lên núi được nhiều lắm là nửa đoạn đường. Nhưng Đức Chúa Trời truyền cho ông phải trở xuống ngăn chặn những người có ý định xông pha lên núi.

Chỉ một mình Môi-se nghe được tiếng Chúa phán. Vì vậy, lệnh truyền nầy không xảy ra lúc Môi-se đã gặp Chúa và trò chuyện; nhưng vừa lên được nửa đường, nghe tiếng Đức Chúa Trời phán với mình, ông phải trở xuống, vừa để đưa A-rôn lên với mình, vừa ngăn chận những người đầy tính tò mò.

Như vậy, để giữ nghiêm lệnh không một ai được đến gần hoặc đụng tới chân núi, Môi-se phải đặt nhiều dũng sĩ canh gác nghiêm ngặt các nẻo đường có thể lên núi.

XuatAiCap18.docx

Rev. Dr. CTB