Xuất Ai-cập Ký, bài 01

Xuất Ai-cập 1:1–22

Sách Sáng-Thế-Ký kết thúc sau cái chết của Giô-sép. Vài câu đầu của sách Xuất Ai-cập Ký nhắc lại tên các con trai của Gia-cốp để liên kết hai giai đoạn của sự tích thành hình một dân tộc.

Những người con của hai bà vợ chính là Lê-a và Rachel được kể trước (1–3); rồi mới tới tên các con trai của hai bà hầu thiếp (4). “Tất cả các con cháu của Gia-cốp là bảy mươi người, còn Giô-sép thì đã ở tại Ai-cập rồi” (5).

Dù Gia cốp chỉ có mười hai con trai, nhưng vì ông đã đặt hai con trai của Giô-sép thành hai chi tộc, cho nên họ trở thành tổ phụ của mười ba chi tộc.

Thời gian đi qua, thế hệ các tổ phụ của mười ba chi tộc Israel, nối tiếp nhau qua đời hết cả (6). Nhưng bởi Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, nên dòng dõi của ông, dân tộc Israel, được chọn làm dân sự của Ngài.

Kể từ ngày toàn thể gia đình Gia-cốp từ xứ Ca-na-an dọn xuống Ai-cập, tới thời kỳ cuối của giai đoạn dân Israel được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập, thì bốn thế kỷ đã trôi qua.

Nếu tính thời gian từ ngày Áp-ra-ham sinh Y-sác cho đến khi Gia-cốp dời xuống Ai-cập là khoảng hai trăm năm, thì số người thuộc dòng dõi Áp-ra-ham theo lời hứa của Chúa chỉ mới có bảy mươi người mà thôi.

Tuy vậy, dân Israel đã sinh sôi nẩy nở rất nhanh trong bốn thế kỷ tiếp theo (7). Thời kỳ bốn thế kỷ đó lại được chia thành hai giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn đầu thì lâu dài hơn, trong đó họ được thịnh vượng, phát triển và sống tự do.

Giai đoạn thứ nhì, tuy ngắn hơn, là thời kỳ họ bị người Ai-cập ức hiếp và bị buộc phải sống kiếp nô lệ (8–14).

Chỉ hai phân đoạn Kinh-thánh ngắn ngủi mô tả hai giai đoạn đã qua của dân Israel tại Ai-cập thôi, nhưng bài học về bối cảnh lịch sử ấy có thể ứng dụng cho cuộc đời của chúng ta ngày nay.

Từng thế hệ con và cháu của Gia-cốp đã lần lượt qua đời. Không biên niên sử nào được ghi chép lại. Cuộc sống thịnh vượng và sung túc tại xứ Gô-sen đã giúp cho dân Israel nhanh chóng sinh sôi nẩy nở.

Tuy nhiên, không thấy một người nào nhắc đến hoặc mơ ước được trở về vùng đất hứa Ca-na-an. Điều nầy cho thấy một thực tế rằng người Do-thái ở các thế kỷ đó chẳng còn nhớ gì về Đức Chúa Trời của tổ phụ họ.

Cuộc sống sung túc và ấm no làm cho họ thoả mãn trong sự sống hàng ngày; còn ký ức các chuyện kể về Đức Chúa Trời từ các tổ phụ đã phai mờ dần.

Tín hữu thời nay cũng vậy; chẳng mấy ai đang làm ăn ấm êm, thịnh vượng mà còn nhớ năng nổ thực hiện đại mạng lệnh đầy hạnh phúc do Chúa giao.

Đại đa số tín hữu dành rất nhiều thì giờ cho đời sống ở trần gian nhưng rất ít cho cuộc sống ở đời sau. Chẳng mấy ai thật tâm mong mỏi bước vào miền đất hứa ở thiên đàng.

Ai thật lòng chuẩn bị về tương lai cho linh hồn họ, là những người không dám xao lãng trong nếp sống tâm linh. Nhất là khi thấy vô số dấu hiệu thời đại báo hiệu thời tận thế đang dồn dập diễn ra trên thế giới.

Ở thế gian vật chất nầy không có gì sẽ tồn tại vĩnh viễn. Cho nên, hãy suy gẫm các bài học đã được Kinh-thánh ghi chép lại cho thời bây giờ.

Thần học gia MacLaren viết như sau: “Trong lãnh vực đạo đức, mỗi cảnh ngộ đều có thể dẫn tới hai kết quả trái ngược nhau. Giống như mỗi cảnh ngộ có hai cái tay cầm, và chúng ta có thể nắm lấy một trong hai, và thường là chọn trúng cái tay cầm sai trật. Cái điều đáng lý ra nhằm làm ích lợi cho chúng ta đã bị chúng ta lạm dụng thành có hại cho mình. Lịch sử của dân Israel ở Ai cập và trong hoang mạc cho thấy rõ rằng đời sống êm ấm làm cho suy yếu, nếu không nói là giết chết đức tin. Cuộc sống ở Gô-sen quá thoải mái, nên nó đã đẩy hi vọng và niềm mơ ước về miền đất hứa Ca-na-an ra khỏi tâm trí của họ mất rồi. Trong lúc các trinh nữ chờ đợi chàng rể đến trễ, họ đều buồn ngủ và ngủ gục. Chẳng phải người Israel ở Ai-cập quên lãng miền đất hứa vì họ chần chờ hay sao? Một cái gương để Hội-thánh tự soi mình. Cuộc sống an nhàn ở Gô-sen đã khiến chúng ta ngần ngại không dám vác hành trang tiến bước trên thiên trình.

Vị vua thuộc triều đại thứ mười chín của các vương triều Ai-cập được nói đến ở đây, mà một số sử gia tin rằng thuộc dòng họ Rameses, do tổ phụ Seti thiết lập (8), lên ngôi mà không biết các lợi ích của hoàng gia Ai-cập đang có, là do công lao của Giô-sép tạo nên trong thời kỳ bảy năm bị nạn đói hoành hành vì mất mùa.

Điều nầy có nghĩa là ông vua ấy lên ngôi sau khi những kỷ niệm về Giô-sép đã bị dân Ai-cập quên lãng, lòng biết ơn đã bị phôi pha sau một thời gian có lẽ rất lâu dài.

Vua Ai-cập, có lẽ là Rameses II, của một dòng họ có lẽ đã lật đổ vương triều trước, trị vì hơn sáu mươi bảy năm; người có đủ thời gian để ức hiếp dân Israel bằng sự khôn khéo:

Vua nói với dân mình rằng:‘Kìa dân Israel đông và mạnh hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy đối xử khôn khéo với họ; nếu không, dân số họ cứ gia tăng và một khi chiến tranh xảy đến, họ sẽ bắt tay với quân thù đánh lại chúng ta rồi trốn ra khỏi xứ’” (9–10).

Giai đoạn êm ấm đã qua, dân Israel bị người bản xứ hành hạ và bắt phải lao dịch ở các công trình xây dựng vĩ đại, như buộc phải “xây thành Pithom và Raamses để làm kho tàng cho Pha-ra-ôn. Nhưng người Ai-cập càng hành hạ chừng nào, dân số Israel càng gia tăng và lan rộng chừng nấy. Người Ai-cập lo sợ về dân Israel nên bắt họ làm việc cực nhọc, khiến đời họ thêm đắng cay với bao công việc nặng nề như nhồi đất, làm gạch và đủ thứ việc đồng áng khác. Bất cứ việc gì người Ai-cập cũng bắt dân Israel lao dịch nhọc nhằn” (11–14).

Tên của hai cô đỡ người Hê-bơ-rơ ở đây là Shiphrah, có nghĩa là ‘xinh đẹp;’ và Puah, nghĩa là ‘tiếng khóc.’ Việc chỉ nêu tên của hai người làm hộ sinh không có nghĩa là khắp cả dân Israel chỉ có hai người đó làm nghề đỡ đẻ.

Rất có thể đây là hai người đứng đầu tất cả những cô mụ của người Israel. Bởi vì số người đàn bà của dân Israel lúc ấy đã lên đến hàng mấy trăm ngàn, và các vụ sinh đẻ của họ diễn ra rất nhiều mỗi ngày.

Hơn nữa, với số dân đông như vậy, địa bàn xây cất nhà cửa của họ cũng trải rộng ra; vì thế cho nên, nếu chỉ có hai người thì không thể nào làm xuể công việc hộ sinh cho vô số vụ sinh đẻ của người Israel (15–16).

Có một thắc mắc đặt ra về hai cô đỡ nói trên là người Hê-bơ-rơ hay người Ai-cập? Vì vua Ai cập không thể trông mong các người đàn bà Hê-bơ-rơ sẽ giúp ông ta trừ khử dân tộc của họ. Còn nếu các bà đỡ là người Ai-cập, thì họ sẽ không đỡ cho người Israel, và đàn bà Israel cũng không thuê các bà đỡ người Ai-cập đến hộ sinh cho họ.

Căn cứ vào việc “các cô đỡ kính sợ Đức Chúa Trời, không làm theo lệnh của vua Ai-cập, vẫn cứ để cho các bé trai sống” (17), thì người đọc có thể biết chắc rằng những người đó thuộc dân Israel.

Đây là giai đoạn thứ nhì của thời kỳ dân Israel kiều ngụ tại Ai-cập. Khi họ bắt đầu bị ức hiếp và đè nén, thì họ nhớ lại Đức Chúa Trời mà tổ phụ mình đã thường nhắc đến.

Hội-thánh thời nay sẽ hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời khi bị khổ nạn. Vì trong khổ nạn, người ta thấy mình bất lực trước các thế lực thù nghịch, họ bắt đầu rèn luyện đức tin vào Đức Chúa Trời, tin rằng Ngài lắng nghe lời khẩn thiết nài xin của dân sự Ngài, để can thiệp và ban quyền phép giải cứu.

Lịch sử cứ lặp đi lặp lại điệp khúc ấy. Khổ nạn càng lâu dài thì lòng dân sự ngửa trông sự giải cứu của Chúa càng gia tăng cường độ. Cho nên, Hội-thánh lúc nào cũng tăng trưởng rất mạnh ở thời khó khăn.

Lòng kính sợ Đức Chúa Trời của người Israel thời bấy giờ tức là sợ sự trừng phạt của Ngài. Các bà đỡ sợ Chúa hơn sợ vua; vì vậy, lời họ chống chế khi bị vua hạch hỏi khiến cho ông vua chẳng thể bắt bẻ gì được (18–19).

Qua sự kiện nầy, chúng ta thấy satan đã sử dụng ông vua Ai-cập làm công cụ để giết chết từ trong trứng nước dòng dõi người đàn bà sẽ “giày đạp đầu” hắn (Sáng-thế 3:15).

Vì từ khi bị Đức Chúa Trời nguyền rủa tại vườn Ê-đen, con rắn luôn luôn tìm cách ngăn chặn không cho dòng dõi người nữ ra đời.

Đức Chúa Trời ban ơn cho các cô đỡ; dân số Israel gia tăng và họ trở nên rất hùng mạnh. Vì các cô đỡ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài làm cho nhà họ được thịnh vượng. Pha-ra-ôn truyền lệnh cho toàn thể dân chúng rằng: ‘Hãy ném tất cả con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông, còn con gái thì để cho sống” (20–22).

Ông ta chính là công cụ mà satan dùng để thực hiện âm mưu tiêu diệt một dân tộc sẽ sinh ra dòng dõi người nữ.

XuatAiCap01.docx

Rev. Dr. CTB