February 12th, 2016

Xuất Ai-Cập, bài 16


Xuất Ai-cập 17:1–16

Theo ký thuật trong Dân-số-ký 33:12–13, thì dân Israel đi từ đồng vắng Sin tới Rê-phi-đim trải qua ba chặng: Từ Sin tới Dophkah, qua Alush, rồi tới Rephidim. Đoạn đường đó dài khoảng năm mươi dặm.

Rephiđim có nghĩa là các chỗ nghỉ ngơi; nó nằm ngay trung tâm của thung lũng rộng Feiran, một vùng đất phì nhiêu, bình thường có nhiều nước, cây cỏ và nhiều cây chà là; nhưng có lúc cũng bị khô hạn. Dân Israel đến đó nhằm mùa khô không có nước cho họ và gia súc uống (1).

Dân chúng gây chuyện với Môi-se rồi nói: ‘Hãy cho chúng tôi nước uống.’ Môi se đáp rằng ‘tại sao anh em gây chuyện với tôi? Tại sao anh em dám thử Đức Giê-hô-va?’” (2).

Phản ứng và cách cư xử của dân Israel thật kỳ lạ! Trụ mây của Chúa dẫn họ tới một nơi thiếu nước uống, thấy cảnh đồng không mông quạnh, Môi-se chỉ là người, ông lấy đâu ra nước cho cả hai triệu người uống?

Thay vì giúp đỡ ông tìm mạch nước, họ giở trò ăn vạ. Lòng tin của họ vào quyền phép của Đức Chúa Trời đã nhanh chóng phôi pha, và mặc dù họ đã ra khỏi Ai-cập, nhưng Ai-cập chưa ra khỏi lòng họ.

Khi đọc lịch sử người Do-thái, tuyển dân của Đức Chúa Trời, rồi quan sát nếp sống tâm linh của con cái Chúa từ xưa tới nay, chúng ta thấy hình ảnh cuộc hành trình trở về miền đất hứa của dân Israel ngày xưa, so với hình ảnh cuộc hành trình về thiên quốc của tâm linh tín hữu Hội -thánh Đấng Christ thời nay thì hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Bởi vì tâm tánh của vô số tín hữu là chăm về những gì thấy được, chứ không chú tâm đến những sự mắt không thấy. Ngược lại, Kinh thánh dạy rằng hãy chú tâm vào những điều vĩnh cửu không thấy được (2Côrinhtô 4:18).

Nếu chúng ta bị đưa vào một cuộc thử nghiệm đức tin nào đó, hãy nhớ lại bài học nầy để răn mình. “Thử” Chúa có nghĩa là bắt đầu nghi ngờ, không biết Chúa có thật ở với mình hay không; vì sau khi đã chứng kiến và tham dự vào các phép lạ chưa từng xảy ra trước đây, mà người Israel vẫn nghi ngờ, thì việc đó chứng tỏ lòng của họ chưa thật tin cậy Chúa.

Tín hữu ngày nay cũng vô tình và thiếu lòng tin như thế. Dù có thể họ đã nhận được nhiều ơn phước, hoặc được thấy nhiều dấu kỳ, phép lạ, nhưng khi bị thử nghiệm bằng khó khăn hay khổ nạn, lòng của nhiều tín hữu thường nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình.

Tín hữu vẫn hay nghĩ rằng nhiệm vụ của Chúa là phải giữ gìn họ khỏi mọi tai họa; cho nên, khi gặp khổ nạn, lòng tin cậy Chúa biến mất, người ta chỉ thấy khó khăn trước mắt, quên rằng Chúa vẫn ở bên họ và biết rõ tình hình.

Dân Israel hạch hỏi Môi-se: “Tại sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai-cập rồi để cho chúng tôi, con cái và đàn súc vật của chúng tôi phải chịu chết khát thế nầy?” (3).

Đức Chúa Trời đáp tiếng Môi-se kêu cầu: “Hãy đi trước dân chúng, dẫn theo một số trưởng lão Israel và cầm trong tay cây gậy mà con đã đập dưới sông … Nầy, Ta sẽ đứng trước mặt con, trên tảng đá tại Hô-rếp kia. Con hãy đập tảng đá thì nước từ đó sẽ chảy ra cho dân chúng uống” (4–6).

Đức Chúa Trời nhân từ đã giúp dân Israel. Ngài thật vô cùng kiên nhẫn và chịu đựng đám người có tâm tính phản loạn và vô ơn. Nước chảy ra từ vầng đá là một phép lạ của lòng nhân từ. 1Côrinhtô 10:4 chép rằng vầng đá ấy là Đấng Christ, giải pháp của Đức Chúa Trời chuộc tội cho nhân loại khi người ta đã tuyệt vọng trước sức mạnh của tội lỗi. Chúa đưa ra giải pháp ở nơi người ta chẳng còn chút hi vọng.

Chẳng phải là mọi người trong đoàn dân Israel đều thấy Môi-se đập tảng đá. Chỉ các trưởng lão Israel đi theo Môi-se là thấy rõ. Để cho tất cả đều biết sự việc, họ phải thuật lại. Nhưng tất cả đều thấy và uống nước chảy ra từ vầng đá.

Môi-se đặt tên nơi nầy là Massah, có nghĩa là thử, và Meribah, có nghĩa là cãi cọ. “Vì dân Israel đã gây chuyện với ông và dám thử Đức Giê-hô-va khi nói: ‘Đức Giê-hô-va có ở giữa chúng ta không?’” (7).

Hiện tượng nầy vẫn thường xảy ra giữa tín hữu ngày nay; nhất là những người chưa từng kinh nghiệm về quyền phép của Đức Thánh Linh. Tuy vậy, sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục tuôn đổ trên những người xấu xa và hay phản phúc.

Mục đích của Chúa là người phạm lỗi còn có cơ hội để ăn năn thái độ phản loạn, hầu được chung hưởng ơn lành mà Chúa ban cho tất cả con dân chân thật của Ngài.

Bấy giờ quân Amalek đến khiêu chiến với Israel tại Rephidim. Môi-se nói với Giôsuê: ‘Hãy chọn cho chúng ta những tráng sĩ đi chiến đấu với quân Amalek. Ngày mai tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi với cây gậy của Đức Chúa Trời trong tay” (8–9).

Amalek là một dân tộc lâu đời đã có từ thời Ápraham (Sáng Thế 14:7). Vài nhà thần học cho rằng dân Amalek chiến trận với Israel là dòng dõi của một trong các cháu nội của Ê-sau tên là Amalek (Sáng thế 36:12, 16). Nhưng không có gì chứng minh cho quan điểm nầy.

Đây là chỗ đầu tiên trong Kinh-thánh nói đến tên Giô-suê. Về sau Môi se đặt tên ông là Jehoshua (Dân số 13:16). Môi se cầm cây gậy của Đức Chúa Trời có nghĩa là ông tìm kiếm sự chiến thắng từ Đức Chúa Trời mà thôi. Cây gậy giơ lên là sự cầu nguyện của ông.

Giô-suê chiến đấu, Môi-se cầu nguyện. Tay Môi se cầm gậy giơ lên nhiều giờ cũng phải mỏi và đuối (10–11). Đôi tay chiến đấu của Giô-suê không đuối sức, nhưng đôi tay của Môi-se giơ lên hết lòng cầu nguyện lại bị đuối (12).

Hình ảnh nầy là hình bóng về sự phục vụ thuộc linh; càng phục vụ nhiều chừng nào, càng dễ bị thất bại và mòn mỏi chừng nấy. Một mình Môi-se sẽ không thể cầm gậy giơ lên mãi, cũng như sự cầu nguyện cô đơn của một người rồi cũng bị mòn mỏi khi không có bạn đồng hành.

Nếu nhiều tín hữu cầu nguyện để hỗ trợ những người trong mặt trận chứng đạo, thì Hội-thánh tăng trưởng và thắng thế. Nếu sự tăng trưởng Hội-thánh bị thất bại và bế tắc, thì đó là hậu quả của một hội-chúng không cầu nguyện chiến đấu cho chính mình.

Môi-se được sự hỗ trợ của “A-rôn và Hu-rơ đứng hai bên, mỗi người một phía, đỡ tay ông lên; nhờ vậy tay ông chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê dùng gươm đánh bại vua và dân Amalek” (12b–13).

Đây là hình ảnh tuyệt đẹp về gương hỗ trợ nhau trong cầu nguyện chiến trận. Địch quân ở đây là dân Amalek hèn hạ. Không phải chúng chận đánh đoàn quân tiên phong, mà chận đánh tập hậu những người lê bước phía sau trong lúc họ mệt lả và kiệt sức (Phục-truyền 25 :17–18).

Kẻ thù chúng ta ngày nay, là ma quỷ, cũng vậy. Chúng tấn công những người mệt mỏi vì phục vụ trong Hội-thánh lâu ngày. Vì thế, cầu thay cho người hầu việc Chúa là rất cần thiết. Nếu họ bị vấp ngã thì nguyên nhân chính là vì thiếu người cầu thay, nghĩa là Hội-thánh ít cầu nguyện.

Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy chép điều nầy vào một cuốn sách để lưu niệm và nói cho Giô-suê biết rằng Ta sẽ xoá sạch kỷ niệm về Amalek trong thiên hạ’” (14).

Điều mà Chúa bảo hãy chép vào sách để lưu niệm thì không phải là một chuyện bình thường hay là chuyện vặt vãnh tầm thường. Bởi vì mọi điều được ghi chép lại để làm bài học cho chúng ta ngày nay; từ việc cầu nguyện cho nhau, đến hậu quả rất kinh khiếp của thái độ chống lại hoặc hãm hại dân sự của Đức Chúa Trời.

Dân Amalek đã hoàn toàn bị tiêu diệt; ngày nay không còn một dấu vết gì của dân ấy nữa. Vì thế, những người đã từng nếm ơn cứu rỗi, biết chân lý, nhưng quay lại công kích anh em tín hữu khác về sự hầu việc Chúa của họ, hoặc cố sức chống cự, cản trở sự mở mang nước Trời, nếu họ không sửa đổi thái độ, thì hậu quả giáng trên họ sẽ vô cùng đau đớn (Hêbơrơ 10:26–31).

Môi-se lập một bàn thờ và đặt tên: ‘Giê-hô-va, ngọn cờ của tôi’” (15), vừa để dâng một tế lễ tạ ơn và ngợi ca Chúa, vừa để làm một đài kỷ niệm của Đấng đem lại chiến thắng.

Jehovah Nissi, Đức Giê-hô-va, ngọn cờ của tôi, có nghĩa Ngài là Vị Thủ Lãnh chiến thắng vẻ vang, Đấng ban nước từ vầng đá, Đấng ban chiến thắng từ cây gậy giơ lên như ngọn cờ.

Danh hiệu ấy cũng được áp dụng cho Đấng Christ của thời Tân-Ước, vì Ngài vừa là bàn thờ, sinh tế, vừa là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, cũng chính là Đức Giê-hô-va.

Ngài là Đấng giương ngọn cờ Tin Mừng vĩnh cửu để tụ họp muôn dân đến dưới chân Ngài, trang bị họ cho cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù của linh hồn họ.

Môi se nói: “Vì một bàn tay của Amalek đã giơ lên chống lại ngôi Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va sẽ chinh chiến với chúng từ thế hệ nầy sang thế hệ khác (16)