Friday, April 1st, 2016
Xuất Ai-Cập, bài 22
Xuất Ai Cập 24:1–18
Phần ghi chép Mười Điều Răn và những luật lệ ra từ đó xen vào giữa phần tường thuật trình tự của các sự kiện, nên người đọc thường lầm lẫn. Ở đoạn nầy, bản văn Hê-bơ-rơ chép “và Ngài phán” (1); cho nên, người đọc hiểu diễn tiến của chỗ nầy là hồi tiếp ngay sau lúc Môi-se đến gần đám mây dày đặc, nơi Đức Chúa Trời đang ngự (20:21); cũng như 19:25 bị đứt đoạn ngay giữa câu văn.
Theo người ta hiểu, thì sau khi chỉ dẫn cho Môi-se xong, Chúa bảo ông xuống núi truyền lại cho dân chúng, thực hiện tất cả các việc cần thiết để thiết lập giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Israel, rồi ông sẽ dẫn A-rôn, Na-đáp và A-bi-hu, hai con trai lớn của A-rôn, cùng bảy mươi trưởng lão Israel lên với Đức Giê-hô-va (1).
Đức Chúa Trời cũng dặn rất rõ: “Chỉ một mình con là Môi-se được đến gần Đức Giê-hô-va; những người khác không được đến gần. Dân chúng không được theo con lên núi” (2).
Trong thời ấy, khi Đức Chúa Trời thánh xuất hiện lần đầu tiên trước mắt người Israel, Ngài không cho phép mọi tội nhân đến gần Ngài. Môi-se được Ngài chọn làm người trung gian giữa dân Israel với Đức Chúa Trời trong thời Cựu-ước, là hình ảnh tiêu biểu cho vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đấng Christ trong thời Tân-ước, mà chỉ một mình Thầy Tế Lễ ấy, thay mặt cho toàn dân, được phép vào nơi chí thánh.
Sau khi nhận lãnh những lời chỉ dẫn của Chúa, Môi-se xuống núi “thuật lại cho dân chúng mọi lời phán và các luật lệ của Đức Giê-hô-va, dân chúng đồng thanh đáp rằng: ‘Chúng tôi sẽ thi hành mọi lời Đức Giê-hô-va phán truyền’” (3).
Mọi lời phán và các luật lệ của Đức Giê-hô-va thì đã được nói đến trong bốn đoạn trước, từ 20 tới 23. Bây giờ, Môi-se ghi lại mọi lời của Đức Giê-hô-va, có lẽ là vào một cuộn da theo cách bảo tồn văn tự ở thời ấy (4), mà vài câu sau gọi là quyển sách giao ước (7).
Không ai biết Môi-se tốn bao nhiều thời gian để ghi lại mọi lời của Chúa truyền cho ông. Sau khi làm xong thì ông xây “một bàn thờ ở chân núi và dựng mười hai trụ đá tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel.”
Bàn thờ là để tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va; mười hai trụ đá tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Như vậy bàn thờ với mười hai trụ đá đại diện cho hai phía lập giao ước.
Không thấy ghi lại mười hai trụ đá đó được dựng theo vị trí hay hình dạng nào. Người ta nghĩ rằng có lẽ mỗi chi tộc có nhiệm vụ chọn đá và dựng trụ đá thành hai hàng trước bàn thờ. Môi se sẽ thay mặt họ đi giữa hai hàng trụ đá để tới bàn thờ mà dâng tế lễ.
Trước khi chi tộc Lê-vi được Đức Chúa Trời chỉ định làm nhiệm vụ tế lễ và phục vụ đền tạm thì Môise “sai các thanh niên Israel dâng tế lễ thiêu và sinh tế bằng bò tơ, tức là tế lễ bình an lên Đức Giê-hô-va” (5).
Có hai ý kiến về các thanh niên ghi ở đây, vì bản dịch Bảy Mươi (Septuagint) thì viết là các con trai đầu lòng; mà con trai đầu lòng đều thuộc về Đức Chúa Trời, nên bổn phận của họ là tế lễ. Nhưng bản tiếng Hê-bơ-rơ thì viết ‘nagnarei,’ nghĩa là trẻ và năng động; mà sinh tế là các con bò, nên cần các thanh niên có sức làm thịt chúng. Nghĩa là các thanh niên ấy không giữ chức vụ tế lễ.
Cũng cần lưu ý về luật thầy tế lễ được ban hành sau nầy là, dù gia tộc A-rôn đã được chỉ định chức tế lễ, nhưng không thầy tế lễ nào được phục vụ sau 50 tuổi (Dân-số 8:25).
Môi-se lấy một nửa máu (của các sinh tế) đựng trong các chậu, còn nửa kia thì rảy trên bàn thờ (6), tượng trưng cho dân Israel dâng chính họ cho Chúa như các sinh tế sống; ông cầm quyển sách giao ước và đọc cho dân chúng nghe. Họ nói: ‘Chúng tôi sẽ làm theo và tuân giữ mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán truyền’ (7).
Bây giờ, Môi-se lấy máu (đã chứa trong các chậu lúc nãy) để rảy trên dân chúng. Người ta tin rằng máu ấy phải pha với nước để có thể rảy dễ dàng, như Chúa chỉ dẫn trong các lễ nghi ở đền thờ về sau. Số dân Israel thì rất đông, nên các học giả Kinh-thánh tin rằng máu sẽ rảy trên các trụ đá có đại diện mười hai chi tộc đứng ở mỗi trụ (8).
Sự rảy máu trên dân chúng tượng trưng cho sự chấp nhận của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ đổ phước trên họ qua giao ước mà họ đã long trọng hứa trước mặt Ngài trong ngày Môi-se rảy máu sinh tế trên bàn thờ và trên dân chúng.
Giao ước giữa Đức Chúa Trời với Israel được thiết lập như vậy, có máu của các sinh tế làm chứng cho giao ước ấy. Vì Môi-se nói: “Đây là máu của giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập với anh em dựa trên mọi lời nầy” (8).
Các hành động có biểu tượng giao ước đó đã được Đức Chúa Giêxu, Đấng Trung Bảo của giao ước mới, thực hiện bằng cách hiến dâng chính Ngài trên thập tự giá, để máu của Ngài chính thức trở thành máu của giao ước, mà Ngài đem vào Nơi Chí Thánh của đền thờ thật trên trời qua sự cầu thay của Ngài (Hê-bơ-rơ 9:12), và rảy trên Hội-thánh của Ngài bằng lời dạy, các mệnh lệnh và sự vận hành của Đức Thánh Linh, Đấng ấn chứng trong chúng ta để xác nhận chúng ta là con cái của Ngài.
Giao ước đã phê chuẩn xong, Đức Chúa Trời bày tỏ sự hài lòng của Ngài bằng cách đãi một bữa ăn đặc biệt trên núi. “Môi-se và A-rôn, Na-đáp và A-bi-hu cùng bảy mươi trưởng lão Israel lên núi” (9) acheter du viagra.
Môi-se hiểu rằng khi Chúa bảo ông đem mấy người đó lên núi, thì Ngài đã có ý định đãi họ ăn tiệc. Ai dọn sẵn bữa ăn trên núi thì không thấy nói đến. Nhưng Đức Chúa Trời có thừa quyền năng và thiên sứ hầu hạ Ngài.
Một cảnh tượng quá tuyệt diệu xảy ra: “Họ trông thấy Đức Chúa Trời của Israel. Dưới chân Ngài có một vật gì giống như cái bệ bằng bích ngọc trong suốt như bầu trời xanh” (10).
Đây là chỗ duy nhất trong Kinh-thánh Cựu-ước mô tả về Đức Chúa Trời một cách chi tiết; nhưng vẫn không nói rõ hình ảnh của Ngài. Qua sự mô tả thì có lẽ Ngài hiện ra giống như hình dạng loài người hoặc không có hình gì cả; ở đây chỉ nói đến chân của Ngài.
Một chi tiết rất quan trọng để chúng ta có thể mường tượng nét đẹp tuyệt mỹ của Đức Chúa Trời chúng ta, “dưới chân Ngài có vật giống bích ngọc trong ngần, khác nào như sắc trời thanh quang.”
Không có mây đen, sấm động, chớp nhoáng, lửa cháy, chỉ có một Đức Chúa Trời nhân từ cho phép loài người trông thấy Ngài: “Ngài không đưa tay hành hại các nhà lãnh đạo của dân Israel; họ đã nhìn thấy Đức Chúa Trời rồi sau đó ăn uống” (11).
Có lẽ thời gian những nhà lãnh đạo của dân Israel nhìn thấy Đức Chúa Trời thật là ngắn ngủi. Nhưng họ biết Đức Chúa Trời vẫn ở với họ là một sự thật. Bữa tiệc là sự xác nhận rằng giao ước đã được thiết lập.
Sau khi ăn xong, hoặc là tất cả đã xuống núi, hoặc là đường lên núi có nhiều chặng, mà đỉnh núi là nơi có vinh quang của Đức Chúa Trời. Có lẽ tất cả đã xuống núi thì hợp lý hơn; vì lần nầy Môi-se ở trên núi tới bốn mươi ngày và bốn mươi đêm:
“Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy lên núi, đến với Ta và đợi Ta tại đó. Ta sẽ ban cho con các bảng đá mà trên đó Ta đã viết luật pháp và điều răn để dạy dỗ dân chúng’” (12). “Môi-se cùng với Giô-suê, người phụ tá của mình, đứng dậy, rồi Môi-se đi lên núi Đức Chúa Trời” (13).
Khi Môi-se bảo các trưởng lão hãy chờ ông tại đó, mà Kinh-thánh không nói rõ họ đang ở nơi nào, thì có hai trường hợp: Một là họ vẫn còn ngồi chỗ ăn tiệc trên núi; hai là họ đã xuống đồng bằng. Nếu còn ở trên núi thì có lẽ họ chẳng có việc gì cần đến A-rôn và Hu-rơ. Còn ở với dân chúng thì mới cần người lập quyết định (14).
“Môi-se lên núi và mây bao phủ núi” (15). Trụ mây của sự hiện diện của Chúa đã cùng đi với Israel từ Succoth. “Vinh quang của Đức Giêhôva ngự trên núi Si-na-i. Trong sáu ngày, mây bao phủ núi; sang ngày thứ bảy Đức Giê-hô-va gọi Môi-se từ giữa đám mây” (16).
Mặc dù Môi-se đã từng gần gũi với Đức Chúa Trời và trò chuyện với Ngài trước đây, nhưng khi chưa được gọi, ông vẫn phải chờ trên núi hết sáu ngày. Chúa muốn dạy Môi-se và mọi người rằng, cần phải cẩn thận chuẩn bị lâu dài trước khi đến gần Ngài. Như thế, trong sáu ngày ấy, Môi-se chỉ biết cầu nguyện.
“Vinh quang của Đức Giê-hô-va tỏa ra như một đám lửa đang bùng cháy trên đỉnh núi trước mắt dân Israel. Môi se bước vào giữa đám mây và đi lên núi. Môi-se ở trên núi bốn mươi ngày, bốn mươi đêm” (17–18).
Bài học nầy giúp chúng ta hiểu biết thêm về Đức Chúa Trời toàn thánh. Hãy kiên nhẫn chờ đợi trước khi được gọi đến ra mắt Chúa của cả trời đất.
XuatAiCap22web.docx
Rev. Dr. CTB