Ru-tơ, bài 4

Ru-tơ 4:1-22

Thời bấy giờ, cổng thành là nơi những người được tôn trọng trong thành ra ngồi để thảo luận việc chung, điều đình trao đổi việc riêng một cách công khai, lập tòa án xét xử tội nhân, hay phân xử những vụ kiện tụng, va chạm hoặc xung khắc của người trong thành với nhau.

Vì Bô-ô là một người có vai vế trong thành; cho nên, ông đến cổng thành và ngồi tại đó để chờ người bà con gần hơn của Êlimelech sẽ đi qua. Lúc đó, người ấy cũng vừa đi qua, có lẽ định tới khu đất của mình vừa gặt xong, thì Bô-ô vội nói với người đó: “Mời anh ghé lại ngồi đây” (1). Sau khi người ấy ngồi xuống rồi, thì Bô-ô mời mười người trong số các trưởng lão của thành, có lẽ cũng đang ngồi sẵn ở đó, để làm các nhân chứng (2).

Thông thường thì chỉ cần hai tới ba người làm chứng là đủ, nhưng trong các trường hợp hôn nhân, ly dị, hoặc chuyển giao sản nghiệp, thì cần nhiều người chứng.

Bô-ô nói với người bà con gần rằng: “Naomi từ Moab về có rao bán miếng đất của Elimelech là anh chúng ta” (3). Nếu không biết luật Môise về việc bán, mua và chuộc đất sản nghiệp, thì vấn đề Bô-ô nêu ra ở đây có vẻ rất khó hiểu đối với người chưa biết luật.

Lêviký 25:25 quy định về sự mua bán và chuộc đất sản nghiệp “Nếu anh em con rơi vào cảnh túng thiếu và phải bán một phần sản nghiệp, thì người bà con gần nhất có quyền chuộc lại phải đến chuộc lại phần đất mà anh em mình đã bán. … 28 Nếu nguyên chủ không có điều kiện để trả lại tiền cho người kia, thì đất bán sẽ thuộc về chủ mua cho đến năm hân hỉ; trong năm hân hỉ, đất ấy sẽ ra khỏi tay người mua và trở về nguyên chủ.

Trong trường hợp của Naomi, chúng ta không biết đất của Elimelech có bán cho người khác khi họ dọn nhà qua Moab để ở hay không. Nhưng bây giờ, nó phải được chuộc lại.

Sự rao bán miếng đất mà Bô-ô nói ở đây là việc Naomi sai Ru-tơ đến nằm dưới chân Bô-ô để xin ông ấy cưới mình. Bô-ô muốn thông báo cho người ấy biết, vì là bà con gần hơn nên có quyền ưu tiên chuộc miếng đất. Nếu người ấy không muốn chuộc thì người có ưu tiên tiếp theo là Bô-ô.

Người ấy muốn có thêm sản nghiệp nên đáp rằng “Tôi sẽ chuộc” (4). Nhưng khi nghe Bô-ô cho biết điều kiện để chuộc là người ấy phải cưới Ru-tơ, người Moab, làm vợ để nối danh cho Mahlon, chồng quá cố của Ru-tơ (5), thì người kia thối lui, vì không muốn phần sản nghiệp của mình bị dành cho đứa con sẽ mang tên Mahlon. Người ấy nói: “Nếu vậy thì tôi không thể chuộc được, sợ làm hại đến sản nghiệp của tôi. Xin anh hãy thay tôi chuộc sản nghiệp ấy, vì tôi không thể chuộc được” (6). Luật nầy ghi lại trong Phục Truyền 25:5-10 để mọi người Israel thi hành.

Người ở xã hội thời xưa thiết lập cách thức xác nhận một giao ước đã được hai bên thỏa thuận và không thể hủy bỏ bằng cách trao đổi nhau một chiếc dép đang mang; như ghi chép ở đây: “Ngày xưa, trong Israel có tục liên quan đến việc chuộc lại hay trao đổi như sau: Để xác nhận một giao dịch, người nầy phải cổi giày mình mà trao cho người kia. Đó là cách xác chứng trong Israel” (7).

Cho nên, người bà con gần của Elimelech nói với Bô-ô: “Xin anh chuộc sản nghiệp đó. Rồi người ấy cổi giày mình ra” (8). Lẽ dĩ nhiên là Bô-ô cũng cổi một chiếc dép mình đang mang để trao cho người kia. Mặc dù không sách vở nào nói ý nghĩa hợp lý của hành động cổi một chiếc dép, ngoài ý cho rằng người ấy từ bỏ quyền được bước trên đất mà mình từ chối không mua, là ý không được hợp lý lắm, chúng ta ngày nay có thể hiểu rằng dép ngày xưa được làm cách thủ công, không giống nhau, nên ai mang hai chiếc dép không đồng một đôi là dấu hiệu đã thỏa thuận trao đổi.

Sau khi trao đổi dép, Bô-ô xin các trưởng lão và dân chúng đang có mặt ở nơi đó làm chứng cho ông: “Hôm nay, các ông làm chứng rằng tôi mua từ tay Naomi mọi tài sản thuộc về Elimelech, và tất cả những gì thuộc về Chilion và Mahlon, và cũng lấy Ruth, người Moab, vợ của Mahlon, làm vợ, để lưu danh người quá cố trên sản nghiệp người ấy, hầu cho danh người quá cố không bị mai một giữa anh em và quê hương mình. Hôm nay quý ông làm chứng về điều đó.” (9-10).

Hình như mọi người ở đó đều trông đợi biến cố ấy xảy ra; vì có lẽ mọi người ở Bethlehem đều quý mến đức hạnh của Ruth, một người đàn bà từ Moab, sẵn lòng từ bỏ quê hương và gia đình cha mẹ ruột, đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel. Lời xác nhận làm chứng và chúc phước của họ thật quan trọng: “Chúng tôi làm chứng về điều đó. Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người phụ nữ vào nhà anh giống như Rachel và Leah là hai người đã xây dựng nhà Israel” (11).

Người ta đâu biết rằng lời chúc kế tiếp của họ sẽ thành sự thật và làm thay đổi cả dòng lịch sử của loài người. Vì họ nói rằng: “Chúc cho anh được thịnh vượng ở Ephratah và được nổi danh ở Bethlehem! Nguyện dòng dõi mà Đức Giê-hô-va ban cho anh qua thiếu phụ nầy sẽ làm cho nhà anh giống như nhà của Pharez mà Tamah đã sinh cho Giu-đa vậy!” (11b-12). Bởi vì từ Bô-ô, một con trai do Ruth sinh ra được đặt tên là Obed, về sau trở thành ông nội của vua David, một vị vua danh tiếng lừng lẫy trong lịch sử Israel.

Trong sự sắp xếp thần hựu của Đức Chúa Trời, Ruth, một phụ nữ ngoại bang, đã được trở thành bà tổ của vua David, mà sau nầy, cả Joseph lẫn Mari đều là dòng dõi của nhà David. David đã làm rạng danh quê hương Bethlehem của ông; rồi tới đúng kỳ hạn, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại Bethlehem, thôn nhỏ ấy trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Người ta có thể thắc mắc tại sao Ruth là một người Moab mà được Đức Chúa Trời dùng sinh ra Obed, tổ phụ của vua David? Nếu Ruth vẫn còn giữ căn cước của mình là người Moab, là người ngoại quốc đối với Israel, thì sẽ không được Chúa dùng. Nhưng lời nói của bà với mẹ chồng là Naomi, đã làm thay đổi số phận của bà: “Mẹ đi đâu con sẽ đi theo đó; mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con” (1:16).

Nếu sự xưng nhận của chúng ta đối với ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus xuất phát thành thật từ trong lòng, thì số phận của chúng ta đều được Chúa thay đổi cho phù hợp với gia đình Ngài.

Ruth đã được làm vợ của Bô-ô. Bô-ô quá hạnh phúc khi lấy được một thiếu phụ đức hạnh là Ruth. Họ ăn ở với nhau và Ruth sinh một con trai cho Bô-ô. Các phụ nữ Bethlehem đều chúc tụng Đức Giê-hô-va, chúc mừng và chúc phước cho Naomi, người đã trở về đất hứa của Chúa (13-15).

Lời khen của các bà hàng xóm làm cho Naomi rất hạnh phúc: “Con dâu bà còn quý hơn bảy con trai!” (16). Họ đặt tên đứa bé là Obed, có nghĩa là “người phục vụ Đức Chúa Trời.” Ý nghĩa cái tên ấy được ứng nghiệm qua David và Đức Chúa Jesus, Đấng được kể như dòng dõi của David khi Ngài được Mari sinh ra trong nhà của Joseph. Gia phả của David làm ứng nghiệm lời tiên tri của Jacob về dòng dõi con trai Judah của ông (17-22).

Ruth04.docx

Rev. Dr. CTB