Thời Tận Thế

Khải Huyền 3:1-6

Đức Chúa Giêxu Christ gửi lá thư thứ 5 cho Hội Thánh Sạtđe.  Sạtđe là một thành phố được xây dựng vào khoảng 500 năm trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáng sinh, sụp đổ trong chiến tranh, được xây dựng lại, rồi bị động đất tàn phá, rồi được xây dựng trở lại.  Đức Chúa Giêxu xuất hiện với Hội Thánh Sạtđe qua hình ảnh Đấng có bảy vị thần của Đức Chúa Trời và có bảy ngôi sao: “Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Sạtđe rằng: ‘Nầy là lời phán của Đấng có bảy vị thần của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao.  Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết.’

Bảy vị thần của Đức Chúa Trời có nghĩa là sự hiện diện sung mãn của Đức Thánh Linh, còn bảy ngôi sao là các mục sư tại các Hội Thánh đó.  Hội Thánh Sạtđe bị quở trách rằng họ có tiếng là sống, nhưng thực tế thì họ đã chết.  Sạtđe có nghĩa là những kẻ thoát khỏi, hoặc dòng dõi còn lại.  Thư nầy áp dụng cho thời kỳ lịch sử của Hội Thánh từ năm 1517 tới 1750 AD; tức là thời kỳ diễn ra những cuộc phản kháng của một số vị thuộc hàng chức sắc giáo phẩm ở một số nước Bắc Âu chống lại giáo quyền Vatican ở Lamã, đòi cải tổ giáo hội theo những chân lý của Kinh Thánh để trở lại với tình trạng Hội Thánh thời sơ lập, gọi là phong trào cải chánh Tin Lành.  Thế nhưng sau một thời gian thì những giáo hội và hệ phái Tin Lành ấy chỉ còn là cái bóng sự sống của quá khứ.  Họ có tiếng là sống, nhưng trên thực tế thì họ đã chết.

Thời kỳ cải cách ấy được lãnh đạo bởi các lãnh tụ như Martin Luther, Erasmus, Zwingli, Le Fèvre, Huss, John Knox, và Calvin. Máy in vừa được phát minh trước đó không lâu, Kinh Thánh được dịch ra ngôn ngữ phổ thông và được phổ biến khắp nơi nhờ số lượng nhiều và giá rẻ. Vì thế tín hữu ở các nước Bắc Âu thời ấy được xem Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của mình lần đầu trong đời họ, chân lý Lời Chúa được phổ biến, các sự sai lầm trầm trọng của giáo hội Lamã bị phơi bày không còn che giấu được nữa, thế nên phong trào cải tổ Hội Thánh lan tràn khắp Âu Châu.  Chủ đề của cuộc cải tổ là: “Người công nghĩa sống bởi đức tin.” Nghĩa là người ta được tha tội và cứu chuộc bởi lòng tin vào công tác chuộc tội đã hoàn tất của Đức Chúa Giêxu Christ chứ không phải qua sự khổ tu ép xác; cũng không phải qua sự trung gian của giáo hội.

Cuộc cải tổ ấy không phải là phong trào thuần túy tôn giáo.  Nó có động lực chính trị ẩn phía sau.  Nó là phản ứng chống trả sự hà khắc của giới giáo quyền tự tôn mình lên trên thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời.  Nhưng nó không hoàn thành được mục tiêu phải làm là thánh sạch hóa giáo hội.  Phong trào nầy đã đi tới một thái cực khác là lạm dụng sự tự do, dẫn tới kết quả chia rẽ thành nhiều hệ phái khác nhau; họ vẫn còn bị ràng buộc bởi hình thức và nghi lễ thờ phượng khô khốc của công giáo Lamã; họ có quá ít bằng chứng của sự sống tâm linh. Chúng ta có thể nhận ra tàn dư của thời kỳ nầy trong các giáo hội tự xưng là chính thống.  Có những vấn đề tuy rành rành bị Kinh Thánh kết tội trọng, nhưng rất lờ mờ đối với họ, ví dụ như sự thực hành đồng tính luyến ái, kể cả hôn nhân giữa giới người nầy, vấn đề công bằng xã hội, cờ bạc, phim ảnh đồi trụy, vv …

Ngày nay phần lớn giáo phẩm của các giáo hội nầy không còn tin Đức Chúa Giê xu đã giáng sinh qua trinh nữ Mary. Tức là họ không tin một người nữ có thể thụ thai mà vẫn còn trinh-trắng; cũng không tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu.  Họ không tin vào thiên đàng và hỏa ngục. Nguyên do là vì sự cải cách của họ chỉ là nửa vời, không trọn vẹn theo cách Chúa nhìn. Có một sự hiểu lầm lớn về tên ‘Tin Lành’ của các giáo hội theo giáo lý cải cách.  Một nhóm tự xưng là  ‘thượng giáo hội’ nghĩa là những nhóm tách ra từ công giáo Lamã, như Lutheran, Anh Giáo, Trưởng Lão, Giám Lý và Cải Cách.  Một nhóm khác là những hệ phái phổ thông, cũng gọi là Tin Lành, đa số thành hình trong thế kỷ 20; hiện nay đang hoạt động ở khắp thế giới không có liên hệ gì với công giáo Lamã hoặc Chính-thống-giáo Đông-phương.  Cho nên, Sạtđe nói về thời kỳ các giáo hội Tin-Lành cải cách, chưa phải là đề cập tới các hệ phái khai sinh sau nầy.

Tuy vậy, tình trạng những nơi xưng là Hội Thánh của Chúa nhưng không khác các câu lạc bộ xã hội là bao vẫn đang phát triển mạnh trong những hệ phái không thuộc ‘thượng giáo hội.’  Sạtđe là thời kỳ tiếp nối sau Bẹtgăm và Thiatirơ; những sự cải tổ nửa vời không đủ làm cho Hội Thánh sống sinh động trong xã hội.  Thật ra, các giáo hội Cải Cách vẫn tiếp tục dùng nhiều thói tục ngoại giáo, là các truyền thống của người Babylôn, do Bẹtgăm và Thiatirơ du nhập vào Hội Thánh.  Vì vậy họ mau chóng mất hết sự sống của Chúa ban cho.  Ví dụ phép báp têm cho trẻ sơ sinh không có nền tảng Kinh Thánh mà vay mượn từ tôn giáo của người Babylôn; hoặc cứ dùng nhiều biểu tượng ngoại giáo, vẫn kỷ niệm các thứ lễ lạt của ngoại giáo rồi đặt tên lại theo Cơ-đốc -giáo. Ví dụ lễ giáng sinh hiện nay vẫn cử hành vào ngày 25/12 hàng năm thật ra là sinh nhật của Tammuz và mẹ là Semiramis thần của người Babylôn cổ đại, vì thế trong lễ ấy có mẹ với hài nhi. Lễ Easter vào dịp Phục Sinh ra từ tên nữ thần sinh đẻ của ngoại giáo Át-tạt-tê.  Công giáo đã du nhập các thói tục của họ như trứng gà sơn nhiều màu tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu, rồi lấy luôn tên Easter từ tên Ashtarte, và đến nay các giáo hội cải cách vẫn tiếp tục thực hiện tập tục ấy.

Câu 2-3 : “Hãy thức tỉnh, và làm cho vững sự còn lại là sự hầu chết; vì Ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta.  Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy và ăn năn đi.  Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, Ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào Ta đến bắt ngươi thình lình.”  Chúa cho biết Ngài sẽ đến bất ngờ và bắt những người không chịu thức tỉnh.  Sự đến nầy khác với lần Ngài đến mọi mắt đều trông thấy.

4-6Nhưng, ở Sạtđe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng Ta, vì họ xứng đáng như vậy.  Kẻ nào thắng sẽ được mặc áo trắng như thế. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha Ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài.  Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh.”  Áo trắng tượng trưng cho sự tinh sạch.  Trong số những giáo hội đầy sự bại hoại ấy vẫn còn một số con cái thật của Chúa trung thành với Lời Ngài, như nhiều giáo phận Episcopal hiện nay.  Một chi tiết nữa đáng chú ý là Chúa hứa sẽ không xóa tên những người ấy khỏi sách sự sống.  Nghĩa là có những người đã có tên trong sách sự sống nhưng sẽ bị Chúa xóa đi.  Xóa đi có nghĩa là tên của người ấy sẽ bị vĩnh viễn lấy ra khỏi sách.

Những ai đang giảng dạy và khư khư chủ trương rằng: ‘Hễ đã tin nhận Đức Chúa Giêxu rồi thì dù có như thế nào vẫn được cứu vào ngày tận thế,‘ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giải thích về vấn đề nầy.  Người ta sẽ thấy họ lúng túng giải thích lòng vòng để né tránh sự thật.  Hãy thử suy nghĩ: Nếu tên của những người đã được biên vào Sách Sự Sống trên thiên đàng sẽ không bao giờ bị xoá, thì lời cảnh cáo của Đức Chúa Giêxu ở thư gửi cho Hội Thánh Sạtđe nầy là vô nghĩa và vô ích! Ngài nói như vậy để làm chi? Vì lý do nào  Chúa lại đưa ra điều Ngài sẽ không thể làm được? Những ai chủ trương như thế chắc có ý nói rằng: ‘Đây là những lời Đức Chúa Giêxu hăm doạ thôi, chứ Ngài sẽ không làm đâu!‘ Giáo lý ấy là một sự lừa bịp trơ tráo của satan, nhưng một số người tự xưng là đã được tái sanh và nhận lãnh Đức Thánh Linh, sử dụng nhằm trấn an thành phần tín hữu yếu đuối trong giáo hội của họ, hoặc tự trấn an mình vì không biết có nắm chắc sự cứu rỗi cho chính mình hay không.  Một giới người khác cứ cố sức bảo vệ lý luận của hệ phái họ dù không biết làm cách nào giải thích được lời Kinh Thánh trái ngược với điều họ suy diễn.

Để tên chúng ta khỏi bị xoá, chỉ còn một phương cách: “Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng mọi tín hữu ở các Hội Thánh” và làm theo lời cảnh cáo khuyên bảo của Ngài, để có thể được hưởng tất cả hạnh phúc kỳ diệu của thiên đàng hứa ban cho mọi người tin.  A-men.

KhaiHuyen08.doc

Rev. Dr. CTB