1 Samuel, bài 02

1Samuel 1:1–28

Có hai phái nhận xét khác nhau về câu mở đầu sách 1Samuel: Phái 1 nói rằng đó là cách mở đầu thông thường của các sách lịch sử như Giô-suê, Các Quan Xét, Ruth, Các Vua, Esther, và Ezra, vv, chẳng phải là phần tiếp nối của sách nào khác. Phái 2 tin rằng sách 1Samuel là phần tiếp nối của sách Các Quan Xét. Việc có phải là sự tiếp nối hay không thì chỉ có tính lịch sử mà các sử gia muốn biết chứ chẳng có gì quan trọng. Chúng ta chỉ cần biết ý nghĩa của cả sách, từng đoạn và từng câu để biết cách áp dụng cho đời thuộc linh của mình là đủ.

Ramathaim nghĩa là hai Ramahs, hoặc là hai nơi cao, vì Ramah nghĩa là “nơi cao.” Zophim là ‘những người canh giữ.’ Cho nên Ramathaim Zophim là hai nơi cao canh giữ cho nhau. Người có tên là Elkanah được nói tới ở đây thuộc chi tộc Lêvi. Vì người thuộc chi tộc Lêvi sống rải rác khắp trong các thành thuộc nhiều lãnh thổ của các chi tộc khác của dân Israel tại xứ Canaan, nên việc Elkanah ở Ramathaim Zophim thuộc đất Ephraim cũng không có gì lạ (1).

Trong phần nầy, tác giả ghi Elkanah là người Ephraim, vì gia tộc ông đã ở lâu đời tại Ephraim, mặc dù họ là hậu duệ của Kohath (Kê-hát; 1Sử ký 6:22), một trong ba con trai của ông tổ Lêvi, nên họ được xem là người Ephraim. Vào thời xưa, trước khi nền văn minh Cơ-đốc-giáo trở nên thịnh hành trong xã hội tân tiến, thì đàn ông có nhiều vợ là một tục lệ phổ biến ở khắp các dân tộc (2).

Cũng vào thời ấy, người đàn bà nào có chồng mà không thể sinh con đều mang nỗi xấu hổ vì người ta tin đàn bà ấy bị thiên đàng nguyền rủa. Penninah đã sinh cho Elkanah nhiều con, cả trai lẫn gái; Hannah thì không có con (2); vì vậy Hannah buồn phiền lắm. Có lẽ Hannah được chồng yêu thương hơn, nên Penninah ganh tị và tìm mọi cơ hội trêu chọc bà (7).

Lúc Samuel chào đời thì thầy tế lễ Eli (Hê-li), và hai con trai là Hophni và Phinehas vừa giữ chức quan xét cho Israel, vừa làm thầy tế lễ ở Đền Tạm tại Shiloh. Bởi vì sau khi Israel đã chinh phục, tiêu diệt và xua đuổi hầu hết người Canaan bản xứ khỏi đất của họ, Đền ấy được dời từ Gilgal gần Jericho, đem đặt tại Shiloh cho tới ngày ấy đã hơn ba trăm năm mươi năm; (3).

Vì nhiều gia đình cùng tụ họp về Đền Tạm tại Shiloh để thờ phượng và dâng tế lễ tạ ơn; bàn thờ thì chỉ có một, và không đủ thầy tế lễ giết các con thú sinh tế một lượt, nên có lẽ họ phải chờ tới phiên gia đình mình dâng tế lễ (4). Tế lễ tạ ơn là loại tế lễ duy nhất mà người thờ phượng được chia phần thịt tế lễ (Lêvi ký 7:11–18); vì thế, Elkanah đem phần thịt chia cho gia đình ăn (5).

Có lẽ nhan sắc của Hannah đẹp hơn Penninah, nên ông Elkanah yêu bà hơn. Cũng có thể vì bà là vợ cả mà không sinh con, nên Elkanah mới lấy vợ kế để sinh con (5). Bà Hannah không ganh tị, nhưng bà Penninah thì ganh vì thấy chồng yêu bà kia hơn mình, nên có cơ hội khiêu khích (6).

Vì việc cứ xảy ra như vậy mỗi năm khi gia đình họ lên Đền Tạm để thờ phượng, mà Elkanah không can thiệp gì cả, nên bà Hannah buồn khóc và không ăn (7). Ông Elkanah thấy vậy liền hỏi tại sao bà khóc và không chịu ăn? Bà không trả lời (8) và chờ mọi người ăn uống xong thì bà bước tới gần cửa vào hành lang Đền, vì không phụ nữ nào được phép bước vào khu vực Đền Tạm.

Bà lẩm bẩm thầm nguyện, khóc và tuôn đổ nỗi sầu khổ của mình trước mặt Chúa. Thầy tế lễ Eli ngồi trên ghế gần bên trụ cửa Đền (9–10). Hannah cầu xin Đức Chúa Trời đoái đến tình cảnh bà mà ban cho một con trai; bà hứa nguyện sẽ hiến dâng đứa con ấy hầu việc Chúa, và dao cạo chẳng bao giờ chạm đến đầu nó (11). Hannah cầu nguyện rất lâu khiến thầy tế lễ chú ý quan sát (12).

Ông thấy bà cầu nguyện mấp máy môi mà không thốt thành tiếng, là điều không bình thường vào thời ngươi ta cầu nguyện thành tiếng, nên tưởng bà say rượu (13). Thời ấy người Israel có rượu trong bữa ăn, và gặp dịp lễ thì họ ăn và uống nhiều rượu. Thầy tế lễ Eli nghi bà Hannah say rượu nên lên tiếng quở: “Bà còn say cho đến bao giờ? Hãy về dã rượu đi!” (14).

Bà Hannah vội thưa với ông rằng bà không bao giờ uống rượu hay chất men vì không phải là một phụ nữ hư đốn, nhưng vì bà có tâm thần khốn khổ, dốc đổ lòng mình ra trước mặt Chúa rất lâu dài để bày tỏ nỗi đau đớn và ưu phiền quá sức mà thôi. Thầy tế lễ Eli chúc phước cho bà rằng: “Nguyện Đức Chúa Trời của Israel nhậm lời bà đã khẩn xin Ngài” (15–17).

Hannah tạ ơn thầy tế lễ Eli, vui vẻ bước ra, ăn uống, nét mặt hết vẻ sầu muộn (18). Gia đình họ trở về nhà ở Ramathaim Zophim. Đức Chúa Trời cho bà Hannah thụ thai, sinh một trai đặt tên là Samuel, vì bà nói: “Tôi đã cầu xin được nó từ nơi Đức Giê-hô-va” (19–20). Gia đình Elkanah lại đi lên Đền Thờ Tạm tại Shiloh để dâng sinh tế hàng năm và làm trọn lời khấn nguyện của họ (21).

Nhưng lần nầy Hannah không đi với gia đình. Bà nói với chồng: “Khi đứa trẻ thôi bú, tôi sẽ dẫn nó lên, để nó ra mắt Đức Giê-hô-va và ở đó mãi mãi” (22). Vào thời ấy, người Trung đông cho con bú ít nhất hai năm, hoặc là trong khoảng hai tới ba năm. Trẻ con dứt sữa sau ba năm là chuyện thường. Cho nên, có lẽ bà Hannah định sẽ nuôi con ba năm rồi đem dâng cho phục vụ nhà Chúa.

Elkanah đồng ý với điều vợ mình cho là phải, ông “chỉ cầu xin Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài.” Vậy nên, Hannah ở nhà suốt ba năm cho con bú và dạy dỗ đứa trẻ (23). Người ta quan sát cuộc đời thanh liêm và chững chạc của Samuel thì đoán biết ông đã được mẹ nuôi dạy thời thơ ấu cẩn thận như thế nào. Tức là ảnh hưởng của bà Hannah trên Samuel rất sâu đậm.

Khi đứa trẻ vừa thôi bú, bà Hannah dẫn con lên Đền Thờ tạm của Đức Chúa Trời tại Shiloh. Bà cũng đem theo ba con bò tơ đực, bột và rượu. Số bò tơ đực ở chỗ nầy rất đáng chú ý. Vì thường chỉ cần một con thú làm sinh tế mà thôi. Có phải mỗi con bò tượng trưng cho một tuổi của Samuel hay không thì chưa rõ. Nhưng có bản dịch là một con bò tơ ba tuổi, không phải ba con bò (24).

Nếu đúng là ba con bò thì một con sẽ được dùng làm tế lễ thiêu, một con làm tế lễ chuộc tội, và con thứ ba làm tế lễ tạ ơn cùng với bột và rượu. Vì bà Hannah đem con dâng hiến trọn đời nó cho Chúa, nên ba con bò dùng cho ba tế lễ khác nhau thì có ý nghĩa đúng hơn một con bò ba tuổi.

Vì Samuel mới vừa thôi bú nên còn nhỏ lắm. Nhưng do mẹ đã dạy dỗ từ lúc có ý thức theo lời hứa nguyện của bà, nên Samuel không gặp khó khăn gì nhiều khi phải rời mẹ. Sau khi họ giết một con bò để làm tế lễ thiêu, thì mẹ dẫn Samuel tới gặp thầy tế lễ Eli (25). Bà nhắc ông nhớ lại người phụ nữ năm xưa đứng gần bên ông cầu nguyện lâu dài, và đứa con nầy do Đức Chúa Trời đáp lời cầu khẩn của bà xin Ngài ban cho một con trai, và bà hứa nguyện hiến dâng trọn đời nó (26-27).

Cho nên, đây là đứa con mà bà muốn nó phục vụ Chúa trọn đời. Cậu bé Samuel bắt đầu biết thờ phượng Chúa kể từ ngày đó (28). Người ta có thể đặt câu hỏi: “Làm thế nào ông già Eli có thể nuôi và chăm sóc một đứa bé còn quá nhỏ?” Lúc ấy, trong khu vực Đền Tạm có nhiều người đàn bà phục vụ, nên việc chăm sóc cậu bé Samuel vẫn có thể thực hiện được.

Bài học cho mỗi chúng ta ngày nay là: 1. Nếu có nhu cầu vì mục đích tốt lành và chân thành khẩn xin thì sẽ được Chúa ban cho ước muốn đó. 2. Gương thành tín giữ lời hứa nguyện dù là đứa con yêu quý nhất, thì được ghi công đến muôn đời. 3. Đừng theo thói quen bất tín cho rằng mình có giữ lời hứa hay không cũng được. Vì Chúa phạt ai thất tín, nhưng quý trọng người trung tín.

1Samuel02.docx

Rev. Dr. CTB