Quan Xét, bài 20
Quan Xét 21:1-25
Trong phần mô tả toàn dân Israel tập họp tại Mizpah để hỏi tội những tên đồi bại ở Gibeah, thì chỗ ấy không nói tới việc tất cả các chi tộc sẽ không gả con gái mình cho người Bemjamin (1), nhưng qua phần nầy thì nhắc lại lời thề không thể thay đổi ấy.
Sau khi đã diệt gần hết dân Benjamin, chỉ còn 600 người sống sót trốn đến tảng đá Rimmon trong hoang mạc, dân Israel “đến Beth-El, ngồi tại đó trước mặt Đức Chúa Trời cho đến chiều tối và cất tiếng khóc lóc đắng cay. Họ than thở: ‘Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel, ngày nay thiếu mất một chi tộc của Israel. Tại sao tai họa nầy xảy đến cho chúng con?’” (2-3).
Sau vài ngày mừng chiến thắng và lòng nóng giận đã tan, dân Israel tỉnh táo và nghĩ lại hậu quả cơn giận của họ. Niềm vui chiến thắng trở thành những lời than vãn và khóc lóc trước cái chết của quá nhiều anh em mình.
Những việc đã xảy ra thì không còn cứu vãn gì được nữa. Và đối với Israel, những lời đã thề trước mặt Chúa cũng không hủy bỏ được. Nếu 600 chiến sĩ Benjamin còn trốn trong hoang mạc không có người nối dõi, thì chi tộc Benjamin vĩnh viễn bị tiêu diệt, vì họ đã thề không gả con cho những người ấy; vì thế, dân Israel phải tìm phương cách để cứu vãn chi tộc nầy.
Họ hỏi: “‘Trong tất cả các chi tộc Israel, có người nào không tập hợp trước mặt Đức Giê-hô-va chăng?’ Vì họ đã long trọng thề rằng: ‘Người nào không đến trình diện Đức Giê-hô-va tại Mizpah thì sẽ bị xử tử’” (4-5). Họ điểm lại thì thiếu người từ Jabesh-Galaát tới tham dự.
Phải tìm cách kiếm vợ cho những người Benjamin còn sống sót đang trốn trong hoang mạc, không để họ bị tiêu diệt (6-7). Cách họ nghĩ ra là diệt dân Jabesh-Galaát, bắt tất cả các trinh nữ ở đó giao cho người Benjamin làm vợ; vì họ đã thề trước mặt Chúa là sẽ không gả con cho chúng rồi.
Thế là Israel sai mười hai ngàn quân thực hiện việc xử tử những người không vâng lời: “Vậy hội chúng sai mười hai ngàn người mạnh dạn nhất đến Jabesh và truyền lệnh: ‘Hãy đi, dùng gươm giết dân cư của Jabesh vùng Galaát, kể cả đàn bà và trẻ em.’ Đây là điều anh em sẽ làm: ‘Hãy diệt hết tất cả người nam và những người nữ nào đã có chồng.’ Họ tìm được trong dân Jabesh ở Galaát bốn trăm trinh nữ, chưa ăn ở với người nam nào, và dẫn chúng về trại quân tại Si lô, trong đất Canaan.“
Vậy, chủ ý của họ là bắt 400 trinh nữ ở đó đem về Silô để giao cho người Benjamin làm vợ (8-12).
Sau khi phạm một lỗi lầm quá lớn vì thiếu suy tính kỹ càng, dân Israel lại phạm một chuyện tệ hại nữa là chỉ để giải quyết việc tìm đủ vợ cho những người Benjamin còn lại, họ giết hết người nam lẫn vợ và con còn nhỏ. Trong thời người ta chỉ biết dùng lưỡi gươm để giải quyết các sự tranh chấp và khó khăn, thì sinh mạng con người không phải là điều họ quan tâm.
Qua các diễn biến của câu chuyện, chúng ta học được bài học phải rất cẩn thận khi cơn giận nổi lên, dù có chính đáng đi nữa. Vì có khi để giải quyết các hậu quả do cơn giận gây ra, người ta dễ bị sa vào những lầm lỗi khác không đáng có.
Không phải vì các chuyện tích về dân Israel có ghi trong Kinh Thánh Cựu Ước mà con dân Chúa ngày nay do quý trọng Kinh Thánh lại không thấy những việc làm tàn bạo của họ là đáng bị phê phán. Vì ngày nay chúng ta phải luôn luôn cư xử theo đức nhân ái.
Hành động giải hòa của Israel đối với sáu trăm người Benjamin là rất đáng khen. Hơn nữa, họ còn tìm cách làm sao kiếm đủ vợ cho hai trăm người chưa có (13-14).
Thật ra, sáu trăm người đang trốn trong các hang động ở Rimmon không thể ngờ họ được gọi ra để giải hòa. Các sứ giả giải hòa phải rất khôn khéo để người Benjamin còn sống sót có thể tin rằng thiện ý đó là thật.
Khi chúng ta giải hòa với anh em mình, thì sự thành thật là điều kiện phải có để hai bên có thể tin cậy nhau mà hòa thuận trở lại. Dân chúng Israel thì “hối tiếc về việc đã xảy đến cho Benjamin, vì Đức Giêhôva đã làm khuyết một trong các chi tộc Israel” (15).
Người Hebrew thuở xưa vẫn luôn gán mọi việc đã xảy ra cho Đức Giê-hô-va, mặc dù những việc ấy do chính ý chí của họ thúc đẩy thực hiện các việc dại dột và xằng bậy. Họ cho rằng vì Chúa quản trị mọi việc, nên việc xấu cũng do Ngài làm.
Đã thề trước mặt Chúa rằng sẽ không gả con cho người Benjamin, thay vì đem con gái dân ngoại đến làm vợ của họ, dân Israel vẫn giữ lời dạy rằng họ không được liên hệ hôn nhân với dân Canaan; vì thế họ phải làm sao những người Benjamin chưa vợ có thể lấy được con gái Israel (16-18).
Có người chợt nhận ra cách để người Benjamin không cần phải cưới dân ngoại, dân Israel cũng không cần phải gả con cho người Benjamin mà phạm lời thề nguyện, họ nói:
“Nầy, có một lễ hội hàng năm cho Đức Giê-hô-va tại Si-lô, phía bắc Beth-El, phía đông của con đường đi từ Beth-El lên Si-chem và phía nam Lê-bô-na. Vậy, họ khuyên người Benjamin: ‘Hãy đi, núp trong các vườn nho và khi thấy các cô gái Si-lô đi ra nhảy múa với nhau, thì anh em từ các vườn nho chạy ra, mỗi người trong anh em bắt lấy một người vợ trong các cô gái trẻ của Si-lô’” (19-21).
Họ còn trấn an để những người Benjamin yên tâm bắt cóc các cô gái về làm vợ họ: “Khi cha hay anh của họ đến phàn nàn với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ trả lời: ‘Xin vì chúng tôi mà tha cho họ, vì trong lúc giặc giã, chúng tôi không bắt các nữ tù binh làm vợ cho chúng tôi. Hơn nữa, không phải anh em tự ý gả con cho họ, vì nếu như vậy, chắc anh em phải mắc tội’” (22).
Người Benjamin làm theo lời khuyên. Mỗi người đều có vợ để sinh sản con cái. Họ xây lại thành đã bị đốt phá trong chiến tranh. Các chi tộc Israel trở về sản nghiệp của họ; không có người nào được cử làm lãnh tụ cho toàn dân. Các việc trên xảy ra trước khi có các quan xét dấy lên (23-24).
Sách Các Quan Xét được viết vào thời Israel đã trở thành một vương quốc có kỷ cương, luật lệ do vương triều lập ra. Không ai biết tác giả, hay các tác giả là ai. Cũng không ai biết rõ sách đã được chính thức viết vào lúc nào.
Bởi vì ở 6:24 nói rằng người đọc có thể tới thăm bàn thờ Gideon đã thiết lập tại Ophrah, thì phần đó phải được viết vào thời vương triều phía nam chưa bị Babylon chinh phục vào năm 586 BC. Nhưng ở 18:30 nói về số phận của chi tộc Đan “cho đến ngày họ bị lưu đày khỏi xứ,” thì phần ấy phải viết sau ngày vua Assyria thôn tính vương quốc Israel phía bắc vào năm 722 BC.
Sách Các Quan Xét là hình ảnh sự suy đồi về đạo đức của dân Israel khi không còn tôn trọng luật pháp nữa, mà “mỗi người làm theo ý mình cho là phải” (21:24). Nguy cơ ấy ngày nay vẫn còn, khi các hệ phái diễn giải ý nghĩa Kinh Thánh theo ý riêng họ.
QuanXet20.docx
Rev. Dr. CTB