Sách Công Vụ, bài 21

Công Vụ 9:20–43

Một người đã được kinh nghiệm về Đức Chúa Giêxu một cách đặc biệt sẽ không thể im lặng về Cứu Chúa của mình; cho nên, “Sau-lơ lập tức đến các nhà hội truyền giảng về Đức Chúa Giê-xu. Ông tuyên bố: ‘Ngài là Con Đức Chúa Trời’” (20). Sự thay đổi đột ngột thái độ của Saulơ đối với Chúa khiến cho tín đồ Do-thái-giáo ở Damas phải sững sờ: “Mọi người nghe đều kinh ngạc, hỏi nhau:‘Đây không phải là người đã từng diệt trừ những ai cầu khẩn danh Đức Chúa Giêxu tại Giê-ru-sa-lem, và đến đây để bắt trói họ, giải về cho các thầy trưởng tế hay sao?’ Nhưng Sau-lơ ngày càng mạnh mẽ, chứng minh Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, làm cho người Do-thái tại Damas phải bối rối ” (21–22). Sự hiểu biết về Đức Chúa Giêxu một cách nhanh chóng như vậy phải diễn ra cách siêu nhiên. Có thể là trước đó chẳng bao lâu, Sau-lơ đã được chính Chúa dạy dỗ trong ba ngày bị mù loà không ăn cũng không uống.

Hội-thánh của Chúa vừa được giải cứu khỏi sự bắt bớ, vừa có được một người đồng minh vô cùng mạnh mẽ, khiến cho những người Do-thái bị đuối lý phải âm mưu giết người, bịt miệng (23). Vì hoặc là có người tiết lộ âm mưu đó cho Sau-lơ, hoặc là Đức Thánh Linh khải thị cho ông biết, nên người Do-thái không thực hiện được mưu toan của mình. “Họ lại canh gác cổng thành suốt ngày đêm để giết ông” (24). Trong thư thứ nhì gửi cho Hội-thánh ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô tiết lộ rằng viên tổng trấn tại Damas của vua chư hầu A-rập A-rê-ta, đã hợp tác với người Giu-đa để giết Sau-lơ (2Cô-rinh-tô 11:32), rất có thể là do bị hối lộ, hay mua chuộc bằng tiền bạc. Nhưng các môn đồ của Chúa tại Damas làm thất bại âm mưu đó bằng cách “giữa đêm, … đặt ông vào một chiếc thúng lớn, giòng xuống bên ngoài vách thành” (25). Thế là ông đi thoát.

Trong thư gửi cho người Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô, tức Sau-lơ trước kia, cho biết rằng Tin-lành mà ông truyền giảng là do nhận trực tiếp sự khải thị từ Đức Chúa Giêxu. Ông cũng kể hành trình của ông sau khi thoát khỏi Damas là qua A-ra-bi một thời gian, rồi trở lại Damas (Ga-la-ti 1:12, 17). Phải ba năm sau ông mới lên Giê-ru-sa-lem để làm quen với Phi-e-rơ, và ở lại với ông 15 ngày” (1:18). Như thế, lời kể: “Về đến Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ tìm cách tham gia với các môn đồ, nhưng họ đều sợ ông, không tin là môn đồ thật” (26), là sự việc hơn ba năm sau mới xảy ra. Cũng vì các môn đồ nghi ngại, cho nên “Ba-na-ba giúp đem ông đến gặp các sứ đồ, kể lại việc Sau-lơ thấy Chúa trên đường, được nghe Chúa phán dạy, và can đảm truyền giảng nhân danh Đức Chúa Giê -xu tại Damas như thế nào” (27).

Chỉ trong mười lăm ngày ở với Phi-e-rơ, không gặp sứ đồ nào khác ngoại trừ Gia-cơ em trai của Chúa (Ga-la-ti 1:19), ông mạnh bạo giảng dạy và tranh biện với tín đồ Do-thái-giáo người Hy-lạp gốc Do-thái, khiến họ cứng họng, nên họ tìm cách giết ông (28–29). “Anh em được tin ấy, liền đem ông đến Sê-sa-rê, rồi đưa đi Tạt-sơ” (30), tức là các miền Sy-ri và Si-li-si, quê hương của Sau–lơ (Galati 1:21). Từ thời xưa tới giờ, mọi cuộc tranh luận về tôn giáo giữa hai nhóm đối nghịch về quan điểm, thường không đưa đến kết quả tốt đẹp như mong muốn, mà luôn luôn tạo ra mối thù oán dai dẳng trong lòng những người bị đuối lý. Tinh thần hăng hái truyền rao Tin-mừng là đáng khen, nhưng rao truyền bằng sự tranh cãi thì gây ra phản ứng ngược. Trái lại, nhiều con cái Chúa cứ âm thầm truyền giảng thì đạt vô số kết quả như Luca tường thuật:

Hội-thánh khắp xứ Giu-đê, Galilê và Sa-ma-ri được hưởng bình an, được gây dựng vững mạnh, được tiến bộ trong niềm kính sợ Chúa, và được Đức Thánh Linh Giúp đỡ, nên số tín hữu ngày càng gia tăng” (31).

Đến chỗ nầy, Luca tạm ngưng phần giới thiệu gốc tích của vị sứ đồ Phao-lô kiệt xuất, người vốn hung hăng bắt bớ con cái Chúa sau khi Ê-tiên bị giết chết, bây giờ đã được Chúa khuất phục, hăng say truyền giảng đức tin mà ông đã bắt bớ trước kia. Sau khi ông được đưa đi khỏi Giê-ru-sa-lem, qua Sy-ri và Si-li-si, thì Hội-thánh không còn bị bắt bớ nữa, mà được hưởng sự bình an. Về sau, chính Phao-lô kể lại lý do ông phải vội vàng ra khỏi Giê-ru-sa-lem là vì Đức Chúa Giêxu ra lệnh cho ông phải đi, như sau: “Trở về Giê-ru-salem, một hôm đang cầu nguyện trong đền thờ tôi xuất thần, thấy Chúa phán: ‘Con hãy ra khỏi Giê-ru-sa-lem lập tức, vì người ta sẽ không tiếp nhận lời con làm chứng về Ta …… Hãy đi! Ta sai con đến với các dân ngoại ở nơi xa xôi” (Công Vụ 22:18, 21). Nhiều năm sau, các sứ đồ trụ cột của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem đều nhận ra công tác Chúa giao cho Sau-lơ là rao giảng Tin-mừng cho các dân ngoại (Ga-la-ti 2:9).

Bây giờ, Luca chuyển sang tường thuật công tác truyền giáo của sứ đồ Phi-e-rơ tại các vùng thuộc xứ Giu-đê. Bởi vì tình hình đã lắng dịu và bình an, cho nên, Phi-e-rơ đã có thể thăm viếng các nơi xa hơn. Trong thời kỳ Hội-thánh bị bắt bớ dữ dội, mặc dù Kinh-thánh không ghi chép lại hoạt động của các sứ đồ, chúng ta cũng có thể biết rằng họ chuyên tâm cầu nguyện và chăm sóc công việc của Hội-thánh thời phôi thai. Khi tín hữu chạy tản lạc khắp nơi, họ vẫn ở lại Giê-ru-sa-lem bí mật điều động các hoạt động của Hội-thánh. Khi Sau-lơ về Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất sau khi quy đạo tại Damas, thì hầu hết các sứ đồ cũng đã tản mác đi truyền giáo; vì chỉ còn Phi-e-rơ và Gia-cơ, là em Chúa, ở lại mà thôi. Giờ đây, đến phiên Phi-e-rơ đi thăm viếng tín hữu (32).

Đức Chúa Trời vẫn dùng quyền phép chữa bệnh làm phương tiện truyền giáo đầy hiệu quả ở Ly-đa qua việc Phi-e-rơ nhân danh Đức Chúa Giêxu truyền lệnh cho Ê-nê, một người bị bại nằm liệt trên giường đã tám năm, hãy đứng dậy, dọn giường đi (33–34). Vào thời ấy, sự lành bệnh lập tức là thường xuyên; chứng tỏ rằng sự xức dầu của Đức Thánh Linh là vô cùng mạnh mẽ, và sự vận hành của quyền phép Ngài vẫn tiếp tục tuôn tràn qua những người đã đầu phục Ngài. Phép lạ chữa lành bệnh, nhất là những bệnh nan y, khiến cho những người chứng kiến không thể bài bác chi được. Họ phải công nhận quyền phép vô song của Đức Chúa Giêxu. Cho nên, “tất cả những người ở thành Ly-đa và đồng bằng Sa-rôn thấy Ê-nê, họ trở lại với Chúa” (35).

Giốp-bê là một thành phố cảng trên bờ Địa-Trung-Hải, nằm khoảng mười dặm về hướng tây bắc của Ly-đa, và cách Giê-ru-sa-lem khoảng 39 dặm. “Tại Giốp-bê có một nữ môn đồ tên Ta-bi -tha (dịch ra tiếng Hy-lạp là Đô-ca), chuyên làm việc cứu tế, từ thiện. Lúc đó bà mắc bệnh rồi qua đời. Người ta tắm rửa thi hài, và đem đặt trong căn phòng trên gác” (36–37). Danh tiếng của Phi-e-rơ vốn đã lừng lẫy từ thời sau khi bị hội-đồng tôn giáo bắt bớ rồi thả ra; vì Chúa chỉ dùng cái bóng của ông đi ngang qua cũng đủ chữa lành những người bệnh hoạn. Phước thay là những người được lưỡi lửa của Đức Thánh Linh đậu trực tiếp trên đầu! Vinh quang của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục lưu lại trên Phi-e-rơ. “Vì Ly-đa gần Giốp-bê, nên khi nghe tin Phi-e-rơ ở Ly-đa, các môn đồ sai hai người đi gặp ông, yêu cầu: ‘Xin đến gấp!’” (38).

Phi-e-rơ theo họ đến Giốp-bê, được họ đưa lên căn phòng trên gác (39). Phi-e-rơ không thể cầu nguyện trong khung cảnh khóc lóc, kể lể của các bà goá, nên ông bảo họ ra ngoài. Không ai biết Phi-e-rơ đã cầu nguyện những gì và ra sao. Nhưng khi quay lại thi hài và ra lệnh “Ta-bi-tha, hãy dậy!” thì chắc rằng Phi-e-rơ đã cầu nguyện cho đến khi được Chúa xác nhận có đủ quyền ra lệnh cho người chết sống lại, cho nên sau khi ông ra lệnh thì, “Ta-bi-tha mở mắt trông thấy Phi-e-rơ, bà ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng lên, rồi gọi các thánh đồ và các quả phụ đến, cho họ thấy bà sống” (40–41). Cuộc thực hiện phép lạ nầy còn lừng lẫy hơn việc chữa lành người bại.

Mặc dù “cả thành Giốp-bê đều biết việc đó, và có nhiều người tin Chúa” (42), nhưng vẫn còn một số người chưa chịu tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa. Đáng lẽ ra tất cả người dân ở Giốp-bê đều tin Đức Chúa Giêxu sau khi được biết phép lạ kinh hồn nầy. Có lẽ những người chưa chịu tin thì nghĩ rằng chưa chắc đã chết thật, có lẽ bị ngất đi rồi hồi sinh mà thôi. Ngày nay, nhiều người vẫn thường lý luận theo lý trí, để bác bỏ các phép lạ sờ sờ. Có lẽ người ở vùng bờ biển khó tin Chúa hơn, nên “Phi-e-rơ ở lại Giốp-bê nhiều ngày, tại nhà Si-môn, thợ thuộc da” (43) để giảng cho họ.

SachCongVu21.docx

Rev. Dr. CTB