Sách Công Vụ, bài 03
Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12–26
Luca miêu tả cảnh tượng đoàn môn đồ trở về Giêrusalem từ núi Olive là “mừng rỡ vô cùng” (Luca 24:52). Quãng đường “người ta được phép đi trong ngày Sabát” (12) chỉ dài khoảng một cây số; cho nên, mặc dù được gọi là núi Olive, nhưng đây là đỉnh nằm giữa của ba ngọn đồi được tạo thành bởi một rặng núi thấp chạy theo hướng bắc-nam dài chừng hai dặm rưỡi, nằm về phía đông của Giêrusalem, chỉ cao hơn đỉnh đồi có đền thờ khoảng 60 thước tây. “Phòng cao” tức là phòng ở trên lầu của một cái nhà “là chỗ trọ của Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con An-phê, Si-môn Xê-lốt- và Giu-đe con Gia-cơ” (13). Căn phòng đủ chỗ ở cho 11 sứ đồ, cộng thêm những người đàn bà và các em trai của Đức Chúa Giêxu, chắc phải rất rộng (14). Vì trong một buổi họp vài ngày sau đó có đủ chỗ cho 120 người tham dự (15).
Sự “đồng tâm bền chí cầu nguyện” của những người đã nêu tên “cùng với các nữ môn đồ, và Mari, mẹ Đức Chúa Giêxu và các em trai Ngài,” là sự vâng theo lời dặn cuối cùng của Đức Chúa Giêxu rằng: “Hãy chờ đợi trong thành, cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Luca 24:49). Trong lúc chờ đợi thì không gì có ích và thuận tiện hơn là cầu nguyện. Không phải họ cầu nguyện toàn thể thời gian của những ngày chờ đợi ấy, vì họ còn phải sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, và họp nữa (15); đồng thời, phòng cao ấy dù rộng rãi cũng không đủ chỗ ăn ở cho ngần ấy người. Có người cho rằng chỗ ấy có lẽ là phòng cao nơi Đức Chúa Giêxu đã ăn bữa tiệc cuối cùng với các môn đồ của Ngài (Luca 22:8–13); cũng nơi đó Ngài đã rửa chân, phục vụ cho các môn đồ mình (Giăng 13:3–5). Tinh thần “đồng tâm bền chí” của 11 sứ đồ và các môn đồ khác, thì hoàn toàn khác biệt với tinh thần tranh chấp nhau giành quyền chỉ huy giữa các sứ đồ trước khi Đức Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập tự giá (Luca 22:24).
Bà Mari, mẹ phần xác của Đức Chúa Giêxu, dù có mặt nơi đó nhưng không giữ vai trò quan trọng nào về lãnh đạo. Bà vẫn chờ đợi để được mặc lấy quyền năng như mọi người khác. Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã giao trách nhiệm phụng dưỡng mẹ mình cho sứ đồ Giăng trước lúc Ngài tắt hơi (Giăng 19:26-27), nhưng có lẽ lúc đó các em trai của Đức Chúa Giêxu chăm sóc cho mẹ của họ, vì họ cũng có mặt trong đám đông chờ đợi (14). Trước kia họ đã có lúc không tin Ngài (Giăng 7:5), nhưng sau nầy họ là những người trụ cột của Hội-thánh non trẻ (Công vụ 15:13; 21:18; Galati 2:9; Gia-cơ 1:1). Sự đồng tâm bền chí cầu nguyện với những môn đồ khác là một sự biến đổi sâu đậm của các tâm linh thật sự được thuyết phục bởi sự sống lại vinh quang và về trời huy hoàng của Chúa.
Dù đã có hơn 500 người ở Ga-li-lê được thấy Chúa-phục-sinh bằng xương thịt, nhưng chỉ có 120 người trở về Giê-ru-sa-lem để chờ đợi được mặc lấy quyền năng từ trên cao. Cuộc bàn luận và trích lời Kinh-thánh trong buổi họp chọn người thay thế cho Giuđa Íchcariốt chứng tỏ rằng họ có việc khác phải làm chứ không chỉ là cầu nguyện (15–16). Đáng tiếc cho Giuđa là người đã từng được Đức Chúa Giêxu sai đi và ban cho quyền phép trị quỷ, trừ tà và chữa bệnh cùng với 11 sứ đồ khác (Mathiơ 10:1); cũng được nghe Chúa hứa sẽ cho họ được ngồi trên 12 ngôi để xét đoán 12 chi tộc Israel (Luca 22:28–30). Nhưng chỉ vì tham lam tiền bạc mà bán Chúa của mình.
Lời kể của Phierơ ở đây: “Người ấy vốn thuộc về chúng ta, dự phần phục vụ với chúng ta. Nhưng người ấy lấy tiền công gian ác của mình mua một đám ruộng, rồi té nhào xuống, nứt bụng, ruột đổ ra” (17–18) có phần khác với ký thuật của Mathiơ về việc ấy: “Giuđa, kẻ phản Chúa, thấy Ngài bị kết án thì hối hận, đem ba mươi miếng bạc trả các thầy trưởng tế và các trưởng lão. Nó nói: ‘Tôi có tội, vì đã phản bội huyết vô tội!’ Họ đáp ‘Mặc anh! Việc ấy can hệ gì đến chúng tôi?’ Giuđa đem ném bạc vào trong đền thờ rồi đi ra thắt cổ tự tử” (Mathiơ 27:3–5). Bởi vì Luca đã tìm tòi, tham khảo tất cả những gì đã được viết, thì chắc chắn ông có biết sách Mathiơ, nhưng ông không thấy có sự mâu thuẫn giữa hai lời thuật truyện: tự treo cổ hay lao mình xuống một cọc nhọn đâm qua mình để tự sát vào thời đó thì được xem là giống nhau.
Có hai lý do để miếng ruộng được đặt tên là ‘Akeldama.’ Mathiơ 27:6–8 kể rằng các thầy tế lễ mua miếng ruộng bằng tiền đã trả cho Giuđa, nên họ dùng tên Giuđa đứng chủ quyền miếng đất. Họ gọi đó là “ruộng huyết” vì là giá tiền mua huyết, tức là sinh mạng của một người. Lý do thứ nhì mà người ta cũng gọi miếng đất đó là ruộng huyết vì cái chết quá dữ dội của Giuđa. Chữ huyết vào thời Tân-ước nói về những cái chết có liên quan tới bạo lực. Mà Giuđa tự lao xuống cái cọc nhọn mà ông ta dùng để tự sát, nên người ta đặt tên là Akeldama (phát âm là Ắc-en-đa-ma), tức là ruộng huyết.
Phierơ trích dẫn Thi-thiên 69:25 và 109:8 để nhấn mạnh tới việc phải có người thay thế chỗ của Giuđa (20); bởi vì 12 sứ đồ được chọn chủ yếu là để làm chứng nhân cho những lời dạy bảo của Đức Chúa Giêxu. Họ cần tìm người thay thế Giuđa, nhưng người đó phải là “đã cùng chúng tôi theo Đức Chúa Giêxu suốt thời gian Ngài đi lại giữa chúng ta, từ lúc Giăng bắt đầu làm báp tem cho đến ngày Ngài được rước về trời, phải có một người cùng với chúng tôi làm chứng về việc Ngài sống lại” (21–22). Phierơ nêu ra các điều kiện để mọi người dựa vào đó mà chọn lựa. Ngoài việc Đức Chúa Giêxu chọn mười hai sứ đồ với mục đích làm chứng nhân về những điều dạy dỗ của Ngài, thì Ngài cho biết họ cũng sẽ nhận được chức vụ và uy quyền xét đoán trong Vương-quốc sẽ đến. Vì thế cần phải “Xin cho một người khác lãnh chức vụ nó” (20 – Thi-thiên 109:8).
Có hai người đạt được các điều kiện trên là đã cùng các sứ đồ đi theo Đức Chúa Giêxu từ lúc Giăng Baptist bắt đầu làm phép báp-têm cho đến ngày cùng với các môn đồ khác nhìn thấy cảnh tượng Ngài được rước về trời. Một là “Giô-sép, tức là Ba-sa-ba,” (có nghĩa là “con của ngày Sa-bát,” hay ‘sinh ra nhằm ngày Sa-bát’). Ông nầy cũng như nhiều người Giuđa khác lấy tên La-mã mà tên ông là Justus. Người thứ nhì là “Ma-thia” (23). Theo sử gia Eusebius của Hội-thánh vào thế kỷ thứ ba, thì Ma-thia là một trong 70 môn đồ đã được Đức Chúa Giêxu sai đi giảng đạo từng đôi trong các năm đầu của chức vụ Ngài (Luca 10:1). Chi tiết về hai người nầy chứng minh cho lập luận về việc có nhiều người vô danh khác không thuộc hàng ngũ 12 sứ đồ đã chứng kiến Chúa sống lại và được nghe các lời dạy dỗ của Ngài trong 40 ngày sau khi Ngài phục sinh.
Chúng ta cũng cần phải biết rằng trong số nhiều người đi theo Đức Chúa Giêxu để làm môn đồ, thì không phải ai cũng là người được kêu gọi, hay được chọn. Vào thời Đức Chúa Giêxu còn trên đất, nhiều người đi theo Ngài để mong được làm môn đồ. Bất cứ ai cũng được tự do đi theo người mà họ chọn làm thầy mình. Vì vậy, lúc nào cũng có một đám đông theo Đức Chúa Giêxu. Tuy thế, để chọn 12 sứ đồ trong một đám đông, Chúa phải cầu nguyện thâu đêm (Luca 6:12–13). Cho nên, không phải hễ có đi theo Đức Chúa Giêxu thì được kể là môn đồ Ngài đã kêu gọi.
Để chọn một trong hai người, trước hết các sứ đồ phải cầu xin Chúa chỉ dẫn vì biết rằng Đức Chúa Giêxu thấu hiểu lòng của người mà Ngài muốn cử làm vị sứ đồ thứ mười hai (24–25). Họ dùng phương pháp bắt thăm của thời Cựu-ước; có lẽ là làm theo tiền lệ có ghi trong Châm-ngôn 16:33 “Người ta rút thăm trong vạt áo, nhưng mọi quyết định đến từ Đức Giêhôva.” Theo sự tin tưởng nầy thì Đức Chúa Trời sẽ ra tay bác bỏ luật may rủi để bày tỏ sự lựa chọn của Ngài trong những việc liên quan đến công việc nhà Ngài, bằng cách rút thăm. Sau vụ rút thăm nầy, trọn sách Công Vụ không thấy nói đến việc dùng phương pháp rút thăm lần nào nữa. Sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ-tuần, thì các sứ đồ nương dựa vào sự chỉ dẫn của Ngài, không còn sử dụng phương pháp rút thăm như trước kia.
Nhiều người ngày nay thường thắc mắc tại sao Phaolô không được chọn vào hàng ngũ mười hai sứ đồ của Đức Chúa Giêxu? Vào lúc chọn vị sứ đồ thứ 12 để thay chỗ cho Giuđa Íchcariốt thì Phaolô, lúc bấy giờ tên là Saulơ, một thanh niên trẻ tuổi rất nhiệt thành với Do thái-giáo (Công Vụ 7:58; 8:1) kịch liệt chống đối đạo Chúa. Lý do kế tiếp là Phaolô được gọi làm sứ đồ của dân ngoại, không phải là sứ đồ cho dân Do-thái (Galati 2:7–9). Chức vụ của ông ngang hàng về sự kêu gọi và uy quyền như các sứ đồ khác, nhưng ông chưa khi nào tự ghép mình vào nhóm mười hai sứ đồ (1Côrinhtô 15:7–10). Đức Chúa Giêxu dành sẵn một địa vị cao trọng đặc biệt cho ông.
SachCongVu03.docx
Rev. Dr. CTB