Phúc Âm Giăng, bài 01

Bối Cảnh Tân Ước

Thời Kỳ Giữa Hai Giao Ước

Về mặt lịch sử, có khoảng 400 năm bị ngắt quãng giữa thời Cựu Ước với Tân Ước, tức là từ tiên tri Malachi, thời Nêhêmi làm tổng trấn xứ Giuđê đời vua Batư Artaxerxes, tới ngày Đức Chúa Giêxu giáng sinh (432–5 B.C.). Thời kỳ nầy cũng được gọi là thời gian im lặng, vì tuyệt nhiên không có tiếng nói nào từ trời đến cho loài người. Những biến cố, các thế lực xã hội và văn học trong những năm đó đã làm hình thành thế giới thời Tân Ước. Từ khi quốc gia Israel bị xoá sổ, lãnh thổ Do-thái bị chuyển qua tay nhiều đế quốc khác nhau cai trị. Sử gia duy nhất Josephus không nhắc gì tới lãnh thổ nầy trong những năm cuối của đế quốc Batư. Năm 332 B.C., vùng đất ấy bị Alexander đại đế chiếm, với mộng buộc mọi dân tộc dùng ngôn ngữ và văn hoá Hylạp.

Sau khi Alexander đại đế đột ngột chết yểu năm 323 B.C., đế quốc mà ông đã thôn tính bị bốn tướng tranh chấp, thành hình hai vương triều thù nghịch nhau: Ptolemies ở Ai-cập và Seleucids ở Syria và vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia). Trong suốt một thế kỷ, dải dất Do-thái nhỏ bé bị cai trị lần lượt bởi hai vương triều nầy. Sự cai trị của các vua Ptolemies có phần quan tâm đến những sự nhạy cảm của tôn giáo người Giuđa. Nhưng đến năm 198 B.C., dòng Seleucids ở phía bắc thắng thế và cai trị xứ Palestine, thì sau những năm đầu vẫn giữ chính sách khoan dung của Ptolemies, họ bỏ chính sách cũ, buộc người Giuđa phải Hy-lạp-hoá triệt để, lúc Antiochus IV Epiphanes (nghĩa là ‘Thượng Đế hiển hiện’) lên ngôi cai trị trong các năm 175-164 B.C. Dù giới quý tộc Giuđa đã tiếp thu văn hoá Hy-lạp, đa số quần chúng Giuđa rất phẫn nộ đối với chính sách mới.

Mục tiêu của Antiochus là loại trừ tôn giáo của người Giuđa, cố gắng tiêu huỷ hết các bản Ngũ Kinh, buộc phải dâng tế lễ cho thần Zeus của người Hy-lạp. Ông dựng tượng thần Zeus và dâng tế lễ bằng một con heo trong đền thờ Đức Chúa Trời tại Giêrusalem. Mattathias, trưởng lão dòng dõi thầy tế lễ và năm con trai là Giuđa Macabê, Giônathan, Simôn, Giăng, và Ê-lê-a-xa, ở một làng nhỏ nổi dậy phá huỷ bàn thờ Hy-lạp, giết sứ giả của Antiochus và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa kéo dài 24 năm (166–142 B.C.) giành độc lập cho Giuđa, thiết lập triều đại Hasmonean. Nhưng sau cái chết của người con trai cuối là Simôn, thì triều đại nầy vội biến thành giới quý tộc của chính thể Hy lạp, có chính sách chẳng khác gì đường lối của dòng họ Seleucids xưa kia.

Khi Giăng Hyrcanus con của Simôn lên nối ngôi, người Giuđa chính thống bị thất sủng, dòng họ Hasmonean coi trọng những người Giuđa Hy-lạp. Chính người Pharisi bị vua Alexander Janneus (102–76) của dòng Hasmonean bách hại. Triều đại Hasmonean chấm dứt năm 63 B.C. khi hai con trai của Janneus là Aristobulus II và Hyrcanus II tranh chấp nhau. Tướng Pompey, người chinh phục phía đông cho đế quốc La-mã, nhảy vào can thiệp, đánh hạ và chiếm Giêrusalem sau ba tháng bao vây khu vực đền thờ, tàn sát tất cả các thầy tế lễ đang thi hành công việc tế lễ, rồi tiến vào gian Chí Thánh của đền thờ.

Những người Israel bị tản lạc khắp nơi, bị cắt đứt khỏi sinh hoạt tôn giáo của đền thờ, thì tập trung đời sống tôn giáo của họ vào sự học tập Ngũ Kinh và sinh hoạt ở nhà hội. Vào thời gian đó ở quê hương Giuđê, giới quý tộc chịu ảnh hưởng nặng của văn hoá Hy-lạp trở thành đảng Sa-đu-sê cai trị tất cả sinh hoạt tôn giáo ở đền thờ. Mặc dù không phải là đa số, nhưng họ giành một phần lớn quyền lực chính trị, nắm quyền kiểm soát chức tế lễ thượng phẩm. Và để duy trì địa vị cũng như quyền thế, họ hoàn toàn không muốn thay đổi. Họ chống lại tất cả các sách vở tôn giáo và giáo lý nào ngoài Ngũ Kinh. Do đó họ không tin có sự sống lại, vì Ngũ Kinh không nói tới.

Dân Israel bị lưu đày khắp thế giới phải đối phó với sức ép của các thói tục tín ngưỡng ngoại bang, sợ đức tin bị mai một, sợ bị mất gốc của mình, nên họ thành lập nhà hội để tập trung vào những gì họ còn giữ được là Ngũ Kinh và niềm tin rằng họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Họ chú trọng vào luật pháp hơn là đất nước, lòng sùng kính riêng tư hơn là sự cần thiết của các thánh lễ, và cầu nguyện để thay thế cho các hình thức tế lễ mà họ không được phép thực hiện. Sau khi được hồi hương từ xứ lưu đày, họ đem hình thức mới về biểu lộ niềm tin cũng như hình thức nhà hội; theo đó, Do-thái-giáo có thể thực hành ở bất cứ nơi nào được đem Ngũ Kinh theo. Sự chú trọng về lòng sùng kính cá nhân và mối liên hệ tương giao với Đức Chúa Trời, mà đặc điểm là hình thức thờ phượng Chúa ở các nhà hội, chẳng những duy trì được Do-thái-giáo mà cũng dọn đường cho Tin Lành sau nầy.

Từ các nhà hội đã hình thành nhóm Pharisi là giới lãnh đạo tôn giáo Giuđa trong các nhà hội ấy. Người Pharisi chú trọng vào sự giải nghĩa hay diễn giải luật pháp. Họ dựng ‘hàng rào’ quanh luật pháp ấy để giúp cho người Do-thái có thể sống công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời trong một thế giới khác hẳn thời Môise. Mặc dù đảng Pharisi là thiểu số, nhưng được đa số quần chúng ủng hộ, ý kiến họ trở nên phổ biến và thành chính sách chung của dân tộc. Họ là nhóm duy nhất còn sót lại sau khi đền thờ bị phá huỷ vào năm 70 A.D., rồi trở thành bậc tiền bối của Do-thái-giáo chính thống hiện nay.

Trong những năm đau khổ vì bị đè nén và tranh chấp nội bộ, người Do-thái đã làm thành các áng văn chương ghi lại thời đại của họ. Nhưng ba bộ sách nổi bật là: Bộ Bảy Mươi (Septuagint), các Nguỵ Kinh và Các Cuộn Biển Chết. Truyện kể rằng vua Ptolemy Philadelphus (250 B.C.) đem 72 học giả ra đảo Pharos, gần Alexandria để dịch Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp trong 72 ngày. Vì vậy Septuagint là tiếng La-tinh của số 70 được gán cho bản dịch nầy (viết tắt theo số La-mã là bản LXX). Nó nhanh chóng trở thành Kinh Thánh của người Do-thái lưu vong không còn nói tiếng Hêbơrơ; sau nầy là Kinh Thánh của Hội Thánh thời sơ lập. Vì được sử dụng rộng rãi và phổ thông, nó là lý do khiến một số nhánh của Cơ-đốc-giáo giới loại bỏ các Nguỵ Kinh xuất hiện về sau.

Nguỵ Kinh (Apocrypha) ra từ chữ Hy-lạp nghĩa là ‘giấu kín.’ Nguỵ có nghĩa là ‘giả,’ nhưng theo nghĩa riêng là nói về một nhóm sách cụ thể một số áng văn khác nhau được viết vào thời kỳ giao thời giữa hai giao ước, ngoại trừ 2 sách Esdras (k. A.D. 90), được ghép thêm vào các sách đã kinh điển thành Kinh Thánh. Qua một tiến trình lịch sử phức tạp, giáo hội Tây La-mã và Đông Chính-thống đã công nhận các nguỵ kinh ấy cũng có thẩm quyền như cách sách khác đã kinh điển trong bản LXX. Sự kinh điển Kinh Thánh Cựu Ước được các phái Tin Lành ngày nay chấp nhận rất có thể đã được thiết lập vào đầu thế kỷ thứ nhì, sau khi Giêrusalem bị chiếm và đền thờ bị tàn phá vào năm 70 A.D. Các giáo phụ của Hội Thánh cũng không đồng ý nhau về nguỵ kinh. Hội nghị Trent (1546) và Công-đồng Vatican I (1869-70) ghép nguỵ kinh vào bản Septuagint.

Gã mục tử A-rập tình cờ đi vào hang động ở vùng đồi nhìn xuống bờ tây nam của Biển Chết vào mùa xuân 1947, đã tìm thấy những cuộn sách bằng da chứa trong các chum gốm, được gọi là “sự phát hiện quan trọng nhất trong thời đại nầy về các thủ bản cổ.” Các bản văn và mảnh rời từ các bản văn được tìm thấy trong các hang ấy được gọi là “Các Cuộn Biển Chết,” gồm các sách Cựu Ước, vài sách Nguỵ-kinh, các bản văn về thời tận thế, một số sách được cho là tác phẩm của các anh hùng đức tin thời cổ đại, và một số sách riêng nói về phái đạo giáo đã sao chép các sách vừa nói. Có khoảng một phần ba các văn kiện là thuộc về Kinh Thánh, với sách Thi Thiên, Phục Truyền Luật Lệ Ký và sách Ê-sai, là những sách được trích dẫn nhiều nhất trong Kinh-thánh Tân Ước. Mà phát hiện quan trọng nhất là cuộn sách tiên tri Ê-sai dài 24 foot.

Vì tất cả nguyên bản của Kinh Thánh đều đã bị mất, Các Cuộn Biển Chết đã đóng góp phần vô cùng quan trọng trong nỗ lực tìm các bản sao không lầm lỗi, phản ảnh chính xác các nguyên bản, vì chúng cung cấp các bản sao cổ 1000 năm gần với bản chính so với những bản đã có trước kia. Sự hiểu biết về tiếng Hêbơrơ và Aram dùng viết Kinh Thánh, cũng như sự phát triển của Do-thái-giáo trong thời kỳ giữa hai giao ước, đã được gia tăng rất đáng kể. Điều quan trọng nhất đối với người đọc và học Kinh-Thánh là các bằng chứng sao chép văn bản Cựu Ước cực kỳ cẩn thận xác nhận tính đáng tin cậy của Kinh Thánh mà chúng ta đang có.

PhucÂmGiang01.docx

Rev. Dr. CTB