Phúc Âm Giăng, bài 02

Bốn Sách Phúc Âm

Các sách Phúc Âm là trái đầu mùa của mọi văn bản.

Giáo Phụ Origen, Thần học gia ở Alexandria (Thế kỷ 3 A.D.)

Có bốn sách Phúc Âm đã được vô số Cơ-đốc-nhân chính thống nhìn nhận trong suốt 2000 năm qua. Trong thời gian đó, cũng có một số người viết sách và đặt tên là phúc âm, nhằm truyền bá và đề cao một số tà thuyết của họ, nhưng đã thất bại, chẳng được ai nhìn nhận. Tại sao chỉ có bốn sách Phúc Âm mà không phải là nhiều hay ít hơn? Tại sao không ghép bốn sách đó lại thành một, cắt bỏ tất cả các chi tiết trùng lắp, rút gọn hay loại bỏ một số chi tiết có vẻ không chính xác vì mâu thuẫn với nhau? Thật ra, nỗ lực hợp nhất cả bốn sách đã có từ thế kỷ 2, nhưng không hấp dẫn được người đọc. Mặc dù có vài cách giải thích khác nhau, nhưng có lẽ sự giải thích về việc Đức Thánh Linh muốn truyền Lời Ngài cho bốn nhóm độc giả khác nhau là hợp lý và tốt nhất.

Vào thời Kinh Thánh Tân Ước thành hình thì trong phạm vi xứ thánh và toàn đế quốc La-mã thời bấy giờ có bốn nhóm dân mang bốn quan điểm và tâm lý khác nhau, mà mỗi sách Phúc Âm thích hợp cho một nhóm. Sách Mathiơ trình bày Đức Chúa Giêxu chính là Đấng Mếtsaia mà dân Do-thái đang trông đợi; cho nên, thích hợp với người Do-thái nhất. Sách nầy trưng dẫn Cựu Ước, chi tiết và gia phả của Đức Chúa Giêxu. Sách cũng nói về vai trò Vua của Ngài nữa, vì đó là điều người Do-thái trông mong. Sách Mác thì nhắm vào các độc giả người Lamã và người thuộc các sắc dân khác có tâm lý giống như người La-mã thích hành động hơn là suy nghĩ. Sách trình bày Đức Chúa Giêxu là môt người đầy tớ đến để phục vụ loài người trên đất, nên tác giả ghi nhiều phép lạ hơn là lời giảng. Sách không ghi gia phả, vì người La-mã không cần biết gì về gia phả của một người đầy tớ.

Sách Luca là Tin Mừng cho người Hy-lạp cũng như vô số người thích mỹ thuật, văn chương Hy-lạp. Văn phong và cách trình bày sự việc được sắp xếp có thứ tự của sách Luca đáp ứng được tâm lý những người ưa chuộng phong cách văn hoá và văn chương trong sáng của một tác phẩm. Luca trình bày Đức Chúa Giêxu là Con Người đến từ trời để giải thích cho tín hữu gốc dân ngoại thấy chỗ của họ trong Vương-quốc Đức Chúa Trời. Sự trình bày ấy căn cứ trên những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu. Người Pháp thời nay giống như người Hy-lạp ngày xưa, cũng có đồng tâm lý chuộng cái đẹp trong văn chương; cho nên, độc giả Pháp cho rằng Luca là sách viết hay nhất.

Sách Phúc Âm Giăng được gọi là Tin Mừng toàn cầu, tức là bất cứ sắc dân nào cũng hiểu dễ dàng về thần tánh của Đức Chúa Giêxu mà tác giả muốn trình bày. Mục đích của sách đã được sứ đồ Giăng công bố rõ ràng là “để anh em tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. Bởi niềm tin đó, anh em hưởng được sự sống nhờ Danh Ngài” (Giăng 20:31). Câu nầy có hai nhóm độc giả trong trí của tác giả: 1) Những người muốn tìm hiểu về Tin-mừng sẽ tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu Thế; 2) Những người đã tin đạo sẽ càng vững vàng hơn trong đức tin về thần tánh của Con Người Giêxu, vì Ngài là tư tưởng, là trí khôn ngoan và lời nói của Đức Chúa Trời được sai xuống thế gian làm một Người vô cùng đặc biệt trong lời tuyên bố đã trở thành cốt lõi của Tin Mừng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân thế, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để tất cả những ai tin Con ấy đều không bị hư vong, nhưng được cuộc sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).

Như vậy, bốn sách Phúc Âm nêu bật bốn chủ đề, mà mỗi sách chú trọng vào một chủ đề. Ma –thiơ trình bày Đức Chúa Giêxu, Đấng Christ, cũng gọi là Đấng Thiên Sai, đã đến thế gian trong thể xác loài người để làm ứng nghiệm tất cả những lời tiên tri nói về Ngài trong Cựu Ước và ứng nghiệm hình ảnh vị Vua cưỡi lừa: “Nầy Vua ngươi đến với ngươi; Ngài là Đấng Công Chính và ban sự cứu rỗi, khiêm tốn và cưỡi lừa“(Xachari 9:9). Ngài sẽ trở lại thế giới lần thứ nhì để làm Vua như các lời tiên báo về Ngài đã ứng nghiệm. Chủ đề của sách Mác là trình bày Đức Chúa Giêxu đến để phục vụ loài người như một đầy tớ, ứng nghiệm lời Đức Chúa Trời được chép: “Đây là đầy tớ Ta, Người mà Ta nâng đỡ, là Người mà Ta đã chọn, và linh hồn Ta hài lòng. Ta đã đặt Thần Ta trên Người, và Người sẽ bày tỏ công lý cho các nước” (Êsai 42:1). Ngài “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45).

Chủ đề của sách Luca là trình bày Đấng Christ như Con của Loài Người. Ngài thật mạnh mẽ nhưng đầy lòng thương xót; nổi bật là một Con Người hoàn hảo không một khiếm khuyết nào, vì người Hy-lạp đang tìm kiếm một người thiêng liêng hoàn hảo như vậy. Đời sống cầu nguyện của Ngài được nói đến nhiều lần. Rồi Ngài là một Người rất thông cảm với hoàn cảnh khổ đau, tuyệt vọng của người khác (Luca 7:47–48, 50). Như trên đã đề cập, chủ đề của sách phúc âm Giăng là thần tánh của Đức Chúa Giêxu như lời phán từ xưa: “Ai rao tin lành cho Giêrusalem, hãy ra sức cất tiếng lên! Hãy cất tiếng lên, đừng sợ! Hãy bảo các thành của Giuđa rằng: ‘Đây là Đức Chúa Trời của các ngươi!‘” (Êsai 40:9).

Sách Giăng không giống như ba sách được gọi là Phúc Âm Đồng Quan, là những sách có rất nhiều chi tiết giống nhau đến độ gần như dùng chữ giống hệt nhau trong một số phân đoạn, đồng thời ba sách đó cũng có quá nhiều sự dị biệt, tạo ra nan đề của các sách đồng quan. Các thắc mắc và tranh luận giữa những người không tin về sự thần cảm của Đức Thánh Linh trong việc ghi lại thánh vụ của Đức Chúa Giêxu trên thế gian, đã không bao giờ cạn. Lời giải đáp hợp lý nhất được chấp nhận là áp dụng lời Đức Chúa Giêxu cho biết ở Giăng 14:26 “Nhưng Đấng An-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con.” Nghĩa là Đức Thánh Linh sẽ giúp các môn đồ nhớ lại những gì họ thấy tận mắt. Và vì không phải tất cả các môn đồ đều chứng kiến lúc sự việc diễn ra, nên các hồi tưởng của người ghi chép lại, hay của người kể để người khác ghi chép, thì không hoàn toàn giống nhau. Do đó có một số chi tiết khác nhau trong ba sách Phúc Âm Đồng Quan.

Tác giả sách Giăng rõ ràng là một người Do-thái, chứng tỏ trong cách viết, cách sử dụng ngữ vựng và sự hiểu biết sâu sắc quen thuộc về những phong tục đặc trưng của người Do-thái, là phong tục có các sinh hoạt dựa vào bối cảnh niềm tin tôn giáo Cựu Ước. Tác giả cũng biết rõ ràng về thành phố Giêrusalem và đền thờ; là nhân chứng trực tiếp của những điều mình tường thuật, vì đã ký thuật vô số chi tiết về địa danh, các nhân vật, thời gian xảy ra, và các phương cách thực hiện. Tác giả cũng chứng tỏ mình là một sứ đồ của Chúa vì có nhiều hiểu biết thân mật về các môn đồ thân tín của Đức Chúa Giêxu và với chính Ngài nữa. Sở dĩ chúng ta biết chắc tác giả là sứ đồ Giăng, vì ông kể tên các sứ đồ khác hoàn toàn chính xác nhưng không kể tên mình vào, nên ông được xem như người đã không được nêu tên trong các câu 13:23; 19:26; 20:2; 21:7, 20.

Sách Giăng chiếm một vị trí riêng biệt trong Kinh Thánh, vì dù đứng một mình, nó vẫn cung cấp đầy đủ chân lý của Đạo để người đọc suy gẫm mãi. Giăng không tự xưng tên mình là tác giả của sách. Nhưng một số chi tiết các sự kiện xảy ra được ghi trong sách, nếu không phải do chính tác giả tự mình biết và trải qua, thì chẳng ai biết được. Lời kể của giáo phụ Clement ở Alexandria cho biết lý do vì sao sứ đồ Giăng phải viết Phúc-âm nầy trong lúc đang có ba sách Phúc-âm khác lưu hành trong các Hội Thánh: Ở cuối đời trường thọ của mình, sứ đồ Giăng được một số bạn bè thân thiết nhất đến thăm tại Êphêsô, và xin ông viết một sách Phúc-âm để bổ sung cho các sách Phúc-âm đồng quan. Giăng đã cầu xin Đức Thánh Linh giúp đỡ để ghi lại những lời nói của Đức Chúa Giêxu và ý nghĩa sâu nhiệm hơn về các phép lạ Chúa đã thực hiện.

Hầu hết các học giả đều đồng ý với các giáo phụ Irenaeus, Clement ở Alexandria, và Jerome rằng Giăng là sách cuối cùng của bốn sách Phúc-âm được viết ra. Theo lịch sử thì Giăng sống tới thời trị vì của hoàng đế La-mã Trajan (từ 89 A.D.), nên sách được viết vào khoảng cuối thế kỷ I. Giáo phụ Irenaeus, truyền nhân của Polycarp, một môn đồ của Giăng, xác nhận rằng sách Phúc–âm nầy được Giăng viết tại Êphêsô là nơi Giăng làm giám mục khoảng cuối đời mình.

PhucAmGiang02.docx

Rev. Dr. CTB