Phúc Âm Giăng, bài 19

Giăng 9:1–41

Tâm lý của người ta là tìm cách quy trách nhiệm cho một phía nào đó về sự bất hạnh của số phận người; nhất là tật nguyền bẩm sinh (1–2). Rất có thể khi Đức Chúa Giêxu thấy người mù ấy, động lòng thương xót rồi nói cho các môn đồ của Ngài biết người ấy bị mù từ khi sinh ra; Đức Chúa Giêxu không quy trách nhiệm về sự tật nguyền cho cha mẹ hay cá nhân người ấy. Ngài cho biết đó là vì “công việc của Đức Chúa Trời phải được bày tỏ qua anh ấy” (3). Chúng ta cần hiểu vài điều quan trọng về ý nghĩa của chữ “ban ngày” (4). Ban ngày nói về thì giờ làm việc. Thì giờ của Đức Chúa Giêxu ở trần gian có giới hạn nhất định. Các công tác của Ngài và công việc của Nước Đức Chúa Trời phải hoàn thành trước khi thời gian của cõi trần chấm dứt. Vì sau khi tận thế sẽ không có thời gian nữa. Đức Chúa Giêxu cũng cần hoàn thành công việc của Ngài trước khi Ngài chịu chết. Chúa không thể chần chờ vì Ngài chỉ có 3 năm rưỡi để thực hiện “công việc của Đấng đã sai Ta.” Những việc đó rất cần thiết; cho nên, Đức Chúa Giêxu đã chữa bệnh, đuổi quỉ cả trong ngày sabát, là ngày theo luật pháp có thể làm những việc phải làm hay việc thiện.

Đức Chúa Giêxu nhắc lại chân lý Ngài là “Ánh sáng của thế giới” mà Ngài đã phán trước đó (8:12). Đấng là nguồn ánh sáng phải đem ánh sáng cho những người bị nhốt trong bóng tối của sự mù loà (5). Cách chữa bệnh kỳ lạ của Đức Chúa Giêxu có ý muốn dạy con dân Ngài phải biết lột bỏ những ý tưởng bị truyền thống tôn giáo đóng khung (6–7). Phản ứng của người đời trước phép lạ sờ sờ là khó tin, dù người nhận được phép lạ lên tiếng xác nhận (8–9). Sau khi câu chất vấn của họ đã được chính người mù trả lời, họ vẫn muốn nghe giới giáo phẩm giải thích sao cho phù hợp với các giáo điều của tôn giáo mình là không được làm việc trong ngày Sabát (10–14).

Dù đứng trước một sự thật không thể chối cãi, phái Pharisi không chịu nhìn nhận phép lạ mà Đức Chúa Giêxu đã thi thố. Họ cứ tìm cách bắt bẻ việc Ngài chữa bệnh trong ngày sabát, là điều tâm trí họ không chấp nhận (15–16). Ngày nay khi nghe những dấu kỳ phép lạ mà Chúa đang thực hiện trước khi tận thế, vẫn có vài tên ‘Pharisi thời đại’ hỗn láo chất vấn Chúa: “Chúng ta tự hỏi: Chúa ban vàng, ngọc, dầu, ma-na như thế để làm gì khi Kinh Thánh không hề nói đến?” (*). Bọn dốt nầy chưa bao giờ hiểu nổi lời chép: “Những điều mắt chưa thấy, tai chưa nghe, lòng người chưa nghĩ tới, là điều Đức Chúa Trời dành sẵn cho người yêu mến Ngài.” (1Côr.2: 9). Nếu sự lạ, dấu kỳ của Chúa bị bắt buộc phải theo đòi hỏi trong tâm trí tối tăm của bọn nầy, thì chắc họ cho rằng Đức Chúa Trời không được phép làm những việc mà họ không thể tin.

Lời đáp của người mù tin rằng Đức Chúa Giêxu là Đấng-tiên-tri càng khiến các kẻ vô tín bối rối thêm; đến nỗi họ “không tin trước kia anh mù mà nay được sáng, cho đến khi gọi cha mẹ anh đến” (17-18). Thời bấy giờ, danh hiệu “Tiên tri” có nghĩa là người được Đức Chúa Trời phái đến, hoặc là Đấng Christ. Lòng vô tín của giới lãnh đạo tôn giáo, những kẻ quyết tâm không tin Đức Chúa Trời có thể dùng người ta thi hành phép lạ, bộc lộ qua lời nói và việc làm của họ (19). Cha mẹ của anh mù thì sợ bị trục xuất ra khỏi nhà hội, tức là bị loại trừ ra khỏi các sinh hoạt của cộng đồng người Do-thái đương thời; vì thế, họ giao trách nhiệm trả lời cho con trai mình (20–23). Thủ đoạn vu khống, miệt thị vô cớ vẫn luôn là mánh khoé của kẻ đuối lý nhưng gian xảo, họ lợi dụng Danh Đức Chúa Trời: “Hãy ca ngợi Đức Chúa Trời! Chúng ta biết Người đó là Người tội lỗi” (24). Ý họ muốn nói là người công chính sẽ không vi phạm ngày Sabát, dù là chữa bệnh.

Lời nói của người mù đã kinh nghiệm được Chúa chữa cho sáng mắt thì đầy sức thuyết phục “Không biết Ông ấy có phải là Người tội lỗi hay không; nhưng tôi chỉ biết một điều, trước tôi mù nay tôi được sáng” (25). Lý lẽ vững chắc của người được kinh nghiệm sự chữa lành, là lời chứng mạnh mẽ hơn hết để đánh đổ mọi sự bài bác do lòng vô tín của giới tôn giáo hình thức. Cuộc đối đáp giữa nhóm người Pharisi với người mù được chữa lành thật thú vị. Họ nói: “đó là người tội lỗi” (24); người được chữa lành nói: “Ông ấy là nhà Tiên-tri!” (17). Lý lẽ của anh mù vừa được chữa lành thì mạnh hơn, vì anh ta có sự thật đứng về phía mình. Còn những người kia chỉ miệt thị Đức Chúa Giêxu cách hồ đồ từ lòng ghen ghét mà thôi. Anh mù đã có lập trường vững vàng rằng anh không cần tranh luận gì hết, vì sự việc đã quá rõ ràng: “Tôi chỉ biết một điều, trước tôi mù, nay tôi được sáng.” Ý anh muốn nói rằng: “Nếu Ông ấy đã có thể chữa lành cho tôi, là đứa bị mù từ lúc sinh ra, phải đi ăn mày, thì Ông ấy phải là Đấng Tiên-tri.

Họ lại hỏi: ‘Ông ấy làm gì cho anh, mở mắt anh cách nào?’” (26) Câu hỏi lại của anh mù được sáng mắt có tính cách chế giễu: “Tại sao các ông muốn nghe lại phép lạ mà tôi đã kể? Là điều mà sau khi nghe, hoặc là các ông phải trở thành môn đồ của Ông ấy, hoặc là khiến các ông không còn cách bào chữa nào khác cho sự lên án vô cớ của các ông?” (27) Đã nghe kể toàn bộ diễn tiến sự việc, bịt tai không chịu nghe, thì đâu ai muốn kể lần thứ hai cho những người ấy làm gì. Mắng nhiếc người khác vì đuối lý là nhân cách của giới người thiếu liêm sỉ; lại còn xưng là môn đồ của Môise cho ra vẻ chính giáo (28). Lý do họ xưng là môn đồ của Môise vì ngũ kinh có nói “Đức Chúa Trời phán qua Môise, còn Người nầy chúng ta chẳng biết từ đâu đến” (29).

Người Do-thái tin rằng chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền phép chữa lành tật nguyền; cho nên người được chữa lành lý luận thật sắc bén, không thể bẻ bác: “Chúng ta đều biết Đức Chúa Trời không nghe lời cầu xin của người tội lỗi, nhưng Ngài nghe lời người kính sợ và làm theo ý Ngài. Xưa nay, chưa bao giờ nghe có ai mở mắt người mù từ thuở sơ sinh. Nếu Ông ấy không đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được cả” (31–33). Vì thế, việc người Pharisi nói không biết Đức Chúa Giêxu từ đâu đến (29) thì thật lạ (30)! Một lần nữa, những người Pharisi đuối lý lại giở thói hồ đồ: “‘Anh sinh ra đã tội lỗi đầy mình, còn dạy bảo chúng ta nữa sao?’ Rồi họ trục xuất anh” (34). Lời mạt sát theo thành kiến của người đời về tình trạng tật nguyền của người khác là ngược lại sự giải thích của Đức Chúa Giêxu là để “công việc của Đức Chúa Trời phải được bày tỏ” (3).

Câu hỏi của Đức Chúa Giêxu đối với anh chàng đáng thương thật là dịu dàng, khi Ngài nghe người ấy bị đuổi ra: “Anh có tin Con Người không?” (35) Ở chỗ nầy ‘Con Người’ có nghĩa là Con Đức Chúa Trời; vì thế anh hỏi: “Thưa Chúa, Con Người là ai để tôi tin?” (36) Nghĩa là người nầy lúc ấy vẫn chưa biết Đức Chúa Giêxu chính là Đấng Mết-sai-a mà anh vẫn chờ đợi. Chúa đã đáp cách nhân từ: “Anh đã thấy Ngài, và chính Ngài đang nói với anh đây” (37). Đức Chúa Giêxu mô tả chính mình, là ân huệ lớn, cho anh ta qua hai điều: “Anh đã thấy Ngài” và “Ngài đang nói với anh.” Chúa đã mở mắt anh cho anh thấy Ngài. Ngài lại tìm anh để cho anh biết chính Ngài là Đấng Mết-sai-a mà anh và dân Do-thái của anh vẫn trông chờ. Sự tiết lộ đầy bất ngờ khiến anh nầy quá sức vui mừng, “anh thưa: ‘Lạy Chúa, con tin,’ rồi thờ lạy Ngài” (38).

Lời của Đức Chúa Giêxu phán với anh mù được chữa lành và cho những người Pharisi đứng gần để nghe ngóng, đáng cho những người nghi ngờ quyền phép của Ngài suy gẫm: “Ta xuống thế gian để cho kẻ mù được thấy, người thấy lại hoá mù.”(39) Sự mù loà mà Chúa nói ở đây là tối tăm trong tâm linh (Công vụ 26:18). Vì vậy, những ai nhận biết tâm linh mình đang ở trong tối tăm, rồi sẵn sàng tiếp nhận sự soi sáng từ Đức Chúa Trời, thì Đấng xưng là Ánh-sáng của thế giới sẽ dẹp tan sự mù loà tâm linh, để người ấy được thấy chân lý; trong khi đó, những người có thị giác lành mạnh và nghĩ là nhờ đó mình cũng có tâm trí và tâm linh sáng suốt, sẽ chẳng thấy hoặc biết chân lý của Đức Chúa Trời. Mấy ông Pharisi vội hỏi hoặc vì chột dạ, hoặc nói mỉa mai (40).

Đức Chúa Giêxu bảo họNếu các ông mù, thì không có tội; nhưng vì các ông nói ‘Ta thấy,’ nên tội lỗi vẫn còn” (41). Nghĩa là nếu ai thật sự cảm biết mình dốt nát, kém cỏi, thì tội lỗi không đến nỗi nặng. Như dân ngoại không được ban cho luật pháp, thì tội họ không nặng như người đã biết luật pháp. Nhưng người xưng rằng tôi thấy, tự phụ về kiến thức và được luật pháp dạy dỗ, tưởng rằng đường lối mình tốt hơn kẻ khác thì sẽ bị kết án nặng hơn. Sự mù loà trong tâm linh họ thật trầm trọng, tình trạng ấy thật tuyệt vọng vì không có thuốc chữa “nên tội lỗi vẫn còn.

(*) Email ngày 25/11/09 của Nguyễn Huệ-Nhật gửi P.M. Phước

PhucAmGiang19.docx

Rev. Dr. CTB