Phúc Âm Giăng, bài 07

Giăng 1:35–51

Những diễn biến trong phần còn lại của đoạn 1 từ câu 19 trở đi nói về những sự kiện đã diễn ra trong bốn ngày liên tiếp (28, 29, 35, 43). Một lần nữa Giăng lại hướng sự chú ý của người ta vào Đức Chúa Giêxu Christ. Ông luôn luôn tìm cách làm tròn bổn phận của mình là chỉ cho người ta thấy Đấng sẽ thực hiện chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời. Ông không cố giữ chặt các môn đồ của mình, nhưng rất vui lòng khi thấy họ đi theo Đức Chúa Giêxu. Khác với ngày nay người ta sợ tín hữu bỏ đi, nhưng hớn hở khi thấy người của các Hội-Thánh bạn chạy sang chuồng mình. Các môn đồ đầu tiên đi theo Đức Chúa Giêxu vốn là môn đồ của Giăng Baptist (35).

Các câu (35-42) gợi ra vài vấn đề thuộc về thần học, mặc dù được sứ đồ Giăng viết ở thể kể chuyện. Trước tiên, hai môn đồ của Giăng (sẽ trở thành môn đồ của Đức Chúa Giêxu sau nầy) đi theo Đức Chúa Giêxu, khi nghe Giăng Baptist lại nói Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời (36-37). Trong Kinh Tân Ước, chữ đi theo có nghĩa là làm môn đồ. Người đọc có thể nghĩ rằng vì hai người bỏ Giăng Baptist để xin làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu, nên họ phải là phía tìm cách làm quen trước. Tuy nhiên, Đức Chúa Giêxu là người mở lời “Các con tìm gì?” (38). Điều đó là rất quan trọng cho hai người ấy và cũng là quan trọng cho chúng ta khi Đức Chúa Giê Xu chủ động mở lời. Đây là mẫu mực về ân điển, ơn. Mối tương giao giữa chúng ta với Chúa phải được bắt đầu bằng lời mời của Ngài mở ra cho chúng ta.

Câu hỏi “Các con tìm gì?” có ý nói “Các con có điều gì muốn hỏi Ta chăng? Muốn thỉnh cầu điều chi chăng?” Câu nầy cũng là điều mà chúng ta cần tự hỏi mình khi bắt đầu theo Chúa; theo Chúa “để tìm kiếm chi? Ước ao mong muốn được gì?” Đức Chúa Giêxu đã cho hai người ấy thấy rằng mặc dù Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Ngài không cao kỳ hay nghiêm khắc, nhưng rất dễ gặp, dễ tìm hiểu, và dễ trò chuyện với Ngài. Những người làm công tác chăm sóc linh hồn người khác cũng cần thực tập sự khiêm nhường, mềm mại, dễ gặp, và dễ trò chuyện. Chữ Rabbi, không phải thầy theo nghĩa chúng ta thường hiểu; ở đây, ‘Thầy’ có nghĩa là Chủ. Câu hỏi “Thầy ở đâu?” vừa là lời nói lễ phép làm quen, vừa có nghĩa là: “Đối với Thầy thì trung tâm và ý nghĩa của đời sống là gì?” Lời đáp của Đức Chúa Giêxu cũng có hai nghĩa “Các con đến xem” chỗ Ta ở; và “Hãy đến quan sát Ta để thấy ý nghĩa và mục đích của đời sống” (39). Họ đã đi theo Chúa, thấy nơi Ngài ở, và ở lại với Ngài. Họ đã chọn ở với cũng là ở trong Đức Chúa Giêxu theo ý nghĩa mà về sau Ngài sẽ dạy họ ý nghĩa của các nhánh nho ở trong gốc nho.

Tác giả chỉ nêu tên Anhrê là một trong hai người ấy mà không nói tên người thứ nhì, có lẽ vì người đó chính là tác giả sách nầy (40). Các câu (41-46) nói về nguyên tắc tăng trưởng căn bản của vấn đề truyền giáo: Anhrê không đi tìm người chưa quen hay người ngoài để kể lại về sự gặp gỡ phước hạnh của mình, mà lập tức đi tìm người anh tên Simôn (41-42). Có lẽ lý do dẫn Đức Chúa Giêxu lên xứ Galilê để tìm gặp Philíp là do Anhrê và Simôn giới thiệu (43-44). Philíp cũng không tìm ai xa lạ mà tìm người ông đã quen biết lâu rồi (45) để làm chứng lại những gì mình đã thấy và tin. Chắc rằng Giacơ cũng được em mình là Giăng, tác giả sách nầy, rủ đi theo Đức Chúa Giêxu. Rất có thể là những người được báo tin và được mời đến gặp Đức Chúa Giêxu là các người hâm mộ Giăng Baptist và đang ở gần chỗ Giăng làm phép báp têm bên bờ sông Giô đanh.

Nguyên tắc chứng đạo hết sức quan trọng nầy đã trình bày rành rành trong Phúc Âm Giăng trải qua biết bao thế hệ; nhưng chúng ta cứ cắm cổ làm theo những gì mình thấy người đi trước đã làm, chứ không biết áp dụng cách chứng đạo rất có hiệu quả nầy. Hai người môn đồ hỏi, Chúa trả lời “Các con đến xem.” Nathanaên nghi ngờ, Philíp rủ “Đến mà xem” (46). Những sự mời mọc của Anhrê, Philíp, và Giăng chứng tỏ người ngỏ lời mời nắm vững sự thật của lời họ làm chứng. Nếu chúng ta muốn Hội thánh phát triển và tăng trưởng, thì cũng phải áp dụng nguyên tắc: Trước tiên, hãy làm chứng cho người thân hoặc bạn thân quen; vì người ta dễ tin lời nói của người quen hơn là lời chứng của người mà họ chưa biết rõ. Kế đến, hãy hết lòng giới thiệu chân lý cho người mà mình biết đang tìm kiếm chân lý. Sự quen biết lâu ngày và biết nỗi khao khát của người mình quen là yếu tố then chốt dẫn đến thành công trong lãnh vực truyền giáo. Tiếp theo, Anhrê không chỉ nói với Simôn rằng ông đã gặp Đấng Mếtsaia, ông dẫn Simôn đến gặp Chúa (42). Philíp cũng vậy, sau khi hớn hở kể cho Nathanaên nghe về Đức Chúa Giêxu, ông dắt Nathanaên tới gặp Ngài (47). Nguyên tắc quan trọng trong công tác chứng đạo là không phải chỉ nói là đủ, phải dẫn người đã được mình làm chứng đến gặp Đức Chúa Giêxu. Trăm nghe không bằng một thấy.

Một khía cạnh nữa của câu chuyện mà chúng ta phải để ý. Khi Đức Chúa Giêxu bảo hai môn đồ của Giăng đang đi theo Ngài rằng: “Các con đến xem,” thì họ vui vẻ theo Ngài. “Họ đến, thấy nơi Ngài ở, và ở lại với Ngài” (39). Những linh hồn nào biết ơn và chấp nhận lời mời hào phóng của Chúa, sẽ được thấy chỗ Ngài ở và ở lại với Ngài. Theo Chúa là dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú. Vua Đavít xưa là người được Đức Chúa Trời đặc biệt yêu thương, bởi vì ông tìm kiếm Chúa trọn đời mình. Ông nói “Khi Chúa phán: Các con hãy tìm kiếm mặt Ta; thì lòng con thưa với Chúa rằng: Đức Giêhôva ôi! Con sẽ tìm kiếm mặt Ngài.” (Thi Thiên 27:8).

Simôn Phierơ không phải là môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giêxu. Ai theo chủ trương giáo hoàng sẽ buồn về sự thật nầy. Anhrê, một môn đồ có vai trò mờ nhạt trong các sách Phúc Âm, lại là một trong hai người đầu tiên quen biết Chúa. Hãy để ý lời và thái độ hồ hởi của Anhrê khi nói với Simôn: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mếtsaia.” Anhrê không nói kiểu giành công ‘tôi đã gặp‘ mà nói cách khiêm nhường ‘chúng tôi đã gặp.’ Gặp có nghĩa là tìm ra, khám phá ra được. Chúng ta có thể đoán điệu bộ mừng rỡ và thái độ hào hứng của Anhrê và Philíp khi họ khoe đã gặp được Đấng Mếtsaia mà bao thế hệ người Dothái đang mong chờ. Phần chúng ta sẽ ứng dụng ra sao để nói cho những người thân yêu hoặc quen biết với mình thấy được sự sung sướng vui mừng của mình vì đã biết Đấng Cứu Thế và được Ngài biến đổi, dạy dỗ, chỉ dẫn, chăm sóc, và bảo vệ?

Simôn và Nathanaên được Chúa nói rõ lúc họ vừa gặp Ngài: “Con là Simôn con của Giăng; con sẽ được gọi là Sêpha” (42); “Đây là một người Israel thật, trong lòng không có chút gì gian dối” (47). Cả hai sững sờ trước Đấng Toàn Tri; nhất là Nathanaên “Sao thầy biết con? Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Trước khi Philíp gọi con, Ta đã thấy con dưới cây vả‘” (48). Nathanaên kinh ngạc thừa nhận: “Lạy Thầy, Thầy là Con Đức Chúa Trời, là Vua của Israel!” (49). Chúng ta không biết Nathanaên đang suy nghĩ gì khi đứng dưới cây vả, nhưng lời Chúa bày tỏ điều kín đáo trong lòng ông chắc chắn có liên quan tới lòng không có chút gì gian dối của ông. Vì thế, ông đầu phục và xưng nhận Đức Chúa Giêxu là Con của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Vì Ta bảo Ta thấy con dưới cây vả, nên con tin phải không? Con sẽ thấy nhiều việc lớn hơn nữa’” (50). Việc Chúa biết cả đời sống của chúng ta chỉ là chuyện nhỏ, ai theo Chúa sẽ thấy nhiều việc vĩ đại mà mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe. Một trong những việc vĩ đại đó là: “Các con sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người” (51). Thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên vai trò Con Người của Đức Chúa Giêxu khi Ngài ở thế gian, là khuôn mẫu cho những người tin Ngài sẽ kinh nghiệm các việc vĩ đại mà Ngài đã hứa; ấy là chúng ta cũng sẽ thấy trời mở ra và thiên sứ lên xuống trên chúng ta nữa.

Mặc dù đoạn nầy không kể lại lời Đức Chúa Giêxu phán với Philíp, chúng ta cũng hiểu được rằng Philíp bị thu phục ngay lúc gặp Ngài. Sự hào hứng mừng rỡ của Philíp chứng minh điều ấy: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà sách luật Môise và các tiên tri đã nói đến. Ngài là Đức Chúa Giêxu ở Nazarét, con ông Giô-sép” (45). Ngày nay, nhiều người tin đạo nhưng rất thờ ơ khi nghe nói về sự hiện diện của Chúa tại một buổi nhóm nào đó. Phước thay cho chúng ta là những người được Chúa chọn. Hãy chú ý đến lời Ngài đã kêu gọi chúng ta. Được ở với Chúa thì không hạnh phúc nào sánh bằng. Hãy suy gẫm và làm chứng về niềm vui của chúng ta.

PhucAmGiang07.docx

Rev. Dr. CTB