Phúc Âm Giăng, bài 14

Giăng 5:1–47

Đức Chúa Giêxu luôn luôn giữ đúng luật của Do-thái giáo (1). Năm cái vòm của Cửa Chiên có lẽ là nơi tránh mưa nắng của những người bị tật bệnh nằm chờ ở đó (2–4). Quyền phép chữa bệnh của Đức Chúa Giêxu là bằng chứng hiển nhiên chứng minh Ngài là Đấng đến từ trời. Cuối đoạn trước kể chuyện Ngài dùng lời nói để chữa bệnh cho đứa trẻ ở xa; đầu đoạn nầy, Ngài cũng chỉ dùng lời nói để chữa bệnh tại chỗ (8-9). Nguyên nhân bệnh bại xuội của người nầy có lẽ do phạm một tội bí mật nào đó (5,14). Cũng có lẽ diện mạo và tuổi tác của người bệnh nầy khiến ai nhìn thấy cũng biết là bệnh đã lâu ngày (6). Người bệnh chỉ có một hi vọng duy nhất là có thể xuống nước trước mọi người khi thấy nước động (7).

Điều đáng ngạc nhiên là những người bị linh tôn giáo điều khiển chỉ để ý tới sự phạm luật tôn giáo (10), thay vì nhận ra một phép lạ sờ sờ. Họ đã bỏ lỡ điều có thể là nền tảng cho lòng tin để nhận ra Đấng Christ mà họ trông đợi; thay vì hỏi rằng “Ai đã chữa anh lành bệnh?” họ đã hỏi “Ai là Người bảo anh vác giường mà đi?” (12). Thay vì biết ơn người chữa bệnh và chỉ dẫn cho mình, người ấy trước thì đổ thừa (11), sau lại đi tố cáo Người ơn của mình cho giới lãnh đạo tôn giáo, nhằm gỡ lỗi vác giường trong ngày Sabát (15). Ngày nay tà linh tôn giáo vẫn tiếp tục sai khiến giới người đặt nghi vấn về quyền phép của Đức Thánh Linh. Khiến cho những người nầy thay vì ngợi khen Chúa về những phép lạ mà Ngài vẫn thi thố, vẫn tìm cớ bắt bẻ và công kích những anh chị em tín hữu đặt đức tin mình trên quyền phép của Đức Chúa Trời (1Côrinhtô 2:5).

Dân Giuđa đưa Đức Chúa Giêxu ra trước hội đồng tôn giáo (sanhedrin) có lẽ nội trong ngày đó (16). Điều răn thứ tư trong mười điều răn là người Dothái phải nghỉ ngơi, không được làm việc trong ngày Sabát, là ngày Thứ Bảy Đức Chúa Trời nghỉ ngơi sau ‘sáu ngày’ tạo dựng vũ trụ và thế gian. Khi Đức Chúa Giê-xu phán “Cha Ta vẫn làm việc cho đến ngày nay” (17), có nghĩa là Đức Chúa Trời nghỉ công việc tạo dựng Ngài đã làm trong ‘sáu ngày’ trước đó, chứ Ngài không ngừng chăm sóc thế giới mà Ngài đã dựng nên. Đấng làm Chủ ngày sabát có toàn quyền trên ngày ấy. Đức Chúa Giêxu đã từng phán “Con Người là Chúa của ngày Sabát” (Mathiơ 12:8).

Người Giuđa càng điên tiết hơn khi nghe Đức Chúa Giêxu xưng là Con Đức Chúa Trời (18). Để họ không làm chi được, Ngài nhắc lại phép lạ sờ sờ mà Ngài đã làm trên người bại xuội, chứng minh rằng Ngài thật là Con Đức Chúa Trời đã đến trần gian và chỉ làm theo những gì Đức Chúa Cha làm (19–21). Đức Chúa Giêxu không nói rằng Ngài chỉ làm những gì Cha đã làm, nhưng là những gì Cha đang làm. Chỉ có Đấng ở trong lòng Cha mới biết rõ ý tưởng trong lòng Cha mình để làm theo. Những lời phán nầy cũng chứng tỏ bản thể thần linh của Đức Chúa Giêxu, vì mặc dù Ngài đang làm người trên đất, mọi việc diễn ra trên cõi trời luôn luôn là thời hiện tại đối với Ngài. Trong câu “Bất kỳ việc gì Cha làm, Con cũng làm như thế” (19) có nghĩa là y hệt, đồng một việc, đồng cách thức, đồng thẩm quyền, đồng sự khôn ngoan, năng lực và hiệu quả giống y như của Đức Chúa Cha.

Lý do Đức Chúa Giêxu có thể làm như vậy là vì “Cha yêu Con, chỉ dẫn cho Con mọi việc Cha làm; và Ngài sẽ chỉ dẫn những việc lớn lao hơn nữa, để các ông phải kinh ngạc” (20). Lúc ấy, dù người Giuđa tảng lờ phép lạ Chúa làm, nhưng họ sẽ phải kinh ngạc khi thấy Ngài khiến người chết sống lại: “Mọi người đều kinh sợ, ca tụng Đức Chúa Trời: ‘Nhà tiên tri vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta,’ và ‘Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài!” (Luca 7:16). Ngài phán tiếp: “Như Cha đã đỡ người chết dậy và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho người nào tuỳ ý” (21). Đức Chúa Giêxu tuyên bố thẩm quyền xét đoán của Ngài là do Đức Chúa Cha giao cho (22, 24, 27). Có hai lý do mà Đức Chúa Giêxu được ban cho thẩm quyền xét đoán:

Trước hết, Ngài đã vâng lời Đức Chúa Cha hạ mình xuống trần gian khoác lấy thân phận của Con Người. Đối với thiên đàng cao sang và vũ trụ bao la thì thân phận Con Người chỉ là một hạt bụi, một con sâu vô nghĩa. Vì Đức Chúa Giêxu đã tự hạ mình xuống làm một người bị giết chết như một kẻ mạt hạng, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao trên hết mọi danh (Philíp 2:8, 9). Thứ nhì, “để mọi người tôn kính Con cũng như tôn kính Cha. Ai không tôn kính Con cũng không tôn kính Cha, là Đấng sai Con đến.” (23). Nhờ thẩm quyền ấy, Đức Chúa Giêxu có thể quả quyết ban đặc quyền cho ai nghe lời chứng của Ngài mà tin đến Đức Chúa Trời sẽ được sự sống đời đời, không phải trải qua sự phán xét, và vượt khỏi sự chết mà đến sự sống (24). Vì “… hiện nay chẳng còn sự đoán phạt nào dành cho những người ở trong Đức Chúa Giêxu Christ.” (Rôma 8:1)

Làm thế nào Đức Chúa Giêxu có thể ban sự sống đời đời cho những người tin lời Ngài và phán xét kẻ cự tuyệt Ngài? Đó là qua sự sống lại: Sự sống lại của Ngài và sự sống lại của những kẻ chết. Ngài nói trước về tương lai khi người chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời và sẽ sống lại. Vì Cha có sự sống trong mình, Ngài cho Con có quyền ban sự sống cho nhiều người khác. Nhờ quyền ban sự sống ấy, Đức Chúa Giêxu có thể phán xét mọi người. Nghĩa là cho dù người đã chết bao lâu đi nữa, chính Ngài sẽ lên tiếng gọi, làm cho những người không tin và người có tội sống lại để bị Ngài phán xét (25–30).

Vì người Giuđa cho rằng sự tự xưng của Đức Chúa Giêxu là không đáng tin, nên Ngài nhắc lại lời của Giăng Baptist làm chứng về Ngài (1:29–34) (31–33). Ngài nói rằng Ngài không cần lời chứng của loài người, nhưng Ngài phải nhắc về Giăng để người Giuđa nào tin sẽ được cứu (34). Giới lãnh đạo Giuđa đã sai người đến gặp Giăng Baptist để hi vọng rằng chính miệng ông sẽ tự nhận là đấng Mếtsaia, hay là Ê-li, hoặc là đấng tiên tri, nhưng Giăng không nói theo ý họ muốn (1:19–27). Nếp sống thanh sạch của Giăng “là ngọn đèn cháy sáng,” nên người Giuđa cố sức ép Giăng Baptist làm đấng cứu thế để “vui lòng tạm hưởng ánh sáng của Giăng” (35), vì họ muốn thúc đẩy vương quốc của Đức Chúa Trời phải nhanh chóng thành hình trên đất.

Thật ra Đức Chúa Giêxu không cần lời chứng của Giăng để họ tin Ngài là Con Đức Chúa Trời. Bởi vì các dấu hiệu về phép lạ mà Ngài đã vâng lời Cha sai làm sẽ chứng minh rằng Ngài đã được Đức Chúa Cha sai đến (36). Đồng thời chính Đức Chúa Cha cũng lên tiếng làm chứng cho Ngài bằng tiếng phán từ trời rằng: “Con là Con yêu đấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Luca 3:22b). Một lần khác Đức Chúa Trời cũng phán từ trời: “Ta đã tôn vinh rồi, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (12:28b). Đức Chúa Giêxu nói rõ một sự thật là dù tiếng phán từ trời rõ ràng như vậy, nhưng họ “chẳng hề nghe tiếng phán của Ngài, cũng chẳng hề nhìn thấy Ngài” (37). Bởi vì khi tiếng phán từ trời đến thì “đoàn người đứng chung quanh cho là tiếng sấm. Nhưng có người bảo: ‘Một thiên sứ nói chuyện với Ngài” (12:29). Những người không tin Ngài là Đấng mà Đức Chúa Cha đã sai đến thì không thể nào có đạo sự sống của Đức Chúa Trời ở trong lòng (38).

Còn một nguồn làm chứng khác nữa, ấy là Kinh Thánh Cựu Ước làm chứng và báo trước về sự đến thế gian của Đức Chúa Giêxu (39); mặc dù giới lãnh đạo tôn giáo Giuđa vẫn thường xuyên tra xem Cựu ước, họ vẫn không nhận ra Ngài là Đấng phải đến; vì họ tìm kiếm một Đấng Cứu Thế đến phục hồi vương quốc Israel, lập quyền bá chủ của người Dothái trên khắp thế giới. Họ muốn quyền lực và vinh quang ở thế gian chứ không tìm kiếm sự sống (40), bởi vì họ “không có lòng kính mến Đức Chúa Trời” (42). Họ thích sự khen ngợi của nhau (44), trong khi Đức Chúa Giêxu “không nhận vinh dự đến từ loài người” (41). Ngài “nhân danh Cha mà đến” (43), thì họ không nhận ra Ngài là Đấng Mếtsaia, nhưng sẵn sàng tiếp đón người lấy danh nghĩa cá nhân.

Đức Chúa Giêxu nói rằng nếu họ tra xem luật pháp của Môise nhưng không tin lời ông làm chứng về Ngài là Đấng Mếtsaia phải đến, thì họ sẽ bị luật pháp Môise lên án trước toà phán xét của Đức Chúa Trời. Họ trông cậy vào Môise nhưng không tin lời của Môise, vì nếu họ “tin Môi se, thì cũng tin Đức Chúa Giêxu, vì Môise đã viết về Ngài” (45–46). Đức Chúa Giêxu vạch trần tư tưởng của họ: “Nếu các ông không tin lời Môise viết, làm sao tin lời Ta nói được?” (47).

PhucAmGiang14.docx

Rev. Dr. CTB