Phúc Âm Giăng, bài 12

Giăng 4:1–27

Đoạn trước thuật Đức Chúa Giêxu và các môn đồ qua xứ Giuđê (3:22) và dự lễ Vượt-qua ở đó, tức là đầu năm theo lịch Do-thái. Bây giờ, Ngài trở về xứ Galilê 4 tháng trước mùa gặt (4:35), là việc sẽ diễn ra vào tháng 10. Như vậy Ngài đã lưu lại xứ Giuđê khoảng 6 tháng. Trên nền tảng được lập bởi lời chứng của Giăng Baptist, Ngài “thu nhận nhiều môn đồ hơn Giăng” (1). Giăng Baptist đã làm báp-têm cho người khác trong vai trò một đầy tớ của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giêxu thì không như vậy. Ngài là Chủ; phép báp têm do các môn đồ của Ngài thực hiện (2) khác với phép báp-têm của Giăng. Ngài chỉ lo giảng đạo, là việc cao trọng hơn làm phép báp-têm, kẻo những người chịu phép báp-têm ấy sẽ lên mặt xem thường những ai không do Ngài làm báp-têm. Đấy là lý do mà Đức Chúa Giêxu giao cho các môn đồ Ngài làm báp-têm cho các môn đồ mới.

Đi bộ là cách người ở xứ thánh thời ấy đi từ nơi nầy sang nơi khác, Đức Chúa Giêxu đã cùng đi bộ với các môn đồ của Ngài chứng tỏ Ngài giản dị và gần gũi với họ biết bao (3–6). Mệt mỏi khi đi đường là tính cách Con Người bình thường của Đức Chúa Giêxu (6). Giếng nước có tên là giếng Giacốp do ông Giacốp, tổ phụ trực tiếp của 12 chi tộc Do-thái, đào và làm chủ vào khoảng 1900 năm trước Chúa giáng sinh. Người Samari là dòng dõi của những người Do-thái nghèo khổ được quân Asiri cho ở lại quê hương không bị lưu đày, sau khi nước Israel bị Asiri thôn tính, họ là dòng dõi lai tạp với nhiều sắc dân khác do hoàng đế Asiri chuyển tới định cư ở đó (2Các Vua 17:24); cho nên, không còn thuần chủng Do-thái như người Giu-đa ở xứ Giu-đê và Galilê. Vì thế, họ bị người Giu-đa khinh bỉ và không chịu giao tiếp (9); mặc dù họ vẫn tự xem mình là dòng dõi trực tiếp của tổ Giacốp (12). Xứ Samari lại nằm chen giữa Giu-đê và Galilê (4).

Người phụ nữ Samari đi ra giếng múc nước lúc vắng vẻ, trái với giờ lấy nước bình thường vào buổi chiều lúc trời mát mẻ (7); Nếu lúc ấy vài môn đồ cùng ngồi nghỉ với Đức Chúa Giêxu, có lẽ phụ nữ đó đã không dám đến múc nước (8). Những ai đã gặp gỡ Đức Chúa Giêxu đều ngạc nhiên về tính cách lạ lùng của Ngài (9). Có người giải thích rằng “nước hằng sống” (10, 14) là những lời giáo huấn khôn ngoan của Đức Chúa Giêxu. Cựu-ước thường ví khôn ngoan là nước của sự sống. Trong Cựu-ước thì nước là biểu tượng cho công việc của Đức Chúa Trời trong sự tẩy sạch và ban sự sống. Theo ý của sự giải thích nầy là, ai chấp nhận sự dạy dỗ của Ngài rồi thì không còn cần nguồn khôn ngoan nào khác. Nhưng Giăng giải thích nước hằng sống là nói về Đức Thánh Linh (7:37–39). Như vậy, nước mà Đức Chúa Giêxu đang nói là Đức Thánh Linh.

Xin nước uống là cách Đức Chúa Giêxu dùng để giới thiệu sự sống vĩnh cửu cho người phụ nữ Samari (10). Bà nầy bèn nói mỉa “giếng thì sâu, mà ông không có gì để múc, làm sao ông có được nước sống đó? Liệu ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacốp sao? ” (11). Đức Chúa Giêxu phán rằng “Ai uống nước nầy rồi sẽ lại khát, nhưng ai uống nước Ta cho, sẽ chẳng bao giờ khát nữa; nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong lòng người ấy, tuôn trào ra cho đến sự sống vĩnh cửu” (13-14). Người đàn bà Samari vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nước mà Đức Chúa Giêxu nói đến. Bà thấy nếu được thứ nước đó thì tiện lợi trăm bề (15). Lời xin của bà là tâm lý chung của tất cả loài người chúng ta. Chúng ta đến với Chúa trước tiên không phải là vì nhận biết Đức Chúa Giêxu là Đấng từ trời đến, đáng phải được thờ kính, vv, mà vì muốn được Chúa giúp đỡ hoặc ban cho một nhu cầu nào đó trong đời sống mình. Vì nếu tin Chúa sẽ được Ngài ban đủ thứ thì quá tiện lợi và đáp ứng được các mục đích hoặc chương trình của chúng ta.

Biết người nầy vẫn chưa hiểu ý nghĩa, Chúa phải hướng sự chú ý của bà từ nước qua Đấng ban cho nước, bằng cách khiến bà phải biết Ngài là Đấng Toàn Tri (16–18). Việc Chúa biết rõ đời tư của bà làm cho bà phải nhìn nhận Ngài là một Đấng Tiên Tri (19), và bà chuyển đề tài về vấn đề đâu là nơi thờ phượng chính đáng như một cách đánh trống lảng. Tổ phụ mà bà nói ở đây là những bậc tiền bối của bà khoảng 500 năm trước thời gian ấy; lúc mười chi tộc Israel đã ly khai nhà Đavít, thành lập nước Israel phía bắc theo sự xúi giục của Giêrôbôam và tôn người nầy làm vua (1Các Vua 12:20). Giêrôbôam đã dụ dỗ dân Israel thờ tượng bò con bằng vàng đúc (1Vua 12:27–30), từ bỏ Đức Chúa Trời. Sau nầy người Samari xây một đền thờ trên núi Ghêrizim (20). Nhưng sự họ thờ Chúa bị pha trộn với các ngoại giáo của các dân tộc do vua Asiri đưa đến định cư ở đó.

Đức Chúa Giêxu trả lời thắc mắc của bà rằng sự thờ lạy Đức Chúa Trời không lệ thuộc vào lễ nghi hoặc nơi chốn. Ngài giải thích cho bà hiểu rằng người ta thờ lạy một thần nào đó là làm theo truyền thống do ông bà cha mẹ truyền lại, thật ra không biết rõ đạo mình theo là đúng hay sai (21–24). Sự khác nhau căn bản giữa đạo của Chúa với các đạo khác là: Trong đạo Chúa thì Ngài đến thế gian tìm người để cứu; ở các đạo khác thì người tự đi tìm con đường cứu độ cho chính mình. Trong đạo Chúa thì con cái Chúa biết rõ Đấng mình thờ, có mối tương giao khắn khít với Ngài, và biết chắc chỗ mình sẽ đến trong cõi tương lai. Người theo các đạo khác không có sự hiểu biết và bảo đảm ấy; hi vọng của họ chỉ là một niềm ước ao chứ không thể biết chắc.

Một đặc điểm khác nữa là người thật lòng thờ Chúa thì thờ lạy bằng tâm linh chứ không cậy vào lễ nghi; ngược lại, tín đồ các tôn giáo khác thì phải lệ thuộc vào lễ nghi chứ không biết phải tìm kiếm sự kết nối tâm linh mình với đấng họ thờ kính. Người ta thường hi vọng vu vơ rằng sự tụng niệm kinh kệ sẽ giúp cho lời cầu khẩn mình bay lên tới cõi thần thánh. Trong đoạn trước, Đức Chúa Giêxu đã nói ra một sự thật phũ phàng là chưa hề có người nào trong nhân loại đã được lên trời rồi trở về, chỉ có Đấng từ trời đến bày tỏ cho loài người biết về những điều kiện đòi hỏi của cõi trời. Đấng ở trên trời mới biết sự thờ lạy nào của người trong nhân gian được thiên cung chấp nhận. Đức Chúa Giêxu cho biết rằng Đức Chúa Trời ưa thích (tìm kiếm) những người thờ lạy Ngài bằng tâm linh và lòng chân thật. Người Việt gọi đó là lòng thành. Ngài cũng nói rằng chỗ thờ lạy hoặc lễ nghi, không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là phải biết thờ lạy trong tâm linh và bởi lòng thành. Lòng thành là điều hầu hết chúng ta có thể có. Nhưng rất ít người biết cách thờ lạy bằng tâm linh.

Thờ lạy bằng tâm linh là thế nào? Khi trò chuyện với Nicôđem, Chúa đã cho ông biết rằng người ta phải được tái sinh mới được nối kết với thiên đàng (3:3), nghĩa là tâm linh chúng ta phải trở thành sản phẩm được đổi mới bởi quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời, phù hợp với cõi thần thánh trên trời. Nhờ đó chúng ta mới có thể kết nối tâm linh mình với Chúa trên cõi trời và thờ lạy Ngài bằng tâm linh. Đạt đến sự tái sinh không phải do nỗ lực hay khả năng của chúng ta, mà là công tác của Đức Thánh Linh hành động trong lòng người nào chân thành tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ, là Đấng Tạo Hóa đã xuống thế làm người chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại cũng như của riêng người ấy. Người nhận sự tái sinh sẽ không biết nó diễn ra khi nào, nhưng sẽ biết rõ mình đã được tái sinh qua kết quả của sự đổi mới con người bề trong của mình.

Vô số người trong nhân loại ngưỡng vọng, trông mong kêu cầu Ông Trời, nhất là khi có nhu cầu cấp bách. Nhưng mọi lễ nghi thờ lạy Ông Trời nếu không phù hợp với luật lệ của Ngài cũng chỉ là vô ích. Người đàn bà nầy dám nói lên sự thật của lòng mình là bà không biết sự thờ lạy Chúa theo truyền thống tổ tiên bà đúng hay sai! Bà chỉ còn bám lấy sự tin tưởng vào lời tiên tri là Đấng Cứu Thế sẽ đến; và khi Ngài đến thì Ngài sẽ cho biết phải thờ lạy Chúa như thế nào là đúng cách (25). Đức Chúa Giêxu cho bà biết rằng ngày ấy đã đến rồi. Chúa đã đến trần gian để bày tỏ cho loài người biết cách thờ lạy Đức Chúa Trời. Nếu trước đây nhân loại không biết phải thờ kính sao cho hợp lẽ, thì giờ đây Chúa đến để chỉ dẫn vấn đề cực kỳ quan trọng ấy. Người đàn bà Samari dù học thức kém hay tầm thường, vẫn nói lên được một niềm ước vọng rất đúng rằng: “Tôi biết Đấng Mết-sai-a (gọi là Đấng Christ) sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ dạy bảo chúng ta mọi việc” (25). Đức Chúa Giêxu tiết lộ cho bà biết rằng Đấng mà bà hằng trông mong là người hiện đang nói chuyện với bà (26). Các môn đồ của Chúa vẫn mang nặng tâm lý của người Giu-đa đối với nữ giới và người Samari (27), nhưng không dám hỏi Thầy lý do nào Ngài nói chuyện với người đàn bà Samari ấy.

PhucAmGiang12.docx

Rev. Dr. CTB