Phúc Âm Giăng, bài 05

Giăng 1:12–18

Trong Hội Thánh hiện nay trên thế giới có vô số người tự nhận mình là con cái Chúa, thuộc về Chúa, nhưng không thể phản chiếu sự sáng của Ngôi Lời; nghĩa là không có khả năng chứng thực về Ánh sáng. Cách sống và thực trạng trong lòng của những người nầy vẫn còn tăm tối vì bị ảnh hưởng sự tối tăm của thế gian. Có nhiều lý do khác nhau đưa đến tình trạng trên, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là vì họ chưa thực sự hiểu bản thể của Đức Chúa Giêxu Christ, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời. Giăng viết rằng: “Nhưng tất cả những ai đón nhận Ngài, đặt niềm tin vào danh Ngài, đều được Ngài ban cho quyền làm con của Đức Chúa Trời” (12). Câu nầy đưa ra vừa là lời hứa, vừa là bằng chứng của thực trạng trong lòng. Sự tin Danh Chúa ở đây có nghĩa là tin vai trò Ngôi Lời của Ngài, tức là chính Đức Chúa Trời, sự công nghĩa của chúng ta, đã xuống đời làm Chúa Cứu Thế, là Vua của hết thảy các vua.

Hành động đón nhận trong lòng vừa là sự quyết định vừa là thụ hưởng. Ai chưa nhận được quyền làm con của Chúa là người chưa lập quyết định. Bởi vì khi quyết định đón nhận Đức Chúa GiêXu làm Vị Cứu Tinh của đời mình, chúng ta phải đi qua một kinh nghiệm nhận được điều chi đó từ nơi Ngài. Đức Chúa Giêxu hứa rằng “Nhờ niềm tin nơi Ta, họ sẽ được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ.”(Công vụ 26:18b). Điều căn bản nhất mà mỗi tín hữu phải kinh nghiệm là nhận được sự tha tội, bằng chứng của quyết định tiếp nhận Chúa. Ai chỉ mới được mở mắt từ tối tăm qua sáng láng mà chưa nhận được sự tha tội thì mới chỉ là quy đạo chứ chưa phải là được cứu độ; bởi vì quy đạo chưa phải là đã nhận được sự tái sanh. Tâm linh chúng ta phải được tái sanh, trở nên tâm linh mới, được Chúa gọi là con, yêu thương chăm sóc. Từ đó, chúng ta được gọi Chúa bằng Cha và được Ngài ban rất nhiều đặc quyền của Vương quốc thiên đàng.

Tất cả con cái Đức Chúa Trời đều đã được sanh lại, trở nên con thật của Đấng sanh ra mình. Như vậy, người được tái sanh là “những người không sanh bởi khí huyết, hoặc bởi ý muốn của xác thịt, hoặc bởi ý thích của con người, nhưng bởi Đức Chúa Trời” (13). Người được tái sanh là người biết rõ không phải do quyết định của cá nhân mình mà được nhận sự ban cho từ Đức Chúa Trời. Người ta có thể thề thốt hứa nguyện và nhất quyết theo đuổi sự quy đạo, nhưng các điều đó vẫn chưa phải là sự cứu độ. Cứu rỗi có nghĩa là được đưa tới chỗ có khả năng nhận được điều chi đó từ Đức Chúa Trời qua thẩm quyền của Đức Chúa GiêXu, là sự tha thứ tội lỗi. Sau đó là được sanh lại để nhận được quyền làm con của Đức Chúa Trời. Vậy thì khả năng phản chiếu Ánh sáng thiên thượng phải bắt đầu từ kinh nghiệm sự tha tội và sự tái sanh của tâm linh mình.

Ngôi Lời trở nên Con Người, ở giữa chúng ta,… đầy ân điển và chân lý” (14). Câu nầy bày tỏ sự nhập thể của Đức Chúa Giêxu càng rõ ràng hơn nữa. Từ trước muôn đời, Ngài đã luôn luôn hiện diện ở thế gian bởi thuộc tánh thần thượng hiện diện mọi nơi của Ngài. Do các tiên tri loan báo, và bây giờ khi kỳ hạn đến, Ngài đã trở nên Con Người, do một người đàn bà sinh ra trong xứ của tuyển dân Ngài. Sự kiện Ngôi Lời vào đời làm người là tinh túy của phúc âm Đức Chúa Trời, và cũng là lý do phúc âm nầy được viết. Trước đây, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, nhưng khi Ngôi Lời trở thành xác thịt, thì Ngài thành một thân vị khác của Đức Chúa Trời mang tính chất loài người, được gọi là Con Người.

Chữ ‘, hay cư ngụ,’ trong câu “ở giữa chúng ta,” theo nguyên nghĩa là ở trong một cái lều, cách sống du mục của người Dothái. Dù vậy, khi Ngài trở nên xác thịt thì không phải theo nghĩa ở hay cư ngụ tạm bợ của cái lều, mà có nghĩa là Đức Chúa Giêxu không đến để cư trú cách thoải mái ở giữa chúng ta, nhưng Ngài đến để cùng chia sẻ cuộc sống gập ghềnh, đau đớn, tạm bợ, và  nhọc nhằn khổ sở của đời sống con người; bởi vì Ngài đã chịu sự yếu đuối bệnh tật của thân thể và mạng sống mong manh của nhân loại như mọi người xác thịt khác. Ngài cũng phải trải qua sự cám dỗ, đói khát, mệt mỏi của thể xác loài người như tất cả chúng ta vậy.

Nhưng Ngài đến mang theo đầy ân điển và chân lý. Vì chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời (18) người ta mường tượng về Ngài một cách mơ hồ. Đức Chúa Giêxu đã đến để trình bày Đức Chúa Trời bằng hình thức mà loài người có thể hiểu được. Qua cách sống, Ngài trình bày cho người ta thấy: Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, hay thương xót, giàu ơn, và rất công nghĩa. Cựu ước lặp đi lặp lại nhiều lần một câu mô tả về Đức Chúa Trời: “Vì Đức Giêhôva là thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời, sự thành tín Ngài còn đến mãi mãi” (ThiThiên 106:1; 107:1; 136). Hãy chú ý vị trí đặc biệt của chữ ơn, ân sủng, ân điển, trong Kinh-thánh. Ân điển được Chúa đặt trước chân lý: “đầy ân điển và chân lý, 16 Vì sự phong phú của ân điển Ngài, nên chúng tôi đều tiếp nhận được ân điển kế tiếp ân điển.  17 còn ân điển và chân lý đến từ Đức Chúa Giêxu Christ.”

Sứ đồ Phaolô tiết lộ: “Vậy, nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu” (Êphêsô 2:8). Ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho nhân loại qua việc xuống đời làm người của Đức Chúa Giêxu, để sau khi loài người nhận ơn, là huyết quyền phép tẩy sạch tội lỗi của Đức Chúa Giêxu, thì ánh sáng lẽ thật thánh khiết của Đức Chúa Trời mới tới phiên chiếu rọi vào lòng chúng ta xuyên qua ơn hi sinh của Đức Chúa Giêxu, Đấng Cứu Thế công nghĩa, lôi những gì còn giấu giếm trong các ngóc ngách ra và tiêu diệt hết; giúp chúng ta sống bằng một tâm linh mới. Nếu Chúa không dùng ơn để làm tấm màn che thì không ai có thể sống sót nổi trước lẽ thật của Đức Chúa Trời chí thánh, ơn cứu độ đã không thể thực hiện. Vì thế, ân điển luôn luôn đi trước làm một tấm màn che trước khi ánh sáng của lẽ thật giết chết tội ác sẽ chiếu vào lòng chúng ta.

Chúng tôi đã ngắm nhìn vinh quang của Ngài, là vinh quang Con Một của Đức Chúa Cha” (14). Người đã chứng kiến mạnh dạn phát biểu: chúng tôi đã ngắm nhìn. Có lẽ sự vinh quang nói đến ở đây là sự kiện Đức Chúa Giêxu hóa hình trên núi cho ba môn đồ của Ngài thấy (Mathiơ 17: 2). Nhưng sự vinh quang của Ngôi Lời khi thành xác thịt thì trong vũ trụ không gì có thể so sánh được; chỉ có Con Một của Cha mới có vinh quang ấy. Các môn đồ đã ngắm nhìn vinh quang của thần tánh Đức Chúa Giêxu, là tin mừng từ Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 4:4b; Êsai 40:5). Những người chưa trải qua kinh nghiệm được tái sanh do quyền phép của thiên đàng chỉ thấy Đức Chúa Giêxu qua con người thể xác của Ngài, chứ không thể nhận ra thần tánh của Ngôi Lời ở trong Ngài.

Giăng lớn tiếng làm chứng về Ngài: ‘Đây chính là Người mà tôi đã nói: Ngài đến sau tôi nhưng cao cả hơn tôi, bởi Ngài hiện hữu trước tôi” (15). Đây là sự nhắc lại các câu 6 và 7. Giăng làm nhiệm vụ của một nhân chứng, vì ông được Chúa sai đến thế gian để thực hiện nhiệm vụ của ông là làm “nhân chứng để chứng thực về Ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin” (7).

Vì sự phong phú của ân điển của Ngài, nên chúng tôi đều tiếp nhận được ân điển kế tiếp ân điển. Luật pháp được Môise ban bố, còn ân điển và chân lý đến từ Đức Chúa Giêxu Christ” (16–17). Luật pháp Môise nói về tình yêu dư dật vững bền và sự thành tín của Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã làm ứng nghiệm điều mà thời Cựu Ước trông mong. Nghĩa là ân điển và chân lý (tình yêu và sự thành tín vững bền được nói đến trong luật pháp) đã đến qua Đấng Christ. Ân điển kế tiếp ân điển nghĩa là ơn mới chồng chất lên ơn đã tiếp nhận, và cứ mãi mãi tiếp tục chồng chất lên thêm nữa. Ân điển mà chúng ta kinh nghiệm qua Đấng Christ sẽ không bao giờ vơi đi; bởi vì Đấng Christ mang đến đầy dẫy hình ảnh và ân sủng của Đức Chúa Cha.

Không ai nhìn thấy Đức Chúa Trời bao giờ. Nhưng Con Một của Đức Chúa Trời, là Đấng ở trong lòng Đức Chúa Cha, Ngài giải tỏ về Đức Chúa Cha” (18). Chỉ tư tưởng trong lòng người mới biết rõ về người ấy. Ngôi Lời là tư tưởng, trí tuệ và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mới hiểu hết nỗi lòng và tình yêu của Đức Chúa Cha. Ngài đã xuống trần gian làm Người để giãi bày Cha cho nhân loại; nếu Ngài không đến, chẳng ai trong nhân loại biết được vinh quang, oai nghi, thánh khiết, quyền phép, và tình yêu từ Thiên Chúa yêu quý của chúng ta. Ơn Chúa thật quá lạ lùng, quá diệu kỳ; làm sao chúng ta có thể hiểu hay diễn đạt được, nếu Đấng Christ không đến?

PhucAmGiang05.docx

Rev. Dr. CTB